Phụng Minh
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cấm nội các của mình nói về Biển Đông trước công chúng vào thứ Hai (17/5) sau nhiều tuần bị các bộ trưởng chỉ trích mạnh mẽ đối với hành vi của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
Căng thẳng giữa Philippines và nước láng giềng khổng lồ đã leo thang kể từ tháng 3, khi Manila đệ đơn phản đối ngoại giao hàng ngày về sự hiện diện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp của Biển Đông.
Ông Duterte nói trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia: “Đây là mệnh lệnh của tôi bây giờ với nội các, và với tất cả những người đưa chuyện lặt vặt về chính phủ, không được thảo luận về Biển Tây Philippines với bất kỳ ai”. Manila gọi Biển Đông là Biển Tây Philippines.
Ông nói tiếp: “Nếu chúng ta nói chuyện, chúng ta sẽ nói nhưng chỉ là giữa chúng ta mà thôi”.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có khoảng 3 nghìn tỷ USD giao dịch bằng tàu thuyền đi qua mỗi năm. Nhưng vào năm 2016, một tòa án trọng tài ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết rằng yêu sách mà Trung Quốc dựa trên các bản đồ cũ, là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc, gạt sang một bên tranh chấp lãnh thổ để đổi lấy lời hứa của Bắc Kinh về các khoản vay, viện trợ và đầu tư hàng tỷ đô la, phần lớn trong số đó sắp tới.
Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Duterte và cố vấn pháp lý của ông đã có những lập trường mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh về sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu từ tháng 3. Philippines cho rằng các tàu Trung Quốc do lực lượng dân quân điều khiển, mô tả sự hiện diện của họ là “tràn ngập và đe dọa” khi nước này tiếp tục yêu cầu rút ngay đội tàu này.
Ông Duterte đã bác bỏ lời kêu gọi từ Trung Quốc rút các tàu thuyền ra khỏi các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và nói rằng ông sẽ không cúi đầu trước áp lực, ngay cả khi điều đó gây nguy hiểm cho tình bạn của ông với Bắc Kinh.