Tâm Thanh
Ngày 11/3, Tòa án Tối cao tại thành phố Peshawar, Pakistan đã yêu cầu cơ quan quản lý viễn thông của nước này chặn TikTok vì phát tán nội dung không phù hợp, theo Epoch Times.
Đây là lần thứ hai Pakistan cấm ứng dụng truyền thông xã hội này.
Phán quyết được đưa ra bởi Chánh án Qaiser Rashid Khan của Tòa án Tối cao tại thành phố Peshawar, Pakistan, sau khi một công ty tư nhân khiếu nại ứng dụng TikTok phát tán nội dung không phù hợp. “Các video trên TikTok đang lan truyền nội dung tục tĩu và nó cần được chặn ngay lập tức”. Vị chánh án tuyên bố thêm rằng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ ứng dụng này là những người trẻ tuổi.
Mặc dù trước đó, nhà chức trách Pakistan liên tục yêu cầu TikTok chặn các nội dung phi đạo đức và khiếm nhã nhưng kết quả vẫn không khả quan, gây ra tác động tiêu cực đến xã hội.
Ngày 9/10 năm ngoái, cơ quan quản lý viễn thông Pakistan đã quyết định cấm TikTok tại quốc gia này. Tuy nhiên, lệnh cấm sau đó đã được dỡ bỏ.
Do lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư của người dùng, TikTok đang phải đối mặt với sự bao vây từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tháng trước, chính phủ Ấn Độ cũng ban bố lệnh cấm TikTok cùng hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc với tuyên bố chúng “gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh của nhà nước và trật tự công cộng.”
Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump coi TikTok là “mối nguy quốc gia” và yêu cầuByteDancephải phân tách mảng kinh doanh tại Mỹ để tiếp tục hoạt động. TikTok phản đối thay đổi này nhưng được cho đã bắt tay với Oracle để tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ.
Úc và Nhật Bản cũng đang tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt nền tảng truyền thông xã hội này.
Mới đây, cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu chính của châu Âu (EU) cũng cho biết, TikTok có thể sẽ chuyển dữ liệu người dùng ở các nước EU sang Trung Quốc.