Trung Quốc có chính sách ‘hấp dẫn’ với người tiêm vắc-xin Made in China

Thiện Đức

Vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc đang khiến dư luận quốc tế lo ngạ về tính minh bạch (Ảnh: Unsplash)

Vision Times đưa tin, chính quyền Trung Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế nhập cảnh vào Trung Quốc đối với những cá nhân đã được tiêm vắc-xin COVID-19 Trung Quốc. Theo đó, thủ tục giấy tờ sẽ đơn giản hơn nhiều đối với những người đã tiêm vắc-xin Made in China.

Các đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới đã ban hành thông báo vào hôm thứ Hai (22/3) giải thích cách những người được tiêm vắc-xin Trung Quốc có thể xin thị thực vào Trung Quốc.

Chong Ja Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin là một khả năng không thể loại trừ nếu không có lời giải thích thêm” trong một email gửi cho CNBC. 

Bắc Kinh đưa ra chính sách mới này bất chấp việc vắc-xin Trung Quốc đã vấp phải sự hoài nghi do thiếu minh bạch đối với các thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là khi so sánh với các vắc-xin phương Tây. 

Bất an với vắc xin Trung Quốc

Brazil là một trong những quốc gia đã sử dụng Sinovac và Coronavac của Trung Quốc. Lúc đầu, các quan chức Brazil thông báo rằng Sinovac đã được thử nghiệm trên 12.000 người Brazil và đạt hiệu quả 78%. Nhưng sau đó, họ làm rõ rằng vắc-xin Sinovac chỉ có hiệu quả 50,4%, khó đạt được tiêu chuẩn về hiệu quả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Tương tự như vậy, với Coronavac, các quan chức Brazil lần đầu tiên nói rằng vắc-xin này hiệu quả 100% trong việc bảo vệ chống lại virus, sau đó họ sửa lại thành 78% hiệu quả, và cuối cùng, sau áp lực đòi minh bạch, họ thừa nhận rằng nó chỉ có 50% hiệu quả, bao gồm cả những bệnh nhân bị nhiễm các triệu chứng “rất nhẹ” vào tỷ lệ hiệu quả của họ.

Hơn nữa, những người ủng hộ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã tấn công CoronaVac bằng cách sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và bài ngoại, khiến mọi người thiếu tin tưởng vào nó.

“Để đạt được khả năng miễn dịch một cách thực tế, chúng ta cần phải tiêm phòng cho tất cả mọi người”. Pedro Hallal, một nhà dịch tễ học tại Đại học Liên bang Pelotas, cho biết: “Nếu bạn có vắc-xin với hiệu quả 50%, bạn cần được bảo hiểm đầy đủ để ngăn virus…”

Theo CNBC, Trung Quốc đã phát triển 5 loại vắc-xin khác nhau và 34 quốc gia đã phê duyệt ít nhất một loại vắc xin của Trung Quốc, có thể so sánh với Pfizer-BioNTech, được phê duyệt ở 72 quốc gia, hoặc vắc-xin Oxford-AstraZeneca được phê duyệt ở 74 quốc gia.

Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc gần đây đã công bố kế hoạch cung cấp vắc-xin cho các quốc gia khác, hứa hẹn sẽ giúp tài trợ cho việc sản xuất lên đến một tỷ liều vắc-xin virus Covid vào cuối năm 2022.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích các phương tiện truyền thông phương Tây, nói rằng họ đã cố tình “nói xấu” vắc xin Trung Quốc. 

Thời báo Hoàn cầu tuyên bố rằng “Truyền thông phương Tây sẽ ngay lập tức thổi phồng bất kỳ thông tin bất lợi nào về vắc-xin Trung Quốc và cố gắng khuếch đại tác động của chúng lên tâm lý công chúng”. 

Tờ báo của ĐCSTQ tiếp tục: “Các phương tiện truyền thông chính thống của Hoa Kỳ và Anh đang đi đầu trong việc dán nhãn địa chính trị cho vắc-xin. Họ đang can thiệp vào lập trường chính trị với thái độ khoa học đối với vắc-xin, sử dụng tuyên truyền của họ để quảng cáo vắc-xin Pfizer và bôi nhọ vắc-xin Trung Quốc”.

Reuters gần đây ước tính rằng Trung Quốc đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất nửa tỷ người trong vòng 4 tháng tới tại hàng chục quốc gia, từ châu Phi đến châu Mỹ Latinh. 

Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với ủy ban Olympic để cung cấp vắc-xin Covid cho các vận động viên tham gia hai kỳ Thế vận hội sắp tới ở Tokyo vào tháng Bảy và Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào năm sau. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh 2022 sau khi Mỹ, Canada và Anh gọi việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là hành vi diệt chủng. 

Related posts