Nhà giáo toàn cầu

Đinh Yên Thảo

Giải thưởng Global Teacher Prize – Nhà giáo Toàn Cầu 2020 có trị giá một triệu đô la đã được trao cho một giáo viên Ấn Độ trong năm nay. Phối hợp cùng tổ chức UNESCO, tổ chức giáo dục Varkey Foundation đã nhấn mạnh và cổ súy tầm quan trọng của giáo dục và nghề giáo, những người tận tụy, vượt qua khó khăn để truyền dạy kiến thức đến những thế hệ trẻ và cộng đồng của mình. Người đoạt giải năm nay là ai?

Một nền giáo dục không đầy đủ, thiếu sót là một yếu tố chính gây ra các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế và y tế cộng đồng mà thế giới phải đối mặt ngày nay. Varkey Foundation tin rằng giáo dục có sức mạnh để giảm nghèo đói, định kiến và xung đột và đó là lý do mà tổ chức này đã thành lập ra giải thưởng Nhà Giáo Toàn Cầu trong mục đích tôn vinh nhà giáo.

Nghề giáo là một công việc khó khăn và đòi hỏi sự hy sinh, đóng một vai trò khá lớn trong việc mang đến cho trẻ em một nền học vấn và kiến thức căn bản để bước vào đời. Vai trò của nhà giáo có ảnh hưởng khá lớn đến việc chọn lựa nghề nghiệp, kỹ năng cùng thái độ với công việc của các thế hệ trưởng thành.

Giải thưởng ra đời từ năm 2015 đã thu hút được khoảng năm ngàn hồ sơ giáo viên từ 127 quốc gia gởi về tham dự và cho đến năm 2020 này thì đã có 12 ngàn giáo viên khắp thế giới đã được đề cử. Một số quốc gia còn xem đây là mô hình để chính thức tổ chức cuộc tìm kiếm và trao giải trong phạm vi quốc gia của riêng mình.

Giải thưởng Global Teacher Prize – nguồn forbes

Các ứng viên cho giải thưởng Nhà Giáo Toàn Cầu này được đánh giá dựa trên những tiêu chí khắt khe để xác định người giáo viên này đã có những đóng góp xuất chúng cho nghề giáo. Họ áp dụng các phương pháp giảng dạy hiệu quả và sáng tạo, có thể nhân rộng và tạo ảnh hưởng đến phẩm chất giáo dục toàn cầu hay giải quyết những khó khăn đã đối diện.Xem thêm:   “Lấy lỗ làm lời”

Người giành được giải thưởng sẽ được một hội đồng giám khảo đa dạng và uy tín bao gồm những nhà giáo, chuyên giáo dục hàng đầu, những ký giả, quan chức chính phủ, các khoa học gia cùng giới quản trị kinh doanh từ khắp nơi trên thế giới.

Giải thưởng năm nay được trao cho thầy giáo Ranjitsinh Disale, 32 tuổi của Ấn Ðộ. Khi thầy Ranjitsinh đến nhận nhiệm sở tại trường tiểu học Zilla Parishad vào năm 2009, thì đó là một tòa nhà xập xệ, nằm giữa một chuồng gia súc và nhà kho. Ðây là ngôi làng mà hầu hết các bé gái đến từ các cộng đồng bộ tộc thiểu số, có tỷ lệ đi học đôi khi có thể thấp ở 2% và hôn nhân tuổi vị thành niên là khá phổ biến.

Thầy giáo Ranjitsinh Disale – nguồn organiser.org

Những giáo viên đã đến đây dạy theo chương trình chung, không phải bằng ngôn ngữ chính của dân ở đây là tiếng Kannada đã khiến nhiều học sinh không thể theo học được và đó là lý do tỉ lệ đi học rất thấp. Ranjitsinh cố gắng vừa dạy và vừa học tiếng bản ngữ để sau đó không chỉ dịch sách giáo khoa sang tiếng mẹ đẻ cho các em mà còn mã hóa QR để các học sinh có thể truy cập vào các bài thơ, bài giảng, truyện và bài tập.

Sau hơn 10 năm giảng dạy tại đây, thầy Ranjitsinh không chỉ tạo ra được sự thay đổi to lớn cho cộng đồng cư dân ở đây như giảm nạn mù chữ, bỏ nạn tảo hôn mà còn giúp một học sinh đầu tiên trong làng tốt nghiệp đại học, một điều không tưởng với ngôi làng này.

Nhưng hơn hết là việc sử dụng sách giáo khoa mã QR. Có ý định theo học và trở thành một kỹ sư về điện toán, thầy Ranjitsinh đã chuyển sang học sư phạm khi nhận thấy đây là nghề nghiệp có ý nghĩa, có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn lao. Anh đã lập trình để dùng mã QR giúp cho các học trò của mình đọc sách dễ dàng hơn. Sự sáng tạo này là một cuộc cách mạng về sách giáo khoa tại Ấn Ðộ và được Hội Ðồng Nghiên Cứu và Ðào Tạo Quốc Gia áp dụng ra khắp quốc gia, đang được một số quốc gia khác nghiên cứu áp dụng.

Thầy giáo Ranjitsinh Disale cùng học trò – – nguồn sarkariseschool

Thầy Ranjitsinh cũng khởi xướng các dự án môi trường tại khu vực bị hạn hán, cùng một dự án “Let’s Cross the Borders” – “Vượt qua những biên giới” để kết nối những người trẻ tuổi giữa các cặp quốc gia thù địch nhau như  Ấn Ðộ và Pakistan, Palestine và Do Thái, Iraq và Iran, Hoa Kỳ và Bắc Hàn để tạo sự thông hiểu và hòa bình giữa các dân tộc.

Một điều đáng quý là khi nhận được tin đạt được giải thưởng một triệu đô la do ban tổ chức thông báo qua màn hình từ nước Anh, thầy Ranjitsinh đã tuyên bố anh sẽ chia một nửa giải thưởng này cho chín nhà giáo đã cùng vào danh sách chung kết 10 nhà giáo, tức các nhà giáo này sẽ được anh chia lại 500 ngàn đô la.

Cô giáo Việt Nam Hà Ánh Phượng, người lọt vào danh sách 10 chung cuộc của Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu 2020, đã giới thiệu mô hình ‘lớp học không biên giới’ nguồn youtube

Một giáo viên trẻ tại Việt Nam là cô giáo Hà Ánh Phượng cũng đã lọt vào danh sách Top 10 nói trên. Sinh ra tại một vùng nông thôn nghèo miền Bắc, cô giáo Phượng đã quyết theo đuổi nghề giáo. Tốt nghiệp Cao Học Ngoại Ngữ tiếng Anh, cô đã chọn trở về vùng quê để dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số miền núi thay vì chọn ở lại thành phố. Liên lạc, mời gọi những người bạn nước ngoài nói tiếng Anh tham gia, cô sử dụng Skype để các học trò được gặp gỡ và trò chuyện với những người nói tiếng Anh, giúp các em làm quen và phát triển kỹ năng nghe nói của mình. Cô giáo Ánh Phượng cũng là một thành viên tích cực của cộng đồng giáo dục Microsoft gồm các giáo viên khắp thế giới chia sẻ các kinh nghiệm giảng dạy với nhau.Xem thêm:   Xin lỗi nè được chưa?

Kỹ thuật chỉ là một phương tiện, chính những lòng yêu nghề và tấm lòng với học trò là những điều đã dẫn những thầy cô giáo như  Ranjitsinh Disale, Hà Ánh Phượng cùng vô số thầy cô giáo khắp thế giới sáng tạo ra những phương pháp giảng dạy độc đáo và riêng biệt khác nhau. Với họ, nghề nghiệp là một thôi thúc cao quý và là một tặng thưởng tinh thần lớn lao khi góp phần tạo nên những khác biệt cùng niềm cảm hứng cho những thế hệ học trò tiếp nối của mình.

Related posts