Phụng Minh
Tác giả Raissa Robles đã có bài phân tích về khả năng lính Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự tại Philippines được đăng trên Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng, dưới đây là nội dung bài viết:
Khoảng 400 lính Mỹ và các nhà thầu quốc phòng đã triển khai ở miền nam Phi-líp-pin có thể phải rút đi trong vòng vài tháng nếu Washington và Manila không tiếp tục ký Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng mới (VFA) vào thời điểm đó.
Renato De Castro, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học De la Salle ở Manila, nói trong một hội thảo trên web do Viện Weatherhead Đông Á thuộc Đại học Columbia tổ chức vào ngày 14 tháng 5 rằng, Hoa Kỳ đã “sẵn sàng rút” đội ngũ binh sĩ khỏi nhóm đảo Mindanao (đảo lớn thứ 2 của Philippines), nơi họ đang tham gia vào các chiến dịch chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan và quân đội của ĐCSTQ.
Được yêu cầu giải thích chi tiết trong cuộc phỏng vấn trực tiếp vào Chủ nhật, chuyên gia về quan hệ an ninh Philippines-Mỹ cho biết một tùy viên quốc phòng từ một quốc gia Đông Nam Á đã nói với ông vào tuần trước rằng người Mỹ sẽ “rút hết quân trước tháng 6 hoặc tháng 7 nếu không có thỏa thuận mới nào được đưa ra”.
Theo Viện Hải quân Hoa Kỳ, kể từ năm 2002, sau khi xảy ra các vụ đánh bom liều chết ở Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm trước, Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện luân phiên của quân đội ở Philippines để chống lại các tay súng Hồi giáo.
Cho đến năm 2015, các binh sĩ đã hoạt động dưới sự bảo trợ của Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp-Philippines, bao gồm cả Lực lượng đột kích hải quân Mỹ Navy SEALs và binh lính đặc biệt được rút ra từ lực lượng thủy quân lục chiến và lục quân Hoa Kỳ. Theo Viện Hải quân Hoa Kỳ, có thời điểm có tới 600 quân nhân tham gia vào lực lượng đặc nhiệm, nhưng lực lượng này đã bị giải tán vào năm 2015 và kể từ đó, sự hiện diện của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn khoảng 400 quân với danh nghĩa là những cố vấn quân sự (những nhân viên quân sự được gửi ra nước ngoài để hỗ trợ đất nước ấy trong việc huấn luyện, tổ chức quân đội, và nhiều công tác quân sự khác).
De Castro cho biết ông hiểu các cố vấn sẽ không tiếp tục ở Philippines theo kịch bản hiện tại mà VFA cần được gia hạn sáu tháng một lần. Ông nói: “Nó đang tạo ra sự không chắc chắn. Vì vậy, họ cũng có thể đóng gói hành lý và rời đi”.
Sự chưa chắc chắn của thỏa thuận mới
De Castro, một cựu thành viên Nghiên cứu ASEAN của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết các quan chức cấp cao đã nói với ông rằng các lực lượng đặc biệt và các nhà thầu của Hoa Kỳ đã cung cấp “tín hiệu tình báo” kịp thời chống lại Nhà nước Hồi giáo (Isis), một lực lượng có liên hệ với khủng bố Isis và Quân đội Nhân dân mới – một lực lượng nổi loạn và điều này đã giúp giảm thương vong cho quân đội trong các cuộc hành quân.
Cho đến năm 1991, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đã duy trì hai căn cứ ở Philippines, Trạm Hải quân Vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark. Cả hai đều bị hư hại do núi lửa Pinatubo phun trào vào năm đó và tranh chấp về chi phí xây dựng lại chúng cùng với sự bất bình ngày càng tăng của người Philippines với những điều được coi là sai lệch đã xảy ra sau đó.
Theo giáo sư Roland Simbulan, Đại học Philippines, các căn cứ đã gây tranh cãi với công chúng một phần vì các binh sĩ Mỹ bị cáo buộc phạm tội thường xuyên trốn khỏi các phiên tòa. Nhà độc tài Ferdinand Marcos đã từng từ chối yêu cầu gia hạn thỏa thuận 10 năm sau khi Mỹ từ chối trả hơn 203 triệu USD mỗi năm và yêu cầu cho phép quân đội Mỹ được đóng quân tại địa phương. Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã đề nghị đưa Marcos 1 tỷ đô la Mỹ để gia hạn 5 năm vào năm 1977.
Sau nhiều năm gây tranh cãi, năm 1999, hai nước đã ký VFA cho phép lính Mỹ tạm trú với điều kiện những tội ác do họ gây ra sẽ được xét xử tại tòa án Philippines trong khi Mỹ sẽ giữ lại quyền giam giữ bị cáo cho đến khi bị kết án cuối cùng.
Vào tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ chấm dứt VFA sau khi biết rằng Hoa Kỳ đã đơn phương hủy bỏ thị thực Hoa Kỳ của Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa, cựu cảnh sát trưởng quốc gia của ông, do liên quan đến cuộc chiến chống ma túy của Duterte, đã giết chết hàng nghìn người, đồng thời Hoa Kỳ cũng đã đưa ra tuyên bố về vi phạm nhân quyền của chính quyền của ông này.
VFA lẽ ra đã bị chấm dứt vào tháng 8 năm ngoái, nhưng chính phủ Duterte đã đình chỉ việc hủy bỏ trong sáu tháng, sau đó đình chỉ quyết định một lần nữa vào tháng Hai năm nay.
De Castro cho biết Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống joe Biden dường như chỉ đơn giản là chuẩn bị để đợi cho đến khi nhiệm kỳ của Duterte kết thúc vào tháng 7 năm sau và đàm phán lại VFA mới với chính quyền tiếp theo. Còn ông Jose Antonio Custodio, một nhà phân tích quốc phòng và sử gia, cho biết ông chưa nghe nói về bất kỳ kế hoạch rút quân nào của Mỹ sắp xảy ra.
Ông nói rằng các đề xuất có thể là một loại “chiến tranh tâm lý” từ phía Hoa Kỳ để khiến Duterte phải bàn bạc. Nhưng ông nói thêm rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu quân đội Mỹ rút đi, vì chính quyền ông Biden đã cắt giảm sự hiện diện quân sự của họ ở các nước khác và Philippines là “một trong những nơi triển khai quân ở nước ngoài lâu nhất của Mỹ sau Iraq và Afghanistan”.
Custodio đồng ý với De Castro rằng Hoa Kỳ có thể sẽ đợi chính quyền tiếp theo đàm phán về một VFA mới. Tuy nhiên, ông Custodio nói rằng ngay cả khi không có VFA, Hoa Kỳ vẫn có khả năng tiếp tục tuần tra Biển Đông vì điều đã thúc đẩy sự hiện diện của họ ở đây khác với động lực có mặt của họ ở Mindanao. Ông nói: “Ở Mindanao, yếu tố quyết định hơn trong việc rút quân về là tiền đóng thuế của người Mỹ, trong khi sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên các vùng biển của chúng ta là do sự hiện diện của Trung Quốc. Các động lực là khác nhau”.
Ông nói, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Mindanao do VFA điều hành trong khi sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Biển Đông thuộc Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Philippines-Mỹ.
Một sĩ quan quân đội cao cấp của Philippines, giấu tên, cho biết ngay cả việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Mindanao cũng sẽ “ít ảnh hưởng” đến các hoạt động chống khủng bố vì “trong nhiều năm, chúng tôi đã giảm hiện diện”.
Ông thừa nhận rằng quân đội Hoa Kỳ đã “giúp đỡ rất nhiều trong các hoạt động chống khủng bố của chúng tôi bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật… nhưng chúng tôi đang dần tự đứng lên khi nói đến các hoạt động chống khủng bố”.
Vị sĩ quan này cho biết Philippines đã cải thiện khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của mình và đang sở hữu các thiết bị mà trước đây họ cần Mỹ cung cấp.
Trong hội thảo trên web, một chuyên gia Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết liên minh Mỹ-Philippines chỉ như “một con hổ giấy” ở Biển Đông. Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của trung tâm, cho biết Mỹ không thể “bảo vệ một cách đáng tin cậy” các đồng minh của mình ở Biển Đông vào lúc này.
Poling giải thích rằng một thỏa thuận bổ sung cho VFA được gọi là Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường, hay EDCA, đã được ký vào năm 2014 nhưng chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Ngoài việc cho phép sự hiện diện luân phiên của binh lính Mỹ, nó còn cho phép Mỹ xây dựng và vận hành các cơ sở bên trong các căn cứ quân sự của Philippines.
Bởi vì điều này đã không được thực hiện, ông nói: “không có lực lượng Mỹ nào ở gần hơn Okinawa. Bạn không thể bảo vệ một cách đáng tin cậy lực lượng thủy quân lục chiến Philippines đóng trên Sierra Madre từ cách đó 1.300 hải lý trên đảo Okinawa”.
Poling nói, “Vì vậy, trừ khi có một triển khai EDCA thực tế, một quá trình diễn ra khá nhanh chóng dưới thời chính quyền tiếp theo, tôi lo lắng chúng ta đang ở trong khu vực nguy hiểm này, trong đó nếu Trung Quốc gây sức ép quá mạnh, chúng ta sẽ thấy rằng liên minh lúc này là một con hổ giấy, không phải vì phía chúng ta thiếu ý chí mà vì thiếu sự chuẩn bị và tư thế thích hợp. Mỹ không định vị theo cách cho phép họ bảo vệ các lực lượng Philippines ở Biển Tây Philippines”.
Biển Tây Philippines là tên mà Philippines sử dụng để chỉ các phần phía đông của Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Tuy nhiên, Custodio vẫn tự tin rằng phản ứng của Hoa Kỳ đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào quân đội hoặc tàu của Philippines sẽ gần như ngay lập tức vì “luôn có sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Sẽ luôn có một tàu ngầm tấn công ở gần đó, ẩn nấp ở đâu đó”.