Tương kế tựu kế: Người dân Bắc Kinh dán ‘bùa chú’ phản đối cưỡng chế phá dỡ của chính quyền

Vũ Dương

Để chống lại cưỡng chế phá dỡ của chính quyền, ba thị trấn ở quận Xương Bình đã xuất hiện rất nhiều bùa chú chỉ sau một đêm (ảnh: Youtube/中國禁聞).

Ngay trong mùa đông lạnh giá, những vụ phá dỡ tàn bạo ở quận Xương Bình, Bắc Kinh đã làm dấy lên sự bất bình mạnh mẽ trong dân chúng. Để chống lại cưỡng chế phá dỡ của chính quyền, ba thị trấn ở quận Xương Bình đã xuất hiện rất nhiều bùa chú chỉ sau một đêm, theo Epoch Times.

Kể từ tháng 12 đến nay, nhiều nhà dân ở thị trấn Thôi Thôn, thị trấn Hưng Thọ và thị trấn Tiểu Thang Sơn ở quận Xương Bình, Bắc Kinh bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ, nhiều hộ dân đã bị cắt nước cắt điện ngay trong mùa đông giá rét. Các nhân viên an ninh đã phá tường đi vào nhà dân, bao vây đánh đập hộ nào dám đứng lên phản kháng lệnh phá dỡ của chính quyền. Có người bị buộc phải rời đi, có người vẫn cố bám trụ lại ngôi nhà của họ.

Ông Trương, một công dân ở quận Xương Bình, Bắc Kinh, nói với phóng viên của Thời báo Epoch Times rằng việc không thể bảo vệ tài sản cá nhân của mình khiến tất cả mọi người cảm thấy đau đớn tuyệt vọng trong tâm, cũng khiến các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận thức được bản chất xấu xa và đê hèn của chính quyền này.

Ông cho biết rằng, hiện rất nhiều người thân bạn bè của ông đều đang chăm chú theo dõi vụ việc này, họ đã nói riêng hoặc bán công khai với nhau rằng, có những đảng viên sau khi nhìn thấy sự việc này, họ đều cảm thấy rất hối hận và xấu hổ. “Vì họ không ngờ lý thuyết của ĐCSTQ đường hoàng cao cả đến thế, nhưng thực tế lại làm ra những trò bẩn thỉu và đê hèn đến vậy”.

“Một mặt nó khiến tất cả mọi người cảm thấy tuyệt vọng và đau khổ. Mặt khác, nó cũng bắt đầu khiến nhiều người hơn nữa ý thức được rằng chủ nghĩa cộng sản trên thực tế chỉ là một bộ các thứ hoang đường và dối trá”, ông Trương nói.

Ông Phạm Tăng (Fan Zeng) – họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc và là hiệu trưởng Viện Hội họa Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh, có một tứ hợp viện ở làng Hương Đường cũng bị phá dỡ. Ông Dương Ngọc Thánh (Yang Yusheng), hàng xóm của ông Phạm Tăng và là giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc đã đăng các video liên quan lên mạng xã hội. Riêng ông Phạm Tăng, trong suốt quá trình bị cưỡng chế phá dỡ lần này không hề thấy ông lên tiếng.

Ông Phạm Tăng đã nhiều lần làm thơ và xuất bản các tác phẩm thư pháp ca ngợi ông Tập Cận Bình, giờ đây ông bị cư dân mạng chế giễu “cả đời ca ngợi quyền lực, đổi lại máy xúc đến phá nhà”. Ông Trương nhìn nhận rằng vốn văn hóa tích lũy và các mối quan hệ của ông Phạm Tăng đều rất rộng, “Dù họ có ủng hộ Tổng Bí thư Tập Cận Bình hay không, họ cũng không thể bảo vệ tài sản cá nhân của mình, đến một ngày nào đó tài sản của họ sẽ bị xâm phạm. Điều này thật sự rất đau lòng, dù sao bản thân cũng đã sống ở đó trong khoảng thời gian dài như vậy”.

Ông Trương cho biết thêm: “Ngôi nhà của giáo sư Dương Ngọc Thánh vẫn còn đó, nhưng điện và nước đều đã bị cắt. Tứ hợp viện của gia đình họa sĩ Phạm Tăng đã bị phá bỏ. Bảy căn phòng chính và ba chái nhà đã hoàn toàn biến thành đống gạch vụn. Xét về các công trình nhà dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, đây có thể được xem là một mô hình tiêu chuẩn của tứ hợp viện”.

“Còn một điểm vô cùng tàn nhẫn nữa, đó là họ đã phá hủy hoàn toàn tất cả các vật dụng trên mặt đất, nếu trong sân có những tảng đá nghệ thuật cỡ lớn, hay những cây cảnh lớn, họ đều nhất loạt phá hủy hết. Nào là hoa cỏ cây cối, nào là những tảng đá nghệ thuật, nào là hòn non bộ, tất cả đều bị phá bỏ và chôn vùi ”, ông Trương nói.

“Có thể vì sợ mọi người quay lại tìm nhà và nhận ra nơi này. Trong tương lai có thể sẽ có nhiều người hơn nữa sát cánh với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Thông tin công khai cho thấy, làng văn hóa Hương Đường, quận Xương Bình, Bắc Kinh là dự án xúc tiến đầu tư do chính quyền địa phương thực hiện cách đây hơn 20 năm nhằm thu hút các danh nhân văn hóa đến an cư lập nghiệp với giá đất rẻ mạt, thời hạn sử dụng đất theo hợp đồng là 50 năm.

Sau khi “Một số quy định cấm xây dựng trái phép của thành phố Bắc Kinh” có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, trao quyền cưỡng chế phá dỡ cho cơ sở, chính quyền thị trấn địa phương đã ngang nhiên hủy bỏ hợp đồng, hành vi phá dỡ trái phép bị cáo buộc là táng tận lương tâm.

Từ “long mạch” quyền lực của ông Tập Cận Bình đến “bùa chú” giữ nhà của người dân

Bà Thái Hà, cựu giáo sư trường đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày trước đã tweet rằng vụ việc phá dỡ làng Hương Đường là một thảm họa nhân đạo do chính quyền Bắc Kinh tạo ra và là một bằng chứng khác cho thấy bản chất lưu manh côn đồ của chính quyền ĐCSTQ.

Ngày 14/12, bà Thái Hà đã đăng dòng tweet tiết lộ rằng: Nghe nói có một cao nhân đã xem phong thủy cho ông Tập Cận Bình về việc quy hoạch lại thủ đô, ông ta nói rằng ngôi nhà ở làng Hương Đường đã bóp nghẹt hơi thở của long mạch, vậy nên cần phải bị phá bỏ.

Để chống lại hành vi phá dỡ trái phép của chính quyền, nhiều chủ nhà đã dán bùa chú trước cửa lớn để “hù dọa” nhân viên phá dỡ. Ông Trương tiết lộ rằng, dù là ở thị trấn Hưng Thọ, thị trấn Tiểu Thang Sơn, thị trấn Thôi Thôn, hiện đều đang lưu hành rất nhiều bùa chú. Những lá bùa này đều xuất hiện chỉ trong một đêm.

Ông Trương cho hay: “Tôi nghe nói có người đã tìm đến một số cao nhân có năng lực ở phương diện này, nhờ họ vẽ bùa cho. Tôi thấy có ba phiên bản bùa chú phổ biến gần quận Xương Bình, Bắc Kinh.Rất nhiều người sau khi dán bùa chú đã khiến đội phá dỡ không dám hành động gì nữa, nhờ vậy mà giữ được nhà cửa của mình”.

Về vấn đề này, ông Trương cảm thấy cũng hơi buồn cười, “Họ không thể tìm được sự bảo hộ của ĐCSTQ, không thể tìm được sự bảo hộ của chính quyền, thế là họ bắt đầu tìm đến sự bảo hộ của quỷ thần và thiên địa thần linh”, “Bởi trong tâm trí của đội phá dỡ có thể vẫn còn cái tâm kính sợ và e dè đối với thiên địa thần linh”.

“Còn có người nói với tôi vụ việc kỳ quái khác trong đó, một khi các lá bùa này bị xé mất một chút, máy ảnh liền không thể chụp hình nó được. Nó trở nên rất mờ, thật sự không biết là tại sao, nhưng mắt thịt lại nhìn thấy hết sức rõ ràng”, ông nói.

Nhờ có lá bùa này trên cột, hoặc ở ngoài cửa, hoặc ở hàng rào, hoặc trên tấm kính, khiến các thành viên của đội phá dỡ không dám hành động gì nữa, họ đã gọi cảnh sát 110.

“Ít nhất hai đội phá dỡ  khi thấy lá bùa này đã không dám có hành động gì nữa”. Ông Trương nói, “Sau khi 110 đến, họ cũng không dám xé lá bùa này. Cảnh sát đã tìm đến chủ nhà, yêu cầu chủ  nhà không được làm tổn hại đến đội xây dựng, nói rằng đội thi công không thể bị nguyền rủa, họ đang thực thi pháp luật một cách chính đáng. Chủ nhà nói họ sẽ không xé bỏ lá bùa, một khi xé bỏ lá bùa rồi thì máy xúc liền kéo đến,  khi đó chúng tôi thậm chí đến cả cơ hội ra tòa cũng không có nữa”.

Người ta vẫn chưa biết bùa chú thật sự có hiệu nghiệm hay không, nhưng theo một đoạn video trên mạng, ĐCSTQ muốn phá dỡ làng Hương Đường, quận Xương Bình, Bắc Kinh, chính quyền đã thuê hơn 1.000 an ninh tuần tra liên tục 24 giờ. Chủ nhà trong lúc nói chuyện với đội an ninh thì biết được những an ninh này đều là những thanh niên con nhà ông khoảng 20 tuổi, vì muốn thi chứng chỉ nghiệp vụ Bảo vệ mà bị thu mất giấy chứng minh và bị đẩy lên tuyến đầu, 1 tháng thu nhập chỉ khoảng 2000 Nhân dân tệ (khoảng 6,4 triệu VNĐ), không có giấy chứng nhận thực thi pháp luật.

Related posts