Tâm Liên
Tờ Nikkei Asian Review cho biết các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc trong năm nay đã đạt mức kỷ lục 25 tỷ USD. Khủng hoảng nợ tiềm ẩn làm dấy lên lo ngại sự phục hồi sau dịch bệnh của Trung Quốc có thể trật bánh.
Nhưng việc Bắc Kinh tái khởi động việc “xóa nợ” có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Theo ước tính của nhà kinh tế quản lý ở Paris, GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường hiện tại là 11,3%. Nguyên nhân chính là do Bắc Kinh đang tập trung giải quyết vấn đề nợ khổng lồ như trái phiếu doanh nghiệp.
Chi Lo, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Đại lục của quỹ đầu tư Fab-Barcelona Asset Management, cho biết lo ngại về một sự kiện tín dụng tiềm ẩn ngoài tầm kiểm soát, là vấn đề đầu tiên trong danh sách các mối quan tâm của Trung Quốc, nhưng chính sách của Bắc Kinh có thể mắc sai lầm, chẳng hạn như thắt chặt tín dụng quá sớm. Và sự rút lại quá sớm những bảo đảm ngầm của chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc “có thể gây ra việc ngừng hỗ trợ đột ngột cho sự phục hồi nền kinh tế và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính trong nước”.
Theo số liệu của Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF), nợ của các công ty phi tài chính Trung Quốc lên tới 159,1% GDP, cao hơn mức 152,2% của một năm trước. Tỷ lệ nợ cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hồng Kông, và xấp xỉ gấp đôi so với mức 78,1% của các công ty Mỹ. Nó cũng cao hơn mức 109,8% của các công ty khu vực đồng Euro, 106,4% của các công ty Nhật Bản và mức trung bình là 96,1% ở các thị trường mới nổi.
Michelle Lam, nhà kinh tế của Trung Quốc Đại lục tại Ngân hàng Societe Generale, cho rằng việc vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể thể hiện sự khởi đầu của việc định giá lại phần bù rủi ro, hay phần chênh lệch giữa tỉ lệ lợi tức yêu cầu của một khoản đầu tư thông thường với tỉ lệ lợi tức phi rủi ro danh nghĩa. Điều này sẽ khiến sự khác biệt giữa các công ty tốt và các công ty kém cạnh tranh trở nên rõ ràng hơn. Điều này chắc chắn sẽ gia tăng áp lực thắt chặt môi trường tín dụng và dẫn đến việc làm chậm lại tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021.
Các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức trả nợ cao nhất trong năm tới. Điều này có thể gây ra một làn sóng vỡ nợ lớn hơn. Báo cáo chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc sẽ có tới 104 tỷ USD trái phiếu trên thị trường trái phiếu nước ngoài sẽ đáo hạn vào năm tới, nhiều hơn 40% so với năm nay. Song song với đó sẽ có tới 7,1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu trên thị trường trái phiếu trong nước sẽ đáo hạn. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo rằng 1,15 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu trên thị trường hiện nay được phát hành bởi các công ty Trung Quốc vay nợ quá mức hoặc có bảng cân đối kế toán yếu.