Triệu Hằng
Express đưa tin, Trung Quốc đã điều hai tàu tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng truyền bá các yêu sách lãnh thổ của mình.
Quần đảo Senkaku từ lâu đã là vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản bởi cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo.
Hoạt động này diễn ra khi Trung Quốc ban hành “Luật Hải cảnh” mới, cho phép lực lượng tuần duyên của Trung Quốc sử dụng vũ khí. Luật cũng cho phép các tàu chiến Trung Quốc được hành động nếu phía Bắc Kinh nhìn thấy bất kỳ tàu nào đi vào vùng lãnh hải của mình.
Truyền thông Nhật Bản tuyên bố rằng những con tàu của Trung Quốc có trang bị một khẩu đại bác.
Theo Nikkei Asia, hai tàu này cũng đã đe dọa một tàu cá Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản ngay sau đó đã gửi khiếu nại về các cuộc xâm nhập của Trung Quốc và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực ngay tức khắc.
Các bộ trưởng của cả Anh Quốc và Nhật Bản trước đó đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở cả Biển Đông và Hoa Đông.
Cuộc xâm nhập hôm 16/3 được cho là lần thứ bảy như vậy trong năm nay. Mặc dù hai tàu Trung Quốc đã rời đi sau khi bị chính phủ Nhật Bản cảnh báo, nhưng động thái tiến vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản được cho là màn phô trương lực lượng mới nhất của Tập Cận Bình.
Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này từ Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và phía Nhật gồm Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo, 4 vị này đã nêu ra quan ngại của họ về khu vực.
Họ nói: “Bốn Bộ trưởng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng”.
“Bốn Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên thực hiện tự kiềm chế và kiềm chế các hoạt động có khả năng làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là quân sự hóa và cưỡng bức”.
“Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên đại dương và vùng biển phải được thực hiện và tất cả các yêu sách hàng hải phải dựa trên các quy định liên quan của UNCLOS”.
Về phía Mỹ, mặc dù ông Joe Biden chưa hoàn toàn vạch rõ quan điểm của mình về các vấn đề trong khu vực, nhưng ông đã bày tỏ mong muốn duy trì lập trường chống Bắc Kinh của cựu Tổng thống Donald Trump.