Vũ Dương
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gần đây đã đăng tải một bài viết tưởng nhớ về mẹ trên phương tiện truyền thông Ma Cao, nhưng đã bị chính quyền “phong sát” vì có một số câu từ nhạy cảm. Sau vụ việc này, mối quan hệ thực sự giữa ông Ôn Gia Bảo và ông Tập Cận Bình cũng thu hút nhiều sự chú ý. Có nhà bình luận chỉ ra rằng mâu thuẫn giữa hai ông Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình đã có từ lâu, và hai người họ đã kết oán với nhau trước khi ông Tập trở thành Tổng Bí thư, theo Sound of Hope.
Vào đêm trước Tết Thanh minh năm nay, ông Ôn Gia Bảo đã xuất bản một bài viết trên tờ “Macao Herald” để tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình, trong đó ông đề cập rằng “Trung Quốc trong tâm trí tôi phải là quốc gia ngập tràn chính nghĩa và công bằng”, ông cũng đề cập đến thảm họa của Cách mạng Văn hóa. Sau đó, bài viết của ông đã bị cấm chia sẻ trên WeChat và bị xóa trên các phương tiện truyền thông.
Nhiều cư dân mạng cho rằng ông Ôn Gia Bảo nói Trung Quốc “phải là” một quốc gia ngập tràn chính nghĩa và công bằng, ông đã dùng từ “phải là” thay vì “đã là” để bày tỏ sự bất mãn với thực tế dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Và việc ông Ôn Gia Bảo viết về thảm họa của Cách mạng Văn hóa cũng đi ngược lại với những động thái gần đây của nhà chức trách TQ nhằm làm trong sạch Cách mạng Văn hóa.
Năm nay đánh dấu 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ. Giới chức Bắc Kinh đã ra mắt cuốn “Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” phiên bản mới vào năm 2021, trong đó đã mờ nhạt hóa Cách mạng Văn hóa và tội ác của Mao Trạch Đông.
Vào ngày 27/4, trang web ”Phục hưng Dân tộc”, mặt trận tuyên truyền của lý thuyết Cánh tả ở Trung Quốc đại lục, đã đăng một bài báo có tựa đề “Phiên bản mới của lịch sử đảng như tiếng sấm phá vỡ không gian im lặng” của nhân vật phe cực tả Trương Hồng Lương (Zhang Hongliang), nói rằng phiên bản mới của lịch sử đảng đang khẳng định một loạt các vấn đề của Mao, so với phiên bản trước đã có bước “đột phá về chất”.
Vào ngày 3/5, nhà bình luận Cao Tân (Gao Xin) của Đài Á Châu Tự Do tuyên bố rằng các lực lượng cực hữu trong nước mà ông Trương Hồng Lương đề cập bao gồm cả ông Ôn Gia Bảo trong đó. Bởi năm xưa khi ông Ôn Gia Bảo nằm trong Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị, ông kiên quyết không chịu cảnh nước chảy bèo trôi, từ chối đến Trùng Khánh làm nơi phục hồi Cách mạng Văn hóa của ông Bạc Hy Lai, và ông đã trở thành cái gai trong mắt của thế lực cánh tả do ông Trương Hồng Lương đại diện.
Bài viết chỉ ra rằng 10 năm trước, với tư cách là người kế nhiệm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, Phó Chủ tịch nước kiêm người kế nhiệm Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có chuyến công du đặc biệt tới Trùng Khánh tạo thế cho chiến dịch “hồng ca và đả hắc” của Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân, được các nhóm cánh tả chủ nghĩa Mao viết bài khen ngợi.
Năm 2010, thời ông Ôn Gia Bảo là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Quốc vụ viện, khi đó ông Tập Cận Bình đang chờ kế nhiệm, Trương Hồng Lương đã đăng một bài viết có tiêu đề “Truyền thông Mỹ có thái độ hoàn toàn trái ngược đối với hai nhà lãnh đạo Trung Quốc”.
Bài viết nói rằng: “Tôi khuyên mọi người nên chú ý đến bài viết có liên quan đến dư luận ở các nước phương Tây này. Tôi muốn mọi người chú ý đến hai nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dấy lên những phản ứng rất khác nhau ở các nước phương Tây. Một là Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người còn lại là Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình”. Bài viết này đã bị cấm ngay sau khi nó được phát hành.
Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Trương Hồng Lương lại đăng bài viết này trên trang web “Phục hưng Dân tộc” vào tháng 7/2015. Bài viết nói rằng: “Kể từ năm 2010, Hoa Kỳ đã bốn lần liên tiếp bình chọn Thủ tướng Ôn Gia Bảo là một trong ‘mười anh hùng hàng đầu cứu vớt nền kinh tế Hoa Kỳ’, ‘Mười nhà lãnh đạo quan trọng nhất trên thế giới hiện nay’, và ‘mười nhà lãnh đạo được kính trọng nhất trên thế giới hiện nay’. Gần đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã được chọn làm nhân vật trang bìa của tờ “Newsweek” của Mỹ, và đã 4 lần đưa Thủ tướng Ôn Gia Bảo lên đỉnh cao danh dự trong vòng chưa đầy một năm”.
Bài viết của ông Trương Hồng Lương cũng cho biết, “Nhưng đối với Tập Cận Bình, người cũng là thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương, truyền thông phương Tây đã thể hiện ra những quan điểm cực đoan hoàn toàn trái ngược nhau”.
Phần cuối bài viết viết rằng: “Chúng ta nên nghiêm túc chú ý và suy nghĩ về những phản ứng cực đoan rất khác nhau của Hoa Kỳ và các phương tiện truyền thông phương Tây khác đối với hai nhà lãnh đạo Trung Quốc: tôn trọng Thủ tướng Ôn Gia Bảo; coi thường Tập Cận Bình. Tại sao Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác lại muốn làm như vậy?”.
Bài viết của Cao Tân nói rằng vào năm sau khi ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư ĐCSTQ, ông Ôn Gia Bảo vừa từ chức Thủ tướng Quốc vụ viện chỉ vài tháng sau đó, trong một bài phát biểu nội bộ không nêu đích danh đã nóng lòng chỉ trích ông Ôn Gia Bảo vì “cố tình ra vẻ văn minh ” để “giành được nhiều lời khen ngợi của dư luận hải ngoại”, đồng thời yêu cầu trên dưới toàn đảng phải như ông Tập Cận Bình“không sợ bị bêu xấu”.
Năm 2013, trước thềm Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, một bản thảo của “Bài phát biểu nội bộ ngày 19/8” của Tập Cận Bình đã được lan truyền trên Internet Đại lục. Tập Cận Bình kêu gọi “toàn đảng tuốt kiếm, giành lại mặt trận dư luận”. Ông Tập nói: “Tôi từng nói rằng cán bộ lãnh đạo không được làm theo kiểu ‘yêu quý tiếng tăm’. Có những cán bộ chỉ xoay quanh vấn đề thị phi đúng sai, có thái độ không rõ ràng, chỉ biết đến mình, sợ bị mất điểm và sợ bị người khác nói mình không sáng suốt. Tuyệt đối không nên như thế! Đây là danh dự gì? Đây là hình ảnh gì? Cố tình ra vẻ văn minh!”
Cao Tân nói trong bài viết rằng có thể thấy rằng mâu thuẫn giữa ông Tập Cận Bình và ông Ôn Gia Bảo thực chất là trong khoảng thời gian 5 năm thời Ôn Gia Bảo còn là Thủ tướng Quốc vụ viện, trong khi ông Tập Cận Bình vẫn phụ trách công tác đảng với tư cách là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và đang chờ đợi sự kế vị, cũng chính là trong thời gian 5 năm của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 17 đến Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, “mâu thuẫn về đường lối” giữa họ đã bắt đầu.
Khoảng năm 2011 trở về sau, ông Ôn Gia Bảo đã không ngừng công khai kêu gọi cải cách hệ thống chính trị, đặc biệt là cải cách hệ thống lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.
Bài viết của Cao Tân nhìn nhận rằng tại cuộc họp báo lần cuối cùng do ông Ôn Gia Bảo tổ chức cách đây 9 năm với tư cách là Thủ tướng Quốc vụ viện, ông đã cảnh báo về khả năng khôi phục Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn ở Trung Quốc bất cứ lúc nào, trên bề mặt dường như nhắm vào chính quyền Trùng Khánh khi đó được đại diện bởi Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân, bên trong lời nói ngụ ý một mối quan ngại mạnh mẽ rằng tình hình chính trị ở Trung Quốc sẽ thụt lùi toàn diện sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức.
Năm 2019, trong phong trào phản đối “Luật dẫn độ” ở Hồng Kông. Vào thời điểm đó, một số thông tin nội bộ rò rỉ ra bên ngoài, đề cập đến việc một số cựu lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ phản đối việc đàn áp. Ví như ông Hồ Cẩm Đào đã đưa ra nhận xét gay gắt tại cuộc họp, trong khi cựu Thủ tướng ĐCSTQ Ôn Gia Bảo đã để lại một câu nói cho ông Tập Cận Bình, “Những gì chúng tôi cần nói đều đã nói cả rồi, ông hãy tự liệu lấy”.
Ông Trần Phá Không, nhà bình luận thời sự chính trị nhìn nhận rằng Ôn Gia Bảo có ý rằng nếu xảy ra chuyện, phe của ông Tập sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì đã làm và hậu quả mà nó gây ra.