Vaccine Trung Quốc

Vũ Hiến

Cuộc chạy đua đi tìm thuốc chủng ngừa Covid-19 có thể nói bắt đầu vào giữa tháng Giêng năm ngoái. Đó là khi các nhà khoa học Trung Quốc cho công bố hồ sơ về trình tự di truyền (genetic sequence) của con vi khuẩn corona gây ra trận đại dịch. Vào thời điểm đó, không ai có thể biết trước liệu có thể tìm ra được loại thuốc chủng mới hay không chứ đừng nói chỉ 10 tháng sau đó thế giới đã có được một vài loại thuốc chủng thực sự có hiệu nghiệm.

Tuy nhiên, Trung Quốc được nhiều lợi thế ngay từ bước đầu trong cuộc chạy đua vì họ nắm giữ được nhiều thông tin về con vi khuẩn mới này trong khi các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, vẫn còn đang dò dẫm tìm hiểu về nó. Với những lợi thế ban đầu đó, đáng lẽ ra cuộc chạy đua tìm loại thuốc chủng Covid-19 sẽ mang lại một chiến thắng địa chính trị cho họ trong tham vọng thể hiện sức mạnh khoa học của quốc gia này đối với thế giới. Thay vào đó, Trung Quốc đang gặp phản ứng ngược ở một số nơi họ cho thử nghiệm cũng như phân phối thuốc.

Các giới chức chính phủ tại Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ than phiền rằng các công ty bào chế Trung Quốc tỏ ra quá chậm trong việc gửi thuốc tới. Rồi các công bố về kết quả thử nghiệm không những chậm mà còn không được rõ ràng. Và khi kết quả được đưa ra một cách nhỏ giọt thì lại cho thấy rằng thuốc chủng của Trung Quốc, mặc dù được coi là có công hiệu phần nào, nhưng lại không thể ngăn chặn con vi khuẩn hiệu quả như các loại thuốc do Pfizer và Moderna bào chế.

Tại Philippines, một số nhà làm luật đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính phủ trong việc mua thuốc chủng sản xuất bởi Sinovac, một công ty Trung Quốc. Mã Lai Á và Singapore cũng mua thuốc của Sinovac và các giới chức chính phủ của hai nước này vừa qua cũng đã phải lên tiếng trấn an dân chúng rằng họ sẽ chỉ cho phép sử dụng thuốc nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Hiện nay có ít nhất 24 quốc gia, hầu hết là những quốc gia có lợi tức thấp và trung bình, đã ký hợp đồng với các công ty bào chế của Trung Quốc là vì thuốc của Pfizer và Moderna đã bị các quốc gia giàu hơn đặt mua trước sớm và còn lâu mới tới phiên họ. Nhưng sự chậm trễ trong việc cung cấp thuốc của Trung Quốc và điều đáng nói là thuốc kém hiệu quả hơn có nghĩa là các quốc gia đó có thể sẽ phải mất nhiều thời gian hơn mới tiêu diệt được con vi khuẩn.

Thuốc chủng Trung Quốc kém hiệu quả – nguồn WIONNews.com

Các giới chức chính quyền Bắc Kinh từng hy vọng rằng thuốc chủng ngừa mới sẽ đánh bóng uy tín toàn cầu của Trung Quốc nhưng nay đang phải rút vào thế thủ và tìm cách bào chữa cho sự thất bại của họ. Hệ thống truyền thông nhà nước đã bắt đầu chiến dịch đưa những thông tin sai lệch chống lại thuốc chủng của các công ty Mỹ, nêu thắc mắc về độ an toàn các lọ thuốc của Pfizer và Moderna và quảng bá thuốc chủng Trung Quốc như một giải pháp thay thế tốt hơn. Ðồng thời họ cũng cho phát tán nhiều đoạn video trên mạng và được chia sẻ bởi những người thuộc phong trào chống chích ngừa ở Hoa Kỳ.Xem thêm:   Joe Biden & Thử Thách

Liu Xin (Lưu Hân), xướng ngôn viên đài truyền hình nhà nước CGTN, nêu thắc mắc trên Twitter rằng tại sao giới truyền thông ngoại quốc không điều tra thêm về những người bị chết tại Ðức sau khi được tiêm chủng – mặc dù các nhà khoa học đã khẳng định rằng đây là những người đã mắc bịnh nặng từ trước. Lời tweet của bà Lưu còn được chia sẻ bởi Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên), phát ngôn nhân chính của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

George Gao (Cao Phúc), giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh dịch Trung Quốc, cũng nghi ngờ về độ an toàn của thuốc chủng Mỹ là vì các nhà nghiên cứu và bào chế sử dụng những kỹ thuật mới thay vì theo phương pháp truyền thống như của các công ty bào chế Trung Quốc.

Qua đó ta thấy cả một chiến dịch quy mô đang được huy động rầm rộ mà trung tâm đầu não không đâu khác hơn chính là từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có tìm đủ mọi cách để tung những tin đồn thất thiệt thì họ cũng chỉ lung lạc được số ít người không nắm vững những thông tin về thuốc chủng ngừa.

Một phòng thí nghiệm của Sinovac tại Bắc Kinh – nguồn Reuters

Chiến dịch quảng bá thuốc của họ ngay từ đầu cũng đã vấp phải những nghi ngờ. Nhiều người nay vẫn chưa quên những vụ tai tiếng về thuốc chủng ngừa của Trung Quốc trước đây. Nhiều chính phủ trên thế giới vẫn còn tức giận về việc Bắc Kinh đã thiếu minh bạch trong cuộc điều tra con vi khuẩn corona trong những ngày đầu của đại dịch. Rồi cả một nỗ lực được huy động hồi đầu năm ngoái để sản xuất thật nhanh và phân phối mặt nạ cùng các thiết bị bảo vệ đến cho các quốc gia phương Tây, nhưng không lâu sau đó đã gặp phải sự chỉ trích nặng do bị tố cáo là các kiện hàng được gửi đi có phẩm chất quá kém và thô bỉ hơn nữa là các giới chức Trung Quốc lại còn đòi chính phủ của những quốc gia kia phải công khai lên tiếng cảm ơn họ.

Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện mới đây của trang mạng YouGov.com với khoảng 19,000 người tại 17 quốc gia và khu vực cho thấy hầu hết không tin tưởng vào thuốc chủng Covid-19 sản xuất tại Trung Quốc. Chiến dịch tung tin sai lạc về thuốc chủng của phương Tây có thể gây thiệt hại hơn nữa về uy tín đã không có được bao nhiêu của họ.

Ngay từ những ngày đầu các nhà khoa học phương Tây đã tỏ ra nghi ngờ về kết quả thử nghiệm của thuốc chủng ngừa Trung Quốc trong khi họ chỉ công bố bằng miệng mà không đưa ra đầy đủ bằng chứng rõ rệt để hỗ trợ cho những công bố trên. Và nay thế giới lại càng chưng hửng hơn trước thông tin cho rằng loại thuốc chủng của công ty Sinovac có thể không đạt được hiệu quả như đã từng được quảng cáo. Trước đó, các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng thuốc chủng có tỷ lệ hiệu quả là 91 phần trăm. Tại Nam Dương, là 68 phần trăm. Tại Brazil, các nhà nghiên cứu lúc đầu cho biết thuốc có hiệu quả 78 phần trăm.

Nhưng sau đó, ngày 12 tháng Giêng vừa qua, các nhà khoa học nói rằng thuốc chỉ có hiệu quả mấp mé trên 50 phần trăm, một khi kết quả thử nghiệm được bao gồm luôn cả những người bị nhiễm nhưng có triệu chứng tương đối nhẹ sau khi được chích thuốc. Như vậy, mức độ hiệu quả 50 phần trăm này chỉ vừa đúng với mức quy định đặt ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để được cho là thuốc có hiệu quả. Trong một cuộc họp báo gần đây, tổng giám đốc của Sinovac, Yin Weidong (Doãn Vệ Ðông), nhắc lại rằng thuốc chủng của Sinovac có hiệu quả 100 phần trăm trong việc ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng. Yin còn nói rằng tỷ lệ hiệu quả thấp là kết quả thử nghiệm tập trung vào các nhân viên y tế, là những người có khả năng nhiễm Covid-19 cao hơn so với dân số chung. Nhưng cho dù có bào chữa thế nào thì cũng lòi ra sự dối trá của họ, kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Dân Brazil biểu tình chống sử dụng thuốc chủng của Sinovac – nguồn Reuters

Mà không chỉ Sinovac mới có vấn đề lấp liếm và không nhất quán khi cần phải trưng ra bằng chứng về kết quả thử nghiệm thuốc. Công ty Sinopharm cũng từng tuyên bố thuốc chủng ngừa Covid-19 của họ do chi nhánh Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh sản xuất có tỷ lệ hiệu quả là 79 phần trăm, nhưng cho đến nay vẫn không tiết lộ những chi tiết quan trọng về kết quả thử nghiệm của họ.

Thậm chí ngay cả những quốc gia đặt mua thuốc của Trung Quốc, như Philippines chẳng hạn, việc tiết lộ số liệu kết quả thử nghiệm cũng có vấn đề. Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte hiện đang gặp sự chỉ trích gay gắt từ phía đối lập vì vẫn tiếp tục việc tiêm thuốc cho dân chúng mặc dù chưa có sự phê chuẩn cho việc sử dụng khẩn cấp từ các cơ quan thẩm quyền về y tế. Ðấy là chưa kể chính phủ Duterte còn bị tố cáo là đã phải trả số tiền $61 cho một liều thuốc, cao hơn gấp đôi so với giá mà nước láng giềng Nam Dương trả cho cùng loại thuốc chủng họ mua của Sinovac. Phía phủ tổng thống nói rằng mức giá đó đã bị phóng đại nhưng lại không chịu tiết lộ giá thật với lý do là thỏa thuận cần phải được bảo mật. Ðây là việc làm hết sức hàm hồ vì nói cho cùng sức khoẻ của người dân là ưu tiên trên hết và không thể coi là chuyện kín hay hở.

Ðiều quan trọng là không nên sử dụng loại thuốc chủng của Trung Quốc cho đến khi nào họ vẫn chưa chứng minh được độ an toàn và hiệu quả một cách rõ ràng. Chúng ta chờ xem chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ mua thuốc của ai để chích ngừa cho người dân nay mai. Hay đây cũng lại là bí mật quốc gia?

Related posts