Phiếm luận về tay

Nguyễn Đan Tâm
image.png

Tay là một bộ phận của cơ thể con người. Tay gồm có bàn tay, cổ tay, cánh tay, cùi chỏ… Tay dùng để cầm, nắm, giữ, lượm, gom, chà, sờ, mò, khám, vuốt, bóp, nhéo, bưng… Trên “lòng bàn tay” có nhiều “chỉ tay.” Từ đó phát sinh ra nghề “coi chỉ tay” gọi tắt là “coi tay” để đoán vận mệnh. Hình dáng bàn tay cũng được mô tả kỹ lưỡng trong các sách coi tay như: “bàn tay mỏng,” “bàn tay đầy đặn,” “bàn tay dùi đục,” “bàn tay búp măng”… “Vân tay” là những đường chỉ thật nhỏ nằm ở đốt cuối của các ngón tay khi bàn tay để ngửa. “Vân tay” có những hình dạng đặc biệt tùy theo mỗi người nên được dùng để nhận dạng, khoa xem “dấu tay.” Động từ “chỉ tay” hay “trỏ tay” là dùng ngón tay trỏ hướng về người hay vật mà mình nói đến. Ngày xưa, hai người phụ nữ có thai một lượt, thường “chỉ tay” vào bụng để giao kết: nếu sinh một trai, một gái thì sẽ cho kết làm vợ chồng. Lời hứa nầy không được thay đổi (cha mẹ đặt đâu con ngồi đó). Bây giờ, nhứt là ở Mỹ, bọn trẻ “chỉ tay” người mình muốn lấy, cha mẹ chỉ có con đường duy nhứt là “giơ tay” đồng ý (con đặt đâu cha mẹ ngồi đó), cùng lắm là kêu Trời ơi cho đỡ tức.

Trong truyện kiếm hiệp có hai lối vận lực đánh ra “đầu ngón tay” (chỉ), và “lòng bàn tay” (chưởng). Nổi tiếng là “Nhứt Dương Chỉ” trong “Thiên Long Bát Bộ” và “Tối Tâm Chưởng” trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ.” Câu “chỉ tay năm ngón” dùng cho loại người chỉ nói mà không làm hoặc nói cho người khác làm. Bấm, ấn, đả, điểm huyệt là dùng đầu “ngón tay” nhấn vào huyệt đạo. Đây là một cách chữa bệnh trong Đông y. Trong truyện võ hiệp, điểm huyệt có tác dụng: làm tê liệt, cầm máu, giết người… “Trảo” là dùng “nhiều ngón tay” để chụp, bấu, cấu xé… Thiết chưởng hay “bàn tay sắt” là bàn tay cứng rắn do luyện tập và tẩm thuốc nhiều năm, có thể dùng như vũ khí đả thương đối thủ.

Bàn tay thường có “năm ngón như câu hát “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa…” Trường hợp bất thường thì có “sáu ngón. Mỗi người chỉ có “hai tay.” Nếu công việc quá bề bộn thì ai cũng ước mình có “chục tay.” Câu (“nhiều tay” vỗ nên bộp), nói lên sức mạnh của số đông. Trái lại, “ít tay” hay “le hoe mấy tay” thì chẳng nên tích sự gì. Đa số quen dùng “tay phải” để cầm, nắm: đó là người “thuận tay phải.” Một số ít lại “thuận tay trái.” Vì thế, “tay phải” thường mạnh hơn “tay trái” nên dân gian có câu “Tay trái bóp d… không đau.” Trong thực tế, quí vị không nên cho bóp thử. Cách nay mấy chục năm, ở vùng Orange County, tiểu bang California, có tờ báo “Tay Phải” và quán cà phê “Tay Trái.” Không biết hoạt động nào là chánh đây? Chắc chủ nhân nghĩ là đã đọc báo thì phải vào uống cà phê. (Anh em như thể “tay chân”) như câu (Đệ huynh như “thủ túc”). Khi “tay dài” quá khổ thì gọi là “tay vượn.” “Tay dài” quá đầu gối khi đứng thẳng là một quí tướng. “Tay ngắn” là một trong tướng “ngũ đoản.” Ngược lại, “tay dài” nằm trong tướng “ngũ trường.”

Bấm “đốt ngón tay” là dùng ngón cái của bàn tay trái chạm lên các ngón khác để tính tuổi tác, ngày, tháng. Các thầy tử vi còn dùng cách nầy để an sao, đoán vận mệnh. Vì thế còn gọi là “bấm độn,” là dùng bàn tay xòe rộng với các ngón cạnh nhau, để đánh người hoặc tự đánh mình. “Chắp tay” là áp sát hai lòng bàn tay với các ngón đối mặt nhau.  “Chắp tay” trước ngực để cầu nguyện hoặc vái, lạy người. “Chắp tay” sau lưng ra vẻ kẻ cả, quan lớn. “Cung tay” giống như “chắp tay” nhưng hai bàn tay ôm lại thành nắm. “Chộp” hay “chụp” là dùng bàn tay nắm giữ vật đang di chuyển. “Búng tay” là trò chơi của trẻ con Việt nam: dùng một trong các ngón trỏ, giữa, hay áp út phối hợp với ngón cái tạo thành vòng cung rồi bung mạnh ra. Vật để búng thường là các loại hột phơi khô, dây thung… “Chống tay,” “tì tay” hay “tựa tay” là dùng cùi chỏ hoặc bàn tay đè lên mặt bàn hay mặt đất đỡ lấy sức nặng của cơ thể. Ví dụ “chống tay” đỡ lấy càm để suy nghĩ. (Nằm “vắt tay” trên trán) là một cách khác để suy nghĩ việc đời. “Chống tay” một hay hai bên hông gọi là “chống nạnh,” để ra oai với người hoặc thờ ơ nhìn sự việc xảy ra.

Tay nải” là chiếc túi vải có quai dài đeo lên vai để chứa đồ vật cá nhân. Khi túi có quai ngắn dùng để xách là túi “xách tay.” Đem quá nhiều hành lý, hàng hóa được diễn tả trong câu “tay xách, nách mang.” Bàn tay với năm ngón co lại, tạo thành “nắm tay” dùng để đấm. Nói theo truyện kiếm hiệp là “quyền.” Ở Mỹ, nếu đấm người vô cớ thì ở tù. Nhưng các võ sĩ quyền Anh như Ali, Tyson là những “tay đấm” tạo ra bạc triệu. Những người cùng tổ chức đấu tranh “nắm tay” hay “chung tay” nhau hành động. Hai người bạn “nắm tay” hay “cầm tay” nhau để tỏ tình thân thiết. Các cô cậu đang yêu, thường “khoác tay,” “tay trong tay,” “quàng tay,” “choàng tay” hay “đan tay” nhau khi dạo phố. Có ai quên được phút giây đầu tiên “chạm tay” người yêu.

Nhưng ăn cắp mà bị “nắm tay” thì vô tù. Những kẻ “đang tay” hại người thì chẳng bao giờ “chùn tay” khi làm việc ác. “Nối tay” hay “giăng tay” là dùng bàn tay của mình nắm lấy bàn tay người bên cạnh và cứ thế tiếp tục tạo thành đường dài hay vòng tròn.  “Nối tay” nghĩa bóng là giúp người hành động giống như chữ “tiếp tay,” “trợ tay” hay “giúp tay.” Ví dụ các lãnh tụ Việt Cộng đang “nối tay, “giúp tay” ”hay “tiếp tay” cho bọn Tàu Cộng cướp nước. Làm một việc gì mà có người giúp thì được “đỡ tay.” Khi người con gái chấp nhận lời cầu hôn thì “cho tay.

Ở Mỹ, những người làm trong hệ thống dây chuyền sản xuất thì luôn “bận tay” và không “rảnh tay” để đấu láo. “Vòng tay” là đưa hai tay ra phía trước (đôi khi ra phía sau), hai bàn tay nắm với nhau. Động tác nầy dùng để ôm thân cây (ước định chu vi thân cây: 1, 2, 3… người ôm) hay ôm một người (nổi tiếng trước 1975 ở miền Nam là tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò.”  “Xòe tay” với lòng bàn tay ngữa là để xin xỏ ai một thứ gì. Nếu xòe bàn tay đứng thì để giữ lá bài như tứ sắc, bài tây… “Gang tay” là bàn tay bung thẳng (tính từ đầu ngón cái đến đầu ngón giữa hay ngón áp út) thuở xưa dùng làm đơn vị đo chiều dài khi không có thước (ví dụ cái bàn dài 6 gang tay). “Dang tay” hay “banh tay” là đưa hai tay ngang ở thế 180 độ để cản trở bước tiến của người hay thú vật. “Dang tay” dùng thay thước (ở nông thôn) để đo những khoảng cách lớn thì gọi là “sải tay” (ví dụ cái sân dài 10 sải tay). Khi dùng một dụng cụ như kềm, búa, dao, kéo… mà thấy thích hợp thì gọi là “vừa tay.

Bao tay” là vật dụng che chở cho tay khi làm việc. Trong lãnh vực y khoa và ngành chế biến thực phẩm, “bao tay” còn có tác dụng ngăn cản vi khuẩn ở tay lan truyền. “Tay áo” là một phần của chiếc áo, ôm lấy cánh tay. Có hai loại: “tay dài” và “tay ngắn.” Lúc mặc áo tay dài, đôi khi để cử động được dễ dàng người ta hay “xăng tay áo” lên phía trên cùi chỏ. Nghĩa bóng là sẵn sàng hành động. Riêng chiếc áo dài của phụ nữ miền Nam trước 1975 còn có kiểu “tay raglan.” Thành ngữ (nuôi ong “tay áo”) để chỉ sự phản bội, hại chủ của kẻ ăn, người ở hay người sống chung trong nhà. “Duỗi tay” ra và “co tay” vào là những cử động thường ngày của tay. Nhưng “tay co ro” là vì lạnh hay đói. Thời tiết lạnh quá làm “cóng tay.” Ngược lại, khi tay chạm vật quá nóng thì bị “phỏng tay.” Trong nghĩa bóng “phỏng tay” chỉ sự co tay đột ngột khi tay chạm vật quí giá của người khác. “Phổng tay” là chận lấy một món đồ, tiền bạc… trước khi vật đến tay người nhận. Khi không còn cách nào khác thì “xóa tay” làm lại từ đầu. Đi xin việc hoặc nhờ cậy ai chuyện gì mà có “tay trong” giúp đỡ thì thành công là cái chắc.

Khi lái xe mà “tay lái” vững thì ít bị tai nạn. Đi đánh cá bằng thuyền thì có “tay chèo,” “tay chài,” “tay lưới.” Lao động dù tay chân hay trí óc, đều phải dùng tay nên có câu “Tay làm hàm nhai.” Một công trình hay tác phẩm đầu tiên trong đời của một người gọi là “đầu tay.” Trước khi có máy móc, đa số vật dụng đều được làm “bằng tay.” Ví dụ quần áo đều được “may tay” và “giặt tay.” Những người giỏi về mỹ nghệ, thủ công, được mô tả là “khéo tay” hay có “hoa tay.” Nhiều kinh nghiệm trong một ngành nào được coi là có “tay nghề.” Giỏi về các món ăn chơi là “tay chơi.” Bực thầy trong một ngành, một môn được coi là “tay tổ” (tay tổ cờ bạc, rượu chè, trai gái…) Bơi lội giỏi là “tay bơi.” Tương tự ta có “tay trống, “tay đàn,” “tay kèn,” “tay sáo,” “tay vợt”… Người mới tập tểnh bước vào một lãnh vực nào đó thì đúng là “tay mơ,” hay “non tay,” dễ bị coi thường. Một người tầm thường về nhiều phương diện là “tay quèn.” Trước 1975, giới đá banh miền Nam hay tặng danh hiệu “đôi bàn tay nhựa” cho thủ môn chụp banh xuất sắc. Riêng thủ môn Phạm Văn Rạng còn được danh hiệu “lưỡng thủ vạn năng.” Khi ăn chơi hoặc hoạt động mà muốn nổi thì phải như câu (chơi cho đài các, cho người “biết tay.”) Chơi cho “đã tay” là hoạt động cho đến khi mỏi mệt. Ai chưa được huấn luyện về một ngành chuyên môn là “tay ngang” dễ gây hỏng việc. Có bệnh mà để cho bác sĩ Việt Cộng “tay ngang” (do đảng phong chức và cấp bằng) chữa trị thì từ chết đến tàn tật. “Ngang tay” là hai đối thủ đồng tài, đồng sức. “Kéo tay” là hình thức thử sức giữa hai người ngồi đối diện, tay người nầy tréo tay người kia, cùi chỏ tựa trên bàn, ai quật ngả tay người kia là thắng. Khi dùng sức chuyển vào bàn tay đang nắm tay người khác hoặc một vật để cố giữ cho khỏi té hoặc rơi gọi là “níu tay.” “Níu kéo” với nghĩa bóng là cố giữ nguyên trạng như cũ khi có sự đổ vỡ. Dùng ngón trỏ để “ngoéo tay” giữa hai hay nhiều người để xác nhận quyết định. Dùng bàn tay ra dấu cho người hay thú vật tiến về phía mình là “ngoắc tay” lại đây. Cử động ngược lại là “xua tay” đuổi đi. “Giơ tay” lập thệ trước khi phát biểu hay hành động. “Giơ tay” để biểu thị thái độ đồng tình hay phản đối một vấn đề. Hàng hàng, lớp lớp người “giơ tay” tranh đấu cho nhân quyền VN. Quốc Hội bù nhìn Việt Cộng luôn luôn “giơ tay” 100% nhất trí khi biểu quyết. “Giơ cả hai tay” là chịu thua hay đầu hàng. “Vẩy tay” là để chào nhau nhưng không nên là “chia tay” lần cuối: buồn lắm. “Chào tay” là đưa bàn tay phải chạm lông mày và tạo một góc 45 độ với mặt phẳng thẳng đứng. “Chào tay” được dùng trong quân lực VNCH thay cho cách chào hỏi thông thường ngoài đời. Khi một tập thể cùng lúc “chào tay” thì gọi là “dàn chào.” Đây là nghi lễ trong quân đội dùng để chào đón vị chỉ huy trưởng đến chủ tọa. “Dàn chào” cũng có nghĩa là bị nhiều người phản đối hoặc tấn công cùng lúc. Ví dụ: đoàn biểu tình bị cảnh sát “dàn chào” với hơi cay, vòi rồng. “Vói tay,” “với tay” hay “vươn tay” là đưa tay lên cao hay về một hướng nào một cách tối đa. Nghĩa bóng để chỉ những người thấp kém muốn giao dịch với giới thượng lưu. “Khỏa tay” là để tay trước miệng, ra hiệu giữ im lặng. Cảnh sát “khóa tay,” “bẻ tay” hay “còng tay” can phạm không cho chống cự. “Phất tay” là dùng tay ra hiệu bắt đầu sự việc. Khi thực hiện một hành động thì gọi là “ra tay,” “xuống tay,” hay “hạ thủ.” Ví dụ “ra tay” đàn áp biểu tình,  trộm cướp, giết người, cứu người. Thành ngữ (tiên “hạ thủ” vi cường) chỉ thế mạnh của người “ra tay trước.” Trong truyện kiếm hiệp thường có câu  (“hạ thủ” lưu tình) ám chỉ “ra tay” nhẹ. “Cản tay,” “ngăn tay,” “chận hay chặn tay” đều có nghĩa là ngưng hành động của người khác. Riêng “chận tay” còn có nghĩa là ăn bớt tiền, phẩm vật cứu trợ. Các quan chức Việt Cộng rành chuyện nầy hơn cả vì các cha nội đều là “tay đớp.” Làm một việc dưới áp lực của người khác thì gọi là “buộc tay.” Nếu “tự tay” làm nhưng ngoài ý muốn là “lỡ tay.” Ví dụ như bác sĩ “lỡ tay” làm chết bệnh nhân. Hành động quá mức qui định là “quá tay” hay “lố tay.” Ví dụ “lố tay” cho nhiều gia vị khi nấu ăn. Hai chàng, một nàng hoặc ngược lại là mối tình “tay ba.” Đánh nhau giữa hai người là đánh “tay đôi.” “So tay” hay “đọ tay” là tranh tài giữa hai đối thủ về một bộ môn nào. Muốn gầy sòng đỏ đen như tứ sắc, mạc chược, thì phải có “đủ tay,” thường là bốn người  tức “tay tư.” Ngoài ra sòng bài còn có “tay trên,” “tay dưới.” Nếu chỉ có 2, 3 người thì “thiếu tay” khó nên sòng. Người phụ nữ muốn khoe của thì đeo trang sức “đầy tay.

Trong thời Pháp thuộc, có câu ca dao (thông ngôn, ký lục, bạc chục không màng; lấy chồng thợ bạc, đeo vàng “đỏ tay.”) Việc đời, nếu ở “trong tầm tay” coi như dễ thành công. Nhưng để “vuột tay”  trở thành “ngoài tầm tay” thì chỉ còn “ôm tay” đứng nhìn. “Gối tay” là dùng tay thay cái gối kê đầu để nằm nghỉ. Nếu chàng “gối tay” cho nàng nằm qua đêm thì tay có thể bị liệt (tạm thời). Tình nghĩa vợ chồng thể hiện qua câu (đầu gối “tay ấp.”) “Tay anh chị” là mấy cha đứng đầu bọn du đảng, các nhóm đâm thuê, chém mướn. Bọn nầy thường có nhiều “tay em” để sai khiến. “Lẹ tay” thì mấy ai hơn được dân móc túi, dân tráo bài ba lá, vậy mà họ vẫn bị bắt hoặc bị thua vì gặp người “cao tay.” Trong xã hội, những kẻ “nhanh tay” bao giờ cũng mau chóng chớp lấy cơ hội tốt nhất là mấy “tay chôm chỉa.” Ai “chậm tay” thì chỉ lấy mắt mà nhìn. “Tay quen” nói lên khả năng có được do làm một việc lâu ngày như câu (Trăm hay không bằng “tay quen.”) “Quen tay” để chỉ một hành động được lập lại nhiều lần trong quá khứ tạo thành một tập quán khó bỏ được như câu (ăn cắp “quen tay,” ngủ ngày quen mắt.) Xin đừng lộn với “ngửa tay” ăn mày viện trợ quốc tế của các anh hùng chống Mỹ cứu nước. Khi hoàn thành một công việc thì “xoa tay” hài lòng. Ai tạo nên sự nghiệp từ con số không được gọi là “tay trắng” làm nên. Nhưng đang giàu bỗng một đêm trở nên vô sản như bà con ta bị Cộng Sản kiểm kê sau ngày 3o Tháng Tư, 1975 thì là kẻ “trắng tay” hay “trống tay.” Các quan tòa nhân đức, thường ra án “nhẹ tay” hoặc “nương tay” vì sợ “nặng tay,” “ thẳng tay” hoặc “mạnh tay” quá sẽ làm khổ can phạm nếu có sai lầm. Thành ngữ “Giơ tay cao, đánh khẽ” có cùng một ý nghĩa. Cộng Sản chủ trương dùng bạo lực cướp chánh quyền nên rất “bạo tay” và không “gớm tay” dùng mọi thủ đoạn tàn ác để đạt mục đích. Vì thế, đảng viên Cộng Sản luôn có “bàn tay máu,” “bàn tay sắt máu,” hay “bàn tay tội ác.” “Vỗ tay” là để khen ngợi, khích lệ, cổ võ… người khác, nhưng các cán bộ Việt Cộng “tự vỗ tay” sau mỗi câu nói dù là nói dài, nói dai, nói dở. Đó là chưa kể các cha vừa nói, vừa “khoa tay,” phùng mang, trợn mắt, như phường hát bội. “Rửa tay” là làm sạch tay bằng nước hay bằng hóa chất. Nhưng “tay bẩn” hay “tay dơ” do tội ác thì không có gì rửa sạch được. Trong truyện kiếm hiệp, “rửa tay gác kiếm” là rút lui khỏi giang hồ, sống ẩn dật, không can dự chuyện thị phi. “Chùi tay” hay “lau tay” là dùng giấy hay khăn làm cho tay sạch, hay khô ráo. Hành động kín đáo đưa cho ai vật gì hay tiền bạc là “dúi tay.” Những tay cướp giựt thường có đồng bọn để “chuyền tay” đưa tang vật ra khỏi phạm trường một cách mau chóng. “Trao tay” là đưa và nhận hàng hóa hay tiền bạc giữa hai người mua bán không qua trung gian. Đồ vật được đưa đến đúng người nhận là giao “tận tay.” Người phụ nữ đã “qua tay” hay “sang tay” nhiều người đàn ông thì không khác chi câu “thiếp như hoa đã lìa cành…” Thay thế người trong các cuộc tranh tài, bài bạc, gọi là “đổi tay” hay “thay tay.” Thay đổi nghề nghiệp gọi là “đổi tay nghề” hay đổi nghề. Khi cầm, xách một vật nặng thì  thỉnh thoảng phải “đổi tay” hay “chuyển tay” để đỡ “mỏi tay.” “Nghỉ tay” là tạm ngưng hoạt động để đỡ mệt hoặc ăn uống. “Dừng tay” hay “ngừng tay” là ngưng ngay hành động. “Tay run” vì thời tiết lạnh, do cảm giác sợ sệt, hay tuổi già. Trong chiến tranh, còn hình ảnh nào cảm động hơn người vợ thay chồng nuôi con và săn sóc mẹ già như câu (con thơ “tay ẵm, tay bồng”; “tay dắt” mẹ chồng…) Các bậc anh hùng đưa đất nước qua cơn sóng gió như người lái thuyền “tay chống, tay chèo” để điều khiển con thuyền qua khúc sông nguy hiểm. Quân nhân là những “tay súng” được huấn luyện để chiến đấu. Nhưng nếu vừa chiến đấu vừa sản xuất nông nghiệp thì “tay súng, tay cày.” Nếu lính dùng văn nghệ đấu tranh là “tay súng, tay đàn” Theo phong tục Việt Nam, con nít hay người trẻ tuổi gặp người lớn như ông, bà, chú, bác… phải “khoanh tay” và cúi đầu chào. Trong đời sống hằng ngày, những kẻ thờ ơ, chỉ “khoanh tay” đứng nhìn chuyện bất bình xảy ra mà không can thiệp. “Không tay” hay “cụt tay” là do thương tích, tai nạn hoặc bẩm sinh. Những người nầy cần được ráp “tay giả” để có thể sinh hoạt hằng ngày. “Liệt tay,” “xụi tay” là tay không cử động được do bệnh, thương tật hay bẩm sinh. “Rủ tay,” “thả tay,” “thỏng tay” là tay buông xuôi theo thân người, tuy không bị bại liệt nhưng không muốn cử động. Nghĩa bóng là không muốn can thiệp vào sự việc. “Chặt tay” là dùng vật bén như dao, kiếm… cắt một phần của tay. Ngày xưa, hình phạt “chặt tay” dành cho tội phạm móc túi, ăn cắp… Thời VNCH, một ít người “tự chặt một đốt ngón trỏ” của bàn tay mặt để được miễn quân dịch. Nàng “cắn tay” (móng hay đầu ngón) suy nghĩ nên chọn ai làm chồng. Nếu cắn đứt thì cùng nghĩa như “cứa tay.” đó là dùng một vật bén nhọn để “cắt da ngón tay” lấy máu cho vào ly rượu, rồi mọi người chia nhau uống để lập thệ trước khi hành động. “Tay không” hay “tay trơn” bắt cướp là hành động dũng cảm, nhưng các vị nầy sẽ thất bại khi gặp các quan Việt Cộng để giải quyết công việc vì chẳng có gì để lo hối lộ. Khi gặp người quen thì “đưa tay” hay “chìa tay” để tiến đến “siết tay,” “bắt tay” như câu (“tay bắt” mặt mừng.) “Bắt tay” vào việc là khởi đầu hành động. “Bắt tay” khi gặp mặt chào hỏi và khi từ giã là tập tục của các xứ Âu Châu do người Pháp du nhập vào Việt Nam. Tục nầy đã bị người Việt biến đổi với cái “ bắt tay kèm theo bao thơ” cho được việc. Các lãnh tụ Việt Cộng khi “bắt tay” còn dùng cả “hai tay” với thái độ khúm núm của kẻ tôi tớ: thật là thối không thế nào tả được. “Bắt cá hai tay” là thành ngữ dùng để chỉ những người tham lam, ham muốn nhiều thứ cùng một lúc, nên mất tất cả. Những kẻ chuyên làm theo lịnh của chủ là “tay sai.” Trước năm 1975, Việt Cộng thường rêu rao VNCH là “tay sai” của Mỹ. Giờ đây, bọn chúng hiện nguyên hình là “tay sai” của Tàu. Thời VNCH, các ông lớn thường có nhiều đệ tử “tay chân” qui tụ dưới trướng. Nhưng lỡ ra “tay chân” là Việt Cộng nằm vùng thì đau như bị hoạn. Khi miền Nam chống lại chiến tranh do Cộng Sản miền Bắc xâm lăng (1954-1975) thì VNCH luôn luôn ở thế “dưới tay.” Trong bất cứ lãnh vực nào: chánh trị, quân sự, vận động quần chúng…, các đỉnh cao trí tuệ Bắc Việt luôn chiếm thế “trên tay.” Chúng đánh đâu, ta đỡ đó. Vào hội nghị, chúng tha hồ yêu sách. “Phủi tay” là dùng bàn tay làm sạch bụi, đất bám vào tay kia hay trên đồ vật. Nhưng hòa đàm Paris 1973 là cái cớ cho Mỹ  “phủi tay” để VNCH “sống chết mặc bây.” Và VNCH sụp đổ dễ dàng vì bị đồng minh Mỹ “buộc tay,” “trói tay” hay “khóa tay” qua một kế hoạch thần sầu: rầm rộ di tản viên chức và gia đình có liên hệ với Mỹ, thuyết phục tướng, tá ra đi, cho lệnh rút quân vội vã, tạo tâm lý hoảng loạn. Các tướng bị quân lệnh trái ngược, lại phải thực hiện trong thời gian ngắn ngủi nên chẳng kịp “trở tay” trước tình trạng hỗn loạn. Hơn một triệu “tay súng” của VNCH như rắn mất đầu phải “buông tay,” rã ngũ. Các dũng tướng thà tự sát chớ không “bó tay” chịu trói. Đại Tá Hồ ngọc Cẩn đã “tự tay” sử dụng đại liên cho đến viên đạn cuối cùng. Con người dù không muốn rồi cũng đến ngày “xuôi tay” nhắm mắt. Lúc đó, chỉ còn “tay không” để về bên kia thế giới.

Related posts