Thiện Đức
Mới đây, việc chính phủ Hungary thực hiện một khoản vay khổng lồ từ Bắc Kinh để xây dựng một chi nhánh của Đại học Phục Đán, Trung Quốc ở thủ đô Budapest đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ giới chức địa phương, họ cho rằng điều này có thể khiến Hungary rơi vào bẫy nợ, đồng thời, mang lại lợi ích kinh tế và chính trị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu, cũng như các nước thành viên EU và NATO, theo nguồn tin từ Epochtimes.
Theo tường thuật của VOA, Bộ Đổi mới và Công nghệ Hungary ngày 10/2 thông báo Hungary và Trung Quốc đã ký các văn kiện liên quan để đồng sáng lập chinh nhánh của Đại học Phục Đán ở thủ đô Budapest, Hungary. Đây sẽ là lần đầu tiên một cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc xây dựng chi nhánh ở nước ngoài.
ĐCSTQ bỏ tiền mở rộng cơ sở giáo dục của Trung Quốc ở Hungary
Chi nhánh của Đại học Phục Đán được coi là dự án đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực giáo dục của Hungary trong những thập kỷ gần đây. Ngày 6/4, kênh truyền thông DIREKT36 của Hungary đã công bố một phóng sự điều tra dài dựa trên các tài liệu chính phủ thu được, tiết lộ nhiều chi tiết về dự án này. Phóng sự này sau đó đã được đăng lại và trích dẫn bởi nhiều phương tiện truyền thông.
Theo báo cáo toàn diện của Đài VOA, cơ sở chi nhánh của Đại học Phục Đán ở Budapest dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024, với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ euro (khoảng 1,8 tỷ đô-la Mỹ). Trong đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Hungary khoản vay 1,25 tỷ euro (khoảng 1,5 tỷ đô-la Mỹ). Việc xây dựng trường sẽ do Tập đoàn Xây dựng Nhà nước Trung Quốc đảm nhận, sử dụng vật liệu xây dựng của Trung Quốc và công nhân Trung Quốc. Truyền thông địa phương cho rằng công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước của ĐCSTQ có dính líu đến các vụ bê bối tham nhũng và gián điệp.
Giới chức địa phương lo lắng
Đài VOA tuyên bố rằng dự án chi nhánh của Đại học Phục Đán ở Budapest sẽ trở thành một sự kiện mang tính bước ngoặt để ĐCSTQ mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Âu. Truyền thông địa phương cho rằng nhiều giáo viên, nhà nghiên cứu và sinh viên có xuất thân từ ĐCSTQ sẽ vào Hungary thông qua phương thức này. Lòng trung thành của họ đối với ĐCSTQ sẽ cao hơn tự do học thuật, và ảnh hưởng chính thức của ĐCSTQ đối với Hungary sẽ được gia tăng hơn nữa.
Số tiền đầu tư vào dự án này thậm chí còn vượt quá tất cả các khoản chi của Hungary cho hệ thống giáo dục đại học vào năm 2019. Do đó, dư luận địa phương cũng lo lắng rằng người nộp thuế sẽ phải chịu gánh nặng và Hungary có thể rơi vào bẫy nợ của ĐCSTQ.
Cả lực lượng đối lập cánh tả và cánh hữu ở Hungary đều bị sốc trước động thái này của chính phủ. Một tuyên bố do Đảng Xã hội Hungary đối lập cho biết dự án chi nhánh của Đại học Phúc Đán sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho nền kinh tế Hungary, và thay vào đó, ĐCSTQ sẽ xây dựng một trường đại học Trung Quốc ngay tại Hungary.
Thị trưởng quận 9 của Budapest cũng đã đưa ra một văn bản nói rằng việc kinh doanh phải là đôi bên cùng có lợi, không phải tất cả cổ tức đều do ĐCSTQ thu được, và chỉ để lại các khoản nợ cho Hungary.
Thị trưởng Budapest ra sức phản đối
Thị trưởng Budapest, Gergely Karacsony, bày tỏ sự phản đối của mình thông qua Facebook và viết một bức thư ngỏ cho văn phòng Thủ tướng Orban. Ông Karacsony nói rằng chi nhánh của Đại học Phục Đán sẽ trở thành công cụ để ĐCSTQ gây ảnh hưởng chính trị ở châu Âu và tiếp tay cho các cơ quan tình báo an ninh của Trung Quốc (CPC) hoạt động ở châu Âu và Hungary.
Phe đối lập Hungary lo lắng rằng chi nhánh của Đại học Phục Đán có thể sẽ được xây dựng tại quận 9 của Budapest, thay thế cho kế hoạch ban đầu là xây dựng dự án thành phố đại học với 8.000 phòng ký túc xá tại quận 9. Một vài năm trước, dự án này đã hoàn thành bản thiết kế bởi một công ty kiến trúc Na Uy.
Đảng cực hữu đại diện cho lực lượng của chủ nghĩa dân tộc, lãnh đạo phong trào Ubik ở Hungary cũng kêu gọi chính phủ của ông Orban hỗ trợ nhiều hơn cho dự án thành phố đại học thay vì xây dựng một chi nhánh của Đại học Phục Đán, vì Hungary hiện đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi một số lượng lớn thanh niên di cư.
Thị trưởng Budapest, Karacsony cảnh báo rằng nếu chính phủ của ông Orban thay thế thành phố đại học bằng dự án chi nhánh của Đại học Phục Đán, thành phố Budapest sẽ hủy bỏ Giải vô địch điền kinh thế giới năm 2023.
Ông Karacsony nói rằng ông hy vọng rằng đối với chính phủ của ông Orban, dự án thành phố đại học sẽ quan trọng hơn dự án chi nhánh của Đại học Phục Đán vốn có thể mang lại lợi ích chính trị và kinh tế cho ĐCSTQ, cũng như đặc quyền của các tổ chức an ninh của ĐCSTQ.
Văn phòng Báo chí của Thủ tướng Orban đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 8/4 và nhấn mạnh rằng chi nhánh của Đại học Phục Đán và dự án thành phố đại học không mâu thuẫn với nhau, đồng thời nói thêm rằng chi nhánh của Đại học Phục Đán sẽ trở thành “một trong những trường đại học tốt nhất trên thế giới”.
Khi thủ tướng Hungary ‘thân’ Bắc Kinh và Moscow
Là một người mạnh mẽ trong chính trường châu Âu, Thủ tướng Hungary Orban đã bị chỉ trích trong các vấn đề tự do truyền thông và nhân quyền trong những năm gần đây. Chính phủ của ông cũng nổi tiếng là thân Matxcơva và Bắc Kinh.
Hungary hiện đang sử dụng một số lượng lớn vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc và vắc-xin của Nga. Phe đối lập chỉ trích chính phủ Orban mua máy thở và các thiết bị y tế khác từ Trung Quốc với giá cao trong đợt dịch (năm ngoái).
Trong khi nhiều nước châu Âu và phương Tây đang cảnh giác với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, thì các hoạt động của Huawei tại Hungary lại như cá gặp nước. Huawei cũng đã mở một trung tâm R&D mới tại Hungary vào mùa thu năm ngoái.
Tháng trước, khi ĐCSTQ bắt đầu xét xử hai công dân Canada, các nhà ngoại giao từ Canada, Mỹ, Anh và hơn 20 quốc gia châu Âu ở Trung Quốc đã ở ngoài tòa án để ủng hộ những người Canada bị xét xử, bày tỏ lo ngại về việc ĐCSTQ bắt giữ tùy tiện. Nhưng các nhà ngoại giao Hungary tại Bắc Kinh đã không tham gia sự kiện này.
ĐCSTQ tìm cách thâm nhập vào châu Âu
Theo Đài VOA, Hungary và Serbia được coi là hai điểm hỗ trợ quan trọng của ĐCSTQ ở Balkan và Trung – Đông Âu, và là bàn đạp chính để tiến vào nội địa châu Âu. Khi mối quan hệ giữa một số nước Đông Âu và ĐCSTQ ngày càng trở nên lạnh nhạt, tầm quan trọng của hai nước này đối với ĐCSTQ cũng tăng lên đáng kể. Nhưng không giống như Serbia, Hungary là một thành viên của Liên minh châu Âu và NATO.
Iskanderov, một học giả Nga về Đông Âu và Balkan, cho rằng mặc dù trong lĩnh vực an ninh, một số nước Đông Âu là thành viên của NATO phải duy trì liên kết chiến lược với Mỹ, Đức, Pháp và các nước khác. Nhưng trong các lĩnh vực khác như hợp tác kinh tế, thương mại và văn hóa, các quốc gia này có nhiều quyền tự chủ và không gian cho các hoạt động khác, tạo cơ hội cho ĐCSTQ và Nga hoạt động ở Đông Âu. Chiến lược của hai nước này do vậy rất giống nhau.