TQ “đứng đầu về vắc-xin COVID-19” lại nhập 100 triệu liều của Đức

Tử Hi

Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát trên quy mô toàn cầu hiện nay, nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn tuyên truyền nhấn mạnh việc Trung Quốc “dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu và phát triển vắc-xin”. Tuy nhiên, sự kiện mâu thuẫn mới đây làm dấy lên chất vấn về việc, Bắc Kinh vội vã ký thỏa thuận với Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức, dự kiến năm tới nhập khẩu ít nhất 100 triệu liều vắc-xin.
(Ảnh: U.S. Secretary of Defense)
Trung Quốc nhập khẩu 100 triệu liều vắc-xin của Đức

Tháng trước, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ đã công bố dữ liệu cuối cùng của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đối với vắc-xin mRNA (RNA thông tin) do họ phát triển, hiệu quả của vắc-xin này cao tới 95%. Hiện tại vắc-xin BioNTech và Pfizer đã có được giấy phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ, Anh, và nhiều nước khác.

Theo Bloomberg, Tập đoàn Dược phẩm Fosun (Fosun Pharma) tại Thượng Hải sở hữu các quyền và lợi ích của vắc-xin này tại thị trường Trung Quốc, vào tháng Ba năm nay hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác liên quan, còn một đối tác khác là Pfizer không tham gia vào hợp đồng với Fosun Pharma.

Ngày 15/12 vừa qua, Fosun Pharma đã ký một thỏa thuận với BioNTech khi vắc-xin mRNA được phê duyệt tiêu thụ tại Trung Quốc và Fosun Pharma đã đặt hàng tương ứng, thì năm 2021 sẽ mua ít nhất 100 triệu liều vắc-xin từ BioNTech. Theo thỏa thuận cung ứng mà hai bên đạt được, khoản thanh toán trước cho lô 50 triệu liều vắc-xin đầu tiên là 250 triệu euro. Fosun Pharma sẽ thanh toán 125 triệu euro trước ngày 30/12/2020 và số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi sản phẩm được chấp thuận đưa vào thị trường Trung Quốc.
Vắc-xin Trung Quốc đã thất bại?

Mặc dù cơ quan chức năng ĐCSTQ thông báo rằng có 5 loại vắc-xin Trung Quốc sản xuất đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, thêm nữa vào tháng 11, hãng dược nhà nước Trung Quốc là Sinopharm đã lần đầu nộp đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đăng ký đưa vắc-xin ra thị trường, nhưng công luận tại Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế luôn nghi vấn về mức độ an toàn của vắc-xin Trung Quốc.
Vắc-xin viêm phổi Vũ Hán “CoronaVac” do Công ty Sinovac Biotech Trung Quốc sản xuất đã bị phản ứng phụ nghiêm trọng tại Brazil, chính phủ Brazil đã khẩn cấp đình chỉ thử nghiệm lâm sàng. (Nguồn ảnh:cadu.rolim /Shutterstock)

Ví dụ, ngày 12/12 Bộ Y tế Peru đã thông báo khẩn cấp về một tình nguyện viên địa phương “có biểu hiện triệu chứng thần kinh” sau khi tiêm vắc-xin Viêm phổi Vũ Hán do Tập đoàn Sinopharm phát triển, vì vấn đề này mà giới chức Peru chính thức quyết định đình chỉ thử nghiệm lâm sàng trong nước đối với vắc-xin Viêm phổi Vũ Hán của Tập đoàn Sinopharm.

Ngoài ra, ở Angola hôm 11/12 vừa qua cũng đã có thông tin về ít nhất 17 công dân Trung Quốc bị nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, trong đó có 16 người là nhân viên của một doanh nghiệp nhà nước nằm ở tỉnh Lunda Norte, doanh nghiệp này có nguồn đầu tư từ phía Trung Quốc. Theo quy định của phía giới chức Trung Quốc, tất cả những người lao động này trước khi được ra nước ngoài làm việc đều phải tiêm ngừa vắc-xin của Tập đoàn Sinopharm. Thông tin cũng chỉ ra phải có hàng trăm công dân Trung Quốc đi lao động nước ngoài bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán, dù trước khi đi họ đã được tiêm vắc-xin của Tập đoàn Sinopharm.

Sau vụ việc, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng ngăn chặn tin tức lan truyền, tìm cách định hướng vấn đề thành mang tính chính trị nhằm hạ uy tín của vắc-xin Trung Quốc.

Liên quan đến việc cơ quan chức năng Trung Quốc đang thúc đẩy thử nghiệm tiêm vắc-xin của họ cho người dân trong nước, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã dẫn ý kiến của một số người dân ở Bắc Kinh, Thượng Hải… tiết lộ rằng họ lo lắng về chất lượng vắc-xin trong nước nên đã từ chối tiêm chủng.

Nhiều lần xảy ra bê bối vắc-xin

Mới đây hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc đều đã nhấn mạnh quảng bá “việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin viêm phổi Vũ Hán của Trung Quốc là đứng đầu thế giới”. Dù còn sớm để có thể khẳng định vấn đề chất lượng vắc-xin viêm phổi Vũ Hán của Trung Quốc hiệu quả thế nào, nhưng nếu nhìn lại quá khứ thì không khó để tìm ra trong những năm gần đây, Trung Quốc Đại Lục nhiều lần xảy ra vấn đề bê bối vắc-xin vô cùng nguy hiểm.

Trong đó, vụ việc xôn xao dư luận nhất là vắc-xin phòng chó dại do Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh (Changchun Changsheng) sản xuất, làm hại hàng trăm ngàn trẻ em. Trong vụ bê bối năm 2018 này có 250.000 liều vắc-xin kém chất lượng đã được đưa vào thị trường.

Trước đó, năm 2017 xảy ra vấn đề đối với vắc-xin bạch hầu do công ty con Sinh học Vũ Hán (Wuhan Biology) của CNBG đưa vào thử nghiệm giai đoạn III, hoàn toàn không có tác dụng.

Năm 2013, nhiều trường hợp trẻ sơ sinh ở miền nam Trung Quốc bị thương tật hoặc tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B.

Năm 2007 trong sự cố vắc-xin ở Sơn Tây, nhiều trẻ em bị thương tật và tử vong do tiêm vắc-xin, nhưng chính quyền địa phương và giới truyền thông nhà nước luôn che giấu, vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng vào tận năm 2010 khi có một phóng viên của Thời báo Kinh tế Trung Quốc là Vương Khắc Cần (Wang Keqin) điều tra và tháng Ba năm đó công bố bài “Điều tra rối loạn vắc-xin Sơn Tây”, nhưng hai tháng sau khi cho công bố thông tin thì tổng biên tập của Thời báo Kinh tế Trung Quốc bị mất chức; tháng 7/2011 bộ phận điều tra của Thời báo Kinh tế Trung Quốc đã bị giải tán và phóng viên Vương Khắc Cần bị mất việc.

Về đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở Trung Quốc này, trong số các công ty dược phẩm Trung Quốc bước vào thử nghiệm vắc-xin giai đoạn III, có hai đơn vị trước đây từng xảy ra vấn đề bê bối vắc-xin là Viện Chế phẩm Sinh học Vũ Hán và Công ty Kexing Biotech.

Tử Hi, Vision Times tiếng Trung

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Related posts