Lê Xuân
Tháng 12 luôn là một tháng quan trọng ở Trung Quốc. Vào thời điểm bận rộn về mặt chính trị này, có một diễn biến đáng chú ý tại Trung Nam Hải, nơi đặt trụ sở chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền nhà nước.
Chủ tịch nước – Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chủ trì hai cuộc họp vào ngày 11/12. Một là cuộc họp của Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định của đảng bao gồm 25 quan chức cấp cao nhất của chính trường Trung Quốc; hai là buổi thảo luận nhóm, cũng của những thành viên này.
Cuộc họp của Bộ Chính trị kêu gọi “tăng cường các nỗ lực chống độc quyền và ngăn chặn việc mở rộng tư bản một cách mất trật tự.”
Trong khi đó tại phiên thảo luận, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết của “an ninh quốc gia”, “an ninh chính trị” và “an ninh của quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị.”
Một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề chính trị và kinh tế Trung Quốc giải thích rằng hai thông điệp này đi đôi với nhau.
Bộ Chính trị tổ chức một cuộc họp mỗi tháng tại Trung Nam Hải. Các phiên thảo luận trong Bộ Chính trị, được tổ chức trùng với các cuộc họp Bộ Chính trị, là nơi nhà lãnh đạo tìm hiểu về các vấn đề chính trị tại thời điểm đó và hình thành sự đồng thuận chung.
Đây là trường hợp đầu tiên Bộ Chính trị nói về việc “tăng cường các nỗ lực chống độc quyền” và “ngăn chặn sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự”.
Các cụm từ chính tại đây sau đó sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương sắp tới của đảng, một cuộc họp thường niên quan trọng để thảo luận về định hướng các chính sách kinh tế năm tới.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm nay đặc biệt quan trọng vì năm 2021 là năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm tiếp theo và sẽ đặt ra nền móng cho các chính sách của ông Tập trong thời kỳ đó.
Mặc dù không có cái tên nào được nhắc đến, nhưng ai cũng biết mục tiêu là Alibaba Group Holding và người sáng lập của nó – Jack Ma.
Alibaba đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc và ĐCS; Bản thân Ma cũng là một đảng viên. Nhưng dường như đế chế thương mại điện tử khổng lồ này đã bắt đầu làm phật lòng đảng.
Đầu tháng trước, đơn vị tài chính Ant Group của Alibaba đột ngột buộc phải trì hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Thượng Hải và Hồng Kông trị giá tới 35 tỷ USD.
Hôm 14/12, ba ngày sau cuộc họp của Bộ Chính trị, chính quyền Trung Quốc đã phạt Alibaba và một công ty con của Tencent, gã khổng lồ công nghệ đứng sau ứng dụng nhắn tin WeChat nổi tiếng, vì đã không khai báo các giao dịch mua lại trước đây theo luật chống độc quyền.
Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đã phạt Alibaba 500.000 nhân dân tệ (76.500 USD) vì đã tăng cổ phần trong chuỗi cửa hàng bách hóa Intime Retail Group vào năm 2017 “mà không thông báo trước cho chính quyền.”
Nhà xuất bản sách điện tử Văn học Trung Quốc do Tencent sở hữu, cũng bị phạt mức tương đương.
“Mặc dù số tiền phạt là tương đối thấp, nhưng các hình phạt được kỳ vọng sẽ gửi đi tín hiệu về việc giám sát chống độc quyền nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực internet và có tác dụng răn đe”, theo một quan chức của cơ quan này được Tân Hoa xã dẫn lời.
Hơn nữa, việc sử dụng thành ngữ mạnh mẽ “ngăn chặn sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự” đã gợi ý về các “luật mới” trong tương lai.
Vậy điều gì ở Alibaba đã khiến giới lãnh đạo ĐCSTQ lo sợ?
Thông qua các công ty liên kết của mình, Alibaba đã đầu tư vào một nền tảng truyền thông xã hội bao gồm các dịch vụ chia sẻ và phát trực tuyến video, Ngoài đó ra, tập đoàn cũng sở hữu các nhóm truyền thông, bao gồm cả tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông. Ảnh hưởng của Alibaba đã phát triển mạnh mẽ đến mức nó được gọi là “đế chế truyền thông”.
Tại Trung Quốc, các cơ quan đóng vai trò kiểm soát dư luận do đảng nắm giữ, như Văn phòng Ủy ban Trung ương về An ninh mạng và Thông tin hóa, có quyền hạn rất lớn trong việc chặn bất cứ thông tin nào bất lợi cho chính quyền mà nó muốn.
Các cơ quan công quyền đã tỏ ra lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Alibaba. Nếu họ không kiểm soát được tập đoàn này, quyền kiểm soát của chính quyền có thể bị xói mòn.
Điều này tạo thành khía cạnh “an ninh quốc gia” của “vấn đề Alibaba.”
Trong khi đó, “ngăn chặn sự bành trướng vô trật tự của tư bản”, ám chỉ thái độ không hài lòng [của ông Tập] đối với khu vực tư nhân.
Ở Trung Quốc, đã có một cuộc tranh luận kéo dài về việc các công ty tư nhân nên được đối xử như thế nào trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
ĐCSTQ và phe cánh thường coi trọng truyền thống xã hội chủ nghĩa và các doanh nghiệp nhà nước.
Bản thân ông Tập đã kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước phải trở nên “mạnh hơn và lớn hơn”.
Tại phiên thảo luận của Bộ Chính trị, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh quốc gia.
Trung Quốc cần một “cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia”, nhà lãnh đạo nói, đồng thời kêu gọi một góc độ an ninh quốc gia cho các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội.
Ông nói thêm: “Cần ưu tiên hàng đầu cho an ninh chính trị để bảo vệ an ninh của quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị.”
Trong khi thuật ngữ “an ninh quốc gia” được sử dụng ở đây giống như cách nó được sử dụng trên toàn thế giới, thì thuật ngữ “an ninh chính trị” chỉ có ở những nước cộng sản như Trung Quốc.
An ninh chính trị được cho là mô tả một tình huống trong đó các chủ thể chính trị không bị xâm hại hoặc đối mặt với các mối đe dọa do các yếu tố trong nước hoặc quốc tế. Đó là một khái niệm chỉ có ở Trung Quốc, nơi đảng đi trước nhà nước.
An ninh của “hệ thống chính trị” là một lời kêu gọi rõ ràng hơn cho việc bảo tồn cấu trúc quyền lực hiện tại.
Trung Quốc không có cơ chế dân chủ để người dân lựa chọn chính quyền. Hệ thống chính trị hiện tại mà ông Tập đang kêu gọi bảo vệ, là hệ thống mà theo đó không còn bất kỳ giới hạn nhiệm kỳ nào đối với chủ tịch Trung Quốc, tổng bí thư hoặc chủ tịch quân ủy trung ương. Ông Tập giữ cả ba chức vụ này.
Thông điệp cho thấy ông muốn có sự tập trung hơn nữa quyền lực vào tay mình, khác với hệ thống lãnh đạo tập thể truyền thống.
Trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an ninh chế độ, ông Tập là trung tâm.
Các cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 11/12 rõ ràng phản ánh cảm giác khủng hoảng trong các quan chức đảng, những người cảm thấy không yên tâm về tương lai.
Họ sợ rằng nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng mất trật tự của tư nhân thông qua việc tăng cường quản lý kinh tế và sự chỉ đạo của đảng, thì sự cai trị độc đảng có thể bị lung lay, dẫn đến việc chế độ Tập có thể gặp rủi ro.
Trước đó, vấn đề an ninh quốc gia đã được chủ trương nhất quán trong năm qua, chẳng hạn như khi Trung Quốc bỏ qua cơ quan lập pháp của Hồng Kông và trực tiếp ban hành Luật an ninh quốc gia cho đặc khu.
Điều này dựa trên logic rằng an ninh quốc gia liên quan đến Hồng Kông sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh chính trị và chế độ của ĐCSTQ.
Không có hồi kết cho cuộc chiến giành an ninh quốc gia, chính trị và chế độ của ông Tập.
Lê Xuân (theo Nikkei Asia)