Hải Lam
Bộ Ngoại giao Anh, Canada ngày 18/2 thông báo áp lệnh trừng phạt một số tướng Myanmar vì cáo buộc vi phạm nhân quyền sau cuộc đảo chính, theo AFP.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết:
“Anh lên án cuộc đảo chính quân sự và việc giam giữ tùy tiện bà Aung San Suu Kyi cùng các chính trị gia khác. Chúng tôi cùng các đồng minh quốc tế sẽ yêu cầu quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của họ và theo đuổi công lý cho người dân Myanmar”.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt, gồm đóng băng tài sản ngay lập tức và cấm đi lại, đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing.
Mya Tun Oo bị cáo buộc “chịu trách nhiệm những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của quân đội”, trong khi Soe Htut và Than Hlaing bị cáo buộc “chịu trách nhiệm những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Lực lượng Cảnh sát Myanmar”.
Anh cũng đã bắt đầu hành động để ngăn chặn doanh nghiệp trong nước hợp tác với chính quyền Myanmar.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau đã công bố một danh sách trừng phạt 9 quan chức ở Myanmar. Ông cho biết, lệnh trừng phạt này nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Canada sẽ không chấp nhận các hành động của quân đội Myanmar và sự coi thường hoàn toàn đối với ý chí và quyền dân chủ của người dân Myanmar.
Lấy lý do có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái với phần thắng thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, quân đội Myanmar hôm 1/2 đảo chính, bắt bà Suu Kyi và một loạt quan chức chính phủ.
New Zealand là chính phủ nước ngoài đầu tiên có hành động cụ thể nhằm phản đối đảo chính Myanmar, khi tuyên bố ngừng tiếp xúc quân sự và chính trị cấp cao với Myanmar. Na Uy cũng vừa thông báo đóng băng viện trợ song phương đối với quốc gia Đông Nam Á này.