Trúc Giang MN
1*. Mở bài
Dịch cúm COVID-19, có lúc được gọi là VuHanvirus, Chinavirus, đã đánh thức óc kỳ thị chủng tộc của một số người Mỹ. « Tội ác vì thù ghét » (Hate Crimes) đối với người gốc Á diễn ra ở 16 thành phố lớn trên 10 tiểu bang Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn ở nhiều nơi như trong sở làm, ở sân bay, các siêu thị…
Những vụ bạo hành thể hiện dưới nhiều hình thức, từ xả súng bắn bừa bãi làm chết nhiều người ở những đám đông, đến tấn công đánh đập người, phá hủy tài sản…Chửi bới, dùng lời nói để mọi người xa lánh những nạn nhân gốc Á vô tội.
Cộng đồng người gốc Á ở những khu vực kỳ thị rất hoang mang, lo lắng, nhiều người không dám ra khỏi nhà.
Đã có nhiều cuộc tụ họp, biểu tình phản đối hành động kỳ thị và yêu cầu chấm dứt nạn bạo hành đối với người gốc Á và người ở đảo Thái Bình Dương.
Tình hình nghiêm trọng đến nổi ngày 19-3-2021, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến Georgia gặp đại diện các cộng đồng gốc Á để trấn an và nêu quyết tâm chống khủng bố người gốc Á.
Tổng thống Biden tuyên bố : « Những chất độc xấu xa của sự phân biệt chủng tộc có hệ thống, và quyền thượng đẳng da trắng, đã từ lâu gây cản trở cho đất nước Hoa Kỳ. Sự thù hằn không có bến đỗ an toàn ở Mỹ. Chúng ta phải hợp tác ngăn chặn nó ». (Tổng thống Joe Biden)
Trước đó, bà Kamala Harris cũng nói: « Tệ bài ngoại là có thật ở Mỹ, và luôn luôn như vậy. Nạn phân biệt giới tính cũng xảy ra ».
2*. Vụ xả súng ở ba tiệm massage
2.1. Vụ nổ súng
Lúc 17:00 giờ (giờ địa phương) ngày 16-3-2021, vụ nổ súng xảy ra ở tiệm Young’s Asian Massage Parlor, thuộc thành phố Acworth, quận Cherokee, Georgia. Chưa đầy một giờ sau, vụ nổ súng tại hai tiệm Gold Spa và Aromatherapy Spa ở Atlanta, GA.
Ba vụ nổ súng làm 8 người thiệt mạng. Trong 8 nạn nhân đó, có 6 phụ nữ Hàn Quốc, 1 phụ nữ da trắng và 1 người đàn ông da trắng. Một người gốc Nam Mỹ tên Elcias R. Hermandez-Ortiz, 30 tuổi, bị thương nặng.
Các quan chức địa phương đã tiết lộ tên của tám nạn nhân trong vụ tấn công vào ba tiệm massage châu Á, gồm có: Daoyou Feng (44 tuổi), Delaina Ashley Yaun (33 tuổi), Hyun Jung Grant (51 tuổi), Paul Andre Michels (54 tuổi), Soon Chung Park, (74 tuổi), Suncha Kim ((69 tuổi), Xiaojie Tan ) 49 tuổi), Yong Ae Yue (63 tuổi).
Tổng thống Joe Biden ra lịnh treo cờ rũ tại tòa Bạch Ốc để trấn an cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu.
Nhóm vận động “Stop AAPI Hate”, người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI=Asian Americans and Pacific Islands), gọi đó là “một thảm kịch không lời nào tả xiết. Hiện giờ trong cộng đồng người Mỹ gốc Á có rất nhiều nổi sợ hãi và nổi đau cần phải được giải quyết”.
Ông Ben Crump, một luật sư hàng đầu về quyền dân sự, cũng bày tỏ trên Twitter: “Những vụ giết người thương tâm hôm nay tại Atlanta tái khẳng định việc chúng ta cần tiến bước để bảo vệ “Tất Cả” các nhóm thiểu số ở Mỹ, khỏi nạn phân biệt chủng tộc”. Hiện có 21 triệu người gốc Châu Á ở Hoa Kỳ.
Một báo cáo cho biết, các vụ kỳ thị mang tính thù hằn chống người Châu Á tăng gần 150% trong năm 2020, hầu hết ở New York và Los Angeles.
2.2. Vài nét về nghi phạm
Robert Aaron Long, 21 tuổi, cư dân Woodstock, Georgia, là nghi phạm xả súng tấn công vào ba tiệm massage. Hai tiệm ở Atlanta là Gold Spa và Aromatherapy Spa, và một tiệm ở Acworth, cách Denver 15 km, có tên là Young’s Asian Massage Parlor.
Theo dõi hình do camera lưu trữ nơi xảy ra án mạng, cảnh sát săn lùng và (State trooper) đã bắt giữ anh ta tại Crisp County, cách Atlanta 150 miles, sau một cuộc rượt đuổi với tốc độ cao. Trong lời khai ban đầu, nghi phạm Robert Aaron Long cho biết, vụ giết người không phải vì động cơ chủng tộc, mà vì anh bị mắc bịnh nghiện tình dục, và những tiệm spa nầy là nguồn gốc cám dỗ nên cần phải loại bỏ.
Giới chức địa phương, với sự hỗ trợ của FBI cho hay, sẽ xem xét xem vụ án có dính tới vấn đề sắc tộc hay không.
Long là người nghiện tình dục (Sex addiction), đã từng điều trị về căn bịnh tâm thần nầy. Nghiện tình dục là sự ham muốn tình dục dai dẳng và liên tục. Robert Aaron Long vừa bị cha mẹ tống cổ ra khỏi nhà đêm hôm trước khi xả súng vào ba tiệm massage. (Long was kicked out of his parents’house last night)
3* Nhà hàng người Việt ở Portland bị phá ba lần
Nhà hàng Utopia Restaurant & Lounge ở Portland, Oregon, do vợ chồng ông Thu Nguyễn (57 tuổi) và bà Bích Vân Lê làm chủ, bị phá ba lần.
Lần thứ nhất, ngày 21-12-2020, video từ camera thu hình, cho thấy, khoảng 1 giờ sáng, một xe van màu trắng, lái vào bãi đậu xe của nhà hàng, một người từ trên xe bước xuống với cục đá trong tay, ném vào cửa kiếng nhà hàng rồi quay trở lại, xe chạy đi.
Ông Thu nói: « Không biết lý do gì họ ném đá vào nhà hàng của tôi ».
Ném đá lần thứ hai. Ngày 29-1-2021, video từ máy thu hình an ninh cho thấy, cũng chiếc xe van màu trắng đó, một người lại ném đá vào cửa kiếng nhà hàng. Cửa kiếng hai lớp, may mắn là chỉ bể lớp kiếng bên ngoài.
Lần thứ ba. Ngày 2-3-2021. Vì máy camera bị hư nên không thu hình được. Nhân viên nhà hàng báo lại, cửa kiếng lại bị vỡ.
Ông Thu cho biết, mỗi lần bị phá, ông đều báo cảnh sát. Kèm theo hình ảnh, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra người ném đá.
Nhà hàng của vợ chồng ông Thu Nguyễn là một trong 13 cơ sở thương mại do người gốc Á làm chủ, đã bị phá hoại tài sản ba lần. Ông tin rằng đó là do Hate Crimes bởi vì nó chỉ xảy ra từ khi bịnh dịch COVID-19 bùng phát.
4* Tấn công gia đình ông Haijun Si
Mấy tháng trước, gia đình ông Haijun Si dọn đến Ladera Ranch, California, thì gặp hàng loạt những hành động quấy phá, có liên hệ đến “Hate crimes” (Tội ác vì thù ghét).
Mỗi đêm, bị nhóm thanh niên kéo đến, bấm chuông, la hét, đập cửa, ném đá…hô lớn “Go back to your country”.
Nhật báo Los Angeles Times đưa tin, gia đình ông Si phải thay phiên nhau canh gác bên ngoài nhà của họ. Họ dựng rào cản, gọi cảnh sát…nhưng những hành động quấy phá không dừng lại ở đó.
Sau đó, hàng xóm vào cuộc. Mỗi tối, người của những căn nhà chung quanh, bao gồm người Mỹ, tụ tập trước nhà ông Si, đặt ghế ngồi trước lối đi vào nhà. Nhiều người chia nhau đi tuần tra bên ngoài…
Không biết việc canh giữ kéo dài bao lâu.
Không phải người Mỹ nào cũng kỳ thị.
5* Tấn công phụ nữ và người già
5.1. Bà cụ 75 tuổi tung đòn hạ gục kẻ tấn công
Theo đài CBS, thì vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ tư 17-3-2021, bà cụ gốc Hoa 75 tuổi tên Tạ Hiếu Chân (Xiao Zhen Xie), đang đứng trên đường Market, trung tâm thành phố San Francisco, chờ qua đường, thì bổng nhiên một người đàn ông da trắng tên Steven Jenkins (39 tuổi) tiến thẳng trước mặt, liền tung một quả đấm vào mặt bà.
Ngay tức khắc, sẵn gậy trong tay, bà tung một đòn « gậy đánh chó », (đả cẩu bổng pháp), vào mặt hung thủ, hạ gục hắn, trào máu họng, học máu mồm.
Sống mũi và mắt trái bà Xie sưng bầm. Mắt trái chảy máu.
Cảnh sát dìu hung thủ, đặt lên cáng cứu thương (Stretcher) và còng tay hắn vào cáng. Cả hai người được đưa vào bịnh viện.
Bà cụ cho biết, bà không biết hung thủ là ai, và cũng không biết lý do gì đánh bà. Thật ra, chỉ vì bà là người Mỹ gốc da vàng nên bị đánh. Bị cho là tòng phạm, mang Chinese virus, Chinavirus, VuHanvirus, vào nước Mỹ.
Dư luận khen bà cụ là người can đảm, vì trước mặt bà là một người đàn ông da trắng, 39 tuổi, đương nhiên là khỏe mạnh hơn bà, nhưng bà không sợ hãi, thẳng tay tung đòn hạ gục hung thủ. Một việc mà ít ai dám làm.
Sau khi xuất viện, con gái bà tên Dong-Mei Li cho báo CBS biết là mắt trái bà vẫn còn chảy máu, không thấy đường, và tâm thần bất ổn.
Cháu trai của bà, John Chen, đã lên GoFundMe kêu gọi giúp đỡ về chi phí y tế. Chỉ một ngày sau, 18-3-2021, đã có gần 9,000 đóng góp với số tiền là 265,000USD. Mục tiêu của gia đình là chỉ cần 50,000 USD.
5.2. Steven Jenkins tấn công ông cụ 83 tuổi
Cảnh sát cho biết, Steven Jenkins trước khi tấn công bà cụ 75 tuổi, anh ta đã tấn công ông cụ 83 tuổi, là ông Ngọc Phạm. Ông Ngọc bị đánh gãy sống mũi, trặt cần cổ và bầm trên đầu. Ông Ngọc từng làm cảnh sát thời VNCH. Ông cho biết: « Thật bất ngờ, tôi đang đứng nói chuyện với người bạn, thì nó quýnh một cú như trời giáng, mặt tôi máu me tùm lum, té đập đầu xuống đất ». Ông Ngọc nói thêm, ông không phải là gánh nặng của nước Mỹ. Ông đã từng làm việc suốt 12 năm, đến 68 tuổi ông mới nghỉ hưu.
Chủ trương của hung thủ là tấn công phụ nữ và người già yếu, vô phương chống trả. Nhưng kẻ gian bị trời hại. Bị hạ gục thê thảm bằng gậy đánh « chó ». Con chó bạo hành phụ nữ và người già cả.
5.3. Những ông lão gốc Á bị tấn công
Những đoạn video từ camera an ninh cho thấy, ngày 31-1-2021, một ông lão gốc Á, 91 tuổi bị xô ngã xuống vỉa hè TP Oakland, California.
Ngày 28-1-2021, ông Vichar Ratanapakdee, 84 tuổi gốc Thái Lan, đã bị xô ngã xuống đất, khi đang đi dạo ở San Francisco vào buổi sáng, ông đã chết hai ngày sau đó.
Một bà cụ người Việt, 64 tuổi, bị hành hung và bị cướp ở San Jose. Một ông 61 tuổi, gốc Philippines bị người khác dùng dao rạch giấy rạch vào mặt trên xe điện ngầm ở New York.
Chị Lan Hoàng ở Phoenix, Arizona, một bà mẹ có ba con nhỏ, hiện đang phụ quản lý một phòng mạch của chồng, nói với đài VOA về việc chị bị « hất hủi ». Khi mấy mẹ con đang đi trên hè phố thì một bà vô gia cư da trắng nói với mọi người « Mấy người nầy có China virus ». Chị rất tức giận nhưng vì các con nên im lặng. Chị nói: « Đa số người Việt thường chọn « im lặng, nhẫn nhịn » nhưng chị cho rằng cần phải lên tiếng.
Ba thanh niên da trắng tấn công ông cụ gốc Á ở Chinatown.
Hôm thứ tư, 17-3-2021, cảnh sát San Francisco thông báo, ba thanh niên đã tấn công dã man ông cụ gốc Á, 67 tuổi tại tiệm giặt đồ ở Chinatown.
Video cho thấy, ông cụ bị phục kích, lôi từ trên ghế xuống đất, rồi thẳng tay đấm đá dã man, và lục túi cướp mấy trăm đô la. Vụ việc diễn ra trong 45 giây.
Ba thanh niên bị cảnh sát bắt, đều 19 tuổi, cư dân ở thành phố Antioch, tên là: Calvin Berschell, Jason Orozco và Nolowde Bechears.
6* Nhiều người gốc Á mua súng tự vệ
6.1. Cần phải kiểm soát súng
Sau hai cuộc thảm sát trong vòng một tuần, 8 người ở Atlanta, trong đó có 6 phụ nữ Á Châu, 10 người Mỹ ở Boulder trong vụ xả súng ở cửa hàng tạp hóa King Soopers, trong đó có một cảnh sát, Nghị sĩ Chuck Schumer, trưởng khối Dân chủ ở Thượng Viện hứa sẽ biểu quyết thuận bản dự thảo luật mà Hạ Viện đã thông qua. Dự luật kiểm soát súng này sẽ bắt buộc phải cho cảnh sát điều tra về người mua súng trong những vụ bán súng riêng tư, và không cho người ta được mua súng nếu cảnh sát không điều tra xong trong 10 ngày (Trước kia trong 3 ngày).
6.2. Nhiều người gốc Á mua súng tự vệ
Ông Jimmy Gong, chủ cửa hàng súng Jimmy’s Sport, ở Mineola, New York cho biết: “Ngày càng có nhiều người gốc Á đến mua súng. Trước đây, chưa bao giờ có việc xử dụng súng trong cộng đồng gốc Á, nhưng sau khi đại dịch bùng phát và các bạo lực diễn ra, ngày càng có nhiều người gốc Á mua súng để tự vệ”. Ông Gong cho biết, số súng bán ra tăng gấp đôi trong mùa đại dịch. Họ mua cả bình xịch hơi cay nữa.
Các cửa hàng bán súng trên khắp nước Mỹ cũng đón nhận thêm nhiều khách hàng gốc Á.
Bà Danielle Jaymes, quản lý cửa hàng Poway Weapons & Gear, ở Poway, California, cho biết, khách hàng gốc Á tăng 20% so với năm trước.
Ông Tim Hensley, quản lý cửa hàng súng Towers Armory ở Ohio tiết lộ, họ đón nhận khoảng 5 hoặc 6 người khách gốc Á mỗi ngày. “Họ cảm thấy không an toàn, khi nhiều vụ xả súng xảy ra. Những người mua súng lần đầu, họ tập bắn rất nghiêm túc. Họ cố gắng tập luyện cho thành thạo, chứng tỏ họ cảm thấy tình thế rất cấp bách”.
7*. Buổi họp báo của tổ chức “Nailing It For America”
Vào ngày thứ Năm, 25-2-2021, tổ chức nầy họp báo ở Garden Grove, kêu gọi cộng đồng gốc Á chống lại hành vi kỳ thị người gốc Á, có liên quan đến dịch COVID-19.
7.1. Câu chuyện của bà Linda Nguyễn
Trong buổi họp báo, bà Linda Nguyễn, người điều hành của nhóm y tế 360 clinic, kể lại như sau: “Khi ở quày trả tiền của cửa hàng Target, một cặp vợ chồng người da trắng đứng sau, ho lên vài tiếng gây chú ý và nói: “Nên tránh xa bà nầy vì bà nhiễm virus Corona”. Hành vi trơ trẻn và quá thô bạo.
Tại sở làm, một nhân viên đùa giỡn, chỉ vào bà, nói “đại dịch virus Trung Quốc” và các nhân viên khác cười theo.
7.2. Người Mễ “ăn theo”, kỳ thị da vàng.
Câu chuyện kỳ thị thô bạo đối với cô Toni Võ.
Cô Toni Võ, cư dân San Jose, thuật lại câu chuyện kỳ thị thô bạo của hãng máy bay Voltaris của Mexico.
“Ở quày check-in, họ hỏi tôi trong 30 ngày qua có đi Trung Quốc hay không. Tôi trả lời không, thì họ cười rộ và nói với nhau bằng tiếng của họ (Spanish).
Khi đến “Boarding”, ghế ngồi của tôi số 1A, tôi đưa vé cho người nam nhân viên, khi người nầy nhận vé của các hành khách khác, nhưng anh ta không nhận vé của tôi, và nói “No. You go over there”. Tôi đưa vé cho một nữ nhân viên, xem xong cô ta bảo, OK, vào trong đi. Nhưng nam nhân viên cản lại. “No. You go over there. You need to be checked”. Xong việc phiền phức, tôi vào máy bay thì ghế số 1A của tôi đã có người ngồi rồi. Một tiếp viên chỉ cho tôi ghế số 12B mà không giải thích lý do. Một giờ sau, đến giờ phục vụ nước uống cho hành khách, tiếp viên đưa nước tận tay cho mỗi hành khách, nhưng đến phiên tôi thì cô ấy ném chai nước vào ghế trống bên cạnh tôi.
Sự kỳ thị trắng trợn nầy khiến tôi tức giận, nước mắt tuôn tràn vì số phận da vàng.
Xong chuyến bay, tôi định đến gặp nhân viên hữu trách để khiếu nại, nhưng nghĩ lại, trong lúc tức giận có thể gây tranh cãi không cần thiết, nhất là đối với những kẻ có định kiến kỳ thị. Về nhà, viết thơ phàn nàn, nhưng không có trả lời.
Nổi buồn da vàng.
8* Những câu chuyện về kỳ thị
8.1. “Bác sĩ từ đâu đến?”
Cộng đồng y, bác sĩ gốc Việt phải đối diện với những kỳ thị chủng tộc và áp lực căng thẳng của công việc. Phải mạo hiểm sức khỏe của mình trong việc chống đại dịch, thì một số bịnh nhân có tư tưởng kỳ thị, hỏi: “Bác sĩ đến từ đâu?” (Where do you come from?”).
Một số bịnh nhân còn yêu cầu bịnh viện phải bảo đảm những nhân viên chăm sóc sức khỏe cho họ, không phải là người Trung Quốc và người gốc Á. Bác sĩ Lan Chi Võ cho biết như thế.
Bác sĩ Võ đại diện của Hội đồng Các Bác sĩ khoa Tâm thần người Mỹ gốc Á, thuộc Hiệp hội Tâm thần học Mỹ APA. (APA=American Psychological Association).
Cô y tá Hiền Trần, tại bịnh viện Memorial Health, TP Lufkin, Texas, cho biết, lúc đầu cô rất căng thẳng, lo lắng cho gia đình với hai con nhỏ (1 tuổi, 3 tuổi). Mặc dù bịnh viện cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ, nhưng cô rất lo ngại bị mắc COVID-19 và lây nhiễm cho các con.
Anh bạn tôi, một dược sĩ trong Gia Đình Quân Y Hải Quân VNCVH, Dược sĩ Nguyễn Tất Tiên, tâm sự.
Tôi có hai con trai và một con dâu đều là bác sĩ. Trong mùa đại dịch, chúng làm việc 12 giờ đồng hồ mỗi ngày. Tận tâm phục vụ bịnh nhân. Bọn chúng vô cùng buồn bã khi một bịnh nhân nhắm mắt, xuôi tay ra đi, trong đó có bịnh nhân trẻ, chỉ mới 26 tuổi. Bọn chúng phải từng giờ, từng phút đối diện với tử thần, nếu sơ hở một chút thì nguy hiểm đến tánh mạng. Trước khi ra khỏi bịnh viện, thì quần áo và mọi thứ có tiếp xúc với bịnh nhân đều phải cổi bỏ tất cả, để tránh bị người ta kỳ thị và xa lánh, vì người nầy có thể mang virus từ bịnh viện ra. Về đến nhà, tắm gội và cách ly với mọi người trong gia đình. Sinh hoạt gia đình bị xáo trộn.
Bịnh nhân mà vô ý thức, chơi dại, kỳ thị bác sĩ là thiếu hiểu biết. Vì bác sĩ là người có thể cứu mạng và cũng có thể làm chết người dễ như chơi vậy. Một câu chuyện thời Pháp thuộc. Tỉnh trưởng người Pháp, bác sĩ giám đốc bịnh viện cũng là người Pháp. Ỷ quyền tỉnh trưởng, ăn hiếp giám đốc bịnh viện. Một hôm, lên cơn đau bụng dữ dội, do ngộ độc thức ăn. Đưa vào bịnh viện, bác sĩ giám đốc liền chụp thuốc mê, đè ra mổ bụng cắt ruột dư.
8.2. Nữ sinh viên Việt Nam du học bị kỳ thị
Nữ sinh viên du học tên Tuyết Mỹ, ở thành phố Quincy, bang Massachusetts, cho biết cô ngồi đợi bảo trì xe, đang nói chuyện với người bạn bằng điện thoại, thì một người đàn ông Mỹ da trắng, cũng là khách hàng ngồi chờ sửa xe, ông ta nhìn chằm chằm vào mặt cô rồi thét lên « Hãy mang con virus nầy ra khỏi đây! ». Nữ sinh viên sợ quá, chỉ biết im lặng, không dám phản ứng. Cô giả vờ như không nghe thấy gì cả, hy vọng người đàn ông đó buông tha cho cô. Xứ lạ, quê người nên đành phải hứng chịu kỳ thị chủng tộc.
Một trường hợp khác, nữ sinh viên Ngọc Lam, đã du học ở Mỹ 2 năm. Hồi cuối năm 2020, trong khi cô xách hành lý, đi bộ ở sân bay quốc tế O’Hare, Chicago, Illinois, thì một người đàn ông Mỹ, nhìn thẳng vào cô, chửi bới, gọi cô là Virus, kèm theo những lời cay độc, tục tĩu, rồi cười ha hả, bỏ đi.
Câu chuyện của cô Ivy Nguyễn. Cư dân ở thành phố White Plain, New York. Cô thuật lại, tại trạm xe bus, một người đàn ông Mỹ, chận ngay trước mặt cô, không cho lên xe. Ông ta miệt thị, định hành hung, cô sợ điếng người, im lặng.
Thật ra, những người Mỹ nầy kỳ thị người da vàng, vì họ chẳng phân biệt ai là sinh viên du học cả.
9*. Cuộc chiến giữa ngư dân gốc Việt với hội kín Ku Klux Klan Texas
Sau ngày 30-4-1975, nước Mỹ đã mở rộng vòng tay nhân đạo tiếp nhận người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản. Một số người Việt Nam định cư ở khu vực Vịnh Gaveston, Texas. Họ xây dựng cuộc sống mới bằng hai bàn tay trắng. Một số người làm nghề cá. Ngư dân Việt Nam cần cù, nổ lực nên thu hoạch cá tôm nhiều hơn ngư dân người Mỹ địa phương. Đó là nguyên nhân đưa đến ganh ghét ngư dân Việt. Sự thành công của người Việt nâng cao sự ganh tỵ, chống đối của người dân địa phương.
Năm 1979, cuộc ấu đả bùng nổ. Ngư dân Mỹ bắn xối xả vào một tàu cá người Việt. Ngư dân Việt, vốn là những quân nhân thiện chiến trong quân lực VNCH, dưới sự chỉ huy của một cựu trung tá VN, kết quả cuộc nổ súng làm thiệt mạng một ngư dân Mỹ. Cuộc chiến tiếp tục. Một giờ sau, một tàu cá Việt Nam bị đốt cháy. Tiếp theo, một vựa cá có nhiều công nhân người Việt bị đánh bom.
Hai người Việt nổ súng trong cuộc ấu đả, làm chết một người Mỹ, được tha bổng vì tự vệ.
Cuộc cạnh tranh nghề nghiệp chuyển sang kỳ thị màu da. Thế là hội kín Ku Klux Klan (KKK) Texas vào cuộc. Thủ lãnh KKK là Louis Beam, tuyên bố: “Hễ còn một tên mọi da vàng ở vùng vịnh Mexico (Gulf Coast) thì còn chiến tranh. Nếu người Việt Nam không rời khỏi vịnh Gaveston trước ngày 15-5-1981, thì KKK sẽ ra tay trừ khử”.
Từ năm 1980, Louis Beam mở những trại huấn luyện trẻ em khoảng 8 tuổi, dạy cách xử dụng lựu đạn và các loại súng giết người hàng loạt (Commando-Style Killing).
Ngày 1-4-1981, một tàu cá người Mỹ, có hình nộm và cây thánh giá, chạy chung quanh tàu cá người Việt, chỉa súng hăm dọa. Vì trời mưa, nên việc đốt hình nộm và cây thánh giá không thực hiện được.
Người Việt Nam mới nhập cư, ở xứ lạ, quê người, nên cảm thấy cô đơn, lo sợ, bất an. Ông thị trưởng tên Kemah còn tuyên bố: “Tôi không thấy có lý do nào đe dọa sự an toàn của người Việt Nam”.
Nhờ có sự giúp đỡ của Trung Tâm Luật Dành Cho Người Nghèo Ở Phía Nam (The Southern Poverty Law Center), ngư dân Việt Nam được hướng dẫn làm đơn kiện những môn đồ của hội kín Ku Klux Klan.
Tại phiên tòa, một đoạn video được trình chiếu, cho thấy ông Louis Beam mặc quân phục, chỉ thị cho những học viên của mình “Tuyệt đối tiêu diệt toàn bộ”. Ông ta hét vào những quân nhân bé nhỏ “Tối đa sát thương. Tối đa vũ lực. Tối thiểu thời gian. Rồi chúng (Người Việt Nam) chỉ còn có một con đường là chết”.
Tòa ra phán quyết “Phải kết thúc sự quấy rầy của hội KKK”.
Phán quyết thứ hai là phải giải tán các thành viên bán quân sự và đóng của 5 trại huấn luyện.
Ngư dân Việt thắng kiện, nhưng một số còn sợ nên bỏ nghề, ra tìm việc khác làm kế sinh nhai.
Năm 1984, tờ Washington Post đã gọi câu chuyện nầy là “Một bản anh hùng ca kinh điển của di trú dân đến nước Mỹ. Sau khi đặt chân lên đất nước nầy, họ chịu đựng vất vả, họ hy sinh, họ vượt qua sự thù hằn và bạo lực chống đối họ, và cuối cùng họ giành được thắng lợi”.
Tìm hiểu về hội kín KKK ở Texas, ngày 6-11-2017, cô Laura Smith viết: “The war between Vietnamese fishmen and the KKK, signaled a new type of white supremacy”.
10* Một loạt chính trị gia và các giám đốc quyền lực lên tiếng chỉ trích bạo lực đối với người Mỹ gốc Á
Tổng thống Joe Biden thừa nhận, những hành vi bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á là sai trái, không phải bản chất của người Mỹ, và phải dừng lại.
Một loạt giám đốc điều hành quyền lực nhất nước Mỹ như lãnh đạo IBM và JPMorgan Chase đã lên tiếng chỉ trích bạo lực đối với người Mỹ gốc Á.
Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase viết: “Những hành động phân biệt chủng tộc nầy không thể, và sẽ không được dung thứ”.
Bà Elizabeth Ou Yang, giáo sư Đại học New York, nhận thấy những điểm tương đồng giữa tình cảnh người gốc Á hiện nay với sự kỳ thị người Hồi Giáo ở Mỹ, sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 trước kia.
Bộ trưởng An ninh Nội địa, Alejandro Mayorkas, nói với các nhà lập pháp rằng, chủ nghĩa cực đoan là mối đe dọa lớn nhất trong nước.
Bà Vivien Tsou, giám đốc Diễn đàn Phụ nữ Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, cho biết: “Mặc dù trọng tâm là sự thù ghét người gốc Á, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm da trắng thượng đẳng, và bất cứ ai cũng có thể trở thành “Con dê tế thần bất cứ lúc nào”.
11* Nói về kỳ thị
1). Nói về kỳ thị thì hầu như ai ai cũng có óc kỳ thị bằng thành kiến hay định kiến, chỉ khác một điều là giữ kín trong lòng hoặc thể hiện ra ngoài bằng lời nói hay hành động. Đó là quan điểm « vơ đũa cả nắm ». Ví dụ như, căn cứ vào tỷ lệ cao của một nhóm người hay một màu da, về những hành vi xấu xa hay phạm pháp, từ đó đánh giá chung, vơ đũa cả nắm. Cụ thể như tỷ lệ cao về việc ăn cắp của du học sinh hay công nhân Việt Nam ở Nhật Bản, từ đó, đánh giá toàn bộ về những người Việt ở Nhật. Con mắt của người Nhật dòm ngó, theo dõi người Việt về việc ăn cắp ở những cửa hàng. Những tấm bản cảnh báo bằng tiếng Việt để cho người Việt đọc, như là một cảnh cáo. Không nên ăn cắp.
2). Người da trắng văn minh và thông minh hơn các màu da khác. Những phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất phục vụ cho nhân loại đều do đa số người da trắng thực hiện. Không vì thế mà tự cho mình cái quyền khinh miệt, khủng bố hoặc tiêu diệt các màu da khác.
Việc phân biệt đối xử bị người văn minh hiện đại lên án.
12*. Kết luận
Con VuHanVirus, ChinaVirus đã đánh thức óc kỳ thị của một số người Mỹ. Một số người cực đoan, quá khích, đầu óc bịnh hoạn đã nổ súng hàng loạt, giết hàng chục người gốc Châu Á. Đập phá tài sản, đánh đập dã man vào những người da vàng không có khả năng đánh trả, là phụ nữ và người già yếu.
Họ cho rằng những người da vàng đã mang con virus Vũ Hán vào nước Mỹ.
Cộng động da vàng lâm vào cảnh kinh hoàng, lo lắng, sợ hãi. Nhiều cuộc biểu tình chống lại « tội ác vì thù ghét » (Hate Crimes). Nhiều người da vàng mua súng quyết ăn thua đủ khi lâm trận.
Một loạt giám đốc điều hành quyền lực nhất nước Mỹ như lãnh đạo IBM và JPMorgan Chase đã lên tiếng chỉ trích bạo lực đối với người Mỹ gốc Á.
Tổng thống Joe Biden cũng lên án những bạo lực giết chết người da vàng vô tội. « Sự thù hằn không có bến đỗ an toàn ở Mỹ ».
Lại một lần nữa, truyền thông quốc tế loan tin về nạn kỳ thị màu da ở Hoa Kỳ.
Trúc Giang
Minnesota ngày 16-4-2021