Ls Lê Đức Minh
Nhiều người trên thế giới thở phào nhẹ nhõm khi vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, tức là chỉ còn 14 ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bị nhiều mạng xã hội bao gồm Facebook, Twitter khóa tài khoản tạm thời và vĩnh viễn.
Theo những người này ông Trump xứng đáng nhận hình phạt đó sau nhiều năm dùng mạng xã hội để kích động, dối trá với công chúng Hoa kỳ và thế giới. Ngay sau đó, nhiều người thân tín và những người ủng hộ Trump cũng bị các mạng xã hội cấm cửa.
Việc các mạng xã hội cấm cửa ông Trump và những người ủng hộ ông gây ra phản ứng lo ngại từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Đó là sự ngao ngán trước sự thoái hóa của nền dân chủ Mỹ, sự thoái hóa quyền tự do ngôn luận và những hệ lụy to lớn từ Hoa Kỳ có thể sẽ lan ra trên toàn thế giới.
Vấn đề không phải là ông Trump có xứng đáng bị trừng phạt hay không. Mà vấn đề là ở chỗ người ta đã lợi dụng ông Trump để thực sự ra tay hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân Hoa Kỳ. Người Mỹ lo sợ đã đành, và cả thế giới cũng bắt đầu thấy cơn bão đen từ phía chân trời.
Vào ngày 7 tháng 1 năm 2021, Facebook đã ban hành lệnh cấm “vô thời hạn” tài khoản của tổng thống Donald Trump. Twitter theo sau với lệnh cấm vĩnh viễn một ngày sau đó. Snapchat và YouTube cũng đã cấm ông. Một loạt các tài khoản khác của các nhân vật khác cũng đã bị treo. Google và Apple đã loại Parler, một mạng xã hội nhỏ phổ biến với giới cực hữu, khỏi các ứng dụng của họ, và Amazon đã loại Parler khỏi dịch vụ mạng của mình, buộc nó phải ngừng hoạt động hoàn toàn.
Một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm mà bị các mạng xã hội của chính quốc gia mình cấm cửa thì thật là một điều không thể nào hiểu được. Hơn nữa, đó là cái đất nước vẫn từ xưa đến nay tự hào và thuyết giảng cho cả thế giới về quyền tự do ngôn luận.
Những mạng xã hội này căn cứ trên những điều luật nào trong Hiến Pháp và luật pháp liên bang để cấm cửa một công dân, một tổng thống như ông Trump? Nói chính xác, họ hoàn toàn không có bất cứ một căn cứ pháp lý nào để thực hiện các quyết định cấm của họ.
Mặc dù Twitter đã trích dẫn “nguy cơ kích động bạo lực” từ những thông điệp của ông Trump, nhưng các thông điệp mà ông Trump gửi đi trên Twitters không vượt quá nội dung pháp luật cho phép, và cũng chưa có bất cứ tòa án nào kết tội ông Trump dùng mạng xã hội để kích động bạo lực.
Trong khi đó lãnh tự chính trị Iran làAyatollah Ali Khamenei vẫn ở trên Twitter và tự do gửi đi những lời dọa giết chết ông Trump và không hề bị các mạng xã hội này than phiền gì cả. Điều này thật sự không thể nào chấp nhận được, và động cơ chính trị của các mạng xã hội như Facebook và Twitters là quá rõ ràng. Họ là những lực lượng chống tổng thống Donald Trump.
Xưa nay các mang truyền thông, internet, mạng xã hội có quy luật bất thành văn là giữ tư cách trung lập, thông tin hai chiều, đa chiều và để cho người đọc, người nghe có quyền tự quyết định thái độ của mình. Tuy nhiên việc làm vừa qua của các mạng xã hội đã phá vỡ truyền thống trung lập của giới truyền thông và bắt đầu đe dọa nghiêm trọng vào quyền tự do ngôn luận của người dân. Ai cho phép họ làm điều đó? Ai cho phép họ tự biến mình trở thành công cụ đánh phá nhau giữa các đảng phái chính trị? Ai cho phép họ được quyết định cái gì gọi là đúng và cái gì gọi là sai? Cuối cùng họ, những mạng xã hội, vẫn chỉ là những công ty truyền thông tư nhân.
Các tài phiệt truyền thông, các tổng giám đốc các mạng xã hội chỉ là những thương gia. Họ không phải là những nghị sĩ, dân biểu do dân bầu ra và không có quyền có bất cứ quyết định nào liên quan đến nhận thức chính trị của quần chúng. Họ không có quyền định hướng dư luận như các hệ thống truyền thông của các nước cộng sản và độc tài vẫn đang làm.
Thật ra nếu họ nói rằng họ phải chấp hành pháp luật, và có trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ, thì họ cũng không hề được cho cái quyền gọi là bảo vệ nền dân chủ. Đó là trách nhiệm của các cơ quan dân cử. Cho nên rõ ràng quyết định cấm ông Trump và nhiều người khác của các mạng xã hội là có những mục đích khác, động cơ khác.
Nhiều người chống ông Trump và các dân biểu phe Dân Chủ cổ vũ cho hành động của các mạng xã hội cấm cửa ông Trump. Nhưng có lẽ họ không nhận thức được rằng họ đang chơi một trò chơi cực kỳ nguy hiểm. Họ đang chơi dao hai lưỡi. Bởi vì hôm nay các mạng xã hội có được sự ủng hộ của họ để cấm ông Trump thì ngày mai các mạng xã hội sẽ có sự ủng hộ của những thế lực khác để cấm cửa những các dân biểu Dân Chủ và những kẻ ủng hộ ông Biden hiện nay.
Bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, nói rằng các công ty truyền thông hay kỹ thuật tư nhân không nên được có quyền tự đặt ra các tiêu chuẩn về tự do ngôn luận. Alexei Navalny, một nhà bất đồng chính kiến người Nga, đã chỉ trích các quyết định của các mạng xã hội tại Hoa Kỳ là đã làm một “hành động kiểm duyệt không thể chấp nhận được”. Ngay cả Jack Dorsey, Giám đốc điều hành của Twitter, cũng tự coi đó là một “tiền lệ nguy hiểm”. Theo ý tôi không phải nguy hiểm mà là rất nguy hiểm.
Rõ ràng nhất là phản ứng từ người dùng Facebook. Những cái gọi là “Tiêu chuẩn Cộng Đồng” của họ chẳng có ai hiểu nó cụ thể là cái gì. Những hình ảnh giết chóc ghê rợn, tai nạn máu me trên đường phố, hình ảnh khỏa thân cho đăng lan tràn không bị cấm. Nhưng hể có bất cứ hình ảnh nào liên quan đến tội ác cộng sản là lập tức bị cấm ngay.
Những người dùng Facebook hiện nay đã thấy rõ ràng Facebook không hề có tự do ngôn luận. Họ nhân danh tiêu chuẩn cộng đồng để buộc người dùng Facebook phải nói, phải viết theo ý họ, làm hài lòng họ, hay thế lực nào đó. Họ tự cho họ cái quyền nói cái gì đúng, cái gì sai, và cấm người ta nói, viết những gì mà họ tự cho là sai. Ai cho Facebook cái quyền đó?
Dĩ nhiên ai cũng biết rằng các công ty truyền thông, các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung trên hệ thống truyền thông của họ. Chính họ phải chịu trách nhiệm chứ không phải người viết hay người đăng chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên đó không phải là lý do để cho các mạng truyền thông hay xã hội tự đề đặt ra những tiêu chuẩn riêng để giới hạn quyền tự do ngôn luận của người dùng. Ví dụ pháp luật cấm các mạng truyền thông kích động bạo động. Các mạng truyền thông cấm ông Trump vì cho rằng họ sợ người dân bị kích động bạo động. Tuy nhiên họ không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng quyết định của họ cấm ông Trump vì ông Trump kích động bạo động. Như thế họ đã qua mặt hệ thống tư pháp để tuyên đặt một bản án hạn chế quyền tự do ngôn luận của một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm. Như thế thì quyền tự do ngôn luận của dân đen chẳng là cái đinh rĩ gì cả.
Rõ ràng có một lổ thủng rất lớn trong việc kiểm soát các hành vi vi hiến của các công ty truyền thông và các mạng xã hội tại Hoa Kỳ. Trong bốn năm qua, người ta đã thấy rõ ràng các tờ báo, các đài truyền hình, các mạng xã hội tại Mỹ đã dùng các công cụ này để chống lại tổng thống Donald Trump ngay từ ngày ông nhậm chức. Đây là một cuộc tấn công được tiến hành bởi những thế lực nằm sau các cơ quan truyền thông, các mạng xã hội này nhắm trực tiếp vào một tổng thống được bầu lên bởi phổ thông đầu phiếu.
Nếu thật sự có khủng hoảng chính trị tại Hoa Kỳ, nước Mỹ cần giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua một quy trình chính trị, sửa đổi Hiến Pháp chứ không phải cho phép các công tyy truyền thông, các mạng xã hội tư nhận quyền kiểm duyệt và định hướng dư luận. Và thế giới tự do phải tìm kiếm những biện pháp tốt hơn để xử lý những vi phạm phát ngôn trực tuyến hơn là ban cho các công ty truyền thông, các mạng xã hội độc quyền kiểm soát các quyền tự do cơ bản của người dân.
Những cách thức để giải quyết vấn đề quyền ngôn luận trực tuyến là pháp luật phải cụ thể, chặt chẽ. Báo chí, truyền thông, mạng xã hội phải tuyệt đối giữ vai trò trung lập trong các vấn đề chính trị. Các biện pháp chế tài phải hết sức nặng nề.
Chính thái độ thiên vị của truyền thông, của mạng xã hội tại Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, đã làm cho nhiều người Mỹ cảm thấy rằng hệ thống truyền thông chính thức đã phản bội lại họ, không nói lên tiếng nói của họ.
Sự mất lòng tin và trong tình thế tuyệt vọng, nhiều người đã chọn thái độ làm và tung tin giả để mong đối lập lại sức mạnh thiên vị của truyền thông chính thức, vô hình chung làm cho thật giả lẫn lộn và ngay cả hệ thống truyền thông chính thức, các mạng xã hội nổi tiếng cũng trở thành những thứ lá cải hôi thối trên thị trường truyền thông.
Nếu nước Mỹ đang có khủng hoảng chính trị, thì hệ thống truyền thông nằm trong tay các tài phiệt, tỷ phú, các mạng xã hội như Facebook, Twitters đã đóng một vai trò quan trọng làm bùng lên các khủng hoảng này.