Du Uyên
Có hàng ngàn lý do để nhân loài ghét nhau, có khi do “con gà tức nhau tiếng gáy”, có khi do “ghen ăn tức ở”, có khi do yêu mà không được hồi đáp, có khi chỉ đơn giản là do đối phương còn thở…
Của ghét không bằng cách ghét
Có hàng ngàn cách để người ta thể hiện sự ghét bỏ của mình – theo lý do ghét, mức độ ghét và khả năng, điều kiện thể hiện sự ghét bỏ của từng người, thậm chí là theo… nhan sắc của kẻ bị ghét.
Có người thì từ mặt, phớt lờ người mình ghét, họ tin rằng “đỉnh cao của sự khinh bỉ là im lặng”.
Có người cố tình bôi nhọ “đối thủ” bằng mọi cách, mọi thứ mà họ có thể nghĩ ra, áp dụng được – có khi là “vạch mặt”, nhưng cũng có khi là “dựng chuyện nói cho vui miệng”.
Họ tin, thổi tắt ngọn nến của người khác sẽ khiến họ sáng hơn, dầu họ không có lửa.
Có người lại chọn cách “bằng mặt không bằng lòng”, vẫn tỏ ra “làm như thân lắm” ở trước mặt đối phương, nhưng khi quay lưng đi rồi thì tìm mọi cách hạ bệ người ta.
Có người thì tìm cách triệt đường sống của người mình ghét, làm mọi cách “miễn là mày đau khổ”.
Có người chọn cách nhanh chóng, đơn giản nhất: mắng/đánh cho đối phương một trận hoặc xách dao đâm cho một số nhát, quyết tâm “không đội trời chung” với đối phương nữa…
Cũng có người chọn cách bình tĩnh… ghét, nghĩa là không làm gì cả, chống mắt coi “nghi phạm” có thể đáng ghét đến cỡ nào.
Nói chung là nhiều cách lắm. Như một người bạn của tôi, khi được hỏi: “Nếu ghét ai đó, anh sẽ làm gì?”
Ảnh trả lời: “Nếu là phái nam, anh sẽ rủ hắn cùng… làm ăn chung. Nếu là phái nữ, anh sẽ hỏi cưới người đó!” – Thật là «thâm độc».
Những “người quen xa lạ”
24-8-2020, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hơn 400 cây sầu riêng, mít, bơ hơn 1 năm tuổi trong vườn của một gia đình nông dân nghèo bị “kẻ gian” chặt tận gốc. Không chỉ phá cây ăn trái, “kẻ gian” này còn chặt hàng loạt ống nước dùng tưới cây nhỏ giọt trong vườn. Vợ chồng chủ vườn ông Nguyễn Minh Sơn (49 tuổi), Nguyễn Thị Oanh Kiều (45 tuổi) đã gần như chết đứng. Vì để trồng 2ha rẫy, vợ chồng ông Sơn phải vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng.
23-4-2021, gần 1,500 gốc dưa hấu của ba gia đình nông dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bị “kẻ gian” phá hoại chặt ngang gốc, khiến dưa héo khô khi chỉ còn hơn chục ngày nữa là tới cữ thu hoạch. Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch xã tại đây còn cho hay: “Trước đó, xã xảy ra sự việc tương tự nhưng không tìm ra người phá hoại”.Xem thêm: “Liêm sỉ gì tầm này”
28-4-2021, ở huyện Gio Linh (Quảng Trị), hơn 1 triệu con tôm giống của hai gia đình người dân bị “kẻ gian” đầu độc, chết trắng hồ sau một đêm. Trên mặt hồ, công an thu giữ một bao nilon chứa thuốc sâu.
Cứ đến Tết hàng năm, báo trong nước lại đưa tin rằng ở đâu đó tại miền Bắc, có hàng trăm gốc đào bị “kẻ gian” chặt ngang, phá hại…
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, vì vậy mà những vụ nhà nông, nhà vườn bị “kẻ gian” phá hại như trên phải nói là đông hơn quân Nguyên, buồn buồn lật vài trang báo lại thấy một tin tương tự. Ðiều đáng buồn hơn, những «kẻ gian» trên không phải là người xa lạ đối với «nạn nhân». Họ có thể là anh hàng xóm dễ thương từng tặng hoa cho đứa con gái út trong nhà, cũng có thể là cô láng giềng hay bận những bộ đồ đẹp nhất, lượn qua lượn lại ngay mé kênh trước nhà hoặc bà thím hiền lành hay cười tươi rói… Còn lý do để biến một người quen thành một “kẻ gian” thì càng khó đoán hơn, vì lòng người sâu hơn biển, đâu biết nó “cúp điện”, âm u nhất ở khúc nào. Có thể vì họ cảm thấy “Cỏ phía bên kia hàng rào thì lúc nào cũng xanh hơn”, mà xanh hơn thì sẽ bán được giá hơn “cỏ” của “mình”, vì vậy “mình” sẽ phá. Có thể vì giận cá chém… cây, chém tôm, chém cá… Không “xử” được kẻ nuôi/kẻ trồng, thì “ta” xử thành quả công sức của họ.
Tại Sài Gòn, nơi mà mỗi mét vuông là có một người buôn bán, tôi từng thấy bao nhiêu trận trở mặt thành… “kẻ gian» của những người hàng xóm với nhau vì sinh kế. Ðôi khi do bà A mở cái tiệm đông khách hơn bà B. Hoặc bà C mở cái quán bán món y chang bà D (sau khi thấy bà D bán được)… Quán nhỏ giải quyết xích mích với nhau là những trận cãi vã ì xèo hoặc không thèm nhìn mặt nhau nữa, thậm chí đánh nhau, xử nhau trực tiếp. Quán lớn thì kẻ giải quyết xích mích sẽ là những “kẻ gian” giấu mặt, những “người quen xa lạ” tương tự như trên ra tay.
Ai dùng mạng xã hội, nhất là mạng xã hội Việt, chắc sẽ quen với việc lâu lâu có cô gái nào đó bị “kẻ gian” tung hình khỏa thân, video làm tình lên mạng… “Kẻ gian” trên có thể chính là người yêu, người yêu cũ, người thân của nạn nhân. Những người có mối liên hệ thân mật nhất… Hành động này được gọi là “Revenge porn” (trả thù tình bằng cách đưa những hình ảnh nhạy cảm của người khác lên cho cả thế giới thấy sau khi xảy ra mâu thuẫn).
Điểm chung của những “kẻ gian” trên:
Thứ nhất: Hầu như đều là người quen với bị hại, ừ thì không quen lấy gì ghét, không ghét thì hại nhau làm chi. Nhưng mà ghét cỡ nào mà triệt đường sống của cả gia đình, nhân phẩm của một con người? Liệu những người có phẩm cách tốt, thượng tôn pháp luật họ có làm như vậy khi “mất khôn” không?
Thứ hai: Ða số “kẻ gian” ở trên không bị bắt, dầu người bị hại biết đích danh người đó hay không. Phần lớn do người bị hại không báo án, vì họ tin rằng, công an sẽ không bắt được “kẻ gian” đó, bắt được rồi cũng chưa chắc định tội được, nhưng quá trình thì dài dòng, rắc rối và tốn kém, nếu “kẻ gian” đó có tiền/quyền thế thì có khi còn bị “cắn ngược”.
Khi những kẻ cầm quyền làm mất lòng dân, xã hội sẽ trở nên hỗn loạn, vì không ai tin vào pháp quyền nữa. Người bị hại không tin mình sẽ được giải oan. Còn những “kẻ gian” thì không tin mình sẽ bị định tội. Dần dà, không ai hẹn nhau nhưng cùng cảm thấy là không cần tự giác giúp bản thân trong sạch nữa, cứ làm gì mình thích, bẩn thì dùng tiền lau.
Thứ ba: Sự đồng thuận, cổ vũ của những người ngoài cuộc. Nếu như là “kẻ gian” đã chặt cây, đầu độc tôm… ở đầu bài – dầu cư dân mạng biết mặt, danh tính hay không thì “kẻ gian” đó cũng có thể bị mắng xối xả, nguyền rủa mù mịt vì làm hại tới bà con nông dân/hàng xóm láng giềng. Còn “kẻ gian” trong các vụ “Revenge porn” lại được cổ vũ rất nhiệt tình. Thay vì những lời mắng chửi, phần bình luận bên dưới của cư dân mạng là không ít sự hả hê, châm chọc, cười đùa. Họ cùng tag (kêu gọi) nhau vào để xem và bàn tán về thân thể, khả năng, tư thế tình dục của người phụ nữ trong video, hình ảnh bị lộ. Không ai cần biết cô gái đó có tội tình gì hay “kẻ gian” đó là ai. Ðây cũng là một cách khuyến khích hình thức “Revenge porn” trở nên lan rộng. – “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.”
Thứ tư: Không nghĩ là mình sai hoặc cho mình đặc quyền làm sai, người đời nay gọi là “tiêu chuẩn kép”. Như người vợ dưới đây:
Nàng: Hôm qua anh xem trộm nhật ký của em phải không? Em ghét nhất là người đi xem trộm những thứ của người khác.Xem thêm: WHO – Con rối của Trung Cộng?
Chàng: Xin lỗi em, nhưng sao em biết?
Nàng: Trong nhật ký của anh có ghi vụ đó!
“This” và “that”
Tuy biết là lúc tức giận quá thì ai cũng sẽ “mất khôn” thật, nhưng “mất khôn” thì cũng có “mất khôn this”, “mất khôn that”. Nếu so một người khi “mất khôn” sẽ chọn cách đi hỏi nguyên do sự vụ, ba mặt một lời – còn một người khi “mất khôn” thì không nói không rằng, vô bếp lấy cây dao “xử” luôn “nghi phạm”. Bạn sẽ chọn tiếp xúc với ai? Bởi vậy người ta mới nói: «Phẩm giá con người không nằm ở của cải, mà ở cách người ta cư xử với chính kẻ họ không ưa».
Lạm bàn một chút, nếu thật sự định giá được phẩm giá của một xã hội, một đất nước thông qua những cách mà phần đông con người trong xã hội, những người đứng đầu đất nước đó dùng để đối xử với chính kẻ họ không ưa, thì Việt Nam ta hiện thời đang ở đâu trong bản đồ phẩm giá thế giới?
Việc này thì chúng ta nên yên tâm! Việt Nam không nhất cũng nhì… Nhưng tới đây thì chữ “phẩm giá” chắc phải bỏ vô ngoặc kép rồi! Bởi, tuy dân mình hay hại nhau, chơi xấu nhau. Nhưng với kẻ thù chung của dân tộc, chúng ta hiền vô kể.
Trung Quốc có nhiều tính xấu ư? Ừ thì dân ta bắt chước.
Trung quốc thiếu gái mại dâm ư? Phụ nữ ta qua bên đó “xuất khẩu lao động” giá rẻ mạt.
Người Trung Quốc cần mua trẻ em, bào thai ư? Ô-kê, chờ chín tháng…
Trung Quốc bán thuốc độc, bỏ độc vào thức ăn ư? Dân ta nhập về bán cho kẻ họ không quen.
Trung Quốc làm đồ giả ư? Chúng ta mua về xài cho rẻ.
Trung Quốc có dịch cúm Vũ Hán ư? Dân ta rước người Tàu vượt biên lậu vô nhà, «cưu mang», bất chấp bệnh hoạn, tù tội và sự căm giận của đồng bào.
Trung Quốc lấn chiếm, nhăm nhe cướp biển đảo ư? Quan ta “quan ngại” trong hòa bình. Ai phản đối – bắt. Ai nói xấu Trung Quốc – Chụp cho nó cái nón “phản động…”
Trung Quốc tạo bẫy nợ ư? Chúng ta tình nguyện sa ngã không cần “thiên triều” xô đẩy, với những công trình không bao giờ kết thúc. Những số nợ không bao giờ ngưng “tăng trưởng”…
Túm lại, dân và chánh phủ nước nào thô bạo, xấu xa với nước họ ghét chứ Việt Nam ta không bao giờ. Chúng ta chỉ đối xử xấu với dân nước mình và chửi rủa sau lưng những nước giúp mình mà thôi. Ai biểu: “Ðồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ – Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ””làm chi!