Bà Aung San Suu Kyi – Cố vấn Nhà nước – đã bị quân đội Myanmar bắt nhằm đối phó “gian lận bầu cử”, tuyên bố điều hành đất nước bằng tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Quân đội Myanmar lo sợ đảo chính từ tuần trước
Trước khi bắt bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ hôm nay 1/2, quân đội Myanmar cuối tuần qua đã đưa nhiều xe tăng trên các đường phố, trong khi một số cuộc tuần hành ủng hộ quân đội được tổ chức ở nhiều địa phương, khi quốc hội mới được bầu chuẩn bị họp phiên đầu tiên.
Quân đội Myanmar trước đó tuyên bố sẽ “có hành động” đối với kết quả bầu cử, và khi được hỏi họ có lên kế hoạch đảo chính hay không, phát ngôn viên lực lượng này nói “không loại trừ” khả năng trên.
Người này tuyên bố quân đội sẽ bảo vệ và tuân theo hiến pháp đất nước cũng như hành động dựa trên luật pháp. Lực lượng này cũng khẳng định những phát biểu gần đây của Thống tướng Min Aung Hlaing về bãi bỏ hiến pháp đã bị truyền thông và một số tổ chức hiểu sai.
Nhật khuyến cáo công dân sống tại Myanmar
Một quan chức Bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này chưa lên kế hoạch hồi hương công dân tại Myanmar sau khi cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt. Quan chức này cho biết khoảng 3,500 công dân Nhật Bản đang sinh sống ở Myanmar. Trước đó, Nhật Bản khuyến cáo công dân hủy các chuyến đi tới Myanmar do Covid-19.
Trong thông báo của Tòa đại sứ Nhật Bản tại Myanmar cho biết tình hình nước này “dường như không liên quan đến dân thường”, song cảnh báo công dân “nên thận trọng”. “Chúng tôi khuyến khích mọi người ở nhà và hạn chế ra ngoài, trừ khi thực sự cần thiết”, thông báo cho biết.
Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Quân đội Myanmar hôm nay tuyên bố áp tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, song phát ngôn viên lực lượng này chưa nêu chi tiết các biện pháp thực thi.
Đài truyền hình quân đội Myawaddy TV đưa ra thông báo về tình trạng khẩn cấp, dẫn một điều khoản trong hiến pháp do quân đội nước này soạn thảo, trong đó cho phép lực lượng vũ trang nắm quyền kiểm soát trong thời kỳ khẩn cấp quốc gia.
Người dẫn chương trình của đài truyền hình này cho biết đây là hành động cần thiết nhằm duy trì “sự ổn định” của đất nước, đối phó với những cáo buộc chính phủ không hành động để giải quyết tuyên bố về “gian lận bầu cử” trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái cũng như việc chính quyền không hoãn bầu cử vì Covid-19.
Mỹ cảnh báo quân đội Myanmar
Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho hay Mỹ đã cảnh báo Myanmar sau khi nhận được thông tin quân đội nước này bắt bà Aung San Suu Kyi.
“Mỹ phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây hay cản trở quá trình chuyển giao dân chủ của Myanmar, và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu những hành động này không được đảo ngược”, bà Psaki nói. Bà cho hay Tổng thống Biden đã được thông báo về tình hình.
Quân đội Myanmar nêu lý do bắt Aung San Suu Kyi
Quân đội Myanmar cho biết họ tiến hành bắt giam Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao chính phủ nhằm đối phó “gian lận bầu cử”. Đài truyền hình quân đội Myanmar cũng phát một video thông báo quyền lực tại nước này đã chuyển giao cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Một phóng viên của AFP cho biết ít nhất 5 xe tải đỗ bên ngoài khuôn viên tòa thị chính Yangon, các binh sĩ yêu cầu mọi người trở về nhà khi họ tới đây làm việc.