Việt Luận
Thư toà soạn hôm nay được viết ở giữa ngày 19 tháng Giêng và 26 tháng Giêng. Hôm trước, chúng ta khóc cho cố hương. Hôm sau chúng ta mở rộng cõi lòng nhìn ra đất mới.
Đã là người Việt Nam, ai ai cũng khóc cho chuyện đã xảy ra kể từ 10 giờ 20 phút sáng ngày 19 tháng Giêng cách đây 47 năm ở Hoàng Sa – khi bốn chiến hạm Việt Nam (Trần Khánh Dư HQ 4, Trần Bình Trọng HQ 5, Nhật Tảo HQ 10 và Lý Thường Kiệt HQ 16) đồng loạt nả súng vào các tàu chiến của Trung Cộng vì Trung Cộng đã cho người đổ bộ lên đảo Quang Hoà của Việt Nam. Ngay phút đầu tiên của hải chiến Hoàng Sa, hai chiến hạm 389 và 396 của Trung Cộng đã ăn đạn. Tiếc thay! Hạm đội Việt Nam gặp nhiều trục trặc tác xạ và bị số đông tàu chiến Trung Cộng (ước tính 40 chiếc) — nên quân ta: người đành hy sinh theo con tàu xuống tuyền đài, người theo lệnh cấp chỉ huy đeo phao cấp cứu mong thoát khỏi bàn tay bọn Đại Hán.
Mất Hoàng Sa, ngay trong ngày 19 tháng Giêng 1974 bộ ngoại giao Việt Nam ra thông cáo: ‘… Các hành-động quân-sự của Trung-Cộng là hành-vi xâm-phạm trắng-trợn vào lãnh-thổ Việt-Nam Cộng-Hoà, và một lần nữa vạch-trần chính-sách bành-trướng đế-quốc mà Trung-Cộng liên-tục theo-đuổi…
…Việc Trung-Cộng ngày nay xâm-phạm lãnh-thổ VNCH không những chỉ đe-dọa chủ-quyền và an-ninh của VNCH, mà còn là một hiểm-hoạ đối với nền hoà-bình và ổn-cố của Đông-Nam-Á và toàn thế-giới.’
Lời lẽ trong thông cáo này đã thành lời tiên tri cho những gì đang xảy ra ở Biển Đông. Mất Hoàng Sa là khúc nhạc mở đầu cho bài ca buồn trỗi lên ở Việt Nam. Mất Hoàng Sa cũng là mất nước.
Vì mất nước chúng ta phải ra đi. Nhớ lại giây phút hãi hùng trên biển và năm tháng mòn mỏi trong trại tị nạn. Lúc đó, ai ai cũng mong đến được bến bờ tự do, rồi đi bất kỳ nơi đâu để làm lại cuộc đời. Riêng người không phải ‘ô-đi-ghe’ thì chắc là chưa quên những ngày kẹt lại ở bển: lòng luôn nhắm tới một mảnh đất thanh bình nào đó.
May mắn cho chúng ta – người làm lại cuộc đời trên đất nước phước đức này. Đến quốc khánh Úc mà không bị lùa đi mít-tinh! 26 tháng Giêng không phải là bắt đầu của một chính phủ nào đó ở Úc. 26 tháng Giêng cũng không phải là ngày nước Úc độc lập khỏi đế quốc Anh. Bạn đọc Việt Luận hỏi hàng xóm ’26 tháng Giêng là ngày gì?’. Trả lời: Autralia Day! Chỉ thêm một ngày dân cày được nghỉ. Autralia Day! Nào ta thảy thêm con tôm vào lò BBQ. Cheers…
Riêng với người chưa cầm trên tay miếng giấy chứng nhận quốc tịch Úc thì ngày 26 tháng Giêng là cơ hội đáng mong mỏi. Thông thường, Australia Day đón nhận thêm hơn 16 ngàn người trở thành công dân Úc. Vì lẽ này, nguyên thuỷ Australia Day đánh dấu lúc thuyền trưởng Arthur Phillip cắm cờ đế quốc Anh lên Sydney Cove, nhưng ý nghĩa của ngày này đã biến đổi theo nhịp sống của Úc.
Trong những năm đầu thế kỷ 19, khi Úc chưa phải là ‘Australia’ thì 26 tháng Giêng chỉ mừng ở thuộc địa NSW. Với người lưu đày, 26 tháng Giêng đánh dấu lúc họ thoát vòng lao lý, lãnh miếng đất và đàn trừu để làm lại cuộc đời. Hôm ấy, họ uống say để mừng ‘First Landing Day’. Với cai ngục chính gốc Ăng-lê, 26 tháng Giêng là ‘Foundation Day’: đánh dấu thành hình một đất nước mới, vượt khỏi khuôn khổ bảo thủ ở Luân Đôn.
Năm 1901, Úc tuyên bố độc lập và sáu thuộc địa (New South Wales, Tasmania, Victoria, Queensland, Western Australia, South Australia) họp thành liên bang, gọi là ‘Commonwealth of Australia’. Mồng 1 tháng Giêng không phải là quốc khánh Úc. Ngay đến Australia Day cũng không cứ 26 tháng Giêng. Đã có lúc Victoria đề nghị chọn một thứ Hai nào đó làm ngày này. Lý do: để dân cày được một cuối tuần dài. Ngẫm lại, người sống ở đây lấy vui chơi làm chính. Có lễ lạc gì thì câu hỏi đầu tiên là ‘Được nghỉ không?’. Điều này phản ảnh lối suy nghĩ của người ở đây. Chúng ta hỏi nhau ‘Are you happy?’ mà không xoi mói ‘… lương nhiêu?’ hay ‘…mấy căn rồi?’
Thủa đầu người ta lấy ngày người da trắng đến đây làm Australia Day nên quên mất những người sống ở đây trước khi cờ Anh kéo lên. Vì vậy, ngày này bị coi là ‘Invasion Day, Ngày bị xâm lăng’. Dân bản địa bị mất nước, và phải sống lây lất ngay trên mảnh đất của cha ông. Australia Day có khác gì ‘Survival Day’.
Hiện nay, người đến sau bắt đầu nhận ra mình đang hưởng công của người đến trước. Da trắng biết ơn bản địa. Da màu biết ơn da trắng.
Hết lớp người này đến lớp khác tiếp tay xây dựng nơi đây thành phước đức. Dân bản địa đã tự mình chăm sóc lục địa bao la. Người da trắng đem kỹ thuật khai thác tài nguyên và xây dựng thành thị. Người da màu tô điểm thêm bằng những truyền thống cổ kính.
Bằng sức của mình, chúng ta tiếp tục gầy dựng đất nước này. Chắc là cũng chỉ bằng sức của mình, chúng ta có thể lấy lại Hoàng Sa (và Việt Nam). Nhớ lại, sau ngày 19.1.1974 Việt Nam đã tập trung phi đoàn F-5 về Đà Nẵng sống mái với Trung Cộng. Phi công Việt Nam viết sáu chữ ‘Xin được chết cho Hoàng Sa’ lên lá cờ.
Tiếc rằng, quyền lợi của một cường quốc khác trước đã không đưa hạm đội 7 yểm trợ hải quân Việt Nam, rồi lại ngăn cản không quân Việt Nam tái chiếm Hoàng Sa. Bài học này cho thấy: không thể gìn giữ và xây dựng đất nước — dù là một nước đã mất hay một nước trước mắt, nếu trông chờ ai đó ‘uýnh Tàu’ dùm mình.
Việt Luận