Theo Taiwan News, sau khi Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Tsangpo như một phần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Ấn Độ lo ngại chính phủ Trung Quốc lợi dụng kế hoạch này để thực hiện âm mưu quân sự.
Yarlung Tsangpo là con sông dài nhất ở Tây Tạng chảy vào miền đông Ấn Độ, nơi nó được người Ấn gọi là Brahmaputra, trước khi chảy ra biển Ấn Độ Dương qua Bangladesh.
Trên sông Yarlung Tsangpo, Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển nhiều dự án thủy điện, đặc biệt là ở khu vực hạ lưu nơi có thể cung cấp gần 70 triệu kWh điện, gấp ba lần năng lực cung cấp điện của đập Tam Hiệp, theo China5e.
Hiện Trung Quốc đã xây dựng trên Yarlung Tsangpo đập thủy điện Zangmu, bắt đầu phát điện từ tháng 11/ 2014.
Việc Trung Quốc dự kiến xây thêm đập ở Yarlung Tsangpo làm dấy lên lo ngại của Ấn Độ về tác động đối với môi trường và những thảm họa thiên nhiên. Ấn Độ cũng lo ngại những con đập mới sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế hơn trong các cuộc tranh chấp và xung đột biên giới, vốn đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng gần đây ở khu vực Ladakh của Ấn Độ.
Ông Ji Rong, một quan chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi, đã xoa dịu Ấn Độ bằng một tuyên bố rằng “Bất kỳ dự án nào cũng sẽ được lên kế hoạch và tiến hành một cách khoa học với sự cân nhắc đầy đủ về tác động đối với các khu vực hạ nguồn và lợi ích của cả các nước thượng nguồn và hạ nguồn”.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã xây tới 11 con đập trên thượng nguồn sông Mekong, và những con đập này đã giữ lại một lượng nước khổng lồ. Điều này gây ra hạn hán nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu đồng thời làm tăng lượng mưa tại các khu vực có đập.
Thời báo Hindustan dẫn nghiên cứu của Viện Lowy cho biết Trung Quốc sở hữu nguồn nước ở Tây Tạng khiến Bắc Kinh trở thành lực lượng kiểm soát thượng nguồn của bảy con sông lớn nhất Nam Á, bao gồm Indus, Ganges, Brahmaputra, Irrawaddy, Salween, Yangtze và Mekong. Gần 48% lượng nước chảy trực tiếp vào Ấn Độ.