Phụng Minh
Mới đây, tác giả Anna Malindog-Uy đã có bài phân tích về một kiểu hình thức ngoại giao điển hình trong các tranh chấp ở Biển Đông thời gian vừa qua.
Sau đây là những ý chính trong bài viết của tác giả trên The Asean Post.
Biển Đông, một trong những tuyến đường thủy được săn đón nhiều nhất trên thế giới, là đối tượng tranh chấp của một số quốc gia với các tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ và hàng hải chồng lấn và các quyền chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp của họ. Cuộc tranh chấp nói trên vẫn chưa được giải quyết cho đến ngày nay và có thể bắt đầu từ những năm 1950. Nó dựa trên các nguyên nhân lịch sử và địa lý và các cách giải thích khác nhau về luật quốc tế của các quốc gia nguyên đơn.
Về cơ bản, các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chủ yếu đấu tranh và tranh giành chủ quyền mà không có biện pháp pháp lý. Một số bên yêu sách căn cứ tuyên bố của họ về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên cơ sở lịch sử trong khi những bên khác viện dẫn đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), còn được gọi là Công ước Luật Biển hoặc hiệp ước Luật Biển.
Hơn nữa, căng thẳng về tranh chấp Biển Đông ngày càng gia tăng do chủ nghĩa dân tộc không khoan nhượng và chính sách ngoại giao qua những chiếc loa, cũng như các cường quốc và cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ví dụ, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Đông, trong khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mặt khác, Philippines khẳng định quyền sở hữu quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, hiện do Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát, trong khi Brunei và Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với các phần phía nam của vùng biển và một số quần đảo thuộc Trường Sa.
Trong khi đó, Indonesia dù không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền nhưng khẳng định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở quần đảo Natuna ở rìa Biển Đông và đã có các cuộc giao tranh với Trung Quốc liên quan đến việc đánh bắt quá mức trong khu vực.
Ngoại giao qua những chiếc loa
Hơn ba tháng nay, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông đã chiếm ưu thế trên các bản tin thời sự và là chủ đề của các cuộc tranh cãi liên quan đến một số quan chức chính phủ Philippines và các nhân vật chính trị thuộc phe đối lập.
Gần đây nhất là một hành động “ngoại giao qua loa” của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, người có dòng tweet chửi thề chỉ trích Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông giữa hai nước.
“Ngoại giao qua những chiếc loa” đề cập đến việc đưa ra các tuyên bố công khai về một vấn đề tranh chấp, có nghĩa là các cuộc đàm phán giữa các quốc gia hoặc các bên được tổ chức thông qua các bài đăng trên mạng xã hội (phần nhiều là Twitter), thông cáo báo chí và thông báo, nhằm mục đích buộc bên kia chấp nhận.
Bộ Trưởng Ngoại giao Philippines Locsin được biết đến với những nhận xét thẳng thừng thường được đăng trên tài khoản Twitter cá nhân của ông. Gần dây ông ấy đã tweet, “Trung Quốc, bạn của tôi, tôi có thể diễn đạt nó một cách lịch sự như thế nào? Xem nào, ồ… hãy cuốn xéo khỏi đây. Các vị đang làm gì với tình bạn của chúng ta vậy? Chính các vị. Không phải chúng tôi. Chúng tôi đang nỗ lực. Chính các vị. Các vị giống như một cô gái xấu xí ép buộc một anh chàng đẹp trai để ý đến mình dù anh ta chỉ muốn làm bạn; chứ không phải để làm cha một người tỉnh lẻ Trung Quốc”.
Tổng thống Philippines, Rodrigo Roa Duterte có phần tỏ ra không thích và khó chịu trước dòng tweet của Locsin. “Trung Quốc vẫn là ân nhân của chúng ta. Chỉ vì chúng ta có xung đột với Trung Quốc không có nghĩa là chúng ta phải thô lỗ và thiếu tôn trọng. Chúng ta có nhiều điều để cảm ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc trong quá khứ và sự giúp đỡ của họ bây giờ”, ông Duterte cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình hàng tuần của ông trước quốc gia vào ngày 3 tháng Năm.
Locsin sau đó đã xin lỗi nhưng nói rằng ông ấy chỉ xin lỗi Vương Nghị vì tình bạn của ông với người đồng cấp Trung Quốc. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách chỉ ra rằng nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines nên tuân thủ “các nghi thức cơ bản” trong ngoại giao và bỏ qua việc ngoại giao qua những chiếc loa.
Những dòng tweet mới nhất của ông Locsin là một ví dụ về “ngoại giao qua những chiếc loa”, có vẻ như trái ngược với cái gọi là “ngoại giao yên tĩnh hay hòa bình song phương và đa phương” của chính quyền Duterte liên quan đến Trung Quốc trên Biển Đông do tính chất phức tạp của cuộc tranh chấp. Có vẻ như thay vì làm dịu tình hình để ngăn chặn khủng hoảng và leo thang hơn nữa ở SCS, Locsin đã cố tình thổi bùng ngọn lửa ở một mức độ đáng kể.
“Chính sách ngoại giao qua loa” của ông Locsin và một số nhân vật chính trị đã tạo ra những tiếng vang lớn và tư thế chính trị mạnh mẽ hơn, nhưng nó không giúp làm giảm leo thang, căng thẳng và đạt được mục tiêu giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.
Đối phó với một Trung Quốc không theo quy tắc
Tác giả cho rằng, đối với các vấn đề xung quanh Biển Đông đang tranh chấp, thách thức đối với Philippines và thậm chí đối với các quốc gia tranh chấp khác là phải luôn triển khai cách tiếp cận ngoại giao thận trọng nhất để đạt được mục tiêu cần thiết.
Bà khuyên rằng Philippines trong việc đối phó với Trung Quốc và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền không cần quá ồn ào trong cách ứng xử ngoại giao mà họ cần khôn ngoan hơn, chín chắn, xây dựng và thực dụng hơn trong việc xử lý tranh chấp không chỉ để bảo vệ lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên tác giả đã không đề cập tới việc phương thức ngoại giao chính thống dựa trên sự tôn trọng các quy tắc ngoại giao đang mất ưu thế trước phong cách ngoại giao chiến lang và chính sách “sự đã rồi” để chiếm đoạt lãnh thổ các nước khác của chính quyền Trung Quốc.
Bản chất của chính quyền Trung Quốc cần được nhìn nhận lại thật chính xác và bị vạch trần trên thông tin đại chúng để người dân các nước được biết. Đó sẽ là nền tảng quan trọng để các quốc gia có được hậu thuẫn dựa trên sự minh bạch để đối đầu với Trung Quốc. Người dân Trung Quốc cũng cần được biết đến những việc làm bất chính của chính quyền Trung Quốc, để họ không bị đánh lừa, lợi dụng tình cảm yêu nước, cung cấp cho chính quyền của họ cái lý để làm càn.
Những thỏa thuận âm thầm của các chính quyền đôi khi sẽ cho họ quyền lừa dối người dân và giấu diếm thông tin, dẫn tới việc bị Trung Quốc dẫn dắt hết lần này đến lần khác.