Du Uyên January 4th, 2021
Người ta bây giờ hay nói “phong ba bão táp không bằng ngữ-pháp VN”, cũng đúng! Như từ “trả giá”, có thể hiểu là “trả giá”, cũng có thể hiểu là “trả giá”…
Cái nón 200,000 VND
- Trả giá
Tôi rất sợ đi chợ. Ở nước ngoài thì tôi không biết sao chứ mấy người trong các chợ lớn, chợ chuyên bán cho khách du lịch tại VN thường có một điểm chung: thích nói thách giá cả của món hàng họ bán lên gấp nhiều lần giá thị trường.
Dù nhiều báo đài trong nước cho rằng việc “nói thách” và “trả giá” là một nét đặc trưng của Việt Nam, khiến nhiều du khách “thích thú”. Nhưng tôi tin rằng, số người “thích thú” với việc này ít hơn rất nhiều so với số người chán ghét nó.
Ví dụ như hồi năm rồi, tôi “chấm” một cái nón phớt (Panama Hat) ngoài chợ Bến Thành. Khi hỏi giá, người bán nói 550,000 VND. Tôi thấy giá quá cao so với chất liệu của cái nón này (đan bằng sợi cối hoặc sợi nhựa), định bỏ đi thì bà bán nón nắm tay tôi kéo lại. Nói bằng giọng «dụ dỗ»:
– Em mua nhiêu thì mua giùm chị đi cưng, mua mở hàng cho chị nhe cưng.
Trời ơi, mật ngọt chết người. Tôi tin luôn lời bà, thấy hai vai nặng oằn vì đang mang cái trọng trách cao cả là “mở hàng”, dù đã gần 4 giờ chiều. Rứa là tôi quành lại, đứng nhìn cái nón và suy nghĩ nên trả giá bao nhiêu. Trong lúc đó, cái nón và bà bán nón cũng “tha thiết” nhìn tôi. Mấy người buôn bán xung quanh cũng nhìn tôi “say đắm”. Các vị khách đi qua, đi lại cũng nhìn tôi “thiết tha”. Ban đầu tôi nghĩ, họ nhìn tôi chắc do tôi đẹp. Và vì suy nghĩ đó, tôi đã đầy tự tin, dõng dạc trả thử (cái giá mà tôi nghĩ cũng đẹp như tôi): 350,000 VND. Vừa nói, tôi vừa nghĩ bụng “Mất tới 200,000, chắc bả có… điên mới bán!”. Không ngờ, bà bán nón, bả… điên thật!
Không một lời kỳ kèo, không một câu giả bộ “câu view, câu like”. Bà bán nón thả ngay cái nón vào túi nilon, đưa cho tôi với nụ cười tươi rói, ánh mắt sáng rỡ. Kèm câu nói không hề có chút gì luyến tiếc: “Thôi, bán cho em giá này làm quen đó!” Một dự cảm không lành đã bủa vây tôi từ giây phút ấy. Tôi quyết định không… mua nữa.
Tôi giả bộ mở cái bóp ra, kiểm tra tiền và nói: “Hay chị ơi, bữa khác em mua nhe! Giờ em không mang đủ tiền!” – Rất may, lúc đó tiền của tôi để trong giỏ xách, trong bóp chỉ còn tờ tiền 200,000 VND nằm cô đơn lẻ bóng. Không ngờ, bà bán hàng thay đổi vẻ mặt khác trong một nốt nhạc. Bả hết nhìn tôi “tha thiết” như lúc ban đầu, mà nhìn tôi với vẻ “đăm chiêu” cùng ánh mắt xa xăm của “oán phụ”. – Nếu ai chưa có hình mẫu để tạc tượng hay tả lại một cách chân thật đôi mắt của người đàn bà hóa đá trong câu chuyện “hòn vọng phu”, hãy đến bên hông chợ Bến Thành, khu bán nón, làm y như tôi để được “chiêm ngưỡng”.
Cái nón 55,000 VND – Chụp màn hình
Sau một hồi, bả hất mặt, nói lẫy: “Thôi còn tờ hai trăm ngàn thì đưa đây, mở hàng mà trả giá xong không lấy sao được?”Xem thêm: Ai phát minh vaccine Covid-19?
Tuy vẫn còn tin “trọng trách” mở hàng của mình, nhưng tôi bắt đầu không tin vào giá trị của cái nón đang đu đưa qua lại trên tay người bán. Không biết là với 200,000 VND này, mình có còn “hớ” hay không? Nhưng vì sức yếu thế cô cộng với cũng còn thích cái nón đó lắm, dù đã qua bao “sóng gió” nãy giờ. Tôi đành rưng rưng móc bóp, trả tiền, rồi cầm cái nón ra đi trong ánh nhìn đồng cảm của toàn chợ. Nỗi buồn sau khi trả giá “thành công” một món hàng từ 550,000 VND xuống 200,000 VND hầu như lấn áp mọi niềm vui. Tôi tự hỏi, tại sao người ta phải nói thách nhiều như vậy? Những người không biết trả giá khác hoặc khách du lịch sẽ nghĩ gì khi hàng hóa ở VN quá mắc so với giá trị của chúng? Rồi nếu tôi “cương quyết” không lấy cái nón, bà ta có “trở mặt” hay không? Thiệt tình muốn thử một lần “chơi lớn” xem sao…
Sau khi về nhà, tôi “mò” lên mạng “khoe” ngay “món hời”, tiện thể khoe khoang “chiến tích” trả giá “thần sầu” của mình. Và tôi được tạt vài chục gáo nước lạnh từ những người bạn online của mình. Họ gửi cho tôi đủ loại link bán những cái nón phớt y chang cái tôi “vất vả” mua được, giá chỉ từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100,000 đồng mà thôi, lại còn “free ship”. Tôi không cần đi xe ôm hay taxi đến mua hay đi về. Không cần phải giả bộ hết tiền để trả giá. Không cần phải rớt xuống đất từ trên những đám mây trong những suy nghĩ rối ren của mình… Với bản tánh tò mò, tôi đã đặt thử hai cái nón ở hai chỗ bán khác nhau với giá 55,000 VND và 112,000 VND về để so sánh, với hy vọng là 167,000 kia sẽ là những đồng tiền phung phí vô ích. Sau hai ngày, kết quả cũng tới, cả ba cái nón giống y chang nhau!
Tuy thường xuyên là “nạn nhân” của những người bán hàng thích nói thách. Nhưng quả tình, tôi không thích người giỏi trả giá cho lắm.
Ngoài việc sợ đi chợ ở nơi xa lạ thì tôi còn sợ đi chợ với Ngoại tôi. Vì mọi thứ qua tay, qua miệng Ngoại tôi đều trở nên… rẻ. Những người buôn bán ngoài chợ gần nhà cũng “ngán” Bà. Rất nhiều lần, tôi phải “ra dấu” để người bán nói giá thấp hơn bình thường, sau đó tôi sẽ trả lại số tiền đúng cho họ. Ngoài ra, không biết từ khi nào mà mọi món đồ, món ăn tôi mua về nhà, chưa bao giờ tôi dám nói thiệt giá với Ngoại. Một là cho Bà “hả dạ” – vui vì mua được “của hời”, hai là cho bữa cơm yên bình, không có “cằn nhằn” về con A bán rau, con B bán cá, con C bán trái cây… hay con… D mua đồ của họ!
Tuy nhiên, Ngoại tôi chỉ khắt khe với giá cả của các món đồ được bày bán ngoài chợ. Có lẽ Bà biết giá trị thật của chúng hoặc có thể là Bà biết những “mánh khóe” của tôi. Vì Ngoại tôi chưa bao giờ trả giá khi vào quán ăn, hay khi mua những thứ có giá trị như… vàng, hột xoàn hoặc đồ cúng, đồ tặng/biếu, cũng không trả giá trên sinh mạng bất kỳ ai. Ngoại tôi, một “bà già” không biết chữ, mắt mũi kèm nhèm, đầu óc đã chậm chạp… còn biết nơi nào có thể trả giá, nơi nào không. Vậy mà trên đời này, có những người còn rất minh mẫn, có kiến thức lại không biết điều này!
Mẹ Phong và lời tâm sự của bà về con của mình: “Con tui nó ngoan lắm..” Nguồn: thanhnien.vn
- Trả giá
Xem thêm: Ngó vậy, không phải vậy
Gần 5h30 Mùng 6 Tết (ngày 30-1-2020), cô Nguyễn Thị Bích Hường (30 tuổi, làm nghề tiếp viên hàng không) ngồi sau xe tài xế xe ôm công nghệ Lê Mạnh Thường (54 tuổi) đến sân bay Tân Sơn Nhất để đi làm. Cùng lúc đó, ở chiều ngược lại, Nguyễn Trần Hoàng Phong (33 tuổi) lái xe Mercedes chở nhóm bạn với vận tốc 84km/h (đường trong thành phố chỉ cho phép lái tối đa 50km/h). Ðến số nhà 123 Hồng Hà (quận Phú Nhuận, SG) Phong tông trực diện vào xe ông Thường, húc xe máy và hai nạn nhân văng nhiều mét lên lề. Do vết thương quá nặng, ông tài xế Thường tử vong ngay sau đó. Chị Hường gãy xương đùi, xương cùng, và nhiều chỗ xương khác… sau nhiều lần phẫu thuật, cô vẫn mang thương tật vĩnh viễn 79%.
Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Trần Hoàng Phong không có bằng lái ôtô, dùng giấy tờ giả thuê chiếc Mercedes với giá 2.5 triệu đồng (hơn $100USD/ngày). Khi gây tai nạn, anh ta chạy xe vượt 34 km/h so với tốc độ cho phép là 50 km/h. Số giấy tờ giả Phong đã vứt bỏ trên đường bỏ trốn. Ngày 1-2-2020, Phong ra đầu thú. Kết quả kiểm tra cho thấy anh ta dương tính với chất ma túy. Trước khi gây tai nạn, Phong và nhóm bạn đi bar ở tỉnh Bình Thuận.
Một nhà phải làm đám tang cho người lao động chính trong gia đình, một cô gái đáng ra có một tương lai sáng sủa lại mang trên mình thương tật vĩnh viễn ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, phải sống trong những tháng ngày triền miên đau đớn, hết ca mổ này đến phẫu thuật khác và những lúc hơi khỏe cũng chỉ để chờ lên bàn mổ… Cô Hường kể, bây giờ trên người cô có rất nhiều nẹp sắt, có những nẹp là vĩnh viễn, có những nẹp sau này phải tháo ra khiến chị đau đớn, hạn chế vận động. “79% sức khỏe của tôi vĩnh viễn không lấy lại được, công việc mơ ước giờ cũng vĩnh viễn phải từ bỏ, tôi như mất tất cả sau vụ tai nạn, bế con, chăm con cũng không làm được. Sau vụ tai nạn là sự mất mát về tinh thần không thể bù đắp được” – Cô Hường nói với báo trong nước.
Còn kẻ gây ra tai nạn kinh hoàng kia – Nguyễn Trần Hoàng Phong, chưa một lời xin lỗi, chưa một đồng bồi thường nào cho hai gia đình nạn nhân. Vậy mà trong thời gian tạm giam đã kịp sang tên căn nhà của mình cho mẹ (bằng cách được ai đó “đặc cách” làm thủ tục ngay trong trại giam), để mẹ Phong tẩu tán tài sản giúp con trai. Trốn tránh trách nhiệm bồi thường bằng lý do “khó khăn”. Ngoài ra, Phong và gia đình còn “trả giá” số tiền bồi thường xuống 50 triệu (chỉ hơn 2,000USD) cho tính mạng của người tài xế xe ôm và cô tiếp viên hàng không xấu số trên. Nhưng thật là cay đắng khi gia đình cậu này đã bỏ ra 30 triệu để đền cho cây phượng ven đường bị hư hại và đồng ý đền 300 triệu cho chiếc Mercedes thuê bị hư do tai nạn. Chẳng lẽ mạng sống của một người và cuộc đời của cô gái bị hại không bằng chiếc Mercedes thuê? Hay là mạng người, đời người ở VN xưa giờ được định giá rẻ lắm, nên người ta mới dám vô tư trả giá công khai như vậy? Như cách mà Ngoại tôi và tôi vô tư trả giá cái nón và bó rau ngoài chợ? Vậy cái gì bằng với vàng, hột xoàn trong tiệm kim hoàn?
Cô Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79%. Nguồn: plo.vn
Những tưởng với sự quan tâm mãnh liệt từ dư luận, vụ án sẽ có một kết quả “có hậu” hơn. Ðể Nguyễn Trần Hoàng Phong trả giá cho việc làm của mình, trả giá cho sự xem thường, vô tư “trả giá” cho tính mạng và cuộc đời của hai nạn nhân… Nhưng không, ngày 16-12-2020, Tòa án quận Phú Nhuận tuyên phạt Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù. Phong chỉ cần bồi thường 1.4 tỷ đồng cho cô Nguyễn Thị Bích Hường, người mang thương tật 79% sức khỏe và hơn 400 triệu đồng cho gia đình tài xế xe ôm công nghệ đã mất – ông Lê Mạnh Thường.Xem thêm: Nội các Joe Biden
Gần đây, sau khi Nguyễn Ðức Chung bị tuyên án 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”. Người ta bỗng nhắc án tù 7 năm của Nguyễn Văn Khang (sanh 1997) vì bắt trộm con vịt 3kg (theo định giá là 174,000VNđồng) hồi 2017. Vì họ cho rằng một con vịt còn có giá trị hơn cả “tài liệu bí mật Nhà nước”, ông Chung “con” không biết đường mà mua một con vịt đem ra tòa hòng trả giá.
Chỉ mấy bữa sau, người ta tuyên án 7 năm 6 tháng tù và phạt một ít tiền bồi thường quèn cho một con nghiện ma túy, lái xe quá tốc độ, lấy mạng một người, làm một người thương tật vĩnh viễn 79%. Kẻ đã bỏ trốn sau khi gây tai nạn, không giúp đỡ nạn nhân. Kẻ đã tẩu tán tài sản, để khỏi phải bồi thường cho hai gia đình nạn nhân. Kẻ đã trả giá tính mạng và cuộc đời của hai con người với giá rẻ mạt: 50 triệu đồng… Một bản án phản động được tuyên một cách dõng dạc trước hàng triệu người dân VN. Thì tất cả những người nói thách giỏi nhất hay trả giá giỏi nhất đất nước này đã hoàn toàn gục ngã. Họ có giỏi cỡ nào thì cũng không thể tưởng tượng được, hai tính mạng con người chỉ cỡ chừng con vịt!
Rồi ai sẽ trả giá cho sự trả giá rẻ mạt này?