Đã có nhiều nhận định rằng trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất.
Người Việt Nam có câu “Duật Bạng tranh cò, Ngư ông đắc lợi”. Cứ cho là những quan điểm nói trên đúng, thì Việt Nam hiện nay đang là ngư ông, trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ đang xông vào đánh nhau.
Tuy nhiên người Việt cũng có câu “Trâu Bò đánh nhau, Ruồi Muỗi chết”. Cho nên Việt Nam sẽ thủ lợi hay Việt Nam sẽ chết theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung này. Thử phân tích quan điểm của một số các chuyên viên kinh tế trong nước và thế giới.
Chính phủ Việt Nam hiện nay đang đánh giá viễn cảnh kinh tế Việt Nam trước mắt và lâu dài trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chưa có dấu hiệu kết thúc. Hiện tại Việt Nam được xem là quốc gia có thời cơ phát triển vì các công ty doanh nghiệp đang ồ ạt rời Trung Quốc để đến Việt Nam thiết lập căn cứ. Trong liên tục nhiều tháng qua kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng sản xuất hàng hóa cho thế giới. Việc này vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng rằng đến năm 2029 nền kinh tế Việt Nam sẽ qua mặt nền kinh tế Singapore.
Tuy nhiên một số chuyên gia khác thì tỏ ý lo ngại và nghi ngờ, vì hiện
tại Việt Nam hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị để có thể thay thế Trung Quốc trở
thành công xưởng sản xuất cho
cả thế giới, vì Việt Nam chưa chuẩn bị để đón tiếp làn sóng các doanh nghiệp từ
Trung Quốc đang ào ạt đổ bộ vào Việt Nam.
Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong đang đổ bộ vào Việt Nam. Càng ngày càng có nhiều công ty từ Trung Quốc muốn có nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tránh thuế từ Hoa Kỳ.
Theo tờ Los Angeles Times tháng Bảy vừa qua thì xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng 36% trong sáu tháng đầu năm 2019, đạt mức 25 tỷ đô la, và biến Việt Nam thành quốc gia đứng hàng thứ sáu trong các quốc gia xuất hàng sang Mỹ nhiều nhất.
Cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đang tìm cách nhập hàng hóa từ những quốc gia khác để tránh thuế quan hai chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt lên nhau trong cuộc chiến thương mại hiện tại. Chỉ trong tháng 3 năm 2019 việc chuyển hướng nhập khẩu của Hoa Kỳ và Trung Quốc từ Việt Nam đã đóng góp đến 7.9% tổng sản lương quốc dân của Việt Nam. Việt Nam vẫn tiếp tục là quốc gia có mức xuất siêu ngoạn mục trong khi mức xuất khẩu của các quốc gia Á Châu khác đều suy giảm.
Trong năm tháng đầu tiên của năm 2019 tỷ trọng hàng điện tử, máy tính từ Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 71.6%. Mức xuất siêu trong năm tháng này của Việt Nam so với Hoa Kỳ tăng 40$ đạt mức 21.6 tỷ đô la. Trong khi đó mức đầu tư vào Việt Nam tăng 9.8% trong hai tháng đầu năm 2019. Đa số lãnh vực đầu tư tập trung vào sản xuất hàng hóa công nghiệp.
Thế nhưng bất chấp những con số ấn tượng nói trên, chính quyền Việt Nam đang tỏ ra lo ngại về nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề đó là nhiều công ty tự động dán nhãn hàng Made in Việt Nam để trốn thuế khi nhập vào Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Donald Trump nhắc nhở về vấn đề này, chính phủ Việt Nam hứa sẽ quan tâm khắc phục.
Việt Nam tin rằng trước mắt Việt Nam có lợi trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng về lâu dài thì có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Đó cũng là nhận định của nhiều chuyên gia ở Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mối quan ngại lớn nhất đối với chính phủ Việt Nam là Việt Nam là nước kế tiếp sau Trung Quốc bị tổng thống Hoa Kỳ nhắm vào trong chiến tranh thương mại. Trong cuộc chiến thương mại nào cũng vậy, nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, và bị ảnh hưởng nhiều nhất là những quốc gia có nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế.
Từ đầu tháng Bảy năm 2019 Hoa Kỳ đã áp thuế 400% lên thép nhập khẩu từ Việt Nam có xuất xứ từ Đài Loan và Nam Hàn.
Chính nhiều quốc gia châu Á khác cũng thừa nhận rằng họ chẳng có lợi lộc gì trong chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và khoảng cách giữa quốc gia đã phát triển và quốc gia đang phát triển cũng không thu hẹp được chút nào, ngoại trừ Ấn Độ và Trung Quốc. Mức phát triển cao hiện nay của Việt Nam sẽ sớm chấm dứt. Và đây chính là viễn cảnh “Trâu bò đánh nhau, Ruồi Muỗi chết”.
Một chuyên viên kinh tế tại Việt Nam tỏ ý lo ngại rằng Việt Nam sớm bị Tổng thống Donald Trump chĩa mũi dùi tấn công và việc này sẽ ảnh hưởng mạnh lên chương trình Cách Mạng 4.0 của Việt Nam.
Gần đây chính quyền Việt Nam đang soạn thảo Luật về Made In Việt Nam, tiếp theo sau vụ làm ăn bịp bợm của công ty Asanzo Việt Nam, trong đó toàn bộ sản phẩm dán nhãn Made In Vietnam đều là hàng sản xuất tại Trung Quốc, được công ty Asanzo quãng cáo là dùng công nghệ hàng đầu của Nhật Bản.
Công ty điện thoại Bphone của Việt Nam cũng bị khách hàng nội địa từ chối khi họ được biết rằng các điện thoại của BPhone cũng đều dùng các thiết bị sản xuất tại Trung Quốc. Công ty Khaisilk nổi tiếng cũng là công ty treo đầu heo bán thịt chó, vì bán toàn hàng Trung Quốc dán nhãn Made in Vietnam.
Rõ ràng là Việt Nam đang là một quốc gia đang phát triển và không có khả năng sản xuất hàng công nghệ cao, và lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nước ngoài để hoàn tất các sản phẩm. Trường hợp như Bphone và Asanzo đều là hàng sản xuất từ nước ngoài và công nhân Việt Nam chỉ lắp ráp rồi dán nhãn Made in Vietnam.
Gần đây công ty xe hơi VinFast của Việt Nam cũng sản xuất xe máy và xe hơi, nhưng toàn bộ linh kiện đều lệ thuộc và nước ngoài. 200 kỹ sư Đức đang làm việc tại nhà máy của VinFast và một công ty Ý phụ trách phần thiết kế sản phầm.
Rõ ràng là Việt Nam đang có tham vọng sản xuất những sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng Việt Nam không có trình độ công nghệ và kỹ thuật. Việt Nam cũng không có dây chuyền sản xuất để có thể cung ứng những linh kiện để hoàn tất một sản phẩm có thể gọi là Made In Việt Nam. Nếu có thì những sản phẩm đó đều là những sản phẩm tiêu dùng đơn giản, không cần có trình độ kỹ thuật hay công nghiệp cao.
Dĩ nhiên các công ty đều thấy rằng nếu họ sản xuất hàng hóa tại Việt Nam thì sẽ tránh được thuế cao khi nhập hàng vào Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên họ không thể chuyển toàn bộ các nhà máy trong chuỗi sản xuất của họ sang hết Việt Nam vì sẽ rất tốn kém vì Việt Nam có lượng công nhân nhỏ và do đó các công ty này dù muốn hay không cũng phải nhâp các linh kiện từ Trung Quốc và chấp nhận trả giá cao.
Ví dụ các nhà máy sản xuất đồ chơi đều dùng linh kiện được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc ở vùng Shantou và Dongguan, thuộc tỉnh Quảng Đông. Nếu sản xuất đồ chơi chất lượng cao tại Việt Nam mà phải mua toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc thì giá thành sản phẩm không rẽ và cũng không thể gọi là Made in Vietnam được. Một doanh nhân Trung Quốc có công ty tại Việt Nam cho biết doanh thu của ông ta hàng năm chỉ có chừng 72 ngàn đô la Mỹ.
Xem ra tham vọng hoàn tất công nghiệp hóa căn bản Việt Nam vào năm 2020 là không thể đạt được. Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể không dễ dàng tí nào. Thêm vào đó 65% công nhân công nghiệp tại Việt Nam là nông dân, mặc dầu bỏ ruộng vườn đi làm xí nghiệp, ,họ vẫn gắn bó chặt chẽ với lối suy nghĩ và sản xuất tiểu nông. Việt Nam vẫn là một quốc gia chủ yếu sản xuất gạo Made in Vietnam.
Nói như thế không có nghĩa là Việt Nam không thể công nghiệp hóa. Nhưng Việt Nam sẽ không bao giờ thay thế Trung Quốc để trở thành xưởng sản xuất của cả thế giới.
Trong những con số hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2019, có rất nhiều hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Hoa Kỳ không có bỏ sót việc này. Họ đang lưu ý Việt Nam và biết rằng Việt Nam đang được sử dụng như một trạm trung chuyển để đưa hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, Đài Loan và Nam Hàn vào Hoa Kỳ và việc này sẽ sớm chấm dứt khi mà Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế lên hàng không phải Made in Việt Nam.
Chính Tổng thống Donald Trump đã nói rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất có mức độ gian lận khủng khiếp trong việc xuất hàng của những quốc gia khác mang nhãn Made in Vietnam vào Hoa Kỳ nhằm trốn thuế.
So với Trung Quốc có 170 triệu lao động công nghiệp lành nghề thì lực lượng lao động tại Việt Nam không thể nào thay thế Trung Quốc để sản xuất hàng cho thế giới được. Và cũng không có một quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc được.
Nói tóm lại Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Tuy nhiên về lâu dài, Việt Nam sẽ có thể sẽ vấp phải những đòn chiến tranh thương mại của Hoa Kỳ và giấc mộng cách mạng công nghệ 4.0 của Việt Nam có thể còn rất lâu mới đạt được.