Myanmar: Facebook, Twitter bị cấm vì can thiệp chính trị sâu rộng

Vũ Dương

Ảnh chụp màn hình video Reuter.

National File hôm thứ Hai (ngày 8/2) thông tin rằng, Myanmar đã cấm Facebook, Instagram và Twitter sau khi thuật toán của các nền tảng này quảng bá các bài đăng khuyến khích các cuộc biểu tình chống lại quân đội nước này.

Bài viết cho hay, cuộc cách mạng màu nổ ra ở Myanmar đã được kích hoạt bởi các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm Twitter, Facebook và Instagram, các thuật toán của họ đã háo hức quảng bá nội dung ủng hộ tình trạng bất ổn ở quốc gia Đông Nam Á.

Twitter đã thúc đẩy thẻ “#RespectOurVotes” (Tôn trọng phiếu bầu của chúng tôi) ở Myanmar. Động thái này khiến nhiều người nhớ đến các hành động gắn thẻ của các nền tảng truyền thông xã hội trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, coi thường những thách thức chính đáng của chiến dịch Trump đối với kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020.

Sau các cuộc biểu tình ở Myanmar vào tuần trước, Twitter tuyên bố rằng lệnh cấm của Myanmar là một mối đe dọa đối với “Internet Mở”, bất chấp việc họ đã thực hiện việc kiểm duyệt hàng loạt đối với Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông.

Facebook thừa nhận rằng mục tiêu của họ là truyền tải những gì họ cho là “thông tin quan trọng” tới người dân Myanmar. “Chúng tôi thực sự kêu gọi các nhà chức trách ra lệnh bỏ chặn tất cả các dịch vụ truyền thông xã hội”, Giám đốc Chính sách Công APAC của Facebook cho biết. “Vào thời điểm quan trọng này, người dân Myanmar cần được tiếp cận những thông tin quan trọng”. 

Năm 2018, Facebook đã khóa tài khoản của Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Myanmar, với lý do  “ngăn [ông ta] sử dụng dịch vụ của chúng tôi để làm tăng thêm căng thẳng sắc tộc và tôn giáo”. Tướng Min Aung Hlaing hiện là chủ tịch của chính phủ chuyển tiếp mới của Myanmar.  

National File kết luận rằng các nền tảng truyền thông xã hội đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trên khắp thế giới vì sự can thiệp trắng trợn của họ vào các cuộc bầu cử và các tiến trình chính trị khác nhằm phá hoại các chính phủ bảo thủ (bảo tồn truyền thống) hoặc các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc. Do đó, những phản ứng mạnh mẽ được thực hiện ở Myanmar có thể sẽ trở nên phổ biến hơn.

Trong cuộc bầu cử ở Uganda vừa kết thúc hồi tháng 1, ông Yoweri Museveni đã thắng cử tổng thống Uganda với lợi thế áp đảo sau khi có những hành động mạnh mẽ chống lại sự can thiệp của các nền tảng truyền thông xã hội trong nước.

Related posts