Ngô Nhân Dụng
Trong một tuần lễ, cả nước Mỹ xáo động vì bị tin tặc tấn công toàn diện và vũ bão. Mặc dù đã chuẩn bị ngưng chiến từ bao năm nay, với một hệ thống phòng thủ đặt tên là Einstein, cho thấy toàn những người thông minh làm các công việc thông minh tuyệt vời. Trong chốc lát, ai cũng thấy hệ thống phòng vệ này mong manh không khác gì dẫy hào lũy Maginot mà nước Pháp đã hãnh diện bỗng tan rã khi bị Đức Quốc Xã tấn công năm 1940!
Ông Vladimir Putin có thể ngồi xoa bụng mỉm cười hể hả. Tất cả các chuyên viên tin học đồng ý rằng chỉ có một số người đủ khả năng mở cuộc tấn công lớn như vậy trong gần một năm trời mà các mạng lưới chống tin tặc của Mỹ không hay biết gì hết! Đó là SVR, tổ chức phản gián quốc ngoại hoặc GRU, cơ quan tình báo của quân đội Nga.
Phải nói rằng các chiến sĩ tin tặc Nga mưu mẹo thần tình. Họ dùng cửa sau để tấn công; cài “vi khuẩn tin học” vào các chương trình do công ty SolarWinds ở Mỹ đang bán cho 300,000 khách hàng. Nhờ lối đó, họ xâm nhập máy vi tính của 400 trong số 500 công ty lớn nhất ở nước Mỹ; và các cơ quan chính phủ: Bộ Ngoại giao, Nội An, Thương mại; bộ Năng lượng phụ trách các cơ sở nguyên tử lực kể cả các kho bom; bộ Tài chánh, chuyên theo dõi các vụ chuyển tiền hợp pháp hay bất hợp pháp; Viện Y tế Quốc gia (NIH) đang theo dõi những khám phá phòng chống và trị bệnh dịch Covid-19. Trong số các “nạn nhân” bị cài vi khuẩn có các đại công ty Cisco, nhà làm chip điện tử như Intel, Nvida, công ty VMware chuyên về tin học đám mây (cloud-computing), Belkin, bán dụng cụ nối mạng cho khách hàng.
Công ty FireEye, chuyên phòng chống tin tặc, và cũng là một nạn nhân, cho biết trận tấn công của Nga nhắm vào nước Mỹ nhưng cũng đánh qua các nước khác, từ Âu châu sang Á châu. Microsoft, cũng bị tấn công, kể rõ tên các nước: Canada, Mexico, Belgium, Tây Ban Nha, Anh quốc, Israel và các vương quốc Á Rập, United Arab Emirates.
Các “thủ phạm” gây cuộc tấn công này có thể dùng các “vi khuẩn” nằm vùng của họ để theo dõi, nghe trộm, đọc trộm các email, lấy trộm các dữ kiện, thông tin, thuộc các công ty, các tổ chức chính quyền, cả thư từ riêng của các nhân vật quan trọng. Đáng sợ hơn nữa, họ có thể sai các vi khuẩn của họ ra lệnh cho máy làm việc hay đóng cửa!
Cho đến nay, chưa ai biết các tin tặc của Nga đã lấy trộm những gì và sẽ dùng để làm gì. Không biết cả cuộc tấn công tin học này không biết nhằm mục đích nào. Họ có thể tìm ra các bí mật nhưng sau dùng các bí mật này để làm gì?
Nhưng “mất bò phải lo làm chuồng.” Không biết bao nhiêu con bò đã mất rồi, người Mỹ đang phải lo củng cố cái chuồng! Nếu mục tiêu của cuộc tấn công chỉ nhắm ăn trộm một số con bò thôi, thì cũng đáng công. Nhưng đó chỉ là một vụ ăn trộm rất ngắn hạn. Các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân ở Mỹ mới rút được một bài học, sẽ lo đặt ra các hàng rào phòng thủ mới. Những gì đã mất cắp mà có thể thay thế sẽ được sửa đổi ngay. Nếu như các cơ quan gián điệp Nga, SVR, hoặc GRU, muốn thâm nhập các xí nghiệp và chính phủ Mỹ để lấy trộm thông tin lâu dài thì chắc họ không tấn công ào ạt và lộ liễu như vậy!
Tấn công trong bí mật nhưng trong vòng 10 tháng đã bị tiết lộ, đó không phải là một chiến lược lâu dài khi hai quốc gia đang lâm chiến. Gián điệp Nga có thể dùng vi khuẩn tin tặc phá hoại các cơ sở thông tin và điều khiển của các công ty hay chính quyền Mỹ. Nhưng nếu họ động thủ thì đó là một “hành động chiến tranh” và sẽ bị trả đũa nặng nề, không thể ước lượng hậu quả. Ông Putin chắc không muốn gây chiến toàn diện!
Vậy cuối cùng, mục tiêu của cả chiến dịch tấn công tin học này là gì? Chỉ có thể nói, đó là một hành động khủng bố. Khủng bố, tức là làm cho người ta sợ. Đám chuyên viên tin tặc của ông Putin quả nhiên đã cho cả nước Mỹ một mẻ sợ! Nhưng không thấy họ đạt được một mục đích nào lớn và gây hậu quả lâu dài.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức kết tội chính quyền Nga chủ mưu vụ tấn công này. Nhưng chính phủ Mỹ chưa cho biết họ phản ứng như thế nào. Có thể họ đang cảm ơn ông Putin. Một hậu quả của cuộc tấn công suốt năm trời là giúp cho chính phủ và các công ty Mỹ từ nay lo “làm chuồng” bảo vệ những con bò của mình cẩn mật hơn!
Nhưng tại sao ông Putin lại giúp nước Mỹ như thế?
Có thể đoán rằng chính ông không chủ trương cuộc tấn công. Trừ khi ông chỉ muốn chơi một trò đùa, cốt làm cho Mỹ sợ hãi và khâm phục, biết tay chân của ông tài giỏi như thế nào. Cũng có thể cả chiến dịch tấn công tin tặc này hoàn toàn là sáng kiến của bộ máy phản gián của Nga. Họ bày mưu tính kế, thi hành thủ đoạn, phá phách các nước thù nghịch. Vì đó là công việc hàng ngày của họ. Nếu không làm, thì làm sao biện minh được bao nhiêu tiền trong ngân sách chính phủ Nga dùng để nuôi sống bao nhiêu chuyên viên tin học thượng thặng trong SVR và GRU?
Vladimir Putin xuất thân trong nghề phản gián. Ông cai trị bằng công an, mật vụ. Ông đứng đầu nước Nga đã được 20 năm, và chắc sẽ ngồi đó 20 năm nữa. Ông đem tài nguyên cả nước để nuôi tay chân, từ đám quần thần được ông trao cho các nguồn lợi kinh tế độc quyền để sai bảo.
Trong các xã hội cộng sản, nơi thu hút nhân tài nhiều nhất là công an, mật vụ. Bởi vì đó là nơi được cấp nhiều bổng lộc với những phương tiện làm việc tốt nhất cho mình thi thố tài năng. Ở Nga, các cơ quan gián điệp là nơi thu hút các thiên tài tin học. Không khác gì các công ty Intel, Cisco, Amazon, Goldman Sachs, Tesla, vân vân, ở Mỹ lôi cuốn các sinh viên mới ra trường.
Những thiên tài tin tặc của ông Putin đã chứng tỏ khả năng siêu quần của họ. Họ rất đáng được tưởng thưởng. Ít nhất, họ làm cho cả nước Mỹ hoảng hốt lo sợ; Bố Già được mỉm cười.
Nhưng cuối cùng, nước Nga và 147 triệu dân Nga được lợi lộc gì không? Không thấy lợi ích kinh tế thực tế nào cả.
Đó là tình trạng phi lý từ thời chế độ độc tài cộng sản. Người ta tổ chức một xã hội trong đó những tài nguyên quý giá nhất, là nhân tài, bị đem dùng trong các công việc không ích lợi gì về kinh tế. Guồng máy nhà nước và xã hội Nga bây giờ vẫn còn mang di sản nặng nề đó.
Ngược lại, trong các xã hội dân chủ tự do và kinh tế thị trường mở cửa, các công ty tư nhân là nơi thu hút các nhân tài. Tư nhân chỉ lo kiếm lợi. Nhưng họ chỉ có thể kiếm lợi bằng cách cung cấp những sản phẩm và dịch vụ hữu ích nhất cho người khác, nếu không thì bị đào thải. Cứ như thế, cả xã hội cùng tiến bộ.
Có những tiến bộ rất nhỏ, do sáng kiến của một người, được một xí nghiệp sử dụng, nhưng bao nhiêu sáng kiến như thế tích tụ lại sẽ làm cho cả xã hội tiến lên. Trong năm 2020 vừa rồi, cả nước Mỹ đã sống theo cách mới, chịu đựng và đối phó với bệnh dịch Covid-19. Dân Mỹ cũng không ngờ họ được hưởng những thành quả của công trình do biết bao nhiêu sáng kiến đã tích lũy trong quá khứ mà trước đây họ không cần biết!
Gia đình tôi bây giờ, cha mẹ, con cái và các cháu muốn gặp nhau đều dùng ZOOM, mà năm ngoái chúng tôi không biết có nó. Chúng tôi cũng không ngờ các thứ hạ tầng cơ sở, như “Broadband, Cloud computing, Streaming …” đã có người bày đặt ra từ bao giờ! Đến lúc này, ai cũng bị cấm cung thì mới thấy các phương tiện đó quá ích lợi. Mà không có là không sống được!
Nhờ các sáng chế tin học hơn nửa thế kỷ qua, bây giờ dân Mỹ có thể ngồi ở nhà, không tới siêu thị hay ngân hàng, mà vẫn mua, bán, trả tiền. Muốn mua một tá khăn bông hay một cái máy giặt, chỉ cần sờ tay vào cái điện thoại di động, mấy ngày hàng sẽ tới. Người ta có thể chẩn bệnh, mua thuốc qua điện thoại.
Những người đã sáng chế các kỹ thuật tin học giúp cho chúng ta sống qua cơn bệnh dịch, làm việc âm thầm trong hơn 50 năm qua, cũng là các thiên tài. Họ cung cấp những phương tiện sẵn sàng chờ đó cho chúng ta sử dụng. Những thiên tài này được khuyến khích làm những việc ích lợi cho cả xã hội. Họ cũng được tưởng thưởng xứng đáng. Nghĩ thế mà thấy tiếc, thấy thương cho các thiên tài của ông Putin.