Duy Nghĩa
Trong một bài viết gần đây đăng trên The Epoch Times, ông Wang He, chuyên gia nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế, cho rằng hoàn cảnh khó khăn của các cựu chiến binh Trung Quốc đã làm nổi bật tình huống khó xử về chính trị của ông Tập.
Từng là giảng viên đại học và thường xuyên viết các bài bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2017, ông Wang cho rằng việc Trung Quốc ban hành Luật bảo vệ cựu chiến binh trong năm 2020 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, 72 năm sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm chính quyền ở nước này, cũng không thể cải thiện được hoàn cảnh khó khăn hiện tại của các cựu chiến binh Trung Quốc.
Để minh chứng cho hoàn cảnh cực khổ của các cựu chiến binh, ông Wang đưa ra một ví dụ về ông Gao Hongyi, một cựu chiến binh 76 tuổi sống ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Vào cùng ngày luật trên được thông qua, ông Gao phát biểu với truyền thông Trung Quốc, phàn nàn về việc ông không nhận được trợ cấp của mình dù đã phục vụ trong quân đội khi mới 18 tuổi. Năm 2017, ông Gao bị tòa án địa phương kết án 2 năm tù vì tội “gây rối trật tự xã hội” vì tham gia biểu tình ở thủ đô Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, các cựu chiến binh đã yêu cầu chính quyền thanh toán khoản trợ cấp chưa được trả.
“Hiện tại, ông Gao không thể kiến nghị ở Bắc Kinh vì ông ấy đang bị chính quyền theo dõi thông qua mã sức khỏe QR dựa trên điện thoại thông minh”, ông Wang lưu ý.
“Việc thiếu các quyền và sự bảo vệ đối với các cựu chiến binh đã dẫn đến việc Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, một cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, soạn thảo Luật Bảo vệ Cựu chiến binh và nhanh chóng thông qua nó, sau 3 lần thảo luận vào các ngày 18/6, 13/10 và 11/11/2020”, ông Wang nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Wang, ngay cả sau khi Luật Bảo vệ Cựu chiến binh được xem xét trong năm 2020, nỗi đau khổ của các cựu chiến binh vẫn tiếp tục. Ông Wang đưa ra 3 ví dụ cụ thể:
- Thứ nhất, ngày 10/5/2020, một video đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó ông Trương Đằng Nhạc (Zhang Tengyue), người tỉnh Hà Bắc, và là cựu quân nhân của Quân khu Thành Đô, tiết lộ rằng ông đang bị chính quyền bức hại. Ông Trương nói rằng các quan chức địa phương đã theo dõi ông, và họ ra lệnh cho cấp dưới, “Hãy bắt kẻ khiếu kiện và đánh hắn thật mạnh, miễn là hắn không bị đánh chết”.
- Thứ hai, ngày 11/6/2020, gần 100 cựu chiến binh đã tập trung bên ngoài một nhà ga xe lửa ở Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam. Đây là cuộc tụ tập quy mô lớn đầu tiên của các cựu chiến binh sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế COVID-19. Cuộc tụ tập này nhằm đáp lại lời bình luận gần đây của nhà kinh tế học Wang Fuzhong trong một chương trình, với tiêu đề: “Cuộc chiến của những người lính chống lại kẻ thù trong mưa đạn, chỉ là sự hão huyền”. Để phản đối những bình luận trên, các cựu chiến binh Trường Sa đã quyết định khiếu nại lên Bắc Kinh. Nhưng các nhà chức trách đã điều động cảnh sát đến hiện trường và giải tán đám đông.
- Thứ 3, tháng 10/2020, một video khác lan truyền và được cư dân mạng khen ngợi. Nó cho thấy một cựu chiến binh từ tỉnh Hồ Nam đã đến Văn phòng các vấn đề cựu chiến binh địa phương, giật phăng tấm biển trên tòa nhà có nội dung “Văn phòng các vấn đề cựu chiến binh huyện Anren” và ném nó xuống đất. Sau đó ông ấy giơ nó lên như một dấu hiệu phản đối.
Từ những thí dụ trên, ông Wang chỉ rõ, “những gì chúng ta thấy là những thủ đoạn tàn ác của ĐCSTQ trong việc duy trì sự ổn định. Duy trì sự ổn định không chỉ dưới hình thức trấn áp bạo lực tại chỗ mà còn bao gồm việc giám sát bằng công nghệ cao như việc cơ quan công an cấy thẻ chip vào điện thoại di động, và xâm nhập vào những tài khoản mạng xã hội cá nhân”.
Cho rằng “các biện pháp khốc liệt để duy trì sự ổn định không chỉ làm trầm trọng thêm hoàn cảnh cực khổ của các cựu chiến binh, mà còn gây ra một tập quán xã hội không lành mạnh về sự thiếu tôn trọng đối với các cựu chiến binh”, ông Wang dẫn chứng: “Ngày 4/5/2020, một người bán vé xe buýt ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã từ chối giảm giá cho một cựu chiến binh tàn tật. Thay vào đó, hắn đã chế nhạo người cựu chiến binh và nói, ‘mày đừng sống nếu không có đủ tiền’”.
Ông Tập áp đặt các biện pháp hà khắc để duy trì sự ổn định
Về vấn đề này, ông Wang lưu ý đã có nhiều cuộc biểu tình xảy ra, từ Nội Mông đến Tứ Xuyên, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền trong năm 2012.
Ngày 11/10/2016, khoảng 10.000 cựu chiến binh đã bao vây Tòa nhà Bayi của Quân ủy Trung ương ở Bắc Kinh. Đây là một cú sốc nghiêm trọng đối với các quan chức của ĐCSTQ, do đó đã thiết lập một số thể chế và đề xuất một số chính sách, nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình quy mô lớn. Cụ thể là:
- Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh đã được thành lập vào tháng 4/2018.
- Trung tâm Dịch vụ Cựu chiến binh Quốc gia được thành lập vào ngày 26/2/2019, chịu trách nhiệm chính về hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, hỗ trợ chăm sóc đặc biệt và bảo vệ quyền và lợi ích cho các cựu chiến binh.
- Luật Bảo vệ Cựu chiến binh được ban hành trong năm 2020.
Bất chấp những thể chế và chính sách này, ông Wang cho hay các cựu chiến binh vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình.
“Ông Tập đã gây ra vụ lộn xộn này và chính phủ của ông đã không vượt qua được tâm lý duy trì sự ổn định thông qua các biện pháp hà khắc. Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh giống như một tổ chức duy trì sự ổn định — những yêu cầu của các cựu chiến binh đã không được đáp ứng và những người kiến nghị đang bị đàn áp. Những cựu chiến binh tham gia biểu tình bị quản thúc tại gia, bị bỏ tù hoặc kiểm duyệt trên các nền tảng truyền thông xã hội”, ông Wang nhận xét và lên án.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính trị của ông Tập
Theo thống kê chính thức của Quân đội Trung Quốc, có hơn 57 triệu cựu chiến binh ở Trung Quốc, và con số này đang tăng lên với tốc độ hàng trăm nghìn người mỗi năm.
Năm 2018, Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh thông báo có hơn 400.000 quân nhân nghỉ hưu và khoảng 82.000 cán bộ được điều động về địa phương.
Người ta thường tin rằng các cựu chiến binh là một nhóm người đặc biệt vì mối quan hệ của họ với quân đội. Tuy nhiên, ĐCSTQ đang khá bối rối vì không biết làm thế nào để xoa dịu họ.
Ông Wang đã chỉ ra 5 điểm chính liên quan đến tình thế khó khăn của chính quyền ông Tập, như sau:
- Thứ nhất, khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xấu đi, các cựu chiến binh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, tình trạng phá dỡ [nhà cửa] diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, và có rất nhiều ví dụ về các cựu chiến binh trở thành dân oan vì nhà cửa của họ bị cưỡng chế phá dỡ.
- Thứ hai, việc tái định cư của các cựu chiến binh dựa trên nguyên tắc “địa phương hóa”. Sự mất cân bằng kinh tế giữa các miền đông, trung và tây của Trung Quốc là khá nghiêm trọng, do đó các điều kiện tái định cư và đối xử tương ứng khác nhau rất nhiều. Điều này hầu như tạo ra vô số mâu thuẫn và sự kiểm soát của [chính quyền] trung ương không hiệu quả khi giải quyết các bất đồng giữa chính quyền trung ương và địa phương.
- Thứ ba, tham nhũng xảy ra ở tất cả các cấp chính quyền. Các quy định liên quan là được “thực thi một cách có chọn lọc”. Đây là một hình thức tham nhũng hợp hiến, buộc các cựu chiến binh phải kiến nghị và bảo vệ quyền lợi của mình một cách tập thể họ khi thiếu các kênh cứu trợ.
- Thứ tư, sự không công bằng về thể chế trong việc phân loại cựu chiến binh thành các nhóm khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Có sự khác biệt giữa binh lính và sĩ quan, giữa nông thôn và thành thị, giữa sĩ quan cấp cao, sĩ quan cấp trung và sĩ quan cấp thấp. Những “hệ thống theo dõi theo nhiều đường” kỳ lạ này đã cho phép một số lượng nhỏ các nhóm đặc quyền có được phần lợi ích lớn nhất.
- Thứ năm, sau khi ông Tập lên nắm quyền, các cuộc “đả hổ” (các quan chức cấp cao đấu đá lẫn nhau) và “cải cách quân đội” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn quân. Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng các phe phái chính trị chống lại ông Tập đứng sau các cuộc biểu tình quy mô lớn của các cựu binh.
“Tóm lại, hoàn cảnh cực khổ của các cựu chiến binh đã làm nổi bật tình thế khó xử chính trị của ông Tập: Hệ thống ĐCSTQ cực kỳ thối nát và vô vọng và ông Tập không có cách nào thoát khỏi mớ hỗn độn này”, ông Wang kết luận.