Covid-19 tại Ấn Độ và “vẻ ngoài dối lừa” của Trung Quốc

Thùy Dương

image.png
Một nhóm người dân Ấn Độ biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi để kỷ niệm chiến tranh năm 1962 giữa hai nước, ngày 20/10/2020. AP – Altaf Qadri

Khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ có mang lại cho Bắc Kinh « niềm vui » hay không, bởi Ấn Độ vừa là láng giềng lớn, vừa là đối thủ của Trung Quốc ? Trong bài viết « Đối phó với Covid-19, Bắc Kinh tỏ lòng ủng hộ New Delhi, nhưng sự cảnh giác vẫn còn đó », Le Monde nhấn mạnh mặc dù ngày càng có nhiều cử chỉ « tương thân tương ái », nhưng Bắc Kinh cũng không ngần ngại tận dụng cuộc khủng hoảng để quảng bá cho mô hình phát triển Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi điện chia buồn tới thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 30/04, cho biết sẵn sàng tăng cường hợp tác với Ấn Độ và hỗ trợ New Delhi. Theo hải quan Trung Quốc, vào cuối tháng 4, Bắc Kinh đã giao hơn 5.000 máy trợ thở, hơn 21.500 máy tạo ô-xy, hơn 21 triệu khẩu trang và gần 4 tấn thuốc cho Ấn Độ. Hôm 09/05, tàu chở hàng đầu tiên của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc đã đến Ấn Độ. Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi đã kể rất nhiều chuyện về tình đoàn kết với Ấn Độ, mà ông gọi là « láng giềng và đối tác » của Trung Quốc.

Nhưng thông tín viên Le Monde nhận định đó chỉ là « vẻ bề ngoài lừa dối », không có gì cho thấy cuộc khủng hoảng này có thể giúp xây dựng mối quan hệ bền vững giữa hai đối thủ. Vào ngày 30/04, ngoại trưởng Ấn Độ đã phàn nàn với đồng nhiệm Trung Quốc rằng các công ty Ấn Độ đặt hàng Trung Quốc đang gặp vấn đề về hậu cần. Trên thực tế, lấy lý lo dịch tễ, các công ty vận tải hàng hóa của Trung Quốc đã ngừng chuyển hàng sang Ấn Độ từ tháng Tư.

Covid-19 cũng không ngăn cản New Delhi công bố, vào hôm 04/05, danh sách các công ty viễn thông nước ngoài được phép thử nghiệm 5G ở Ấn Độ, bao gồm một số nhà cung cấp nước ngoài (Vodafone, Ericsson, Nokia, Samsung), nhưng lại không có công ty nào của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh trong cùng ngày lưu ý bộ Quốc Phòng Ấn Độ thông báo vị tướng Naravane, tướng lĩnh cấp cao nhất của nước này, đã đi thị sát dãy Himalaya. Thông điệp New Delhi gửi tới Bắc Kinh rất rõ ràng: Dịch bệnh không gây hại tới khả năng phòng thủ của Ấn Độ.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng coi việc công bố vào ngày 07/05 mối quan hệ đối tác kinh tế tăng cường giữa Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu là một sáng kiến của New Delhi để chống Trung Quốc. Ngay tại Trung Quốc, hôm 01/05, một tài khoản chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc trên mạng Weibo (Twitter của Trung Quốc) đăng tải hai bức ảnh : một về vụ phóng tên lửa Trung Quốc vào không gian ngày 29/04, một về vụ hỏa táng thi thể ở Ấn Độ và đều dùng chữ « phóng lửa ». Bị chính nhiều cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích, bài đăng nói trên đã bị gỡ bỏ sau vài giờ.

Quyết định hồi tháng Tư của New Delhi về việc ngừng xuất khẩu vac-xin sản xuất trong nước cũng là cơ hội cho Bắc Kinh bởi Ấn Độ là nhà xuất khẩu vac-xin lớn thứ ba thế giới, sau Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với các đồng nhiệm Đông Nam Á hồi cuối tháng Tư là Trung Quốc có thể tiếp quản việc xuất khẩu vac-xin mà Ấn Độ đã tạm ngưng. Trong bối cảnh đó, mặc dù có tranh chấp với Bắc Kinh, Indonesia và Philippines đành hướng sang vac-xin Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã xuất khẩu 240 triệu liều vac-xin và cam kết sẽ cung cấp thêm 500 triệu liều.

Related posts