Brands: Philippines là tâm điểm trong chiến tranh lạnh Mỹ – Trung

Triệu Hằng

Chủ tịch Tập Cập Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: Dzrhnews)

Bloomberg hôm 24/2 cho đăng bài bình luận của nhà báo Hal Brands bàn về vai trò của Philippines trong mối quan hệ Mỹ-Trung và câu chuyện Biển Đông. Từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống Philippines, mối quan hệ Mỹ-Phi đã trở nên xấu đi và Manila nghiêng về Bắc Kinh. Nhà báo Brands đề nghị những hành động Mỹ nên làm để thay đổi tình hình, nhất là trong bối cảnh chính quyền Biden bị cho là mềm yếu trước chính quyền Trung Quốc.

Dưới đây chúng tôi trích đăng những điểm chính trong bài viết của nhà báo Hal Brands.

Hoa Kỳ yêu cầu một liên minh vững chắc với châu Âu, và đặc biệt là Đức, để cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả của sự cạnh tranh đó về cơ bản cũng dựa vào sức mạnh của các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia láng giềng với Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á.

Nếu các liên minh và quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ với các quốc gia từ Hàn Quốc cho đến Việt Nam được giữ vững, các quốc gia đó có thể chống lại sức ép từ Trung Quốc, và Washington sẽ giữ được chỗ đứng trong khu vực để chống lại sức mạnh của Bắc Kinh. Nếu những mối quan hệ đó rạn nứt, Hoa Kỳ sẽ bị đẩy ra rìa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không thể cưỡng lại sự lấn lướt của Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ câu thần chú “Châu Á của người châu Á” của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giúp hình thành một khu vực mà trong đó Mỹ “bị ra rìa” và Bắc Kinh không có đối thủ. Và Philippines, một đồng minh quan trọng đã rời xa Washington trong nửa thập kỷ, là ưu tiên gây ảnh hưởng của họ.

Philippines chiếm vị trí rất quan trọng vì quốc gia này nằm ở điểm giao nhau của nhiều tiểu vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là một quốc gia thuộc tuyến đầu ở Biển Đông, nơi đã phải gánh chịu sức ép của chính quyền Trung Quốc trong thập kỷ qua. Đảo quốc này neo vào sườn phía nam của một con đường chiến lược, con đường nối họ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, ảnh hưởng tới việc Trung Quốc tiếp cận với Thái Bình Dương rộng mở.

Philippines cũng kết nối hệ thống liên minh của Hoa Kỳ với Đông Nam Á, một khu vực mà sự liên kết địa chính trị rất linh hoạt và cạnh tranh ảnh hưởng rất gay gắt. Tất cả những điều đó là lý do giải thích cho việc vì sao mối quan hệ Mỹ – Philippines xấu đi lại gây bất ổn cho việc cân bằng khu vực.

Chiến lược “xoay trục châu Á” của chính quyền Obama thúc đẩy việc Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines nhưng lại “không nhằm khống chế Trung Quốc” trước những tuyên bố chủ quyền lố bịch về mặt pháp lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Việc ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống năm 2016 đã khiến mối quan hệ Mỹ-Phi đi xuống. Chính quyền của ông Duterte chống ma túy quyết liệt nhưng lại phản kháng yếu ở trước sự lần lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, không những thế còn nhiều lần dọa đuổi lực lượng Mỹ khỏi Philippines.

Bắc Kinh đã nắm bắt cơ hội để lôi kéo chính phủ của ông Duterte bằng các khoản vay, đầu tư và thậm chí, theo các báo cáo, là các khoản tài chính tạo điều kiện cho tham nhũng. Và khi các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khu vực đã hạn chế sự phụ thuộc của họ vào công nghệ Trung Quốc, thì Philippines đã cho phép Huawei Technologies Co tham gia xây dựng mạng 5G. Ông Duterte tuyên bố rằng: “Mỹ đã thua” trong cuộc cạnh tranh ở châu Á – một tuyên bố mà giới chức Trung Quốc đang nỗ lực hiện thực hóa.

Tuy nhiên, hầu hết người dân Philipines vẫn coi trọng mối quan hệ đồng minh với Mỹ, điều này khiến ông Duterte phải tìm phương án chơi với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nhiều lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn với chính quyền Duterte vẫn chưa thành hiện thực, và lối cư xử thô thiển của Bắc Kinh đã làm tổn hại quan hệ Trung-Phi. Sự giận dữ của người dân Philippines đối với Bắc Kinh tăng lên sau khi một tàu Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Pihlippines vào năm 2019 và bỏ mặc những thuyền viên của con tàu này (sau đó họ được ngư dân Việt Nam cứu giúp).

Sự việc này đã đặt ra một câu hỏi mở rằng chính phủ Philippines sẽ định vị mình như thế nào trong cuộc đấu tranh cho châu Á, tiếp tục là một đồng minh mạnh mẽ của Hoa Kỳ, một nhân tố ở tuyến đầu, hay là một quốc gia nghiêng về phía Bắc Kinh.

Mỹ nên mở rộng và đồng bộ hóa tốt hơn các chương trình viện trợ và đầu tư của mình với các chương trình viện trợ và đầu tư của các nền dân chủ khác, đặc biệt là Nhật Bản và Úc, cam kết ngăn chặn Đông Nam Á rơi hoàn toàn vào quỹ đạo kinh tế và công nghệ của Bắc Kinh. Mỹ cũng phải củng cố vị trí quân sự của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và làm rõ rằng Mỹ sẽ ngăn chặn sự xâm phạm thêm nữa của Trung Quốc đối với chủ quyền Philippines.

Về lâu dài Washington nên đầu tư vào các thể chế dân chủ và các nỗ lực chống tham nhũng như một cách chống lại các điều kiện chính trị mà Bắc Kinh có thể trục lợi.

Related posts