Thanh Hương
Phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Vào ngày 7/5, tờ The Australian tiết lộ sự tồn tại của một báo cáo quân sự của Trung Quốc từ năm 2015, thảo luận về việc vũ khí hóa các loại coronavirus SARS. COVID-19 là bệnh do một loại virus SARS có tên là SARS-CoV-2 gây ra, liệu đây có phải là vũ khí sinh học do Bắc Kinh tung ra, nhằm khiến hệ thống y tế của kẻ thù sụp đổ?
Với 6,9 triệu ca tử vong do COVID-19 (và hiện đang gia tăng), những suy tính khoa học – quân sự như vậy thực sự là “đỉnh cao” của sự vô trách nhiệm, và cần được phản đối một cách dứt khoát bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với các nhà nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (gọi tắt là STEM) của Trung Quốc.
Trong báo cáo này, các nhà khoa học quân sự Trung Quốc và các quan chức “y tế công cộng” cấp cao của Trung Quốc đã dự đoán rằng: Thế chiến III, nếu xảy ra, sẽ được quyết định bởi vũ khí sinh học mới. Chúng ta không còn ở thời đại của thuốc súng hay vũ khí hạt nhân. Họ lập luận rằng tương lai của chiến tranh chính là “chiến tranh sinh học”.
Trung Quốc đã chuẩn bị cho chiến tranh sinh học?
Tài liệu này phù hợp với bằng chứng trước đây về việc Trung Quốc nghiên cứu chiến tranh sinh học – có thể liên hệ với các công nghệ như chỉnh sửa gen. Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cũng đã thể hiện sự quan tâm đến vũ khí sinh học gen có thể nhắm mục tiêu, ví như nhắm vào một dân tộc cụ thể.
Chỉnh sửa gen, chẳng hạn như công nghệ CRISPR, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhắm mục tiêu như vậy. Nó sẽ tạo ra các chủng virus mới có khả năng lây truyền và gây chết người cao hơn, ví dụ, làm “tiến hóa” virus cúm gia cầm trong phòng thí nghiệm để chúng có thể lây nhiễm sang người. Nếu Trung Quốc có thể kết hợp các công nghệ này lại với nhau và có ý muốn làm như vậy, họ có thể tạo ra một loại virus chết người chỉ lây nhiễm cho một chủng tộc cụ thể mà Trung Quốc coi là kẻ thù.
Gần đây, vào tháng 6/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DoS) đã bày tỏ lo ngại (pdf) rằng Trung Quốc đang vi phạm Công ước về Vũ khí Sinh học [và Chất độc] (BWC hoặc BTWC) năm 1984 – thông qua nghiên cứu về các công nghệ “lưỡng dụng” (công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích hòa bình và quân sự).
Năm 2005, DoS cáo buộc rằng “Trung Quốc vẫn duy trì một số tác nhân có khả năng tấn công [vũ khí sinh học] vi phạm các nghĩa vụ BTWC của họ”. DoS cũng đưa ra các cáo buộc tương tự vào năm 2010, 2012 và 2014. Báo cáo năm 2019 của DoS cho biết: “Thông tin chỉ ra rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tham gia vào các hoạt động sinh học với các ứng dụng lưỡng dụng tiềm năng, điều này làm dấy lên lo ngại về việc tuân thủ BWC”.
Báo cáo năm 2020 cụ thể hơn, nêu lên “những lo ngại về tuân thủ đối với việc nghiên cứu và phát triển chất độc của các cơ sở quân y Trung Quốc vì các ứng dụng lưỡng dụng tiềm năng, và khả năng chúng trở thành một mối đe dọa sinh học”. Đồng thời báo cáo cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đã có một chương trình chiến tranh sinh học (BW) từ đầu những năm 1950 đến ít nhất là cuối những năm 1980. Báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc đã không thừa nhận chương trình BW và cũng không cung cấp bằng chứng về việc phá bỏ chương trình này.
Khiến hệ thống y tế của kẻ thù sụp đổ?
Báo cáo quân sự mới được phát hiện của Trung Quốc có tiêu đề “Nguồn gốc không tự nhiên của SARS và các loài virus mới do con người tạo ra dưới dạng vũ khí sinh học di truyền”. Có 18 tác giả ở cấp cao nhất trong hệ thống cấp bậc học thuật và quân sự của Trung Quốc đã viết báo cáo dài 263 trang này. DoS thu được báo cáo này vào tháng 5/2020 và nó đã được xác thực độc lập bởi chuyên gia pháp y kỹ thuật số Robert Potter. Các chi tiết bổ sung của báo cáo sẽ được xuất bản trong cuốn sách ra mắt vào tháng 9 tới của Sharri Markson về nguồn gốc của COVID-19, “Điều gì thực sự xảy ra ở Vũ Hán?” (HarperCollins).
Nghiên cứu quân sự của Trung Quốc mô tả rằng coronavirus SARS sẽ cung cấp cơ sở cho một “kỷ nguyên vũ khí di truyền mới”, có thể “được thao túng một cách nhân tạo để tạo thành một loại virus mới gây bệnh cho người, sau đó được vũ khí hóa và giải phóng theo cách chưa từng thấy trước đây”.
Báo cáo cũng tuyên bố rằng: “Nhờ những phát triển trong các lĩnh vực khoa học khác, đã có những tiến bộ lớn trong việc triển khai tác nhân sinh học. Chẳng hạn, khả năng đông khô vi sinh vật mới được phát hiện giúp chúng ta có thể lưu trữ các tác nhân sinh học và phun chúng trong các cuộc tấn công”.
Tài liệu cũng lưu ý rằng, lượng bệnh nhân tăng đột biến đổ vào bệnh viện trong một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học “có thể khiến hệ thống y tế của kẻ thù sụp đổ”.
Trong nghiên cứu, quân đội Trung Quốc cũng xem xét các điều kiện tối ưu để phát tán vũ khí sinh học. Tài liệu viết: “Các cuộc tấn công của vũ khí sinh học được tiến hành tốt nhất vào lúc bình minh, hoàng hôn, ban đêm hoặc thời tiết nhiều mây vì ánh nắng gay gắt có thể làm hỏng mầm bệnh. Các tác nhân sinh học nên được giải phóng khi thời tiết khô ráo. Mưa hoặc tuyết có thể làm cho các hạt sol khí kết tủa. Hướng gió ổn định là điều mong muốn để sol khí có thể trôi đến khu vực mục tiêu”.
Các nhà phân tích ngày càng cảnh giác với các chương trình chiến tranh sinh học của Trung Quốc, cũng như khả năng rò rỉ nghiên cứu STEM của Mỹ và đồng minh (có thể đóng vai trò là động lực cho các nghiên cứu của Trung Quốc).
Theo bà Elsa Kania tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và nhà tư vấn Wilson VornDick: “Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã xem xét kỹ lưỡng các sáng kiến và tiến bộ quốc tế của Mỹ, những sáng kiến này dường như truyền cảm hứng cho phương hướng phát triển của Trung Quốc ngày nay. Vì vậy, vào thời điểm mà các trường đại học và doanh nghiệp Trung Quốc đang theo đuổi đầu tư và mở rộng hợp tác nghiên cứu toàn cầu trong các lĩnh vực như vậy, điều quan trọng là các đối tác nước ngoài của họ cần phải có nhận thức thật đầy đủ. Ví dụ, mặc dù nghiên cứu y sinh liên quan đến nhiều ứng dụng đầy hứa hẹn trong y học và trị liệu, nhưng vẫn có những lý do để lo ngại về khía cạnh đạo đức và an ninh của các hoạt động nghiên cứu này”.
Trong một bài báo khác về vũ khí hóa công nghệ sinh học, Kania và Vorndick cũng cảnh báo rằng “sự thiếu minh bạch và không chắc chắn về mặt đạo đức trong các sáng kiến nghiên cứu của Trung Quốc làm tăng nguy cơ về những bất ngờ công nghệ”.
Cần đề phòng một cuộc tấn công sinh học bất ngờ từ Trung Quốc
Từ những tiết lộ về báo cáo chiến tranh sinh học mới nhất của Trung Quốc, cùng với hành vi tội ác của Trung Quốc liên quan đến COVID-19, tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và học viên Pháp Luân Công, lập trường quân sự rất hung hăng đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, chiến lược quốc gia về hợp nhất dân sự-quân sự, các công nghệ gen nguy hiểm và tệ nạn trộm cắp công nghệ nước ngoài – có thể thấy rằng Hoa Kỳ và các đồng minh nên hành động quyết đoán hơn để tự vệ.
Quân đội và nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc, cả hai đều phụ thuộc vào STEM và thương mại mà họ có được từ Hoa Kỳ và các đồng minh. Do đó, việc tiếp tục hợp tác STEM với Trung Quốc nên bị đình chỉ ngay lập tức. Cho đến khi Trung Quốc thể hiện sự cải thiện đáng kể về đạo đức và tính minh bạch, thì việc hợp tác với các học giả và doanh nhân STEM của Trung Quốc, bao gồm sinh viên đại học, nghiên cứu sinh, giáo sư và nhà khoa học STEM, sẽ bị cấm theo luật ở Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil và các nước đồng minh.
Các biện pháp trừng phạt STEM của Trung Quốc lẽ ra phải được thực hiện vào năm 2005 khi DoS lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng về khả năng tấn công của vũ khí sinh học vi phạm BWC. Việc tiếp tục hợp tác tới 15 năm sau (khi nghiên cứu STEM của Trung Quốc có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí sinh học tấn công Hoa Kỳ và các đồng minh) là vô trách nhiệm và phi đạo đức.
Chúng ta đừng chờ đợi một cuộc tấn công sinh học bất ngờ. Giờ đây, hãy đóng cửa các chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc, bằng cách tách biệt và từ đó giảm thiểu cơ sở hạ tầng STEM của nước này. Gia tăng áp lực kinh tế và chính trị tối đa để thúc đẩy Trung Quốc tiến tới dân chủ hóa. Chỉ khi nước này dân chủ hóa, chúng ta mới nên cho phép nó quay trở lại hệ thống quốc tế.
Tác giả: Anders Corr có bằng Cử nhân / Thạc sĩ về khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng Tiến sĩ tại Đại học Harvard (2008). Ông là giám đốc của Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Ông là tác giả của “Tập trung quyền lực” (sắp xuất bản năm 2021) và “Không xâm phạm”, đồng thời biên tập “Quyền lực lớn, Chiến lược lớn”. Theo dõi Anders trên Twitter: @anderscorr.
Thanh Hương