Ngọc Mai
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng biện pháp “tẩy não học sinh” như một vũ khí để đàn áp tín ngưỡng tâm linh, theo The Epochtimes.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 1949, ĐCSTQ đã thực hiện một số chiến dịch nhằm kiểm soát toàn bộ người dân. Bitter Winter, một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền tại Trung Quốc ghi nhận thế hệ trẻ người Trung Quốc, từ khi học mẫu giáo đã bị tẩy não với các “ý tưởng và suy nghĩ đúng đắn” bắt nguồn từ chủ nghĩa vô thần.
Nhồi nhét lòng căm thù tôn giáo
Nhằm kích động lòng thù hận tôn giáo, các trường học ở Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp do nhà nước chỉ định để đe dọa học sinh rằng cha mẹ và người thân của chúng sẽ bị giam giữ nếu đến thăm nhà thờ hoặc các địa điểm tôn giáo.
Bitter Winter đã trích dẫn một trường hợp, trong đó con trai của một phụ huynh theo đạo Cơ đốc tìm thấy một tờ rơi về tôn giáo trong nhà. Đứa trẻ lo lắng cảnh báo mẹ mình: “Giáo viên của con nói rằng Cơ đốc giáo là Xie jiao (tà giáo). Nếu mẹ tin tưởng vào đạo này, con sẽ bỏ nhà ra đi và không chăm sóc mẹ nữa. Mẹ có thể tự thiêu đấy.”
Cụm từ Xie jiao hay “dị giáo” hoặc “tà giáo” là thuật ngữ được ĐCSTQ sử dụng để tấn công tất cả các tín ngưỡng ở Trung Quốc nằm ngoài các tổ chức tôn giáo chính thức do nhà nước kiểm soát. Cụm từ này khi dịch sang tiếng anh là cult (giáo phái) hoặc evil cult (tà giáo), ĐCSTQ đã mượn cách dùng từ này để tạo ra tính hợp pháp cho sự đàn áp đức tin tàn bạo của mình.
Sau đó, cậu bé mở cặp lấy ra cuốn sách giáo khoa “Đạo đức và xã hội” rồi giở đến phần “Tà giáo” và cách chống lại những nhóm như vậy. Cậu bé nói thêm, giáo viên ở trường nói rằng các nhóm “Tà giáo” là “khủng khiếp”. Sau đó, cậu bé thúc giục mẹ mình xé tờ rơi về Cơ đốc giáo.
Người mẹ theo Đạo, không muốn gây mẫu thuẫn với con nên đã giấu tất cả các vật dụng tôn giáo trong nhà. Tuy nhiên, một tháng sau, người con trai lại tìm thấy một tờ rơi về tôn giáo và cậu bé đã lấy dao gọt hoa quả đục thủng lỗ chỗ vào tờ rơi. Cậu bé nhấn mạnh “Cơ đốc giáo là một ‘tà giáo’” và mẹ “không được tin vào điều đó”.
Bà mẹ bị sốc trước hành vi hung hăng của con trai, cô nói: “Trước khi [con] bắt đầu đi học, tôi đã nói với con mình về sự sáng tạo của Chúa, và thằng bé tin vào điều đó. Nhưng sau khi được dạy ở trường, con tôi như một người khác. Ở nơi Trung Quốc không tin vào Thần thánh, những đứa trẻ trong sáng và vô tội này đã được dạy phải ghét bỏ Chúa.”
Thấm nhuần ‘Gien đỏ’ của ĐCSTQ
Theo một báo cáo, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang “mạnh mẽ thúc đẩy giáo dục lòng yêu nước” để truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ cho giới trẻ. Tháng 9/2020, khi đến thăm một trường tiểu học ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, ông Tập đã nhấn mạnh việc cấy sâu “gen đỏ” vào học sinh và “truyền lại sự nghiệp cách mạng từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Các quan chức thành phố Hà Trạch lập luận rằng trẻ em ngây thơ, chưa hình thành suy nghĩ của riêng mình. Vì vậy, chúng phải được “dạy yêu Đảng” ngay từ khi còn nhỏ. “Nếu chúng được giáo dục theo cách này, chúng sẽ có thể phục vụ đất nước khi lớn lên,” quan chức này nói.
Một báo cáo cho biết, một trường tiểu học ở thành phố Tế Nam, Sơn Đông đã yêu cầu phụ huynh bắt con em họ cam kết ghi nhớ các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi. Các bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái của họ quá căng thẳng đến mức phát khóc khi phải ghi nhớ những điều này.
Ngày 1/9/2020, trong giờ học giáo dục lòng yêu nước đầu tiên của năm học mới, các học sinh tiểu học ở tỉnh Hắc Long Giang nhìn thấy khẩu hiệu in đậm trên bảng: “Hãy giương cao ngọn cờ của Đội Thiếu niên Tiền phong, đi theo Đảng, và chuẩn bị tinh thần để chiến đấu cho sự nghiệp Cộng sản mọi lúc.”
Trẻ em cũng bị nhà trường ép buộc phải khai báo về đức tin của cha mẹ. Trong một số trường hợp, những đứa trẻ này bị đuổi học nếu người nhà “bị phát hiện” là người có tín ngưỡng tôn giáo.
Ví dụ, theo ghi nhận của Minghui, ngày 6/9/2020, một cậu bé 4 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc bị cấm đến trường dù cho gia đình đã trả đầy đủ học phí. Lý do khiến cậu bé bị đuổi học là mẹ và bà của cậu là người tu luyện Pháp Luân Công và không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên các nguyên tắc Chân – Thiện – Nhẫn. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã coi các nguyên lý hòa bình này là “mối đe dọa” với các hệ tư tưởng chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa Marx của ĐCSTQ. Ông ta đã phát động một chiến dịch tàn bạo chống lại Pháp Luân Công vào năm 1999. Cuộc đàn áp cho tới nay đã khiến hàng chục nghìn học viên bị bỏ tù, tra tấn và thậm chí bị cưỡng bức mổ cướp nội tạng .
Cam kết ‘Tránh xa Tôn giáo’
Tờ Bitter Winter đưa tin, thông báo tháng 3/2019 từ Cục Giáo dục và Thể thao Huyện Dư Can, Trung Quốc viết “Cơ đốc giáo đang cạnh tranh với Đảng Cộng sản [Trung Quốc] về lãnh thổ và lòng dân, việc này được thực hiện thông qua các nhà thờ và các địa điểm hội họp tôn giáo. Do đó, điều cần thiết là mỗi trường tiểu học và trung học cơ sở, cũng như các trường mẫu giáo, mở rộng công tác tư tưởng cho thanh niên để nâng cao lập trường chính trị của họ”.
Theo một báo cáo khác năm 2019 của Bitter Winter, các học sinh của một trường tiểu học ở thành phố Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây, đã được hiệu trưởng cảnh báo rằng “Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang lợi dụng tôn giáo để ảnh hưởng đến suy nghĩ của người Trung Quốc,” và cảnh báo các em “hãy luôn cảnh giác”.
Vào tháng 4 cùng năm, những trường tiểu học và trung học đã tổ chức các chiến dịch ký biểu ngữ và cam kết “tránh xa tôn giáo” sau khi nhận được lệnh từ Phòng Giáo dục và Thể thao quận Tuy Dương, thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam. Các sự kiện tương tự xảy ra ở các khu vực khác nhau khắp Trung Quốc, ép buộc cả học sinh và trẻ em mẫu giáo tham gia.
Các biểu ngữ khổng lồ với thông điệp “phản đối các tôn giáo xâm nhập khuôn viên trường học” đã được treo ngay bên ngoài các trường mẫu giáo và trường học, buộc những đứa trẻ vô tội trở thành con rối của ĐCSTQ.
Một giáo viên mẫu giáo giấu tên nói với Bitter Winter, “Trẻ em tin tưởng nhất vào giáo viên, vì vậy chính phủ đang bắt chúng tôi truyền bá cho trẻ những ý tưởng này. Rõ ràng là [muốn] khiến trẻ em từ chối đức tin ngay từ khi còn nhỏ. Chúng vẫn còn nhỏ và chưa hiểu hết mọi thứ. Tôi không muốn làm điều này, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác: để đáp ứng các yêu cầu của chính phủ, tôi phải làm theo các thủ tục này”.