Quý Khải
Quốc hội Mỹ sáng sớm thứ Năm (7/1 theo giờ Mỹ) đã chứng nhận các lá phiếu Đại cử tri đoàn cho Joe Biden trong một cuộc bầu cử bị lấp đầy bởi hàng loạt cáo buộc về hoạt động bất thường và gian lận bầu cử. TT Trump tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực “một cách có trật tự”, tuy nhiên ông tái khẳng định cuộc bầu cử bị gian lận và sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý để đòi lại sự công bằng.
Trong một cuộc kiểm phiếu do Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì, Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri trong khi Tổng thống Donald Trump giành được 232. Phiên họp chung của Quốc hội kết thúc sau một buổi chiều thứ Tư (6/1) hỗn loạn, khi một nhóm những kẻ bạo loạn đã xông vào Điện Capitol khi các nhà lập pháp đang tranh luận về tính hợp pháp của các phiếu đại cử tri của tiểu bang Arizona.
Không rõ ai đã khởi xướng vụ đột nhập vào tòa nhà Capitol.
Ngay sau khi biết kết quả chứng nhận Đại cử tri đoàn, TT Trump đã đưa ra một tuyên bố trong đó ông cam kết sẽ có một quá trình chuyển giao quyền lực “có trật tự” vào ngày 20/1 tới.
“Mặc dù tôi hoàn toàn phản đối kết quả cuộc bầu cử, và các thực tế đã khiến tôi tin tưởng chắc điều này, tuy nhiên vẫn sẽ có một sự chuyển giao có trật tự vào ngày 20/1. Tôi vẫn luôn nói rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến để chỉ những phiếu bầu hợp pháp mới được kiểm đếm. Mặc dù việc này đánh dấu sự kết thúc của nhiệm kỳ đầu tiên vĩ đại nhất trong lịch sử tổng thống Mỹ, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu trong cuộc chiến của chúng tôi để Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!”, ông Trump nói trong tuyên bố.
Tình trạng bất ổn dân sự buộc cả hai viện của Quốc hội phải tạm dừng các phiên họp và buộc các nhà lập pháp phải tìm nơi trú ẩn tại chỗ, khiến phiên họp bị trì hoãn trong vài giờ đồng hồ. Các nhà lập pháp chỉ bắt đầu tiếp tục quy trình kiểm phiếu đại cử tri vào khoảng 8 giờ tối.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã thành công trong việc đưa ra các phản đối đối với các lá phiếu đại cử tri từ hai tiểu bang Arizona và Pennsylvania, buộc cả hai viện của Quốc hội phải tổ chức các phiên nhóm họp riêng để tranh luận về lý do phản đối các lá phiếu. Nhưng cuối cùng cả hai viện đều bỏ phiếu bác bỏ thách thức đối với cả hai tiểu bang.
Đối với các lá phiếu ở Arizona, Thượng viện đã bỏ phiếu bác bỏ với tỷ lệ áp đảo – 93 phiếu chống trên 6 phiếu thuận, trong khi Hạ viện bỏ phiếu với tỷ lệ 303 phiếu chống – 121 phiếu thuận. Tương tự, đối với Pennsylvania, Thượng viện đã bỏ 92 chống – 7 phiếu thuận, trong khi Hạ viện bỏ 282 phiếu chống – 138 phiếu thuận.
Cuộc tranh luận tại Hạ viện cho các lá phiếu Đại cử tri của Pennsylvania diễn ra rất kịch tính. Một số bình luận của Dân biểu Đảng Dân chủ Conor Lamb tại Hạ viện, đã bị một số đồng nghiệp của ông cho là khiêu khích, dẫn đến một trận đấu khẩu với một nghị sĩ Đảng Cộng hòa. Nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cuối cùng đã bị yêu cầu rời phòng vì từ chối để ông Lamb tiếp tục.
Ngày thử thách
Trước buổi họp, gần 90 thành viên Hạ viện và 13 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ cam kết thách thức các lá phiếu Đại cử tri để bảo vệ tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử trong tương lai. Tuy vậy, cũng có vài chục nhà lập pháp đã đứng lên phản đối việc thách thức các lá phiếu Đại cử tri, bao gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hòa là Mitch McConnell và Lindsey Graham.
Nhưng sau vụ xâm nhập tòa nhà khiến 4 người biểu tình thiệt mạng và hơn chục cảnh sát bị thương, một số nhà lập pháp đã thay đổi lập trường, khi cho biết họ sẽ từ bỏ kế hoạch thách thức các lá phiếu đại cử tri, trong đó có Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler, thượng nghị sĩ dẫn đầu trong việc phản đối các lá phiếu ở tiểu bang Georgia.
Trong một bài phát biểu ngắn trên sàn Thượng viện trong cuộc tranh luận về các phiếu bầu của Arizona sau khi quốc hội triệu tập lại, bà Loeffler cho biết:
“Bạo lực, tình trạng vô luật pháp và việc bao vây hội trường Quốc hội là hành động ghê tởm và là một cuộc tấn công trực diện vào điều mà tôi muốn bảo vệ khi đưa ra quyết định phản đối các lá phiếu – sự tôn nghiêm của tiến trình dân chủ Hoa Kỳ”.
Các nhà lập pháp khác từ cả hai đảng cũng nhân cơ hội này để chỉ trích tình trạng bạo lực vừa diễn ra. Các đảng viên Dân chủ ở cả hai viện đã tận dụng cơ hội để chỉ trích TT Trump về tình trạng bất ổn dân sự.
Trong phiên họp chung của Quốc hội, các thành viên Hạ viện đưa ra phản đối đối với các lá phiếu đại cử tri ở 4 tiểu bang Georgia, Michigan, Nevada, và Wisconsin nhưng thách thức của họ không được chủ tọa Pence chấp nhận bởi các quyết định này không nhận được sự hỗ trợ bằng văn bản từ một thượng nghị sĩ, khiến chúng phần lớn mang tính biểu tượng.
Phiên kiểm phiếu đại cử tri, vốn thường được coi là mang tính hình thức, đã trở thành tiêu điểm đối với nước Mỹ sau khi phiên kiểm phiếu được tiến hành trong bầu không khí quan ngại gia tăng của các nghị sĩ nói riêng và người dân Mỹ nói chung về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử năm 2020. Bảy tiểu bang đã gửi hai bộ lá phiếu đại cử tri cho Washington — một cho Biden và một cho Trump — nhưng chỉ những chứng chỉ cho Biden được các quan chức tiểu bang chứng nhận, trong khi các cơ quan lập pháp tiểu bang đã vắng mặt trong kỳ nghỉ lễ, do đó không thể đưa ra tranh luận về các phiếu bầu.
TT Trump và các đồng minh của ông đã thách thức kết quả bầu cử ngày 3/11 tại tòa án, cáo buộc các phiếu bầu “bất hợp pháp” đã được bỏ và kiểm đếm ở một số tiểu bang do các quy định bầu cử nới lỏng được thay đổi vào phút chót hoặc do cáo buộc gian lận cử tri.
Mặc dù một loạt bằng chứng đã được công bố trong những tuần gần đây dưới dạng bản tuyên thệ và lời khai của các chuyên gia, nhưng những tuyên bố này đã bị các quan chức bầu cử hàng đầu và các nhà lập pháp liên tục phủ nhận. Các nhà phê bình và các thành viên các phương tiện truyền thông cũng đã mô tả các tuyên bố này là “vô căn cứ”.
Trong khi đó, một tỷ lệ lớn các vụ kiện do chiến dịch tranh cử của TT Trump và các đồng minh của ông đã bị các thẩm phán loại bỏ vì lý do thiếu căn cứ pháp lý, bao gồm cả Tối cao Pháp viện . Các thẩm phán trong một số trường hợp cũng đã nói rằng họ không bị thuyết phục bởi những cáo buộc do nhóm pháp lý của TT Trump đưa ra.
Bất chấp những chỉ trích, TT Trump và nhóm của ông vẫn tiếp tục nỗ lực để chứng minh rằng cuộc bầu cử năm 2020 có những vấn đề nghiêm trọng mà nếu được giải khai có thể thay đổi kết quả bầu cử ở nhiều tiểu bang chiến trường. Trước phiên họp ngày 6/1, nhóm của ông đã lập luận rằng PTT Pence có quyền từ chối các phiếu bầu cho Biden và gửi chúng trở lại các cơ quan lập pháp tiểu bang để đi đến quyết định cuối cùng các lá phiếu đại cử tri nào sẽ được gửi cho Quốc hội – phiếu cho ông Biden hay phiếu cho ông Trump.
TT Trump liên tục kêu gọi ông Pence hành động, nói rằng nếu phó tổng thống “thông qua cho chúng ta, chúng ta sẽ giành chiến thắng”, theo một tuyên bố hôm thứ Tư.
Vai trò của PTT Pence đã được tranh luận gay gắt trong những ngày gần đây, khi nhiều nhà phê bình khẳng định rằng vai trò của ông chỉ đơn giản là mang tính nghi thức, tức là ông chỉ có khả năng kiểm phiếu ngay cả khi ông có quan ngại về tính hợp lệ của chúng.
Trong một lá thư gửi Quốc hội hôm thứ Tư, Pence cho biết ông tin rằng Hiến pháp “hạn chế” ông trong việc “đơn phương” đưa ra quyết định đối với việc từ chối hoặc chấp nhận các phiếu bầu ngay cả khi ông lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.
Thay vào đó, ông nói rằng khi tranh chấp bầu cử phát sinh, “những người đại diện của nhân dân (dân biểu) mới là những người xét duyệt các bằng chứng và giải quyết tranh chấp thông qua quy trình dân chủ”.
Trong một lá thư gửi Quốc hội, ông tuyên bố: “Việc trao cho Phó Tổng thống quyền đơn phương quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống là hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa [thực chất ban đầu] này”.
TT Trump đã phản hồi lại quyết định của Pence. Ông nói rằng phó tổng thống “không có đủ dũng khí để làm những gì đáng lẽ phải làm để bảo vệ Đất nước và Hiến pháp của chúng ta”.