Phạm Đức Đồng Hùng
Trong bài trước chúng ta đã nhắc lại nền tảng chiến lược chống Liên Sô mà nhà ngoại giao kiêm sử gia George Kennan vạch ra vào năm 1946 trong điện văn “The Longer Term” gởi từ Mạt Tư Khoa và sau đó trở thành phương châm của Chiến Tranh Lạnh.
Ngày 28.1.2021, Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council: AC) – một trong những viện nghiên cứu chính sách ngoại giao hàng đầu của Mỹ – công bố tài liệu cùng tên dài 80 trang A-4 mang tên “The Long Telegram – Toward a new American China strategy” để vạch ra chiến lược mà Mỹ cần phải áp dụng để đối phó với Trung Quốc trong thời hạn ít nhất 30 năm tới.
Trung Quốc là thách thức quan trọng nhất của Mỹ và thế giới tự do trong thế kỷ 21. Từ ngày Tập Cận Bình lên nắm chính quyền, Trung Quốc ngày càng hung hăng và độc tài hơn. Từ lâu Trung Quốc đã có một chiến lược nhất quán và thông suốt trong cách đối phó với Mỹ, trong khi có Mỹ vẫn chưa có một chiến lược tương tự. Đây là mối đe dọa đến an ninh quốc gia.
Mỹ cần phải bao vây Trung Quốc tương tự như đã bao vây Liên Sô. Làm như vậy thì tới năm 2050 Mỹ và các đồng minh của họ “tiếp tục thống trị cán cân sức mạnh khu vực và toàn cầu” cùng lúc ngăn chặn Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan hay “bất cứ dạng hành động quân sự nào để đạt được mục đích của họ trong khu vực”.
Biết mình biết người
Để thực hiện một chiến lược như vậy thì phải có một sự hiểu biết chắc chắn về các mục tiêu chiến lược của Tập.
Hiện Tập đang nuôi các tham vọng:
1. Vượt qua Mỹ trong tư thế cường quốc kỹ thuật từ đây đẩy Mỹ khỏi vị trí cường quốc kinh tế số một thế giới.
2. Phá hoại sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu và vị thế của đồng Mỹ kim như là một thứ bản vị, tứ tiền mà quốc gia nào trên thế giới cũng phải dự trữ để bảo chứng cho đồng tiền của mình.
3. Đạt được ưu thế và sự răn đe về quân sự để ngăn chặn Mỹ và các đồng minh can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào ở Đài Loan, Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông
4. Phá hoại sức mạnh mềm và uy tín của Mỹ để khiến những quốc gia hiện đang có xu hướng chống lại Trung Quốc xét lại thái độ để nghiêng về Trung Quốc.
5. Nâng cao quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng và đối tác chiến lược có giá trị nhất là Nga nhằm đối đầu với áp lực từ Tây phương.
6. Hợp nhất Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) thành một khối địa lý chính trị – kinh tế để làm nền tảng cho các mục tiêu toàn cầu Trung Quốc, làm nền tảng cho một trật tự toàn cầu mà Trung Quốc là trung tâm.
7. Khai thác ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế để lấn át các sáng kiến, tiêu chuẩn và quy tắc đi ngược với lợi ích của Trung Quốc, nhất là các vấn đề nhân quyền và luật hàng hải quốc tế. Đồng thời thúc đẩy một khái niệm mới về một “Cộng đồng có chung vận mệnh, cho toàn nhân loại” của Tập Cận Bình.
Phản ứng của Mỹ theo cách nhìn của Trung Quốc
Điều quan trọng nhất trong chiến tranh là đánh vào “ý đồ chiến lược” của đối phương, và đó cũng là điểm nhất trong binh pháp Tôn Tử mà giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ. Trung Quốc cho rằng bất kỳ chính sách nào của Mỹ cũng hướng đến việc làm thất bại những mục tiêu nêu trên.
Như vậy Mỹ sẽ luôn luôn tìm cách:
1. Bảo vệ ưu thế kinh tế và kỹ thuật.
2. Bảo vệ vị thế thống trị của đồng Mỹ kim.
3. Duy trì năng lực răn đe quân sự quy ước một cách áp đảo, ngăn chặn bất kỳ sự thay đổi nào trong cán cân hạt nhân chiến lược.
4. Ngăn chặn sự mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc, đặc biệt việc chiếm cứ Đài Loan.
5. Củng cố và mở rộng các liên minh và các quan hệ đối tác.
6. Bảo vệ (và cải cách cần thiết) trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ hiện hành.
7. Giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang bị báo động liên tục, bao gồm ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.
Yếu tố Tận Cận Bình
Thách thức Trung Quốc là thách thức mang tích cấu trúc đã xuất hiện từ hơn hai thập niên qua, nhưng chính Tập Cận Bình đã đốc thúc để thách thức này ập đến nhanh hơn.
Chiến lược của Mỹ phải tập trung chú ý vào quan hệ khập khiểng giữa Tập và bộ sậu quyền lực trong việc thay đổi mục tiêu và đường hướng chiến lược của Trung Quốc. Mục tiêu quan trọng nhất trong chiến lược của Mỹ là phải làm sao để thành phần ưu tú đang cai trị Trung Quốc nhận ra rằng Trung Quốc chỉ có thể đạt lợi ích cao nhất khi hoạt động trong khuôn khổ trật tự của thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo.
Giới lãnh đạo này phải hiếu rằng việc xây dựng một trật tự đối đầu với Mỹ không phải là lợi ích tốt nhất của đảng. Nói cách khác, Trung Quốc có thể trở thành một kiểu cường quốc toàn cầu, khác với những gì mà ông Tập dự tính.
Cụ thể, Mỹ nên làm gì?
Qua những điểm trên, Mỹ cần phải:
- Xây dựng lại nền tảng kinh tế, quân sự, kỹ thuật và nhân lực cho sức mạnh quốc gia lâu bền của mình.
2. Vạch ra những “giới hạn đỏ” trong các chính sách khả thi, kiên quyết không cho Trung Quốc nó vượt qua trong bất cứ trường hợp nào.
3. Đưa ra một những “lợi ích an ninh quốc gia cố lõi”, có thể không quan trọng cũng như không tồn tại về bản chất, nhưng lại đòi hỏi các hành động trả đũa để tố cáo hành vi chiến lược Trung Quốc trong tương lai.
4. Xác định các khu vực quan trọng nhưng ít then chốt hơn, những nơi không cần thiết phải có lằn ranh đỏ cũng như không mô tả các lợi ích quốc gia quan trọng, nhưng là nơi mà Mỹ nên khai triển toàn bộ lực lượng chiến lược nhằm chống lại Trung Quốc.
5. Xác định những lĩnh vực mà việc hợp tác với Trung Quốc vẫn là lợi ích của Mỹ, thí dụ tình trạng biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu và an ninh hạt nhân.
6. Tiến hành cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu nhằm bảo vệ các quyền tự do chính trị, kinh tế và xã hội chống lại mô hình tư bản nhà nước độc tài của Trung Quốc.
7. Cụ thể hóa chiến lược nêu trên trong các hiệp ước với các đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á và châu Âu, nhằm khai thác thế mạnh của họ về kinh tế, quân sự, kỹ thuật và địa lý để cùng bảo vệ trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.
Chiến lược này phải thực hiện với toàn bộ tài nguyên của nước Mỹ, với sự tham gia của mọi bộ ngành và có sự điều hợp toàn diện dưới sự lãnh đạo của cố vấn an ninh quốc gia, được củng cố bởi chỉ thị của tổng thống với sự ủng hộ chính trị của lưỡng đảng để tồn tại được qua nhiều chính quyền.
Những nguyên tắc căn bản
Chiến lược của Mỹ cần được phát triển trên mười nguyên tắc sau:
- Chiến lược dựa trên bốn trụ cột căn bản của sức mạnh Mỹ: a/ sức mạnh của quân sự; b/ sức mạnh của đồng Mỹ kim như là trụ cột của hệ thống tài chính quốc tế; c/ sức mạnh khoa học – kỹ thuật; d/ các giá trị của tự do cá nhân, sự công bằng, và pháp quyền.
- Chiến lược phải bắt đầu bằng việc giải quyết những điểm yếu của thể chế và kinh tế trong nước. Trung Quốc thành công trong việc trỗi dậy dựa trên một chiến lược tỉ mỉ, được thực hiện trong hơn 35 năm, với việc xác định và giải quyết những điểm yếu ở cấu trúc kinh tế của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, tài chính, nhân lực và hiện nay là kỹ thuật. Mỹ bây giờ cũng phải làm như vậy.
- Chiến lược gắn liền với giá trị quốc gia và lợi ích quốc gia. Đây là điều mà từ lâu đã phân biệt Mỹ với Trung Quốc trong con mắt thế giới. Bảo vệ các giá trị tự do phổ quát và trật tự quốc tế tự do, cũng như duy trì sức mạnh toàn cầu của Mỹ, phải là cặp trụ cột song sinh trong lời kêu gọi vũ trang toàn cầu của Mỹ.
- Phải được phối hợp hoàn toàn với các đồng minh quan trọng để hành động được thực hiện trong sự đồng thuận nhằm đáp trả Trung Quốc. Mỹ bây giờ cần đồng minh của mình chiến thắng và Trung Quốc cuối cùng phải cân nhắc nhiều hơn cho tính toán của họ về sự cân bằng dần dần sức mạnh toàn diện của mình với Mỹ.
- Chiến lược này phải giải quyết các nhu cầu chính trị và kinh tế rộng lớn của các đồng minh và đối tác chính, thay vì giả định rằng họ sẽ chọn áp dụng một vị thế chiến lược chung, phối hợp tốt cho việc thoát Trung. Mỹ cần đối phó với thực tế rằng Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của hầu hết, nếu không phải là tất cả, các đồng minh quan trọng của Mỹ.
- Muốn hay không muốn, Mỹ phải cân bằng lại mối quan hệ với Nga. Việc củng cố các liên minh của Mỹ cũng quan trọng như việc ly gián Nga ra khỏi Trung Quốc trong tương lai. Để Nga trơ thành đối tác chiến lược của Trung là là sai lầm địa chiến lược lớn nhất của các chính quyền kế tiếp của Mỹ trong 10 năm qua.
- Chiến lược này phải hướng vào những khiếm khuyết của cấu trúc chính trị Trung Quốc nói chung và những bất cập từ sự lãnh đạo của Tập nói riêng. Tấn công toàn bộ Trung Quốc là sai lầm căn bản vì càng củng cố tư thế lãnh đạo của họ Tập và bộ sậu vì kích đốc chủ nghĩa dân tộc. Cần khai thác thực tế dưới sự lãnh đạo của ông Tập chính trị là đảng đã bị chia rẽ, nơi mà ông ta đe dọa tính mạng, sự nghiệp và các vị trí chính sách được nắm giữ sâu sắc của nhiều người trong các cấp chính trị cao cấp của nó.
- Mỹ phải luôn ghi tâm về bản chất thâm căn cố để của chiến lược Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc coi trọng sức mạnh và khinh thường điểm yếu. Họ tôn trọng sự nhất quán và khinh thường sự dao động.
- Chiến lược của Mỹ phải lưu ý rằng trong thời điểm Trung Quốc vẫn đang rất lo lắng về xung đột quân sự với Mỹ. Nếu bây giờ xung đột quân sự nổ ra và Trung Quốc không thể giành chiến thắng một cách dứt khoát, không chỉ Tập có thể bị lật đổ và tính chính đáng của chế độ sẽ sụp đổ. Nhưng thái độ đó sẽ thay đổi khi cán cân quân sự thay đổi trong thập niên tới
- Nếu không thất bại trong bất kỳ hành động quân sự nào trong tương lai, yếu tố lớn nhất có thể góp phần vào sự sụp đổ của Tập là thất bại kinh tế. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp trên quy mô lớn và mức sống của người dân Trung Quốc sụp đổ. Công việc làm ăn đầy đủ và mức sống ngày càng nâng cao là những thành phần thiết yếu của hợp đồng xã hội bất thành văn giữa người dân Trung Quốc và đảng cộng sản!
Phần việc của Mỹ
Để đấu với Trung Quốc về đường dài, Mỹ phải đưa ra những đầu tư mang tính cấu trúc, dài hạn mà kết quả chỉ có thể thấy được ít nhất là trong vòng 10 năm nữa. Đó là:
1. Tăng sự đầu tư vốn đã suy giảm nhiều năm qua cho cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng của quốc gia bao gồm các hệ thống di động thế hệ tiếp theo 5G.
2. Tăng sự đầu tư vốn đã suy giảm nhiều năm qua trong lĩnh vực giáo dục khoa học, kỹ thuật, kỹ thuật và toán học (STEM), trường đại học và nghiên cứu khoa học cơ bản.
3. Bảo đảm Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo toàn cầu trong các hạng mục đổi mới kỹ thuật quan trọng bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI).
4. Xây dựng sự đồng thuận chính trị mới về bản chất và quy mô nhập cư vào Mỹ trong tương lai, để bảo đảm rằng dân số Mỹ tiếp tục tăng, vẫn trẻ và tránh sự bùng nổ dân số vốn đang đe dọa nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi khác bao gồm cả bản thân Trung Quốc, trong khi giữ lại những thành phần ưu tú từ các nước khác đến Mỹ để học tập.
5. Điều chỉnh quỹ đạo ngân sách dài hạn của Mỹ để cuối cùng nợ quốc gia được giữ trong mức độ có thể chấp nhận được, phù hợp với chính sách tiền tệ mở rộng mới mà không tạo ra khủng hoảng lạm phát và làm suy yếu vai trò của đồng Mỹ kim.
6. Giải quyết hoặc ít ra là giảm thiểu sự chia rẽ nghiêm trọng đang phổ biến trong hệ thống chính trị, thể chế và văn hóa, vốn làm suy yếu khả năng đồng thuận, thực hiện và gắn bó với các quyết định quốc gia lâu dài, cơ bản để củng cố các sức mạnh mang tính lịch sử và khai thác cơ hội mới.
7. Giải quyết vấn đề quan trọng về quyết tâm chính trị quốc gia trong tương lai, nhằm bảo vệ, xây dựng và hơn nữa là mở rộng trật tự quốc tế tự do, thay vì chấp nhận hoặc đón nhận một làn sóng chủ nghĩa cô lập mới khiến Mỹ sẽ bị co rút vào bên trong chứ không phải là vươn ra bên ngoài. Làm như thế là có thể chứng minh rằng Trung Quốc đã sai trong tính toán của nó rằng, quyết tâm này của Mỹ đang suy yếu.