Thu Hằng
Người dân Pháp được hưởng chút tự do trong dịp lễ Giáng Sinh 2020 trong khi gần như cả châu Âu tái phỏng tỏa phần nào để chống dịch Covid-19. Đại lộ Champs-Elysées và những khu phố mua sắm sầm uất nhất Paris được trang hoàng rực rỡ nhưng vẫn thiếu không khí nhộn nhịp vì vắng khách nước ngoài.
Sau một tháng đóng cửa vì phong tỏa, hai trung tâm mua sắm cao cấp lớn Galeries Lafayette và Printemps vẫn giữ truyền thống đưa khách hàng và người qua đường vào thế giới thần tiên với những ô cửa kính trang trí dọc đại lộ Haussmann. Cây thông Giáng Sinh của Galeries Lafayette vẫn rực rỡ, thậm chí lần đầu tiên, một cây cầu treo được dựng lên để khách hàng có thể chụp ảnh ở độ cao 16 mét, sát với cây thông. Đặc biệt hơn nữa là những chiếc đèn lồng đặc trưng châu Á được nhà phân phối Paris chăng khắp tòa nhà như lời nhắn gửi đến lượng khách hàng chính của Những Cửa hàng lớn Paris (Les Grands Magasins).
Vắng khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc, tập đoàn Galeries Lafayette mất khoảng « một nửa » doanh thu của năm 2020 (khoảng 1,7 tỉ euro). Đây là thiệt hại « chưa từng có từ 25 năm nay », theo đánh giá của tổng giám đốc tập đoàn Nicolas Houzé, được báo Le Monde trích đăng ngày 20/11. Riêng với Printemps, trong tình trạng báo động từ năm 2016 và sau hàng loạt sự kiện từ những năm trước như khủng bố, biểu tình của người « Áo Vàng », đình công…, « Covid-19 khiến tình hình thêm bi đát » trong năm 2020. Printemps phải đóng cửa bẩy cửa hàng trên cả nước (trong đó có 4 tại Paris) đe dọa công việc của 430 nhân viên (trên tổng số 3.000).
Thất thu vì mất khách nước ngoài
Galeries Lafayette và Printemps trên đại lộ Haussmann nhắm chủ yếu vào du khách cao cấp nước ngoài, chiếm đến 40%-50% tổng lượng khách. Năm 2019, khách Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và vùng Vịnh chiếm đến 60% doanh thu của Galeries Lafayette và từ 45-50% của Printemps.
Theo phân tích với trang France 24 (27/11) của bà Sandrine Heitz-Spahn, giảng viên marketing tại đại học Lorraine, chuyên về thương mại trung tâm thành phố, « nhóm khách hàng này thích mua những món đồ hàng hiệu bị đánh thuế ít hơn. Điều này đúng, nhưng ngoài ra họ cũng muốn khám phá vẻ đẹp lộng lẫy bên trong các cửa hàng. Đó là một trải nghiệm du lịch thực sự ».
Covid-19 đã khiến du khách nước ngoài trở nên hiếm hoi ở Pháp trong năm 2020, đặc biệt là du khách Trung Quốc. Theo thống kê của Phòng Du lịch Paris, khách Trung Quốc chiếm chưa đến 3% lượng du lịch ở Paris và vùng Ile-de-France vào năm 2018 nhưng chi tới 4 tỉ euro, tương đương với 7% tổng thu du lịch quốc tế trên cả nước. Tính đến tháng 01/2020, mỗi du khách Trung Quốc chi trung bình khoảng 1.236 euro, cao hơn so với mức trung bình 962 euro của du khách Mỹ.
Ngoài thất thu từ du khách nước ngoài, những cửa hàng Galeries Lafayette và Printemps khác tại Paris, cũng như chuỗi cửa hàng Le Bon Marché và BHV, chủ yếu nhắm đến khách Paris, cũng chịu chung số phận vì người dân được khuyến khích làm việc từ xa trong hai lần phong tỏa. Ngoài ra còn phải kể đến loạt biện pháp hạn chế sử dụng ô tô trong thủ đô khiến người dân vùng phụ cận « ngại » vào Paris, theo giải thích với báo Le Monde của ông Yohann Petiot, tổng giám đốc Liên minh thương mại (Alliance du commerce).
Năm 2020 là năm kỷ lục về số ngày đóng cửa, chưa bao giờ các cửa hàng lớn nổi tiếng của Paris, tồn tại từ hơn một thế kỷ, phải đóng cửa đến 100 ngày trong một năm kể cả trong giai đoạn chiến tranh.
Lập chiến lược tái cân bằng trong năm 2021
Tình hình sẽ chưa được cải thiện trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, các cửa hàng lớn tìm cách tái cân bằng trong năm 2021 theo ba hướng để hay đổi mô hình hoạt động.
Thứ nhất, tiếp tục thu hút khách nước ngoài nhờ triển vọng dịch bệnh được đẩy lùi. Tuy nhiên, « khách nước ngoài sẽ không trở lại ngay trước cuối năm 2021, còn khách Pháp chỉ có thói quen trở lại vào khoảng tháng 09/2021 », theo phân tích với báo Le Monde của ông Patrice Wagner, tổng giám đốc trung tâm thương mại Le Bon Marché. Còn ông Nicolas Houzé, tổng giám đốc tập đoàn Galeries Lafayette, cho rằng phải chờ đến năm 2024 mới trở lại được nhịp độ tương đương năm 2019.
Cần nhắc lại rằng nhờ du khách nước ngoài, chuỗi cửa hàng Galeries Lafayette trên đại lộ Haussmann chiếm đến một nửa doanh thu của cả tập đoàn, trong khi những cửa hàng ở tỉnh khác gần như không sinh lợi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, một điểm lo lắng khác là do dịch bệnh kéo dài, không được đi du lịch, thói quen mua sắm của khách nước ngoài có lẽ cũng bị tác động : họ mua sắm hàng hiệu nhiều hơn ở trong nước.
Để chinh phục khách nước ngoài tại nước của họ, Printemps và Galeries Lafayette muốn mở rộng chi nhánh ở nước ngoài, với ưu tiên là Trung Quốc. Galeries Lafayette sẽ mở thêm cửa hàng thứ ba ở Quý Dương (Guiyang) vào năm 2022 và mục tiêu đề ra là 10 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2025. Về phần Printemps, hiện đang gặp khó khăn, đã quyết định hoãn hai dự án ở Doha (Qatar, chủ sở hữu tập đoàn).
Thứ hai, đa dạng hóa thương mại điện tử. Trước đó, bán hàng trực tuyến không được các tập đoàn này nhắm đến. Đây là « một sai lầm chiến lược », theo chuyên gia Sandrine Heitz-Spahn, đại học Lorraine. Dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy mua sắm trên mạng. Đối với những cửa hàng lớn, vẫn tập trung vào tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và ít chú trọng mảng thương mại điện tử, thì kỹ thuật số có thể là một giải pháp giúp phục hồi.
Printemps chỉ mở trang thương mại điện tử vào tháng 03/2020 khi Pháp bước vào đợt phong tỏa thứ nhất vì Covid-19. Ngược lại, Galeries Lafayette đi trước Printemps trong lĩnh vực này. Doanh thu bán hàng trực tuyến của Galeries Lafayette chiếm khoảng 4% tổng doanh thu tính đến trước khủng hoảng dịch tễ đã tăng lên thành 7% tổng doanh thu năm 2020.
Ngoài tạo các đoạn video mua sắm từ xa, cửa hàng Galeries Lafayette trên đại lộ Champs-Elysées sử dụng mạng xã hội để thu hút lượng khách địa phương, đặc biệt là giới trẻ từ 17-35 tuổi. Một người phụ trách gian hàng quần áo may sẵn cho biết thường « giới thiệu những sản phẩm đặc trưng trong các bộ sưu tập của cửa hàng qua các mạng Story hay Instagram ».
Chinh phục khách hàng địa phương là chiến lược thứ ba của các trung tâm mua sắm cao cấp. Le Bon Marché đã thành công trong chiến lược này, trong vòng 8 năm (trước năm 2020), cửa hàng nằm ở quận 7, tả ngạn sông Seine, đã tăng gấp đôi doanh thu nhờ tạo cho khách hàng cảm giác « đến với cửa hàng của chúng tôi là gợi một cảm xúc hoặc một trải nghiệm », theo giải thích của tổng giám đốc Patrice Wagner. Vừa mua sắm, khách hàng vừa có thể xem trưng bày của các nghệ sĩ, tập yoga hay học hát… và dĩ nhiên là những lời khuyên hữu ích, nhiệt tình của nhân viên.
Printemps và Galeries Lafayette đã bắt đầu học cách biến cửa hàng thành những không gian sống. Ngoài ra, cả hai chuỗi cửa hàng đều tận dụng sân thượng thành nơi chiêm ngưỡng Paris miễn phí, thay vì phải mua vé như những công trình cao tầng khác, để tăng thêm sức hút.
Giai đoạn khó khăn vẫn còn ở trước mắt đối với những cửa hàng lớn, nhưng sẽ không đe dọa đến mô hình hoạt động nếu những tập đoàn này điều chỉnh được theo xu hướng thực tế.