Người Nhật chống Covid bằng ‘Tam Mật’

Ngô Nhân Dụng

Mỗi quốc gia đối phó với bệnh dịch Covid-19 theo cách khác nhau, và mức độ thành công hay thất bại khác nhau. Về mặt kỹ thuật, có nhiều điều đáng học hỏi từ kinh nghiệm của nhiều nước. Nhưng về mặt văn hóa, có lẽ mọi người nên suy nghĩ về tấm gương của nước Nhật.
Trong việc đối phó với loài virus corona, Nhật Bản thành công nhờ toàn dân đồng tâm nhất trí làm theo kế hoạch của chính quyền. Kết quả là tính bình quân thì trong mỗi triệu dân chỉ có 18 người chết vì bệnh Covid. Đây là tỷ số thấp nhất trong khối G7, gồm bảy nước kinh tế mạnh nhất thế giới, không kể Trung Quốc. Con số 18 rất đáng khâm phục, khi so sánh với 240 người thiệt mạng ở Đức, nước đứng kế. Anh và Mỹ thiệt hại nhiều nhất, gần ngàn người trong mỗi triệu dân.
Nhật Bản không đóng cửa, cấm cung toàn dân như ở nước Pháp, Anh, Italy. Cũng không thả lỏng cho mọi người tự do sinh hoạt như ở Thụy Điển. Người ta vẫn đi xem phim, rạp hát không vắng khách. Xe điện ngầm vẫn chạy, nhưng mở rộng các cửa kính cho gió thổi, hành khách được yêu cầu quay mặt chéo đi, không đối diện với nhau; người nào cũng đeo mạng che mặt.

Nhật Bản chọn chiến lược “tập trung hỏa lực” vào những mục tiêu được lựa chọn. Các trường học vẫn mở cửa, trừ một thiểu số được lựa chọn vì nguy hiểm. Với dân số trên 100 triệu người, Nhật Bản thấy không thể tìm ra tất cả những người bị nhiễm vi khuẩn – như chính phủ Nam Hàn đã cố gắng với các cuộc thử nghiệm (test) và theo dõi những người đã tiếp xúc với một bệnh nhân. Số người được thử nghiệm (test) rất thấp, mỗi ngày chỉ có 270 người, so với hàng 4,000 người như ở Anh quốc hay Mỹ.
Từ tháng Ba, chính phủ Nhật thực hiện một kế hoạch ngăn chặn Covid, có thể nói, rất giản dị! Tất cả tập trung vào việc cổ động toàn dân cùng ngăn chặn không cho loài vi khuẩn lan truyền. Theo tuần báo Economist, một khẩu hiệu được truyền bá khắp nước, gọi là Tam Mật, yêu cầu người dân phải tránh ba hành động “gần gũi” (mật là gần gũi, như khi ta nói thân mật, mật thiết).
Tam Mật (san mitsu) gồm có: Thứ nhất, “Mật Bế không gian” tức là tránh không gần người khác trong những phòng ốc đóng kín. Thứ nhì, “Mật Tập trường sở” tức là không tụ tập đông người ở một chỗ. Và “Mật Tiếp hội thoại” là tránh không gặp gỡ nói chuyện với nhau. Chủ trương “Ba Không” này được vẽ hình trên các bích chương treo ở ngoài đường, nhà ga, xe điện ngầm, quán ăn, vân vân.
Chính phủ Nhật nêu ra năm điều cụ thể khuyến khích dân nên tránh để thực hiện “Tam Mật.” Luôn đeo mặt nạ che miệng, nhất là khi trò chuyện với người khác trong phòng kín gió. Không nhậu nhẹt, như thói quen của đàn ông Nhật mỗi buổi tối thường phải ăn và uống rượu với bạn đồng sở. Khi ăn, uống, không đông quá bốn người. Các nơi làm việc, công sở hay tư doanh, cho mọi nhân viên chọn giờ nghỉ khác nhau, không cùng một giờ, cũng không nghỉ ngơi cùng một phòng.
Đưa ra khẩu hiệu thì dễ. Nhưng làm cách nào để thi hành?
Ở nước Nhật Bản, các mệnh lệnh trên hoàn toàn chỉ là khuyến cáo, không nói những người làm sai sẽ bị trừng phạt thế nào. Cho nên tất cả kế hoạch ngăn ngừa Covid tại Nhật Bản thành công hoàn toàn nhờ vào yếu tố văn hóa: Dân Nhật đồng tâm nhất trí và tin tưởng vào giới lãnh đạo.
Nhờ thế, khi chính phủ yêu cầu đeo mạng che mặt, mọi người đều làm theo, không ai cãi lại vì thấy tự do cá nhân của mình quan trọng hơn sức khỏe của mọi người.

Điều may mắn cho nước Nhật là xưa nay họ sống rất vệ sinh, nhà cửa chật chội nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, ngoài đường xá, những nơi công cộng đều giữ gìn sạch sẽ. Một yếu tố quan trọng khác là hệ thống y tế của nước Nhật bảo hiểm sức khỏe cho toàn dân. Nhờ thế, người Nhật sống khỏe mạnh, số người bị bệnh mập phì chỉ có 4.2 phần trăm, so với 40% người Mỹ. Nước Nhật có nhiều người già hơn Mỹ, nhưng họ khỏe mạnh hơn.
Một hậu quả bất ngờ của chính sách Tam Mật là, nhờ giữ gìn, không gần gũi người lạ nhiều quá, năm nay bệnh cảm cúm hàng năm ở Nhật cũng rất nhẹ. Tuần báo Economist cho biết trong 15 tuần lễ từ khi bắt đầu “Mùa Cúm” nước Nhật chỉ có 148 người bị nhiễm bệnh. Trong năm năm trước, cũng khoảng thời gian này, trung bình có 17 ngàn người bị cảm cúm!
Bài học của nước Nhật khó đem ra thực hành ở nhiều nước khác. Tuy nhiên, trong vùng Á Đông, những quốc gia dân chủ như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, đều thành công trong việc ngăn ngừa bệnh dịch cũng đều nhờ người dân tin tưởng vào chính quyền. Đặc biệt là tại New Zealand, năm nay cũng mới có bầu cử toàn quốc nhưng bà thủ tướng nhìn thấy và công nhận mối đe dọa của bệnh dịch cho nên không chính trị hóa việc phòng bệnh, trị bệnh. Cả nước chỉ có hơn 2000 người mắc bệnh và 25 người chết, bà Jacinda Ardern tái đắc cử, lần đầu tiên một đảng chiếm đa số trong quốc hội.
Người Mỹ đang bắt đầu được chích ngừa vaccine ngừa Covid. Nhưng cơn bệnh dịch Covid sẽ còn lâu mới chấm dứt. Vì hàng chục triệu dân Mỹ không tin vào việc chủng ngừa. Những người được chích ngừa có thể được miễn nhiễm trong bao lâu? Sáu tháng? Một năm? Hơn nữa, dù họ không bị bệnh nhưng vẫn có thể mang virus trong mình và truyền sang người khác, nếu không ai chịu che miệng và mũi.
Loài người đã tìm ra thuốc chủng ngăn ngừa bệnh sởi, bệnh bại liệt (polio), nhưng lâu lâu các căn bệnh đó vẫn tái phát ở vài nơi. Cho nên, chúng ta sẽ còn phải sống với loài vi khuẩn SARS-CoV-2 trong năm 2021 và có thể còn lâu dài hơn. Ngay cả khi một nước đã ngăn chặn được bệnh dịch rồi thì loài virus vẫn có thể được truyền qua từ nước khác!

Cho nên trong mỗi quốc gia, đặc biệt là nước Mỹ, người ta vẫn cần gây nên một phong trào toàn dân nhất trí bảo vệ lẫn nhau, không cho bệnh dịch lan truyền. Phải công nhận bệnh dịch Covid có thật. Gần 300 ngàn người Mỹ đã chết vì Covid là sự thật, không phải do giới truyền thông, do các bác sĩ hay nhà quàn bịa đặt ra. Muốn tránh cho số người chết không tăng lên nữa, tất cả phải giúp bảo vệ người khác bằng những hành động giản dị như đeo mạng, đứng cách xa nhau, luôn luôn rửa tay, và tránh tụ tập đông người ở trong phòng kín gió.
Khi mọi người cùng làm đúng khẩu hiệu “Ba Không” như người Nhật tuân hành “Tam Mật” thì ai cũng có thể hoạt động, làm ăn, mua bán bình thường, kinh tế sẽ phục hồi. Giới lãnh đạo không những phải cổ động cho các “biện pháp vệ sinh” này mà còn phải làm gương để mọi người đồng tâm cùng ngăn ngừa căn bệnh dịch.

Related posts