Mặc dù “Hiệp định đầu tư châu Âu-Trung Quốc” đã thảo luận được 7 năm, và đạt được sự đồng thuận vào cuối năm 2020, nhưng những xung đột về nhân quyền ở Trung Quốc và những mối đe dọa thường xuyên gần đây đối với Đài Loan đã khiến châu Âu tin rằng, điều này đã hạn chế sự phát triển chiến lược của cả hai bên, và thỏa thuận dường như không còn ý nghĩa, theo Up Media.
Ngày 20/5, Nghị viện châu Âu tiến hành bỏ phiếu để chính thức thảo luận về một nghị quyết liên quan đến quy trình Thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, về các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các tổ chức của EU và các thành viên của Nghị viện châu Âu. Cuộc bỏ phiếu được thông qua và sau đó quá trình thỏa thuận đầu tư song phương sẽ bị đóng băng.
Trong thời gian gần đây, nhiều thành viên của Nghị viện châu Âu đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp thông qua các biện pháp trừng phạt áp đặt khiến cộng đồng quốc tế tin rằng, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang dần dần tan vỡ. EU và tất cả các cơ quan cần phải đoàn kết để chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc vào nền dân chủ châu Âu nhằm bảo vệ các giá trị chung của châu Âu.
Văn bản nghị quyết nêu rõ rằng, quan điểm rõ ràng của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp dân chủ ở Hồng Kông và các hành động thường xuyên gần đây của Trung Quốc chống lại Đài Loan sẽ hạn chế chiến lược EU-Trung Quốc hiện tại và cản trở sự phát triển của mối quan hệ song phương.
Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu ra tuyên bố lên án các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các chính trị gia được bầu, đồng thời cho rằng Nghị viện châu Âu phải hành động và ngừng thảo luận về Hiệp định đầu tư châu Âu trừ khi Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Nếu nghị quyết được quốc hội thông qua, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hiệp định Đầu tư EU – Trung Quốc có hiệu lực. Theo đó, Ủy ban điều hành phải đàm phán với quốc hội trước bất kỳ hành động nào, chính sách Trung Quốc của EU phải được phối hợp với Hoa Kỳ trong tương lai. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, các hiệp định thương mại giữa EU với Đài Loan và các đối tác khu vực khác không nên bị ràng buộc bởi hiệp định EU-Trung Quốc. Điều này cho thấy, châu Âu đang ủng hộ mạnh mẽ lập trường đàm phán và ký kết các hiệp định đầu tư với Đài Loan.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 19/5 rằng: Đây là một thỏa thuận cân bằng, đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt với những cá nhân và cơ quan của EU, vốn là những người từ lâu đã lan truyền những lời nói dối và thông tin sai lệch liên quan đến Tân Cương, điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc. Hành động này của Trung Quốc là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia. Yêu cầu phía châu Âu ngừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.