Vivian Đỗ
Sau khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona và lên tiếng bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông, cũng như phản ánh tình hình nhân quyền ở Trung Quốc thì cũng là lúc quan hệ Úc – Trung tụt dốc nghiêm trọng. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một cuộc chiến thương mại với hy vọng “đè bẹp” nước Úc. Nhưng chính phủ Úc không chịu lùi bước.
Bà Hoa Xuân Oánh (trên) và ông Triệu Lập Kiên (dưới) [ảnh BNG TQ], Thủ tướng Úc Scott Morrison (phải) [ảnh: LSQ Úc]
ĐCSTQ trả đũa chính phủ Úc
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 26/9, Thủ tướng Úc Scott Morrison nhấn mạnh việc điều tra về nguồn gốc của virus corona gây ra đại dịch COVID-19. Ông cho rằng việc này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra một đại dịch toàn cầu khác trong tương lai. Từ hồi đầu năm, ông Morrison cũng đã khởi xướng một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch, khiến mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh trở nên căng thẳng từ đó.
Điều này cũng không khó lý giải, vì nguồn gốc của virus corona là một chủ đề vô cùng “nhạy cảm” với Trung Quốc. Đến tận bây giờ họ vẫn cố tung hỏa mù bằng những câu chuyện kỳ quặc. Đầu tiên họ nói virus corona có thể khởi phát từ Ý hoặc Ấn Độ, sau đó lại cáo buộc Hoa Kỳ là nước gây ra dịch bệnh, rồi lại tiếp tục đưa tin rằng virus corona truyền đến Trung Quốc qua đường…thịt bò Úc. Mỗi ngày Chính phủ Trung Quốc lại tung ra một câu chuyện, tuy chúng không hề ăn nhập gì với nhau nhưng họ cũng không có hậu quả gì. Ở những quốc gia không có tự do báo chí, chính phủ không bị chất vấn về những vấn đề này.
Tuy nhiên vụ điều tra virus corona không phải là lý do duy nhất khiến Úc trở thành “cái gai” trong mắt Trung Quốc. Vào tháng 11, đại sứ quán Trung Quốc đã chuyển cho giới truyền thông Úc một danh sách gồm 14 lý do tại sao Chính phủ Úc đã khiến Trung Quốc phải “nổi đóa”. Trong đó có lệnh cấm Huawei và ZTE cung cấp dịch vụ 5G ở Úc, và việc Chính phủ Úc “bừa bãi can thiệp không ngừng vào các vấn đề về Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan của Trung Quốc”. Danh sách thậm chí còn bao gồm việc một nghiên cứu của Úc công bố báo cáo về vấn đề Trung Quốc cưỡng bức người lao động Duy Ngô Nhĩ.
Và theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tất cả những việc này đều là “lỗi” của Úc, rằng Úc đã không trân trọng “thiện chí” của Trung Quốc.
ĐCSTQ đã trả đũa Úc bằng các biện pháp như trừng phạt thuế quan và cấm nhập các sản phẩm từ Úc như lúa mạch, thịt cừu, thịt bò, than đá, tôm hùm và gỗ. Bắc Kinh cũng bắt giữ nhà báo quốc tịch Úc, Cheng Lei với cáo buộc gây nguy hại cho an ninh quốc gia, đồng thời thẩm vấn 2 nhà báo Úc khác trước khi cho phép họ về nước. Trung Quốc cũng cho biết nước này đã ban lệnh cấm nhập cảnh đối với hai học giả người Úc chuyên phê phán ĐCSTQ.
Căng thẳng Úc – Trung leo thang
Căng thẳng Úc – Trung chạm đến đỉnh điểm vào ngày 30/11, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đăng một bức ảnh dàn dựng lên twitter. Bức ảnh thể hiện một người lính Úc tay cầm một con dao đầy máu cứa cổ một đứa trẻ, trong tay đứa bé này đang ôm một con cừu, tất cả đứng trên lá cờ Úc.
Dòng tweet của Triệu viết: “Sốc trước cảnh lính Úc giết hại tù nhân và thường dân Afghanistan. Chúng tôi cực lực lên án những hành vi man rợ như vậy, và kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên sự thật là ông Triệu Lập Kiên đã sử dụng bức ảnh minh họa do một họa sỹ “yêu nước” Trung Quốc sáng tác và đổ vấy cho Úc.
Thủ tướng Úc Morrison đã đáp trả một cách giận dữ, ông mở hẳn một cuộc họp báo để chỉ trích bài đăng, cho rằng Trung Quốc đã hạ nhục Úc và yêu cầu “một lời xin lỗi từ Bắc Kinh”.
Trên thực tế, sau một cuộc điều tra dài 4 năm, Chính phủ Úc đúng là đã đưa ra một báo cáo độc lập cho biết rằng binh lính trong lực lượng đặc nhiệm Úc có lẽ đã thực hiện đến 39 vụ giết người ở Afghanistan và họ đang phải đối mặt với điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh. Đây là một vụ bê bối lớn và Chính phủ Úc đã cam kết sẽ chỉ định một điều tra viên đặc biệt để truy tố vụ việc và một ban giám sát độc lập để đảm bảo rằng chính phủ sẽ thực hiện thay đổi. Úc cũng đã xin lỗi Afghanistan.
Có lẽ báo cáo này của chính phủ Úc đã khơi gợi cho ý tưởng truyền thông tồi tệ của ĐCSTQ.
Tuy nhiên cho dù ĐCSTQ có mượn cớ này để sỉ nhục Úc thì điều đó chỉ càng làm nổi rõ sự đối lập căn bản giữa chế độ độc tài toàn trị của Trung Quốc với nền dân chủ tự do của Úc. Chính phủ Úc đã công khai điều tra về các cáo buộc tội ác chiến tranh của chính họ và sẽ trừng phát binh lính của mình nếu đó là sự thật, chính phủ cũng phải nhận hậu quả và công chúng được biết về điều đó. Nếu đem việc này so sánh với cách ĐCSTQ bức hại man rợ người Duy Ngô Nhĩ, người theo Đạo Hồi ở Tân Cương, người tập Pháp Luân Công… và sau đó bóp méo truyền thông, thì ĐCSTQ lấy đâu ra tư cách chỉ trích Chính phủ Úc?
Nguyên nhân sâu xa
Thực ra cuộc chiến thương mại Úc – Trung nổi lên gần đây không chỉ là hệ quả trực tiếp của những vụ việc trên. Vấn đề giữa hai quốc gia còn sâu xa hơn rất nhiều và đã bắt đầu nhen nhóm từ năm 2017, khi Chính phủ Úc cuối cùng cũng nhận ra quy mô ĐCSTQ thâm nhập vào nền kinh tế, chính trị, xã hội Úc và quyết định phơi bày các hoạt động của ĐCSTQ để bảo vệ đất nước mình, bằng cách thông qua luật can thiệp nước ngoài.
Động thái này đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ giữa các quốc gia dân chủ tự do với chủ đề về sự xâm nhập của Trung Quốc vào những đất nước này.
ĐCSTQ dĩ nhiên không muốn điều ấy, do đó họ đã đưa ra các biện pháp nhằm “đè bẹp” Úc trước khi các nước khác học theo. Và biện pháp điển hình nhất như đã thấy chính là ĐCSTQ trừng phạt kinh tế Úc bằng các quy định thuế quan và cấm hàng nhập khẩu từ Úc. Một số chuyên gia cảnh báo rằng thương chiến với Trung Quốc có thể khiến GDP của Úc giảm đi 6%.
Tuy nhiên trong cuộc chiến này, Úc không đơn độc. Các đồng minh của Úc đã tuyên bố “nếu họ không mua rượu của bạn, chúng tôi sẽ mua.” Hay Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ vào ngày 1/12 cũng đã tweet:
“Rượu vang Úc sẽ được chiêu đãi tại Nhà Trắng trong dịp lễ tuần này. Những người yêu rượu Vino đáng thương ở Trung Quốc vì mức thuế cưỡng chế của Bắc Kinh lên rượu vang Úc mà sẽ bỏ lỡ món ngon.”
Ngay cả trong thị trường quốc nội, khi truyền thông gần đây chỉ ra việc Trung Quốc ngăn cấm Úc xuất khẩu tôm hùm khiến giá tôm hùm ở Úc giảm mạnh, thì người dân Úc đã đổ xô tranh nhau mua tôm hùm giá rẻ và ủng hộ ngành thủy sản địa phương. Có ý kiến còn cho rằng khi các phương tiện truyền thông lớn tung lên điều gì, thì hãy thử suy nghĩ theo chiều ngược lại.
Chính phủ Úc không chịu lùi bước, kêu gọi các nước dân chủ tự do đoàn kết chống lại chế độ độc tài ĐCSTQ
Thượng nghĩ sĩ tại bang Tasmania của Úc, ông Eric Abetz trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Chris Chappell trên kênh China Uncensored (Trung Quốc Không Kiểm Duyệt), đã đề cập đến tính vô kỷ luật và phi đạo đức của chế độ độc tài ĐCSTQ và kêu gọi mọi quốc gia tin vào quyền tự do, tin vào nhân quyền và pháp quyền hãy gắn bó với nhau.
Ông Eric là người từng bị buộc tội “phân biệt chủng tộc” trên các phương tiện truyền thông Úc sau khi ông hỏi 3 người Úc gốc Hoa rằng liệu họ có sẵn sàng lên án chế độ ĐCSTQ không. Cho đến nay ông vẫn giữ vững lập trường “đứng về phía những người bị áp bức” của mình. Ông nói: “Hãy nhớ rằng đây là một chế độ độc tài đã nhốt một triệu người của chính nó trong một trại tập trung. Điều đó xúc phạm tất cả chúng ta vì họ là những người theo đạo Thiên Chúa, vì họ là học viên Pháp Luân Công, vì họ ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông… Đây là một chế độ tàn bạo mà trên thực tế đã mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang cố đánh bật những người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi tỉnh Tân Cương, nơi có các trại tập trung và những vụ đàn áp khác mà chế độ này đang tiến hành, đó mới là phân biệt chủng tộc.”
Thượng nghị sĩ Úc cho rằng các giá trị của chế độ độc tài hoàn toàn trái ngược với các giá trị mà Úc và Hoa Kỳ đang nắm giữ, những quốc gia yêu tự do trên thế giới cần phải có lập trường.
Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình hiện nay đang đi ngược lại con đường tự do hóa, ngày càng trở nên đàn áp hơn và độc tài hơn. Ông Tập Cận Bình nói rằng Karl Marx là nhà lãnh đạo tư tưởng vĩ đại nhất từ trước đến nay, còn bản thân ông Tập thì muốn tạo dựng phong cách của mình dựa theo hình mẫu của Joseph Stalin, kẻ xấu xa nhất trong các nhà độc tài Liên Xô.
Trong thương chiến Úc – Trung lần này, chế độ độc tài ĐCSTQ đã phản ứng một cách hung hăng và xấu xí. Na Uy trước đây cũng từng chịu những vấn đề tương tự khi họ hỗ trợ một nghệ sĩ bất đồng chính kiến từ Trung Quốc; điều này cũng đã xảy ra với Cộng hòa Séc và Canada. Đó là lý do tại sao Thượng nghị sĩ Eric kêu gọi tất cả các quốc gia yêu tự do trên thế giới hãy xích lại gần nhau, tạo thành một khối và khi đó ĐCSTQ sẽ không thể loại bỏ từng nước, từng nước một. Nếu ai nhắm vào Úc thì người đó cũng đang nhắm vào Na Uy, nhắm vào Hoa Kỳ, nhắm vào người bạn láng giềng New Zealand, nhắm vào cả Ấn Độ và Nhật Bản…
Khi được hỏi về việc liệu Chính phủ Úc có lo ngại bị thiệt hại kinh tế nếu đối đầu với ĐCSTQ không, ông Eric tỏ ra rất vui và cho biết Thủ tướng Úc Scott Morrison đã liên tục khẳng định về các giá trị và niềm tin của Úc, và rằng:
“Đạo đức của chúng tôi không phải để bán.” “Và vì vậy, nếu chúng ta đứng về quyền con người thì chúng ta cần phải lên án… Nếu hậu quả kinh tế là một cái giá phải trả với chúng tôi, thì đó là một vấn đề rất đáng tiếc. Nhưng tôi nghĩ rằng người dân Úc làm được điều đó.”
Thực tế, người Trung Quốc mua sản phẩm của Úc là vì chất lượng sản phẩm, độ tin cậy với nguồn cung cấp và giá cả phải chăng chứ không phải vì Trung Quốc đang “ban ơn” cho Úc. Do đó, nếu ĐCSTQ đột ngột cắt đứt nguồn cung từ Úc thì đồng nghĩa với việc họ cũng đang từ bỏ lợi ích của người dân nước mình. Đây chính là những gì mà một chế độ độc tài hiếu chiến vẫn làm, sẵn sàng trừng phạt người khác bất chấp hy sinh lợi ích của dân chúng. Gần đây, tại Trung Quốc nhiều tỉnh thành đột ngột bị mất điện như Quảng Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh… Cũng có thông tin chỉ ra, một trong số các nguyên nhân là do ĐCSTQ cấm nhập khẩu than của Úc từ tháng 11, khiến giá mua than tăng mạnh và cung cấp điện không đủ.
Các nhà lãnh đạo Úc lạc quan rằng “cuộc chơi” này cuối cùng cũng chỉ để chứng minh sự quyết tâm của người dân và chính phủ Úc, như Thượng nghị sĩ Eric khẳng định: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi làm như vậy bởi vì có những giá trị và nguyên tắc nhất định không phải để đem đi bán.”
Vivian Đỗ