4 điểm nóng trong chiến tranh lạnh Mỹ-Trung

Triệu Hằng

Ông Joe Biden nâng ly chúc mừng ông Tập Cận Bình tại một bữa tiệc trưa của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/9/2015 (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).

Đức, Philippines, Ấn Độ và Djibouti là những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh, theo phân tích của nhà báo Hal Brands trong loạt bài viết về những quốc gia quan trọng trên tuyến đầu của sự cạnh tranh Mỹ – Trung trên tờ Bloomberg.

Các cuộc so tài giữa các cường quốc mang lại cảm giác đó là những trận đấu tay đôi, giữa Athens với Sparta, giữa Rome với Carthage, và giữa Moscow với Washington.

Tuy nhiên, họ cũng chật vật vì lòng trung thành của những bên bị kẹt giữa các đối thủ, điều đó có nghĩa là sự lựa chọn của các quốc gia nhỏ hơn có thể quyết định số phận của các siêu cường.

Trong các cuộc chiến tranh thời Napoleon, London cuối cùng đã ca khúc khải hoàn bởi cách họ dàn xếp một liên minh giành thắng lợi giữa các quốc gia bị đe dọa bởi kẻ xâm lược Pháp.

Trong Chiến tranh Lạnh, sự ủng hộ của “thế giới tự do” là lợi thế quyết định của Mỹ: Những lợi ích mang lại từ việc liên minh với một số quốc gia năng động nhất trên thế giới đã giúp Washington có lợi thế hơn so với Moscow và liên minh các quốc gia nghèo khó của họ.

Một sự cạnh tranh toàn cầu mới, giữa Mỹ và Trung Quốc, đang thiết lập lại chuỗi cung ứng, tái định hình vị trí địa lý chiến lược của thế giới và làm dấy lên một bóng ma về một cuộc chiến tranh tàn khốc giữa các cường quốc. Giống với thời Chiến tranh Lạnh, các quốc gia từ Châu Đại Dương đến Châu Mỹ Latinh đang bị áp lực phải chọn phe, đang né tránh rơi vào vòng xoáy tranh đấu, hoặc là tìm kiếm sự bảo vệ trong một thế giới phân mảnh.

Các quốc gia này là các phần thưởng chiến lược khi Washington và Bắc Kinh điều động để có lợi thế, nhưng họ cũng là những tác nhân chiến lược theo nghĩa riêng. Những lựa chọn mà họ đưa ra, như cách họ bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc, cách họ chọn nhà cung cấp công nghệ 5G, người mà họ ủng hộ và người mà họ phản đối – cũng có thể quyết định ai là người chiến thắng trong cuộc thi mang tính quyết định của thế kỷ này.

Cả siêu cường đang trị vì và siêu cường đầy tham vọng đã điều chỉnh chiến lược của họ cho phù hợp. Hal Brands cho rằng, về phía Mỹ, tính toán chiến lược đơn thuần là: Washington không thể cân bằng quyền lực của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngăn cản những kẻ chuyên quyền giành chiến thắng trong cuộc chiến ý tưởng và cuộc đấu tranh định hình sự đổi mới công nghệ, hoặc nói cách khác là làm giảm bớt những thách thức theo chủ nghĩa xét lại của Bắc Kinh mà không cần tập hợp một liên minh đa dạng các nhà nước, hoặc liên minh chồng chéo nhiều quốc gia.

Ngược lại, Trung Quốc có thể kiểm soát khu vực địa chính trị của mình, khẳng định ảnh hưởng chi phối đối với vùng đất rộng lớn Á-Âu và truất ngôi địa chính trị của Hoa Kỳ chỉ khi nước này cô lập Mỹ khỏi các nước bạn bè của mình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng quyết tâm tạo ra các khối gồm các nước phụ thuộc vào công nghệ và kinh tế của Bắc Kinh, và do đó không thể chống lại sự đi lên từ địa chính trị của nước này.

Bốn quốc gia nòng cốt – những quốc gia quan trọng trên chiến tuyến của sự cạnh tranh Mỹ – Trung, là Đức, Djibouti, Ấn Độ và Philippines, những quốc gia này đang nằm cách xa hàng ngàn dặm với Mỹ, nhưng những nước này chiếm giữ những vị trí chiến lược rất khác nhau trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Và những câu chuyện của họ minh họa cho một vài chủ đề phổ biến về cách thức mà sự cạnh tranh đang diễn ra.

Người ta có thể tranh cãi rằng các quốc gia khác như Nga, Singapore, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Úc – cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, bốn quốc gia được chọn để bàn đến ở đây là rất quan trọng, theo cách này hay cách khác – đối với sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Vẫn còn một số do dự về vị thế của 4 quốc gia này trong quan hệ Mỹ – Trung, thì những câu chuyện của họ sẽ minh họa một vài chủ đề chung về cách mà sự cạnh tranh đang diễn ra.

Đầu tiên là cạnh tranh hiện đại trong nhiều mặt. Cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến sự cân bằng của các chuẩn mực Internet và các ý tưởng chính trị cũng như sự cân bằng của sức mạnh quân sự và thương mại.

Cuộc cạnh tranh đó cũng đang diễn ra trong các tổ chức quốc tế cũng như các ngành công nghiệp của tương lai. Các vũ khí trọng yếu của nó bao gồm từ chiến lược “tham nhũng” cho đến chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng. Cuộc tranh giành các nhà nước quan trọng do đó diễn ra dưới nhiều hình thức và đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực liên quan đến tài năng của nhà chính trị.

Thứ hai, tiền tuyến của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung là có ở khắp mọi nơi – có những quốc gia quan trọng trên khắp thế giới. Chiến tranh rất có thể nổ ra dọc theo vùng ngoại vi sát cạnh Trung Quốc, có thể là ở eo biển Đài Loan hoặc dọc theo biên giới với Ấn Độ. Nhưng tham vọng của Bắc Kinh và sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh đã mang ảnh hưởng của nó đến gần như khắp các lục địa. Hành động quan trọng, vào bất kỳ ngày nào, có khả năng xảy ra trong các phòng họp ở Trung Âu cũng như trên các tàu hải quân ở Tây Thái Bình Dương.

Sự phỏng theo của Trung Quốc đối với Con đường tơ lụa thời cổ đại trong thời hiện đại là nhằm mục đích hồi sinh các tuyến đường thông qua mạng lưới đường sắt, cảng, đường ống và đường cao tốc (ảnh chụp màn hình Bloomberg dẫn từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc).

Thứ ba, các quốc gia nòng cốt này không chỉ là con tốt hay trung gian do Washington hay Bắc Kinh thúc đẩy. Một vài trong số họ đang chơi với cả hai bên, một số đang tìm kiếm một cách thức thứ ba trong một thế giới ngày càng lưỡng cực, một số đang nghiêng về bên này ngả về bên kia. Nhưng tất cả đều đang theo đuổi các chiến lược của riêng mình trong một bối cảnh môi trường địa chính trị đầy khó khăn, và các quyết định của họ sẽ định hình sự cạnh tranh Trung – Mỹ một cách triệt để khi quyết định của các nước nhỏ hơn sẽ quyết định siêu cường nào giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Cuối cùng, Hoa Kỳ đối mặt với môt con đường chông gai hơn trong cuộc tranh đua này. Mặc dù xếp hạng mức độ yêu thích toàn cầu của Trung Quốc đã xuống cấp vì vai trò của nó trong đại dịch Covid-19 và khuynh hướng tàn bạo của chế độ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã vận dụng chiến lược cây gậy và củ cà rốt kinh tế nhuần nhuyễn hơn cả những chỉ huy thời Xô Viết. Nó đã xâm nhập vào không chỉ các nước đang phát triển mà còn với một số đồng minh quan trọng của Mỹ.

“Chúng ta đang ở giữa một cuộc tranh luận cơ bản về định hướng tương lai của thế giới chúng ta”, ông Joe Biden tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich, giữa các đại diện của các siêu cường đối thủ. Trong nhiều thế hệ, Mỹ là một đối thủ cạnh tranh không thể đánh bại bởi vì nước này dẫn đầu một thế giới tự do, khiến Mỹ có ưu thế về sức mạnh toàn cầu. Tuy nhiên, nếu Washington không thể duy trì các quốc gia quan trọng ở cạnh bên trong những năm tới, có thể Mỹ sẽ nhận phải một bài học cay đắng trong việc mất đi một vị thế cạnh tranh quyền lực lớn, Hal Brands kết luận.

Related posts