Khi hoa anh đào Nở – Tamar Lê

Tình thương nhớ không lời than thở

Chuyện cuộc đời cứ ngỡ chiêm bao

Tìm về quá khứ hôm nào

Thấy lòng xao xuyến, xuyến xao lạ lùng. (Phong Thu Tử)

Hồi xưa khi còn bé, sống ở miền Trung, mỗi lần các đoàn cải lương từ Saigon ra miền Trung trình diễn, thì me tôi cũng phải đi xem cho được, dù nhà rất nghèo; và mỗi lần me tôi đi xem, thì thế nào cũng mang tôi theo… và từ đó tôi bắt đầu mê cải lương.

Tuồng cải lương mà tôi không bao giờ quên được là ‘Khi Hoa Anh Đào Nở’ của Hà Triều – Hoa Phượng, do Đoàn Hát Kim Chung trình diễn… Khi xem, tôi vừa vui vừa khóc, vui là vì Tô Điền Sơn (Thành Được) giết được tên cướp trước chùa mình đang tu để cứu cô gái, và khóc vì thấy Tô Điền Sơn bị đau khổ vì sự xung đột giữa tình yêu đôi lứa và sự cống hiến đời mình cho Phật, giữa đạo và đời.

Thật ra, tác giả Hà Triều – Hoa Phượng muốn nói lên cái bi kịch của cuộc đời mà Tô Điền Sơn và ai trong chúng ta thường gặp phải: Tự do và sự chọn lựa. Sự lưa chọn khó hơn khi xẩy ra sự tranh chấp (conflict) giữa hai nguyên tắc đối nghịch, khi ‘cửa chùa đã khép kín rồi, nàng về xây lại cuộc đời dở dang.’

Nhưng đó là ‘cải lương’, hay trong những phim tình cảm Đại Hàn, và trong thực tế thì sao?

Hồi còn dạy ở đại học, mỗi khi phỏng vấn người xin việc cho phân khoa, tôi được giao phó trách nhiệm là đặt câu hỏi về hai khía cạnh: khả năng nghiên cứu (research ability) và đạo đức giáo dục (educational ethics). Một câu hỏi mà ban phỏng vấn muốn tôi hỏi là đưa ra một tình huống phải lựa chọn, thí dụ như  “Giáo sư có một nghiên cứu viên giỏi, rất thân và anh này rất kính trọng và quý giáo sư. Có lần anh này chia sẻ với giáo sư một bí mật là anh ta có dính dáng đến ăn cắp những tài liệu nghiên cứu của trường và bán ra ngoài. Giáo sư sẽ cư xử ra sao?” Đây là sự mâu thuẫn giữa hai nguyên tắc: bảo mật cho sinh viên mình (personal confidentiality principle) và bảo vệ an ninh cho đại học (public protection principle).

Cuộc đời là một dòng sông đầy chọn lựa. Thật vậy, “Life presents many choices, the choices we make determine our future.” (Catherine Pulsifer), (tạm dịch, đời mang đến nhiều chọn lựa, và điều ta chọn lựa quyết định hướng đi đời mình.)

Tôi còn nhớ câu nói nữa đùa nữa thật của giáo sư Trần Bích Lan (thi sĩ Nguyên Sa) trong giờ dạy Tâm Lý Học ngày xưa: “Sự lựa chọn hay nhất là không có sự lựa chọn.”

Related posts