Nikkei News, hôm thứ Ba (23/2), đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký một lệnh hành pháp sớm nhất trong tháng này, theo đó Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Australia để đẩy nhanh việc loại bỏ sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chip và các nguyên liệu khác do Trung Quốc sản xuất.
Dự thảo lệnh hành pháp mà Nikkei tiếp cận được cho biết, Mỹ sẽ xây dựng chuỗi cung ứng quốc gia để chủ động đối với nguồn cung chip (chất bán dẫn), pin xe điện, đất hiếm và vật tư y tế.
Dự thảo lệnh hành pháp nêu rõ Toà Bạch Ốc tin rằng hợp tác với các đồng minh có thể xây dựng một chuỗi công nghiệp mạnh mẽ hơn và có sức đề kháng cao hơn. Về mảng chip, Washington sẽ tìm kiếm hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Về mảng đất hiếm, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Úc.
Dự thảo cũng nêu rõ Hoa Kỳ có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh của mình trong các chuỗi cung ứng quan trọng. Đồng thời, Hoa Kỳ cho rằng trong các tình huống khẩn cấp, tất cả các bên có thể nhanh chóng chia sẻ hàng tồn kho và năng lực sản xuất; Hoa Kỳ cũng có thể yêu cầu các đồng minh giảm bớt kinh doanh với Trung Quốc.
Hiện nay, 85% đất hiếm và 90% vật tư y tế ở Hoa Kỳ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính quyền của cựu Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về các nguồn cung cấp quan trọng sẽ gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia; ví dụ, vào năm 2010, ĐCSTQ đã cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Điếu Ngư.
Báo cáo của Nikkei cũng dẫn lời một quan chức chính phủ Nhật cho biết Hoa Kỳ đang tiến hành đánh giá toàn diện chuỗi công nghiệp toàn cầu để tìm hiểu những quốc gia mà Mỹ nên dựa vào để cung cấp chip và đất hiếm; và sau đó sẽ thảo luận các biện pháp với đồng minh.
Năm 1990, Hoa Kỳ sản xuất 37% lượng chip trên thế giới, và con số này đã giảm xuống còn 12%. Đài Loan hiện sản xuất 22% lượng chip trên thế giới và là khu vực sản xuất chip lớn nhất thế giới, tuy nhiên, nhà máy đã sản xuất quá tải và không thể tăng thêm công suất sản xuất trong ngắn hạn.
Việc tổ chức lại chuỗi cung ứng có thể mất một khoảng thời gian đáng kể, đặc biệt là trong ngành chip. Do số lượng hạn chế của các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, người ta vẫn chưa biết liệu các công ty này có sẵn sàng tuân theo hướng dẫn của chính phủ Mỹ hay không. Đồng thời, động thái này cũng cần sự hợp tác của các chính phủ khác.
Bắt đầu từ năm ngoái, đặc biệt là sau khi sự bùng phát của Covid-19 lây lan từ Vũ Hán, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Trump đã quan tâm nhiều hơn đến đến sự an toàn của chuỗi công nghiệp và đã hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và Úc trong lĩnh vực công nghệ và tài nguyên.
Ví dụ, vào tháng 11/2020, các quan chức Đài Loan và Hoa Kỳ đã ký một bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác trong bảy lĩnh vực khoa học và công nghệ; TSMC cũng hứa đầu tư 12 tỷ nhân dân tệ theo lời mời của Hoa Kỳ để thành lập một nhà máy ở Arizona để sản xuất chip quân sự, dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất vào năm 2024. Chính phủ Mỹ sẽ trợ cấp cho dự án này.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã dành 1,9 tỷ USD cho việc mời TSMC đặt nhà máy tại Nhật Bản để sản xuất chip và hợp tác với các công ty Nhật Bản.
Về đất hiếm, Hoa Kỳ cũng đang hợp tác với Úc, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cung cấp quỹ tài chính để hỗ trợ nhà phát triển đất hiếm Lynas của Úc xây dựng các cơ sở chế biến ở Texas.
Do ảnh hưởng của dịch virus Vũ Hán, nhiều người phải làm việc tại nhà, điều này kéo theo nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại di động tăng vọt, trong những tháng gần đây, nhu cầu tiêu thụ chip trên toàn cầu đã khiến hàng loạt linh kiện chủ chốt của các thiết bị điện tử bị thắt chặt.
Sản xuất ô tô đã đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chip. Nhiều hệ thống, từ module quản lý động cơ đến phanh tự động và công nghệ hỗ trợ lái xe, phải sử dụng chip, và một số xưởng sản xuất ô tô của Mỹ đã bị buộc phải ngừng hoạt động.
Hãng tin Bloomberg vào chiều thứ Ba (23/2) cũng dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết TT Biden đã mời các dân biểu trong nước của cả hai đảng đến Toà Bạch Ốc vào thứ Tư để thảo luận về tình trạng thiếu chip toàn cầu . Dự kiến, TT Biden sẽ ký một lệnh hành pháp để tăng cường cung cấp các sản phẩm quan trọng như chip.