Hải Lam
Theo trang Epochtimes, cựu thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach dưới thời chính quyền cựu Tổng thống (TT) Trump đến thăm Đài Loan vào tháng 9 năm ngoái và trở thành quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan trong hơn 40 năm qua. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Hoa Kỳ gần đây, ông Krach đã vạch trần nguyên tắc 3C của Tập Cận Bình và nói rằng thế giới đã thức tỉnh về điều này.
Khi còn trong nhiệm kỳ, ông Krach đã lên kế hoạch cho sáng kiến Mạng sạch 5G (Clean Network) cho chính quyền cựu TT Trump. Ông cũng đến thăm nhiều quốc gia và hy vọng có thể thúc giục các quốc gia này không sử dụng thiết bị và công nghệ từ các công ty Trung Quốc, ví dụ như các thiết bị của Huawei khi xây dựng mạng 5G của riêng họ.
Vào tháng 1 năm nay, ông Krach cùng với cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và hơn 20 quan chức chính quyền cựu TT Trump, đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa, cấm họ nhập cảnh vào Trung Quốc, Hong Kong và Ma Cao. Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, ông Krach nói: “Tôi bị chế tài vì tôi đã làm công việc của mình và đạt được thành quả”.
Ông Krach cũng cho biết các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ không ảnh hưởng gì đến ông và gia đình, ông còn nói: “Có thể đây là huân chương danh dự. Tôi sẽ không quỳ gối trước Tổng bí thư Tập, và tôi cho rằng người khác cũng không nên [quỳ gối]”.
Thế giới cần nhìn rõ sự thật về nguyên tắc 3C của Tập Cận Bình
Gần đây, trong một bài viết trên Newsweek, Cựu thứ trưởng Ngoại giao Krach đề cập rằng trách nhiệm đạo đức để chấm dứt nạn diệt chủng ở Tân Cương là một trong những vấn đề có khả năng gắn kết hai đảng ở Hoa Kỳ nhất trong thời đại này. Bài báo cũng kêu gọi các công ty Mỹ giúp ngăn chặn nạn diệt chủng ở Tân Cương.
Khi phóng viên VOA đề cập đến bài báo này, ông Krach nói: “Trước hết, tội ác diệt chủng nên bị trừng phạt. Đây là một trong những tội ác chống lại loài người nghiêm trọng nhất đang xảy ra trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ việc kêu gọi điều này là rất quan trọng. Tôi nghĩ nó đã thể hiện rõ nguyên tắc 3C của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, đó là: che giấu (concealment), kết nạp (cooption) và cưỡng chế (coercion). Bây giờ nó đã phát triển thành tội diệt chủng”.
Cựu thứ trưởng Krach nói rằng ông kêu gọi mọi người trên toàn thế giới đoàn kết và hành động vì mục tiêu này. Ông đã viết thư cho tất cả các Giám đốc Điều hành Mỹ, hy vọng rằng họ có thể bảo đảm rằng chuỗi cung ứng của họ sạch sẽ và không có lao động nô lệ từ Tân Cương. Ông cũng kêu gọi không đầu tư vào các công ty Trung Quốc vì những công ty này đã giúp sức cho việc giám sát và bạo hành của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương.
Krach nói rằng theo quan điểm của mình, ông thấy rằng ông Tập Cận Bình đã thực sự gia tăng sự hung hăng. Ông nói thêm:
“Và tôi nghĩ rằng thế giới đã thức tỉnh và hiểu ra nguyên tắc 3C của ông ấy, đó là sự thật về việc che giấu, kết nạp và cưỡng chế. Và thế giới giờ đây hiểu rằng đại dịch corona mới là kết quả của việc che giấu virus. Ý tôi là, họ đã đóng cửa mọi thứ, mọi người mất mạng, tất cả những thứ tương tự diễn ra”.
“Tôi nghĩ mọi người có thể thấy rằng việc ĐCSTQ kết nạp Hong Kong đã dẫn đến việc tước đoạt quyền tự do của công dân Hong Kong. Giờ đây, cuộc cưỡng chế đối với Tân Cương đã phát triển thành tội ác diệt chủng, và thế giới đã thấy và không thích điều đó. Đây là vấn đề có thể thống nhất hai đảng nhất trong thời đại chúng ta”.
Ông nói rằng đây là lý do tại sao việc tạo ra một “mạng lưới sạch” trên toàn thế giới lại thành công như vậy, bởi vì nó đại diện cho một lớp bảo mật. Ông Krach bày tỏ: “Người nhiều tạo nên sức mạnh lớn, có sức mạnh và đoàn kết, tôi nghĩ thế giới giờ đây đã thức tỉnh”.
Bình luận về việc tổ chức Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh, ông Krach nói rằng nạn diệt chủng đang diễn ra ở TQ. Nhưng “Ủy ban Olympic Quốc tế [lại] nói, ‘Này, hãy tổ chức Thế vận hội Olympic nhân đạo, vĩ đại này ở đó đi’, đó là đạo đức giả”.
Cách một công ty lựa chọn giữa lợi nhuận và đạo đức: Chính trực là tất cả
Trước khi gia nhập chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2019, ông Krach là một doanh nhân làm việc tại Thung lũng Silicon trong hơn 30 năm. Ông từng là Chủ tịch và CEO của DocuSign, hãng công nghệ tiên phong và đứng số 1 trong mảng chữ ký điện tử trên thế giới; ông cũng là đồng sáng lập, Chủ tịch và CEO của Ariba, một công ty thương mại điện tử B2B; ở tuổi 26, ông trở thành Phó chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử của General Motors.
Phóng viên VOA hỏi, với tư cách là một doanh nhân thành đạt, chắc hẳn ông biết rất rõ rằng các công ty phải đưa ra những quyết định khó khăn giữa lợi nhuận và đạo đức khi làm ăn với Trung Quốc. Ông sẽ nói gì với các nhà lãnh đạo của các công ty đa quốc gia, những người thường xuyên phải đưa ra những quyết định khó khăn này?
Ông Krach đáp: “Tôi nghĩ đây là một câu hỏi liên quan đến nguyên tắc hoặc lợi ích của bạn. Trong quá trình tôi trưởng thành, ở quê hương tôi, đến cuối cùng, sự chính trực của bạn là tất cả. Nếu mọi người không có điều này, mọi người không có gì cả. Đúng, mọi người phải đưa ra những quyết định này, là một Giám đốc Điều hành hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, vì có mức lương cao như vậy nên phải đưa ra những quyết định khó khăn. Họ cũng có trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ chính trực để bảo đảm rằng những người làm kinh doanh với họ là những người ngay thẳng, đặc biệt khi bạn đang nói về những vấn đề lớn như diệt chủng”.
Ông Krach gửi thông điệp đến ông Tập Cận Bình: Toàn thế giới không tín nhiệm ông
Khi được phóng viên hỏi ông muốn gửi thông điệp gì cho ông Tập Cận Bình, ông Krach trả lời: “Tôi nghĩ tôi sẽ nói rằng thế giới không tín nhiệm ông. Các biện pháp trừng phạt của ông đối với tôi không ảnh hưởng đến tôi, nhưng nó đã gửi một thông điệp đến chính quyền TT Biden, gửi một thông điệp đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới, rằng ông không đáng được tin tưởng, và sẽ có hậu quả”.