Chích ngừa con Corona ở Úc

Cổ Nhuế

Chừng giữa tháng Hai, Úc bắt đầu chích ngừa con Corona cho toàn dân. Chương trình chích ngừa này có thể kéo dài cả năm và chính phủ ưu tiên cho một số người được chích trước. Trong những ngày này, chúng ta có thể đặt ra vài ba thắc mắc như: Úc sẽ dùng thuốc nào khi chích ngừa? Chừng nào tới phiên tôi? Tôi có quyền từ chối không? Chích ngừa thì tốn bao nhiêu tiền và có bị phản ứng gì không?

Thời sự hôm nay xin được cùng với bạn đọc Việt Luận đặt ra vài câu hỏi như trên.

Sao lại chích thuốc Oxford/AstraZeneca?

Từ năm ngoái, Úc đã đặt mua nhiều thứ thuốc ngừa con Corona. Trong số này được nhắc nhiều là hai loại thuốc do Pfizer và Oxford/AstraZeneca bào chế. Úc đã mua 10 triệu liều thuốc từ Pfizer,và 54 triệu từ Oxford/AstraZeneca.

Ngoài ra, chính phủ Úc đang thương lượng mua thêm thuốc Novavax do công ty Johnson & Johnson bào chế. Nếu Johnson & Johnson đồng ý, Úc có thể mua 51 triệu liều. Ngoài ra, bộ y tế Úc còn thương lượng mua thêm thuốc từ ‘hàng chục’ nhà cung cấp khác. Trong số này, được nhắc tên nhiều là thuốc Janssen. Thuốc Janssen chỉ cần chích một mũi là … xong.

Cầu mong Úc chớ mua thuốc Sputnik V hay ‘Made in China’ cho dân nhờ. Được biết trong cuộc chạy đua tìm thuốc ngừa con Corona, viện Gamaleya của Nga được coi là về nhất khi vội vàng công bố thuốc Sputnik V. Thuốc này đang lưu hành tại Nga và một số nước như Algeria, Argentina, Ả Rập Saudi và Brasil. Trong khi đó, thuốc ‘Made in China’ do Sinopharm và Sinovac đang chích cho dân Tàu và dân các nước Brahrain, Cộng hoà Ả Rập Thống Nhất, Ai cập, Phi Luật Tân, Indonesia và Hungary.

Còn Việt Nam, loa tuyên truyền Hà Nội huyênh hoang ‘tiêm vắc xin ngừa COVID-19 “made in” Việt Nam…’. Tên ‘vắc xin’ (sao lại không dùng chữ Việt nhỉ?) là Nanocovax. Nanocovax do công ty Nanogen Pharmaceutical Biotechnology JSC ở Việt Nam bào chế. Bên cạnh NanoCovax, Việt Nam còn chế ra thêm ba thứ thuốc khác. Dù tuyên bố đã có thuốc ‘Made in Vietnam’ Việt Nam vẫn tính chuyện mua Oxford/AstraZeneca.

Chừng nào tới phiên tôi?

Thủ tướng Scott Morrison hy vọng mỗi tuần lễ sẽ chích ngừa được 8 ngàn người Úc. Nếu được vậy, đến tháng Mười có thể 21 triệu người Úc được ngừa con Corona. Chứng nào chích được 80% dân số thì Úc mới được coi ‘cả nước miễn nhiểm, herd immunity).

Bên Anh quốc, từ giữa tháng 12 năm ngoái chính phủ đã bắt đầu chích ngừa. Mỗi ngày, y tá ở bển lụi 67 ngàn mũi kim. Đến nay đã chích được hơn triệu người rồi. Nhưng cần 3 năm mới chích hết dân Ăng-lê. Ở Mỹ, mỗi ngày chích hơn 350 ngàn người. Nhưng phải chờ hết nhiệm kỳ đầu của tổng thống Joe Biden Mỹ mới ngừa hết dân Yankee.

Đang nhức đầu cho giới chức y tế Úc là làm sao phân phối thuốc đến những con phố đông người như Sydney, Melbourne, Perth cùng một lúc đến tận những nơi xa xôi ở ‘Out Back, Bắc Úc’ nóng bỏng hay Nam Cực lạnh buốt. Thuốc phải đi cả ngàn cây số và nếu chở thuốc Pfizer thì phải giữ lạnh -70 độ. Có lẽ vì thế Úc mua nhiều thuốc Oxford/AstraZeneca hơn Pfizer? Và có thể mua nhiều hơn nữa thuốc của Johnson&Jonhson vì có thể chế Novavax ngay bên trong nước Úc.

Ngoài chuyện vận chuyển thuốc, Úc còn đặt ra những ưu tiên cho lớp người được chích trước.

Khi thuốc đến nơi, lớp người hàng ngày phải trực diện với con Corona (như nhân viên biên phòng, bác sỹ, y tá và nhân viên y tế) được ưu tiên chích trước. Kế tiếp là các vị cao niên trên 70 tuổi, dân bản địa và nhân viên làm việc trong các ngành thiết yếu như cảnh sát, chữa lửa, xẻ thịt… Sau cùng là người khoẻ mạnh hay chưa chích ngừa trong các đợt trước.

Bạn đọc Việt Luận có thể đến một trong hơn 1,000 nơi để được chích ngừa. Đó là bệnh viện, phòng mạch và có thể cả tiệm thuốc tây. Khi chích ngừa, dân Úc không tốn một cắc và không ai bắt buộc người Úc phải chích ngừa.

Khi chích ngừa con Corona, người ta phải chích hai mũi. Mũi thứ nhì sau 21 ngày nếu dùng thuốc Pfizer và Moderna. Sau 28 ngày nếu chích thuốc Oxford/AstraZeneca. Hơn nữa lần trước chích thuốc nào nào thì lần sau cũng phải chích thuốc đó.

Cổ Nhuế tự hỏi: Rủi có người cẩn thận xin được chích cả ba thứ thuốc Pfizer, Moderna và Oxford/AstraZeneca thì có được không? – Như lẽ thường khi viết về chuyện súc khoẻ, tiền bạc và luật lệ, Cổ Nhuế chỉ dám trả lời: bài này này chỉ cóp nhặt đây đó. Khi đụng chuyện, xin bạn đọc hỏi người chuyên môn.

Thuốc nào hiệu quả?

Chích ngừa thì ai chả muốn hiệu quả. Hiện nay, được coi hiệu quả nhất là thuốc Pfizer (lên đến 94.5%). Kế tiếp là thuốc Oxford/AstraZeneca (chừng 62%). Úc đã đặt mua nhiều thuốc của Oxford/AstraZeneca vì công ty CSL của Úc sẽ lo phần bào chế ở ngay trên đất nước này. Dường như chính phủ Úc thích thuốc Oxford/AstraZeneca vì có thể bào chế tại Úc và dễ vận chuyển (chỉ cần giữ ở 5 độ C).

Nhưng nhìn vào hiệu quả, có người thắc mắc sao Úc lại dùng thuốc ít hiệu quả vậy? Trong mấy tuần lễ vừa qua, đã có một số bác sỹ đặt vấn đề này với chính phủ Úc.

Thật ra, chỉ cần đạt hiệu quả như thuốc Oxford/AstraZeneca cũng đủ làm cho dân Úc được miễn nhiểm (herd immunity) rồi. Hiệu quả của thuốc Oxford/AstraZeneca vẫn cao hơn hiệu quả 54% của thuốc ngừa cúm.

Hơn nữa, khi quyết định dùng thuốc nào, chính phủ Úc không những để ý đến hiệu quả mà còn nghĩ đến cách phân phối. Dường như Úc sẽ chích thuốc Pfizer ở thành thị và thuốc Oxford/AstraZeneca ở thôn quê. Chích Pfizer cho lớp người gặp nhiều nguy hiểm dính con Corona hơn và dùng Oxford/AstraZeneca khi chích cho đám đông.

Giữa lúc người Úc phân vân vỉ thuốc Oxford/AstraZeneca kém hiệu quả so với thuốc Pfizer thì có tin không vui cho người phò thứ thuốc do Mỹ bào chế. Na Uy dùng thuốc Pfizer để chích ngừa con Corona. Họ đã lụi chừng 50 ngàn mũi cho ông già bà cả ở trong nhà dưỡng lão.Sau khi được chích ngừa, đã có 30 cụ cưỡi hạc quy tiên! Thế là người ta cuống cuồng cho rằng ‘chích thuốc Pfizer là …. đi đứt’. Thật ra, giới chức y tế ở bển chưa đi đến kết luận đó. Được biết phần lớn các cụ quy tiên đều rất yếu và bị coi là… gần đất xa trời rồi. Dầu sao, hay tin này Úc đã yêu cầu công ty dược phòng Pfizer làm sáng tỏ. Ông tổng trưởng y tế Greg Hunt của Úc nhấn mạnh: ở Úc, an toàn là trên hết.

Liên quan đến hiệu quả của thuốc ngừa, bạn đọc có thể nêu câu hỏi ‘Tui nghe bên Anh đã có biến thể con Corona. Biến thể này đã chui sang Úc. Thế mà các thứ thuốc ngừa chỉ chế để uýnh con Corora chính hiệu Vũ Hán mà thôi. Không biết chích ngừa vậy có hiệu quả không?’ Bạn đọc quả tinh thông thiên địa khi đặt ra vấn đề này. Đến nay đã thấy hai biến thể của con Corona Vũ Hán. Một là B.1.1.7 ở Anh quốc, Hai là B.1.351 ở Nam Phi. Hai biến thể này lây mạnh hơn con Corona Vũ Hán. May mắn, theo giáo sư David Kennedy, từ đại học Penn State, cho đến nay các biến thể Corona không làm thay đổi phản ứng của hệ miễn nhiểm khi đối diện với vi khuẩn. Ít nhất cho đến bây giờ, các thứ thuốc ngừa con Corona vẫn hiệu quả. (Xem thêm TheConversation.com)

Ký giấy đồng ý

Thường tình, thuốc thang hay gây ra một số phản ứng phụ.

Vì thế, trước khi chích ngừa bạn đọc Việt Luận ở Úc có thể phải trả lời một số câu hỏi liên quan để bệnh lý và dị ứng. Và ký tên vào miếng giấy đồng ý. Thủ tục này có thể mất chừng 15 phút, nhưng khiến cho không ít người lưỡng lự.

Cổ Nhuế

Related posts