Vũ Dương
Tin đồn Jack Ma “bị mất tích” đã hai tháng nay khiến dư luận trong và ngoài nước xôn xao. Cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro gần đây đã tuyên bố rằng, Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba là “phần tử xã hội đen”, ông ta đã đánh cắp mô hình thương mại điện tử của Mỹ và mục đích Tập Cận Bình đối phó với Jack Ma chính là muốn “giết gà dọa khỉ”, NTDTV đưa tin.
Ngày 10/1 theo giờ Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn với New York Post, ông Navarro nói rằng Jack Ma là phần tử xã hội đen, ông ta giống như những gì được miêu tả trong câu chuyện “Alibaba và bốn mươi tên cướp”. Sự nghiệp của ông ta được xây dựng trên các món “chiến lợi phẩm”, lấy từ việc đánh cắp mô hình thương mại điện tử eBay của Mỹ.
Ông Navarro cho rằng cách thức mà ông Tập Cận Bình đối phó với Jack Ma cũng giống như cái cách Tổng thống Nga Putin đối phó với các ông trùm tài chính. Jack Ma và một số tài phiệt Trung Quốc đã kiếm được rất nhiều tiền, họ yêu thích xã hội tự do của phương Tây nhưng lại quên mất rằng bản thân họ hiện đang sống trong một quốc gia độc tài, chuyên chế và rồi họ sẽ bị thanh trừng.
“Trung Quốc có một câu thành ngữ gọi là ‘giết gà dọa khỉ’, đây chính là cách chính quyền Trung Quốc đối phó với Jack Ma”. Ông Navarro cho rằng ĐCSTQ muốn những người như Jack Ma từ nay phải câm miệng. Họ chỉ có thể ngoan ngoãn kiếm tiền.
Tại một Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính vào tháng 10 năm ngoái, Jack Ma đã chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính của chính quyền Trung Quốc. Jack Ma sau đó đã bị bốn cơ quan quản lý giám sát “mời nói chuyện”. Cả Ant Group và Alibaba do Jack Ma thành lập đều bị chính quyền đàn áp thẳng tay, việc niêm yết của Ant Group bị đình chỉ, Alibaba cũng bị điều tra.
Jack Ma rơi xuống đáy vực chỉ trong một đêm, đến nay vẫn không rõ tung tích. Cách đây mấy hôm, trên mạng có lan truyền thông tin Jack Ma đã trốn khỏi Trung Quốc, tuy nhiên một số nhà phân tích cũng cho rằng nhiều khả năng Jack Ma đang bị nhốt trong một “căn phòng tối” và rất có thể phải đối mặt với một án tù trong tương lai.
Tờ New York Post dẫn lời người trong cuộc nói rằng Jack Ma khó có thể “biến mất vĩnh viễn” ở Trung Quốc, và tin đồn về việc ông đã trốn khỏi Trung Quốc không xác thực.
Theo báo cáo, Jack Ma có thể đang ngoan ngoãn ở trong nhà hoặc ở một nơi “thoải mái” nào đó, học tập “chủ nghĩa Mác” với các quan chức ĐCSTQ, quá trình này được gọi là “tiếp thụ thẩm tra”.
Ngoài ra, ông Navarro còn mô tả Jack Ma là một “phần tử xã hội đen”, điều này đã khơi gợi liên tưởng của mọi người. Jack Ma là một doanh nhân hàng đầu. Ông ta được coi là “găng tay trắng” của các gia tộc có thế lực nội bộ ĐCSTQ, quản lý tài sản cho Cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân và các gia tộc quyền lực khác. Tổng Bí thư ĐCSTQ đương nhiệm Tập Cận Bình thì bị gán cho biệt danh là “trùm băng đảng xã hội đen”.
Bà Thái Hà, cựu giáo sư trường Đảng trung ương ĐCSTQ trước đó từng thẳng thắn nói rằng ĐCSTQ từ lâu đã không còn là một đảng chính trị nữa, nó đã là một “thây ma chính trị”, còn ông Tập Cận Bình thì là “trùm băng đảng xã hội đen”, “ông ta muốn xử trí đám nô tài dưới trướng như thế nào thì sẽ xử trí như thế ấy”.
Theo báo cáo của “Financial Times”, cuối tháng 12 năm ngoái, ban tuyên truyền của ĐCSTQ đã đưa ra chỉ thị bí mật cho giới truyền thông, yêu cầu các kênh truyền thông khi đưa tin liên quan đến Tập đoàn Ant Group phải “trích dẫn chính xác” cách xử lý của nhà chức trách, “Không được phép tự ý thay đổi hoặc thêm các ý kiến khác khi chưa được phép”, “Nếu công ty này có bất kỳ tuyên bố nào phản đối lập trường của nhà chức trách, thì không được phép công bố hoặc đăng tải, cũng không được phép trích dẫn báo cáo của phương tiện truyền thông nước ngoài”.
Học giả nghiên cứu tại Viện Đại học California – Berkeley Tiêu Cường (Xiao Qiang) phân tích thêm trên Financial Times rằng, các bài viết về Jack Ma trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy tính “nghiêm trọng và bất bình thường” trong cách diễn đạt, rất giống cách diễn đạt khi báo cáo về “những sự kiện chính trị lớn”, chẳng hạn như các báo cáo liên quan đến vụ án Bạc Hy Lai năm xưa.
Bạc Hy Lai là thành viên quan trọng trong phe phái của Cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Ông ta từng bị coi là kẻ thù chính trị của ông Tập Cận Bình. Bạc từng âm mưu soán quyền đoạt vị nhưng kế hoạch mưu phản của ông ta bị bại lộ. Ông ta bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng và các tội danh khác vào năm 2013.
Công ty do Jack Ma đứng tên có mối quan hệ thâm sâu với phe cánh ông Giang Trạch Dân. Quỹ tiền tệ Bác Dụ (Boyu Capital) do Giang Chí Thành – cháu trai ông Giang Trạch Dân kiểm soát đều có cổ phần tại Alibaba và Ant Group. Học giả Tiêu Cường cho rằng rắc rối mà Jack Ma gặp phải lần này rất có thể có liên quan đến bối cảnh chính trị sau lưng ông ta.
Đế chế kinh doanh của Jack Ma quá lớn, thế nên ông Tập Cận Bình cũng sẽ coi đó là mối đe dọa ở một mức độ nào đó. Ông Luyện Ất Tranh (Lian Yizheng), một nhà bình luận các vấn đề thời sự Hồng Kông, từng nói với Thời báo Epochtimes rằng việc ĐCSTQ “khai đao” với Alibaba và Ant Group trên thực tế là kết quả của các cuộc đấu tranh phe phái chính trị với nhau.
Ông Luyện Ất Tranh tin rằng ĐCSTQ khai đao nhằm vào Jack Ma chỉ là “phát súng đầu tiên”. Tất cả những người giàu có của Trung Quốc có liên quan đến các nhân vật chính trị cấp cao đều có thể gặp phải nguy hiểm tương tự.