Trần Kiên
Ông Thạch Sơn là một phóng viên cấp cao và nhà bình luận các vấn đề thời sự của Trung Quốc. Ông đã có bài phân tích về 5 nỗi sợ hãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên Epochtimes.
Ngày thứ Sáu (16/4), một tòa án ở Hồng Kông đã kết án một số nhà dân chủ địa phương bị tuyên án trước đó, hầu hết họ bị kết án từ một năm đến một năm rưỡi tù giam. “Tội” mà những người này phạm phải là tụ tập bất hợp pháp mà không được phép. Mặc dù, “tội” này không liên quan đến Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, nhưng người ta đều liên hệ bản án này với Luật An ninh Quốc gia do ĐCSTQ ban hành ở Hồng Kông.
Tác giả cho rằng ông không ngạc nhiên về kết quả này, bởi những người hiểu bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều biết rằng kết quả này “sớm muộn gì cũng xảy ra”. Nhưng hành động lần này của ĐCSTQ ở Hồng Kông có thể làm rõ hơn nữa nỗi sợ hãi của nó. Bởi vì tất cả các cuộc đàn áp phi lý của ĐCSTQ đều phản ánh một loại sợ hãi nào đó từ bên trong nội bộ đảng.
Như vậy, ĐCSTQ sợ nhất điều gì? Dưới đây tác giả đã liệt kê 5 lý do:
5. Sự tách rời kinh tế
Điều này chủ yếu liên quan đến tình hình kinh tế ở Trung Quốc Đại lục. ĐCSTQ kiểm soát xã hội theo nhiều cách, nhưng trong hai thập kỷ qua, sự kiểm soát này đã được phản ánh nhiều hơn ở lĩnh vực kinh tế. Nói trắng ra, nhà cầm quyền càng chi nhiều tiền, thì khống chế xã hội càng vững chắc. Ví dụ, cái gọi là chi phí duy trì ổn định xã hội gia tăng là mô hình này.
“Tính hợp pháp” của chế độ ĐCSTQ trong ba thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cái gọi là tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có liên quan nhiều đến đặc điểm của dân tộc Trung Quốc. Các cộng đồng người Hoa ở xung quanh Trung Quốc, thậm chí ở cả các quốc gia trong vòng tròn văn hóa Trung Quốc đều có nền kinh tế rất tốt. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế tốt có rất ít liên quan đến sự điều hành của chính phủ và các chính sách hợp lý.
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc cũng liên quan đến lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn từ Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ và châu Âu cùng số lượng doanh nghiệp đổ vào đại lục đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tuyên truyền của ĐCSTQ sử dụng kết quả phát triển kinh tế để tuyên bố “tính hợp pháp” cho việc nó được nắm quyền lực ở quốc gia này.
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc dựa vào cái gọi là “mô hình Đông Á”, tức là hướng về phương diện xuất khẩu. Hơn 10 trước, sự phụ thuộc của nền kinh tế Đại lục vào ngoại thương đã từng vượt quá 50%, điều này đã giảm trong những năm gần đây.
Ba động lực chính của tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Tiêu dùng của người Trung Quốc trong nước đóng góp ít nhất, chỉ chiếm hơn 40% GDP, thấp hơn nhiều so với mức thông thường là 70% của các nước khác. Nhưng trên thực tế, xuất khẩu ngoại thương được xem như đóng góp của người tiêu dùng nước ngoài vào GDP của Trung Quốc.
Nói cách khác, “mô hình Đông Á” dựa vào tiêu dùng ở thị trường nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc Tổng thống Trump phát động chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là điều tương đối đáng sợ với ĐCSTQ.
Điều này không chỉ hạn chế sự phụ thuộc của thị trường Mỹ vào các sản phẩm Trung Quốc, mà hành động này còn khởi xướng xu hướng đảo ngược việc ĐCSTQ tiếp tục mô hình Đông Á ở đại lục. Từ đó đặt ra thách thức đối với mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. ĐCSTQ phải đề phòng và chuẩn bị cho sự phát triển kinh tế trong tương lai. Đây là lý do lớn nhất khiến ĐCSTQ bắt đầu thúc đẩy “tự lực cánh sinh” hay “lưu thông nội bộ”.
Một khi nền kinh tế suy thoái, nguồn thu của ĐCSTQ sẽ chịu áp lực và số tiền dùng để duy trì sự ổn định trong nước của nó, hoạt động “thống nhất mặt trận” bên ngoài Trung Quốc và hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ đều sẽ bị ảnh hưởng.
4. Sự gián đoạn giao lưu KH-CN với phương Tây
Nỗi sợ hãi này chủ yếu liên quan đến kinh tế, vì nền kinh tế hướng về xuất khẩu của ĐCSTQ đã đạt đến giới hạn. Với sự phát triển của kinh tế thế giới, việc xuất khẩu các sản phẩm đơn giản và cấp thấp không thể tăng trưởng đáng kể. Do đó, Trung Quốc cần phải nâng cấp sản phẩm của mình, nâng cấp công nghệ để tiếp tục duy trì thị phần nước ngoài.
Thứ hai, nâng cấp công nghệ là điều kiện quan trọng để ĐCSTQ kiểm soát xã hội và nâng cấp trang thiết bị quân sự. Do đó, nếu việc “trao đổi” công nghệ với phương Tây bị gián đoạn, quá trình nâng cấp công nghệ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng. Cái gọi là “trao đổi” này bao gồm cả hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ. Tác giả lưu ý, hãy tạm gọi tất cả công nghệ phương Tây sang Trung Quốc theo bất cứ cách nào là “trao đổi” công nghệ.
Một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc đến học tập và nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các trường đại học ở Âu Mỹ. Hiện có 330.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ, đây là một kênh và phương thức quan trọng để “trao đổi” khoa học kỹ thuật với Hoa Kỳ. Giờ đây, Hoa Kỳ không chỉ cắt đứt các hoạt động trao đổi học thuật cấp cao mà còn đang xem xét cắt giảm số lượng sinh viên khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc có nhiều nhân lực khoa học và công nghệ xuất sắc, nhưng lại thiếu văn hóa và cơ chế sáng tạo và đổi mới, bởi vì đổi mới và sáng tạo thường không tương thích với một thể chế độc tài chuyên chế. Nếu không thể tiếp tục “giao lưu” với nước ngoài, những tiến bộ về khoa học công nghệ dưới sự cai trị của ĐCSTQ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
3. Vấn đề “độc lập” ở Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương
ĐCSTQ luôn sử dụng học thuyết của Marx và chủ nghĩa cộng sản làm giá trị cốt lõi cơ bản để xây dựng xã hội Trung Quốc đại lục. Nhưng trên thực tế, kể từ sau cuộc “Cách mạng Văn hóa”, ý thức hệ của ĐCSTQ đã sụp đổ ở nước này. Ngay cả những lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSTQ, rất ít người thực sự tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản. Điều này đã mang đến một cuộc khủng hoảng chưa từng có về tính hợp pháp cho việc đảng này nắm quyền.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, ĐCSTQ đã áp dụng chủ nghĩa “dân chủ” và dân tộc. Đây là lý do tại sao chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy trong hai thập kỷ qua.
Ví dụ, trước đây, ĐCSTQ tuyên truyền rằng nó đã chiến thắng Quốc dân đảng và đây là lý do hợp pháp cho việc ĐCSTQ nắm quyền. Nhưng gần đây, ĐCSTQ lại nhấn mạnh nó lãnh đạo Trung Quốc chiến thắng trong cuộc chiến chống Nhật. Để đạt mục tiêu này, ĐCSTQ đã thay đổi lịch sử cuộc chiến tranh chống Nhật Bản từ 8 năm thành 14 năm, bởi vì nó phải bao gồm Cuộc kháng chiến Mãn Châu do Đảng Cộng sản Liên Xô và ĐCSTQ cùng lãnh đạo vào giữa những năm 1930, nhằm thể hiện rằng ĐCSTQ là người duy nhất có thể lãnh đạo cuộc chiến chống Nhật.
Dưới sự thúc đẩy liên tục của các nhà cầm quyền, nhiệt tình tình cảm dân tộc ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng, và người dân Trung Quốc đã bắt đầu đo lường ĐCSTQ từ góc độ chủ nghĩa dân tộc.
Năm 2016, Tập Cận Bình đã nói trong một bài phát biểu “Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ người nào, bất kỳ tổ chức nào, bất kỳ đảng phái chính trị nào, vào bất kỳ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào, chia cắt bất kỳ phần lãnh thổ nào của Trung Quốc khỏi Trung Quốc!”
Tuyên bố mạnh mẽ này chính là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở trong nước Trung Quốc. Tất nhiên, sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã vứt bỏ nhiều lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả miền Bắc Mãn Châu và Mông Cổ. Và những phần lịch sử này đã trở thành vùng cấm của ĐCSTQ.
Do đó, khi đối mặt với các vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, ĐCSTQ không thể nhân nhượng. Sự linh hoạt trong các vấn đề này của ĐCSTQ đã bị dồn ép chưa từng có, ĐCSTQ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chỉ có thể tỏ ra cương quyết và cường ngạnh, không có lựa chọn khác.
2. Tự do tôn giáo
Điều này liên quan đến hình thái ý thức. ĐCSTQ độc tài muốn lũng đoạn hình thái ý thức, vì vậy nó muốn tiêu diệt tất cả tôn giáo. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng với một mục tiêu rất rõ ràng: Loại bỏ bất kỳ quyền uy nào vượt trên ĐCSTQ, đặc biệt là quyền lực về hình thái ý thức.
ĐCSTQ đã phá hủy các nhà thờ trong nước, bắt giữ các nhà lãnh đạo nhà thờ ngầm, và buộc những người Công giáo phải tuân theo các chỉ dẫn của chế độ độc tài này. Ở Tây Tạng, nỗ lực chính của ĐCSTQ nhằm thanh lọc cái gọi là “độc lập của Tây Tạng” là nhắm vào Phật giáo Tây Tạng. Các đồn cảnh sát được thiết lập trong các tu viện lớn, các nhà sư bị buộc phải học thuyết vô thần, chủ nghĩa duy vật và tư tưởng Tập Cận Bình. Những người bất đồng chính kiến bị bắt và kết án tù.
Tại Tân Cương, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị bắt vào các trại tập trung để tẩy não tập thể. Trọng tâm chính cuộc tấn công này của ĐCSTQ vẫn là tôn giáo. Một số lượng lớn các giáo sĩ Hồi giáo đã bị bắt và nhiều sách tôn giáo khác nhau bị tiêu hủy. Bất kỳ bài phát biểu nào trên Internet về đức tin và tôn giáo, sẽ bị coi là “lực lượng cực đoan tôn giáo”.
Cốt lõi của việc đàn áp ở Tân Cương và Tây Tạng là tôn giáo. Ở Tân Cương, các nhà cầm quyền đã cố gắng tiêu diệt hết thảy trụ cột tôn giáo, bao gồm ép uống rượu, ép ăn thịt lợn, ép buộc phụ nữ theo đạo Hồi kết hôn với người Hán, và thậm chí buộc họ phải phá thai và triệt sản. Tất cả đều vi phạm các giáo lý cơ bản của Đạo Hồi, nhưng trong mắt ĐCSTQ, đây toàn là những biểu hiện của “các thế lực tôn giáo cực đoan”.
Trên thực tế, tự do tín ngưỡng không chỉ có tôn giáo, còn có nhiều tín ngưỡng khác nhau, và tất cả đều nằm trong phạm vi đàn áp của ĐCSTQ. Chẳng hạn như môn Pháp Luân Công, một môn tu luyện Phật gia với nguyên tắc cốt lõi là người tu luyện thực hành theo nguyên lý về Chân Thiện Nhẫn.
Công ước nhân quyền của Liên hợp quốc quy định quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bao gồm [được phép có] tự do tín ngưỡng, thờ cúng, thuyết giảng… Nhưng ở Trung Quốc, những quyền tự do này bị áp bức đến mức [người có tín ngưỡng] không được phép thờ phụng công khai và tự do thuyết giảng.
Về vấn đề Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã cố tình bóp méo khái niệm “tôn giáo và tín ngưỡng” của Liên Hợp Quốc, gộp chung nó thành “tín ngưỡng tôn giáo”. Do đó, ĐCSTQ nói rằng Pháp Luân Công không phải là tôn giáo, vì vậy nó đàn áp “tín ngưỡng vào tôn giáo”.
Điều quan trọng nhất của tất cả điều này là tôn giáo và tín ngưỡng có quyền lực về đạo đức. Điều này nằm ngoài hình thái ý thức của chính phủ, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự toàn trị của ĐCSTQ.
1. Tách rời khái niệm ĐCSTQ và Trung Quốc
Ngày 4/9/2020, ông Tập đọc diễn văn kỷ niệm 55 năm ngày Trung Quốc chiến tranh kháng Nhật thắng lợi, đồng thời vạch rõ 5 điều “tuyệt đối không”:
Một là, người dân Trung Quốc không bao giờ đồng ý với bất kỳ ai hoặc bất kỳ thế lực nào cố gắng xuyên tạc lịch sử của ĐCSTQ và bôi nhọ bản chất của ĐCSTQ.
Hai là, nhân dân Trung Quốc không bao giờ đồng tình với bất kỳ âm mưu nào của bất kỳ ai hoặc bất kỳ thế lực nào nhằm xuyên tạc, thay đổi con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phủ nhận hoặc bôi nhọ những thành tựu to lớn của nhân dân Trung Quốc trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội!
Ba là, nhân dân Trung Quốc không bao giờ đồng ý với bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ ai hoặc bất kỳ thế lực nào nhằm tách ĐCSTQ ra khỏi nhân dân Trung Quốc.
Bốn là, người dân Trung Quốc không bao giờ đồng ý với bất kỳ ai hoặc bất kỳ thế lực nào cố gắng áp đặt ý chí của họ lên Trung Quốc thông qua việc bắt nạt, thay đổi hướng tiến bộ của Trung Quốc và cản trở nỗ lực của người dân Trung Quốc để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm là, nhân dân Trung Quốc không bao giờ đồng ý với bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ ai hoặc bất kỳ thế lực nào nhằm phá hoại cuộc sống hòa bình và quyền phát triển của nhân dân Trung Quốc, phá hoại giao lưu và hợp tác giữa nhân dân Trung Quốc với nhân dân các nước, phá hoại sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại!
Ở đây, tuyên bố thứ 5 là từ chối việc phân tách [ĐCSTQ với thế giới], tuyên bố thứ tư liên quan đến việc phân tách kinh tế. Mà tuyên bố từ số 1 đến số 3 là quyết tâm của ĐCSTQ nhằm không đáp ứng việc tách rời chính nó với người dân Trung Quốc.
Các đảng phái chính trị không phải là chính phủ, và chính phủ không phải là quốc gia. Đây là một logic cơ bản. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, và chính quyền của ĐCSTQ không đồng nghĩa với người dân Trung Quốc. Vấn đề này đối với ĐCSTQ lại không phải là vấn đề logic. Điều này khiến tác giả nhớ lại những gì mà người dân Trung Quốc từng nói: Có hai loại logic trên thế giới, một loại là logic và loại còn lại là logic của ĐCSTQ.
Tác giả kết luận, việc hòa trộn các khái niệm đảng và nhà nước, đảng với dân, đảng và chính phủ là điều kiện tiên quyết và cơ sở để ĐCSTQ tồn tại ở Trung Quốc.
Nhưng ở nội bộ, các đảng viên của ĐCSTQ lại thực sự rất rõ ràng. Công chức phải là đảng viên, thăng chức phải là đảng viên, một số công việc được ưu tiên cho đảng viên. Người Trung Quốc cũng rất rõ ràng sự phân biệt giữa “đảng viên” và “nhân dân” này, họ tuyệt đối không hàm hồ.
Chỉ có ĐCSTQ có thể làm, người dân Trung Quốc không thể nói, thậm chí không thể có suy nghĩ [khác biệt]. Một khi mọi người hiểu rõ bản chất của ĐCSTQ và cự tuyệt nó, kết cục của nó sẽ phải đến.
ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, nó cũng không phải là người dân Trung Quốc. Điều này lần đầu tiên được cựu ngoại trưởng Pompeo phát biểu tại Hoa Kỳ. Vì vậy, ĐCSTQ ghét ông Pompeo. Truyền thông ĐCSTQ lăng mạ ông ấy mà hoàn toàn không hề có bất kỳ sự lịch thiệp nào. Tất nhiên, đó cũng là bởi vì ĐCSTQ cực kỳ sợ hãi trước tuyên bố của ông.
Tác giả Thạch Sơn là một phóng viên cấp cao và nhà bình luận các vấn đề thời sự. Ông từng chuyển đến Hồng Kông vào đầu những năm 1990 và từng làm việc cho Đài Á châu Tự do ở Anh, Hoa Kỳ và Tây Tạng. Ông có hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực lịch sử, xã hội, văn hóa và chính trị của Trung Quốc.