VŨ LINH
Quyết định lớn đầu tiên của chính quyền Biden là thông qua một gói cứu trợ COVID trị giá gần hai ngàn tỷ đô. Nếu cái gói cứu trợ đó có thể được coi như phản ảnh chính sách kinh tế của chính quyền Biden trong bốn năm tới, thì thiên hạ có quyền … lo sót vó sau khi hớn hở vui mừng xài 1.400 đô cụ Biden mới cho.
Cụ Biden cũng mới xì ra gói kinh tế nữa, trị giá 2.250 tỷ, gọi là để ‘trùng tu hạ tầng cơ sở’, và cụ hứa hẹn thêm một gói nữa cũng khoảng 2.000 tỷ sẽ được công bố ít tuần nữa, trên danh nghĩa, vẫn là để trùng tu hạ tầng cơ sở. Vấn đề là định nghĩa thế nào là ‘hạ tầng cơ sở’. Theo thiên hạ thì đó là cầu cống, đường xá, điện nước. Theo cụ Biden, là tất cả những thứ đó, cộng thêm y tế, giáo dục, xã hội, an sinh,… tật tần tật, để biện giải cho việc tung tiền ra bốn phương tám hướng.
Vấn đề khá phức tạp, cần hiểu cho rõ.
Kinh tế ‘rộng lượng’ của cụ Biden sẽ là một đại họa cho xứ Mỹ, đặc biệt là đám dân thuộc khối gọi là ‘trung lưu’ nửa nạc nửa mỡ, không đủ giàu để sống thoải mái khỏi thắc mắc chuyện tiền bạc, mà cũng chẳng đủ nghèo để có thể nằm ngửa sống bằng trợ cấp sung rụng. Khòm lưng đi cầy để đóng thuế nuôi dân lười và dân ở lậu. Hay không đủ trẻ để kiếm vài bằng đại học Mỹ mà cũng chưa đủ già để ung dung sống bằng tiền già để đủ ngoi ngóp khỏi chết chìm nhưng không bao giờ lội lên bờ được.
Trong phạm vi kinh tế, tổng thống có quyền rất lớn trong vấn đề chính sách và lấy những quyết định có hậu quả kinh tế rất lớn như đánh đủ kiểu thuế liên bang trên cả nước, thả lỏng hay giới hạn số tiền lưu hành, ấn định mức lương bổng chung, đánh thuế quan trên hàng xuất nhập cảng, điều đình và ký các thỏa thuận kinh doanh hay mậu dịch quốc tế, và quan trọng nhất, lấy những quyết định có hậu quả lớn đến tiền tài cả nước, qua ngân sách quốc gia, trong đó có thể có cả những quyết định không dính dáng gì đến kinh tế nhưng lại có những hậu quả tài chánh khủng khiếp như tham gia một chiến tranh nào đó.
Dĩ nhiên, hiện nay chưa ai có thể tiên đoán cụ thể cụ Biden sẽ vung tiền đi đâu để làm gì, chi tiết ra sao, ngoại trừ việc cụ dự tính tung ra kế hoạch trùng tu hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, đường xe lửa, đập nước,… trong một gói kích cầu hơn 4.000 tỷ đô để kinh tế phục hồi nhanh hơn. Vì chưa được công bố hoàn toàn mà cũng chưa được quốc hội thông qua, nên chưa ai biết hết chi tiết, nhưng quý độc giả có thể tin chắc sẽ có cả trăm tỷ quà cáp chẳng liên quan gì đến trùng tu hạ tầng thượng tầng gì ráo. Trong gói 2.250 tỷ vừa đề nghị, chỉ có 650 tỷ, chưa tới một phần ba, được dành cho trùng tu đường xá, cầu cống, còn lại thì sẽ vung qua đủ loại quà cáp. Trong gói tới, được hứa hẹn cho vài tuần nữa, thì chắc quà cáp sẽ còn nhiều hơn nữa, chẳng hạn như không biết bao nhiêu tỷ cho chương trình chống hâm nóng địa cầu, bảo vệ môi trường xanh, giáo dục miễn phí, xóa nợ sinh viên, bồi thường dân da đen, obamacare, trợ cấp di dân lậu, hay ai biết được chương trình quái qủy gì khác.
Theo như nhận định của TTDC phe ta -MSNBC đấy-, cụ Biden sẽ bành trướng Nhà Nước Vú Em tới mức lớn nhất lịch sử Mỹ.
Dù không tiên đoán được chi tiết nhưng ai cũng biết những nét đại cương của chính sách kinh tế vú em của cụ Biden: đó là loại kinh tế xã nghĩa tiêu biểu, trong đó 3 cột chống là:
I. Lấy tiền của đám gọi là ‘nhà giàu’ để tặng lại cho những người gọi là nghèo, trong sách lược tạo công bằng xã hội, tái phân phối lợi tức và tài sản cả nước. Nói theo tiếng Nôm cho dễ hiểu, đó là tăng thuế nhà giàu để thêm trợ cấp cho nhà nghèo.
II. Củng cố chế độ Nhà Nước Vú Em săn sóc dân ‘miễn phí’ từ ngày trong nôi cho đến ngày vào quan tài, qua một hệ thống hành chánh thư lại vĩ đại, với một lô quan lại sáng xách ô đi chiều vác cặp về, chế ra một rừng luật lệ, thủ tục chi phối mọi sinh hoạt xã hội thường ngày của người dân.
III. Nhà Nước sẽ đóng vai chủ chốt trong việc kích động kinh tế bằng cách tung ra những dự án khổng lồ, trên nguyên tắc tạo công ăn việc làm cho cả vạn người, tốn cả ngàn tỷ.
Xin quý cụ an tâm. Nghe khét lẹt chế độ quốc doanh cả nước của các chế độ cộng sản, nhưng như các cụ Tây Âu vẫn thường chỉ dạy đám dân ngu khu đen chúng ta, không, Mỹ sẽ không thành cộng sản đâu. Không có màu đỏ máu đâu, mà chỉ màu hồng hồng tươi đẹp thôi. Giống như Tây Âu hay Bắc Âu đó. Không có ai đi tù cải tạo, cũng chẳng có ai bị công an mời vào đồn ‘làm việc’ đến độ hối hận quá, tháo giây giầy ra tự thắt cổ tự tử chết. Đẹp tuyệt vời.
Tất cả mọi nhu cầu, người dân đều có đầy đủ và hoàn toàn miễn phí hết. Bảo hiểm và dịch vụ y tế, giáo dục nhồi sọ từ tiểu tới đại học, tất cả đều miễn phí và thừa thãi. Thậm chí, sẽ không bao giờ có nạn đánh nhau trong siêu thị để dành giựt ba cuộn giấy đi cầu như ta thấy trong cái xứ tư bản cá lớn nuốt cá bé dưới thời Trump này đâu.
Thoáng nghe thì hiển nhiên, ai cũng thấy cụ Biden ngay trong những ngày chập chững bước vào thế giới alzheimer, cũng vẫn còn cố tận lực khiêng nước Mỹ này vào cảnh thiên đàng hạ giới.
Tất cả dân Mỹ đều trẻ lại, tưởng mình đều như đám con cháu vị thành niên, được bố mẹ lo cho tất cả mọi chuyện mà chẳng bao giờ phải trả cho bố mẹ một xu nào hết .Thật là … wá đả!
Wá đả? Thưa quý cụ, coi dzậy mà hổng phải dzậy đâu. Dân Mỹ rất thực tế đã có câu ‘không có bữa ăn trưa nào miễn phí hết’ -there’s no free lunch!
Trên cõi đời ô trọc này, cả triệu chính khách từ ngày Tần Thủy Hoàng mới ra đời, đã hứa bánh vẽ thiên đàng hạ giới rồi, nhưng chưa bao giờ có một ông vua hay bà chúa hay tù trưởng hay tổng thống nào thực hiện được hết. Vì tất cả mọi thứ trên đời này đều có cái giá phải trả, và cái giá, nhất là giá của thiên đàng hạ giới, lúc nào cũng quá cao, bắc thang cao bao nhiêu cũng không với tới.
Đó là mặt trái của kinh tế cấp tiến của đảng DC, hay của cái gọi là thiên đường xã nghĩa.
Vâng, mặt trái của cái thiên đường xã nghĩa không kinh hoàng như các cánh đồng giết người -killing fields- của Pol Pot đâu, thưa quý vị. Nhưng không có nghĩa là không có mặt trái.
Cái mặt trái đó là cả 3 cái cột chống đỡ cho chính sách kinh tế cấp tiến đều cực kỳ tai hại và đã phá sản không biết bao nhiêu lần trong lịch sử thế giới. Ta thử coi lại tai hại như thế nào.
1) THẤT BẠI CỦA TĂNG THUẾ
Chính quyền Biden chủ trương san bằng bất công xã hội, lo tái phân phối lợi tức và tài sản của dân cho đồng đều hơn. Và nền tảng của chính sách đó là việc tăng thuế trên khối gọi là ‘nhà giàu’ để lấy tiền mua quà cáp đủ loại cho khối gọi là ‘dân nghèo’.
Tất cả mọi thứ quà cáp lớn nhỏ mà cụ Biden dự tính tung ra tặng thiên hạ, dĩ nhiên không phải từ trên trời rơi xuống, mà đều tốn tiền để mua.
Như Diễn Đàn này đã bàn qua nhiều lần, có vài cách -không nhiều đâu- để có tiền: in tiền ào ạt, đi vay mượn, hay tăng thuế.
In tiền quá nhiều, đồng tiền sẽ mất giá trị, giá cả mọi thứ tăng vùn vụt trong khi lương bổng không thể bắt kịp, dân cả nước sẽ thiếu thốn, lầm than. Như tại xứ Zimbabwe, có lúc giá một ổ bánh mì đã tăng từ vài đồng lên tới vài tỷ đồng địa phương.
Vay mượn thì chỉ có các đại gia Ả Rập hay Á Châu, nhất là Tầu cộng, cho vay qua hình thức mua công khố phiếu Mỹ. Chỉ đưa đến tình trạng cả nước nợ chồng chất, ngày càng lệ thuộc các đại gia chủ nợ ngoại quốc đó. Cụ thể là khi bác Tập cho Mỹ mượn thêm vài ngàn tỷ thì đố cụ Biden dám tăng thuế quan hàng nhập cảng TC hay cấm TC xuất cảng hàng giả, hàng nhái, hàng độc qua Mỹ.
Thực tế và dễ nhất vẫn là biện pháp tăng thuế.
Vâng, cụ Biden có nhiều triển vọng giữ lời hứa sẽ “không tăng thuế lợi tức liên bang trên những người có lợi tức dưới 400.000 đô một năm”. Dù vậy, ai yên tâm ngủ ngon trên lời hứa đó sẽ là những người ngây thơ hơn con cháu ngoại 4 tuổi của tôi.
Trước hết, cụ Biden khẳng định sẽ đánh thuế trên những người có lợi tức trên 400.000 đô một năm. Nghĩa là cá nhân mỗi người có quyền có lợi tức tới 400.000 đô, hay một cặp vợ chồng khai thuế chung có thể có tới 800.000 đô một năm mà không bị tăng thuế. Nghe quá hấp dẫn phải không thưa quý vị? Hai vợ chồng mình làm lương chưa tới 80.000 đô, hơi đâu mà lo chuyện 800.000 đô?
Vấn đề là quý cụ thử nghĩ lại xem có bao nhiêu cặp vợ chồng có mức lương trên trời như vậy? Không bao nhiêu đâu, quý cụ ơi. Có nghĩa là sẽ không đủ người đóng đủ thuế cho cụ Biden vứt qua cửa sổ. Thế thì cụ Biden lấy tiền đâu ra?
Thực tế là cụ Biden chỉ hứa về thuế lợi tức thôi, còn cả trăm loại thuế và phí khác, nhất là những loại thuế gián tiếp mà dân trung lưu hay nghèo cũng lãnh đủ luôn. Chẳng hạn thuế xăng, thuế xe, thuế đánh trên mileage xe, thuế nhà, thuế quan trên hàng nhập cảng, thuế phạt Obamacare, thuế trên trương mục tiết kiệm, thuế trên tiền hưu IRA,… Chưa kể việc tăng mức lương qua khỏi một khung thuế nào đó như DĐTC đã bàn về việc tăng lương tối thiểu từ 7,25 đô lên 15 đô sẽ khiến nhiều người đang không đóng xu thuế nào, bất thình lình phải đóng một vài ngàn đô thuế mỗi năm.
Và nhất là thuế trên lợi nhuận công ty mà Diển Đàn Trái Chiều đã bàn khá nhiều lần rồi. Sẽ tăng từ 21% lên tới 28%. Quý độc giả nghĩ thuế này chẳng ảnh hưởng gì đến mình sao? Xin thưa quý vị có thể tin chắc nếu một đại công ty nào bị tăng thuế, hay ngay cả tiệm phở ở Bolsa hay Bellaire bị tăng thuế cũng vậy, thì công ty đó chắc hơn đinh đóng cột, sẽ tìm đủ cách chuyển cái phụ thu thuế đó lên đầu người tiêu thụ, người mua hàng, tức là lên đầu quý vị. Bằng cách tăng giá hàng, hay như tôi đã nêu lên ví dụ, bớt vài lát thịt trong tô phở. Theo chuyên gia thuế Grover Norquist, ít nhất 70% phần thuế gia tăng sẽ được chuyển qua khách tiêu thụ. Nghĩa là nếu iPhone bị tăng thuế 100 đô thì giá bán sẽ tăng 70 đô. Mà điều phiền toái là và tất cả các công ty đều bị tăng thuế bán theo luôn, khiến khách tiêu thụ chịu trận, không thể bỏ mua iPhone để mua điện thoại của công ty khác tăng giá ít hơn.
Cụ Biden nói như thể tăng thuế nhà giàu thì chỉ có nhà giàu chịu trận thôi. Thật ra kinh tế thời đại này không phải chia các khối dân ra từng khung hộp, tăng thuế hộp này hay giảm thuế hộp nọ chẳng liên hệ gì với nhau. Đó là chuyện bá láp nói cho dân không hiểu biết gì về kinh tế.
Mà không chỉ có hại trên những khách hàng mua hàng của công ty đó không, mà việc tăng thuế sẽ nâng giá hàng hóa một cách toàn diện qua lạm phát, tức là cả nước sẽ bị lãnh đủ, với gánh nặng đè mạnh lên cổ dân nghèo nhất.
Vâng, dân càng nghèo thì càng bị lạm phát giết mạnh. Cụ thể là nếu giá xăng hay giá một bộ quần áo trẻ con tăng một đô, thì đó là chuyện muỗi đốt gỗ với Bill Gates, nhưng là một thảm họa cho chị bán hàng Walmart hay anh tài xế taxi Uber.
Trong thời kỳ bình thường mà hậu quả tệ hại đã rõ ràng như vậy, thì trong tình trạng hiện hữu, việc tăng thuế còn tai hại gấp bội. Trong một năm qua, COVID đã đóng cửa kinh tế. Ngoài các biện pháp của các chính quyền địa phương và tiểu bang nhằm cấm kinh doanh, COVID đã khiến thiên hạ hoặc là bị nhốt trong nhà, hoặc là vì sợ hãi, tự nhốt mình, không ra đường, không đi mua sắm. Trong thể chế kinh tế được định đoạt bởi luật cung-cầu, cầu biến mất. Hàng sản xuất không ai mua, dĩ nhiên đi đến tình trạng cả ngàn công ty, hãng xưởng, tiệm bán, nhà hàng, khách sạn,… mất khách, đóng cửa, rồi phá sản, sa thải cả triệu nhân viên.
Hai ba gói cứu trợ tổng cộng trên dưới 4.000 tỷ đã được tung ra để cứu doanh nghiệp dưới hình thức nợ với lãi suất rất thấp, để giúp doanh nghiệp có tiền thuê nhân viên lại, sản xuất lại, sống lại. Trong tình trạng đó, mọi ý nghĩ tăng thuế trên lợi nhuận công ty chỉ có thể là tính toán ngớ ngẩn quái lạ nhất. Cho tay này, lấy lại tay kia, thế thì ông doanh gia còn lại gì? Vậy mà đó lại chính là biện pháp lớn nhất của chính quyền Biden trong sách lược cứu trợ rồi tăng thuế.
Đó là chưa bàn tới việc các đại công ty sẽ lại đóng cửa hãng xưởng, dọn ra ngoài nước, đi Tầu, đi Ấn, đi Mễ,… Cả triệu lao động Mỹ lại mất job, lại sống bám vào trợ cấp.
Chưa chi thì hãng xe Ford đã cho biết sẽ chuyển một xưởng lắp ráp từ Ohio qua Mễ, bỏ một tỷ đầu tư vào Mễ, hủy bỏ kế hoạch đầu tư 900 triệu Ford vào Ohio đã thỏa thuận với chính quyền Trump. Ai lời, ai lỗ đây?
Khi TT Trump giảm thuế lợi nhuận công ty, hơn 1.000 tỷ đô đã được các đại tập đoàn Mỹ chuyển từ ngoài nước về Mỹ, để mở thêm hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Câu hỏi bây giờ là với tăng thuế của cụ Biden bao nhiêu tỷ sẽ chạy ra ngoài nước lại? Bao nhiêu lao động Mỹ sẽ mất job?
Tóm lại, cụ Biden tăng thuế ‘nhà giàu’ thì nói như nghị sĩ Ted Cruz, nước Mỹ không đủ triệu phú để mua tất cả quà cáp đảng DC hứa sẽ tặng dân, trong khi nếu dựa trên thuế công ty thì sẽ không còn đủ công ty để đánh thuế nữa. Cuối cùng thì chỉ còn đám trung lưu để đục khoét thôi.
2) THẤT BẠI CỦA NHÀ NƯỚC VÚ EM
Các lý thuyết gia xã nghĩa khẳng định chế độ tư bản là bóc lột, cá lớn nuốt cá bé, trong đó dân nghèo chỉ có từ bị thương tới chết. Dĩ nhiên, trong thế giới tư bản, nhiều chính phủ cũng tìm cách giúp lai rai, và nhiều đại tỷ phú cũng cống hiến rất nhiều cho các công tác từ thiện giúp dân nghèo. Nhưng việc cứu giúp người khác, nhất là ‘người nghèo’, qua các công tác từ thiện có hai cách nhìn.
Xã hội chủ nghĩa nhìn từ thiện nếu đến từ cá nhân hay những tổ chức từ thiện tư, như là một thứ của bố thí của đám nhà giàu bóc lột để tự an ủi lương tâm. Mà kết quả hiển nhiên là bất kể từ thiện cỡ nào thì cách biệt giàu nghèo vẫn ngày một lớn ra hơn. Bill Gates có cho từ thiện tỷ bạc, cũng vẫn mỗi ngày mỗi giàu thêm. Giả dối! Bịp!
Trái lại, nếu đến từ Nhà Nước thì các lý thuyết gia xã nghĩa lại coi như đó là Nhà Nước, tức là cộng đồng, chu toàn một trách nhiệm đối với mọi thành viên của cái cộng đồng đó. Do đó, các lý thuyết gia XHCN rất chống lại việc từ thiện cá nhân, trong khi tìm mọi cách ‘quốc hữu hóa’ từ thiện, tính bác ái, lòng thương người, cho Nhà Nước độc quyền tái phân phối lợi tức và tài sản cả nước, và ban bố tiền ‘từ thiện’.
Thực tế, trong việc quản trị cả nước, phục vụ quyền lợi cho dân cả nước, lịch sử đã qua cũng như đang diễn tiến, đã chứng minh quá nhiều lần, chích sách kinh tế thị trường tư bản, dựa trên tự túc, tự cường và sáng kiến cá nhân, đã hữu hiệu gấp vạn lần tất cả mọi kiểu kinh tế quốc doanh, chỉ đạo, do các quan lại ‘lên kế hoạch’. Tại sao? Chỉ cần dùng một ly óc để tưởng tượng một công chức già của bộ Công Nghệ chỉ bảo Bill Gates làm cách nào để sản xuất máy computer, bao nhiêu cái, bán bao nhiêu tiền, cho ai,… Cụ nào nghe hợp lý, xin giơ tay! Chuyện cá lớn nuốt cá bé có thể đã có trong lịch sử cách đây vài trăm năm, trong thời kỳ phôi thai của chủ nghĩa tư bản khi mới ra đời sau thời phong kiến, chứ bây giờ, cá bé nuốt cá lớn là không dễ.
Trong vụ thuộc ngừa COVID, đã có không ít cụ tị nạn than vãn chính sách ích kỷ lo cho Mỹ trước của TT Trump, khiến cả Âu Châu hiện nay thiếu thuốc. Xin các cụ cuồng chống Trump khoan sỉ vả cái ‘ích kỷ’ của Trump, chỉ biết lo cho Mỹ, bất cần cả nhân loại. Tin báo chí cho biết những quốc gia ‘nhân ái’, ‘rộng rãi’ Tây Âu cũng đang ngầm đánh nhau chết bỏ để tranh giành thuốc ngừa, như Pháp và Ý đã bị tố cáo giấu nhẹm số thuốc đã mua, để có thể mua thêm nữa, hay tìm cách mua thuốc với giá cao hơn giá bán cho các nước nghèo Á Châu, Phi Châu, hay Nam Mỹ.
Nói cách khác, cái chủ thuyết ‘ích kỷ’ America First, trên thực tế là chủ thuyết ‘Me First’ của tất cả mọi quốc gia, mọi tiểu bang, mọi thành phố, mọi bộ lạc, mọi tổ chức, và dĩ nhiên, của tất cả mọi người đã có mặt trên trái đất từ mấy chục ngàn năm qua, may ra ngoại trừ hai ‘người’ đặc biệt là ông Giê-Su và ông Thích Ca.
Cái chủ thuyết ‘me first’ đó, nghe thô bỉ, nhưng thực tế, là nền tảng của kinh tế thị trường, đã thống trị thế giới từ mấy trăm năm nay, mang lại thịnh vượng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Chứ kinh tế chỉ đạo chỉ đưa đến đói khát, cả nước tan hoang, bình đẳng trước chén bo bo.
3) THẤT BẠI CỦA CÁC CÔNG TRÌNH CỦA NHÀ NƯỚC
Chủ thuyết này dựa trên kinh nghiệm của sách lược tái thiết Âu Châu sau khi đại chiến thứ hai chấm dứt năm 1945.
Khi đó, cả Âu Châu bị tàn phá không còn manh giáp, ngay cả khu vực tư doanh cũng tan hoang, gần như là không còn gì hết. Phương cách phục hồi duy nhất là các chính phủ Âu Châu phải đứng ra xây dựng lại, tung ra đủ loại dự án có tầm vóc quốc gia, để tái thiết đất nước, tạo lại công ăn việc làm cho dân, phục hồi dần dần các kinh doanh tư nhân nhỏ và vừa.
Chủ thuyết này khi đó gọi là chủ thuyết Keynesian, dựa trên tên của kinh tế gia chủ trương sách lược này, ông John Maynard Keynes.
Thời năm 2009, TT Obama lấy lại chủ thuyết này, sửa đổi đôi chút, gọi là ‘tân keynesian’, rồi tung ra để kích cầu kinh tế sau cơn khủng hoảng của cuối năm 2008. Nhà Nước tung ra một loạt dự án trong một gói kích cầu tốn đâu hơn 800 tỷ.
Kết quả là đại bại thê thảm, đến độ TT Obama cũng phải nhìn nhận “we’re not shovel-ready”, đại ý để than vãn chẳng có công trình nào để làm. Toàn là tiền vứt vào những ‘dự án’ vớ vẩn, lăng nhăng, như trồng hoa trong các nhà tù. Tiền mất mà không thấy gia tăng phát triển kinh tế đâu hết.
Bây giờ, cụ Biden, học trò của Keynes và Obama, lại có dự tính tung ra hơn 4.000 tỷ đô, nhưng với một chương trình xài tiền cụ thể hơn Obama, gọi là trùng tu hệ thống hạ tầng cơ sở, chỉnh trang lại hệ thống đường xá, cầu cống,…
Ta cứ chống mắt nhìn xem. Trên miệng lưỡi sẽ là trùng tu hạ tầng cơ sở, nhưng nếu hạ tầng cơ sở nhận được một phần tư là may lắm rồi. Và sẽ khởi đi với những kế hoạch quy mô vĩ đại nhất, tiếp theo là những ‘tai nạn’ thiếu hụt ngân sách vì ước tính sai, để có dịp đòi bổ túc thêm vài trăm tỷ đầu này, vài trăm tỷ đầu kia. Khi các quan chức xài tiền thiên hạ, họ rất sáng tạo và rộng rãi. Và rất ít khi ước tính trúng.
Ở đây, vẫn lại là vấn đề đầu tiên là tiền đâu? Và vẫn dĩ nhiên không kém, vẫn là những giải phép cũ mèm, in tiền, đi vay và tăng thuế.
Mới đây, trong một nỗ lực bào chữa cho những chi tiêu khổng lồ của cụ Biden, TTDC -và dĩ nhiên truyền Vẹt tị nạn- đã sỉ vả TT Trump là người đã đưa mức công nợ lên kỷ lục cao nhất lịch sử, lên tới gần 28.000 tỷ. Cái thiếu lương thiện của những tay này là ‘quên’ không giải thích:
– Trong 28.000 tỷ đó, đã có tới hơn 20.000 tỷ là gia tài do Obama để lại;
– Qua thời Trump, một phần không nhỏ gai tăng công nợ cũng là gia tài của Obama để lại qua lãi suất trên số 20.000 tỷ, và cả chục tỷ tiền trợ cấp đủ loại Obama đã ban phát tứ tung mà Trump tiếp tục phải trả. Ai cũng hiểu, một khi Nhà Nước cho tiền trợ cấp, rất khó lấy lại vì không có một chính trị gia nào to gan dám cắt trợ cấp hết. TT Obama đã tung trợ cấp tứ tung, không dễ gì TT Trump có thể thu hồi hay ngưng lại, phải tiếp tục đi vay để trả thôi.
Trước khi tiếp tục chửi TT Trump tăng công nợ, quý vị cứ chống mắt xem công nợ sẽ lên tới mức nào bốn năm nữa dưới thời Biden.
Thay lời kết, xin phép được nhắc lại ông Ông Larry Summers, cựu bộ trưởng Tài Chánh của TT Clinton cũng là cựu chủ tịch Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia của TT Obama đã lên tiếng báo động kinh tế sẽ bị khủng hoảng trầm trọng vì những chính sách kinh tế sai lầm và vô trách nhiệm lớn nhất từ hơn 40 năm qua.
Hậu quả tất nhiên là kinh tế sẽ trực diện tình trạng ‘stagflation’ trong tương lai gần. ‘Stagflation’ là tình trạng trong đó lạm phát bộc phát với giá cả mọi thứ tăng mạnh trong khi kinh tế trì trệ, không sản xuất và thất nghiệp tràn lan.
Quý độc giả nhớ cột giây lưng an toàn cho những ngày tháng tới.
VŨ LINH
ĐỌC THÊM BÁO MỸ:
Thuế của Biden sẽ tạo chiến tranh giai cấp – Fox Business:
Kinh tế Biden sẽ là một thảm họa – Real Clear Energy:
Kinh tế Biden sẽ hại công ăn việc làm và kinh doanh – Fox News:
Bạn nên sợ tăng thuế – OZY:
Gói trùng tu hạ tầng cơ sở – USA Today:
Gói trùng tu hạ tầng cơ sở sẽ chết sớm – Fox news: