Hiểu Minh
Thêm 115 ca COVID-19, Bắc Ninh là điểm nóng
VnExpress – Bộ Y tế tối 26/5 ghi nhận 115 ca dương tính COVID-19 trong nước, gồm tại Bắc Giang 39, Bắc Ninh 64, Hà Nội 9, Hải Dương 2, Thái Nguyên một.
Như vậy trong ngày 26/5, Việt Nam ghi nhận thêm 235 ca Covid-19, 59 người được công bố khỏi bệnh, một người tử vong. Tổng số ca cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 3.028 ca, ở 30 tỉnh thành.
Số ca nhiễm mới tối nay nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 1.520, Bắc Ninh 624, địa bàn Hà Nội 344 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K), Hải Dương 43, Thái Nguyên 3.
Bệnh nhân COVID-19 thứ 45 tử vong
Thanh Niên – Chiều nay, 26/5, Bộ Y tế thông báo ca mắc Covid-19 tử vong, là bệnh nhân nữ, 67 tuổi, quê ở Bắc Ninh.
Ca mắc COVID-19 thứ 45 tử vong tại Việt Nam là bệnh nhân 3760 (nữ, 67 tuổi, địa chỉ H.Thuận Thành, Bắc Ninh).
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, suy giáp sau xạ trị bướu giáp từ năm 2007, đang điều trị theo đơn; đái tháo đường đang dùng insulin tiêm, thể trạng béo phì.
Ngày 11.5, bệnh nhân nhập Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (Bắc Ninh) cách ly điều trị với chẩn đoán viêm phổi trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.
Ngày 12/5, bệnh nhân xét nghiệm có kết quả dương tính COVID-19 và được chuyển sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân được Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn 3 lần, được nhóm bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư tăng cường hỗ trợ điều trị tại chỗ hằng ngày.
Ngày 25/5, bệnh nhân diễn biến bệnh nặng dần, xuất hiện tình trạng suy tim, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) để điều trị, trên đường vận chuyển bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn (lần 1), và thêm 2 lần ngừng tuần hoàn.
Bệnh nhân tử vong đêm 25/5, chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm COVID-19, suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.
Gần 3000 người nhiễm COVID-19, gấp hơn 3 lần đỉnh của đợt dịch trước, làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại
Đợt Covid-19 thứ tư đặc trưng bởi biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ, nhiều ổ dịch cùng lúc, bùng phát mạnh ở khu công nghiệp khiến số ca nhiễm tăng vọt, gấp nhiều lần mọi con số trước đây. Và làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại, theo VnExpress.
Trong một tháng kể từ ngày đầu ghi nhận lây nhiễm cộng đồng 27/4, Covid-19 lây lan ở 30 tỉnh thành, với gần 3.000 ca, ngày nhiều nhất lên tới 444 ca, gấp hơn ba lần đỉnh của đợt dịch trước. Và làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ba tỉnh thành ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội (bao gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K).
Các biện pháp chống dịch lần này vẫn theo phương châm duy trì mục tiêu kép – sức khỏe và kinh tế – nhưng chuyển sách lược sang tấn công bằng xét nghiệm diện rộng và vaccine. Tuy vậy tỷ lệ người đã tiêm phòng trên dân số hiện ở mức gần 1%, rất xa mức 50-70% mà các chuyên gia cho là cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Đến nay ghi nhận 10 ca tử vong liên quan COVID-19, trong đó có một người bệnh trẻ khỏe không có bệnh nền. 80% bệnh nhân xuất chỉ biểu hiện ít triệu chứng, 20% bệnh nhân có thể trở nặng và nhanh chóng diễn biến nặng. Tốc độ trở nặng rất nhanh là một trong những điểm khác biệt của đợt dịch này so với ba đợt trước.
Thời gian hoành hành của đợt dịch lần này kéo dài hơn. Hồi đầu năm, sau 30 ngày là dịch đã được khống chế trên cả nước, trừ Hải Dương ghi nhận vài ca mỗi ngày đều trong khu vực đã được cách ly, phong tỏa. Lần này, sau một tháng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo số ca nhiễm vẫn còn tiếp tục tăng. Các chuyên gia cũng dự báo dịch không thể kết thúc trước cuối tháng 6.
COVID-19 đã tấn công vào chính các “thành trì” chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bệnh viện Phổi và đa khoa, đồng thời bùng phát các khu công nghiệp nơi tập trung nhiều công nhân.
Tốc độ xuất hiện các ổ dịch mới nhanh
Khởi đầu đợt dịch lần này là chuỗi siêu lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam. Một người nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung tại Đà Nẵng về Hà Nam ghi nhận dương tính nCoV ngày 29/4. Chỉ vài ngày, dịch lây lan cho người ở 4 tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM.
Tiếp đến là chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2 tại Yên Bái, từ đó ghi nhận liên tiếp các ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn này.
Thứ ba là chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc với chùm lây nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc sau khi hết cách ly ở khách sạn Như Nguyệt 2 Yên Bái đã di chuyển nhiều nơi.
Tại Đà Nẵng, ca nhiễm cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch này là “bệnh nhân 2982”, nhân viên khách sạn Phú An. 6 ngày sau số ca nhiễm tại Đà Nẵng đã tăng lên 53 với 3 chuỗi lây là khách sạn Phú An, quán bar New Phương Đông, thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA. Chỉ hai ngày sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại thẩm mỹ viện AMIDA, dịch đã lan ra các tỉnh Huế, Quảng Nam, Đăk Lăk. Đến nay nguồn lây nhiễm cho cụm dịch ở Đà Nẵng vẫn chưa được xác định.
Tại Hà Nội, ngày 4/5, chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được phát hiện sau khi một bác sĩ của bệnh viện đi công tác nước ngoài xét nghiệm dương tính nCoV. Bệnh viện phải cách ly y tế đến nay chưa được gỡ cách ly. Đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phát hiện 90 bệnh nhân Covid-19, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở viện.
Từ các ca nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhanh chóng phát hiện thêm 49 ca nhiễm tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Các bệnh nhân, người nhà chăm sóc bệnh nhân từ hai bệnh viện này về địa phương mang theo mầm bệnh đã lây lan cho hàng chục tỉnh thành khác.
Tại Bắc Ninh, Bắc Giang các ổ dịch tại khu công nghiệp có tốc độ lây lan cực mạnh và nhanh. Tại Bắc Giang hiện hai ổ dịch ở Công ty Shin Young và công ty Hosiden Việt Nam, trong các khu công nghiệp, diễn biến phức tạp, với tỷ lệ 55-79% F1 (tiếp xúc gần) chuyển thành F0 (mắc Covid-19). Các chuyên gia đánh giá số ca nhiễm được phát hiện sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới nhờ công tác tổng lực lấy mẫu và xét nghiệm.
Đến trưa 26/5, tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang là 1.481, Bắc Ninh 560.
Các biến chủng nguy hại
Trong số 32 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân ở Đà Nẵng được giải trình tự gene virus, có 30 mẫu nhiễm chủng Anh B.1.1.7 và 2 mẫu nhiễm chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.
Kết quả giải trình tự gene virus các bệnh nhân ở Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM… nhiễm chủ yếu là biến chủng Ấn Độ và một số mẫu nhiễm biến chủng Anh.
Chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ có khả năng lây lan rất mạnh, rất nhanh, rất rộng. Đặc biệt nCoV đang nhân lên với tốc độ nhanh gấp đôi tốc độ trong phòng thí nghiệm và phát tán mầm bệnh rất rộng. Bộ Y tế đánh giá chủng từ Ấn Độ là nguyên nhân xuất hiện lượng ca nhiễm cộng đồng lớn tại Việt Nam trong đợt dịch này.
Biến chủng virus của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong không khí ở môi trường kín. Ngoài ra, bình thường COVID-19 trong phòng thí nghiệm đến ngày thứ 3-4 mới mọc, trong đợt dịch này chỉ cần 2 ngày đã nhân lên rất nhiều.
Do biến chủng Ấn Độ lây nhanh trong không khí, ngành y tế thay đổi phương thức “chạy theo” xét nghiệm sang chủ động xét nghiệm sàng lọc.
Hiện Bắc Giang cũng áp dụng chiến lược lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Từ ngày 22 đến 25/5, ngành y tế tỉnh Bắc Giang khoanh vùng các khu công nghiệp, lấy mẫu xét nghiệm rộng công nhân, phát hiện hơn 300 ca dương tính nCoV. Từ ngày 26/5, Bắc Giang bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao, nhằm phát hiện những trường hợp dương tính COVID-19 nhanh nhất để tách ra khỏi cộng đồng. Dự kiến trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tăng.
Tuy nhiên suốt 30 ngày chống dịch trong thời tiết hè ở miền bắc, nhiều nhân viên y tế ở các tâm dịch phải làm việc liên tục dẫn đến kiệt sức. Các chuyên gia khuyến cáo cần chiến lược “nuôi quân”, chia ca, nghỉ ngơi hợp lý để đánh trận lâu dài.
Liên quan đến diễn biến COVID-19, theo báo Người lao Động, chiều 26/5, Bộ Y tế thông báo ca tử vong thứ 45 liên quan đến COVID-19 ở nước ta là bệnh nhân nữ, 67 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, suy giáp sau xạ trị bướu giáp, đái tháo đường, thể trạng béo phì.
Bệnh nhân tử vong đêm 25/5 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.
Đây là trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 thứ 10 trong đợt dịch này. 9 trường hợp tử vong trước đó gồm: BN3839 (89 tuổi, nữ, quê Bắc Ninh); BN3955 (34 tuổi, nam, Bắc Ninh); BN3197 (64 tuổi, nữ, Hà Nội); BN3554 (81 tuổi, nam, Hà Nội); BN3028 (nữ, 70 tuổi, Hà Nội); BN3653, nữ, 89 tuổi (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng); BN3022, nữ, 72 tuổi và BN3015, nam, 50 tuổi; BN4807, nữ, 38 tuổi (công nhân khu công nghiệp ở Bắc Giang).
Bộ Y tế trưa 26/5 ghi nhận 40 ca dương tính COVID-19 trong nước, bao gồm tại Bắc Giang 27, Bắc Ninh 4, Hà Nội 6, Điện Biên, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đều một.
Như vậy trong buổi sáng nay Bộ Y tế công bố thêm tổng cộng 120 ca nhiễm. Số ca nhiễm mới trưa nay đưa tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang 1481, Bắc Ninh 560, địa bàn Hà Nội 335 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K), Điện Biên 56, Hải Dương 41.
Số ca nhiễm cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 2.913, ở 30 tỉnh thành. Có 7 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.
TP. Bắc Ninh lập hơn 100 chốt kiểm soát
VnExpress – Sáng 26/5, lãnh đạo TP. Bắc Ninh cho hay trong số 115 chốt kiểm soát có một chốt cấp tỉnh đặt tại vị trí gần trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, trên quốc lộ 38 đi thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành.
114 chốt cấp phường gồm 30 chốt mềm, 84 chốt cứng. Các chốt kiểm soát có nhiệm vụ không cho người từ vùng dịch, xe chở khách vào thành phố. Xe chở lương thực được vào khi đảm bảo chỉ có một tài xế, không biểu hiện ho, sốt và có giấy xét nghiệm âm tính.
Do số lượng chốt cứng lớn, nhiều phường đã sử dụng gạch, cống bê tông để làm rào chắn, ba ca trực cả ngày lẫn đêm.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch phường Võ Cường (TP. Bắc Ninh) cho biết, đã dựng 16 chốt cứng chủ yếu phục vụ việc cách ly giữa phường với phường và chốt tại các điểm chợ tạm. “Các chốt phối hợp với lực lượng cơ động sẽ giám sát để người dân không ra đường sau 20h, ban ngày chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm”, ông Toàn nói.
Hôm nay, TP. Bắc Ninh cũng phong tỏa thêm hai cụm dân cư ở phường Vân Dương và cụm dân cư khu Lãm Làng với 46 hộ, gần 1.900 người; cụm dân cư Chu Mẫn với 13 hộ, 1.500 người; chung cư HUD Trầu Cau, phường Võ Cường với hơn 1.000 người. Các khu dân cư đều có thời gian phong toả 14 ngày và có thể kéo dài hơn tùy diễn biến dịch.
Hiện, TP. Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Các huyện Lương Tài, Tiên Du, thị xã Từ Sơn giãn cách theo chỉ thị 15.
Hà Nội thêm 2 ca dương tính COVID-19
VnExpress – CDC Hà Nội chiều 26/5 ghi nhận 2 người dương tính nCoV, trong đó một liên quan chùm ca tại Times City và Công ty T&T, một liên quan Bệnh viện K. Các ca này chưa được Bộ Y tế ghi nhận, vì vậy xếp vào ca nghi nhiễm.
Hai người gồm:
Nữ, 50 tuổi, sống ở đường 800A, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Bà làm việc tại tầng 5 tòa nhà Công ty T&T và tiếp xúc gần “bệnh nhân 5312”. Ngày 23/5, bà xét nghiệm nghi ngờ nhiễm nCoV, cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Đường sắt, Long Biên. Ngày 26/5, Trung tâm Y tế quận Long Biên lấy mẫu lần 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo kết quả dương tính.
Còn người liên quan tới chùm trong Bệnh viện K là nam, 37 tuổi, sống ở xã Xuân Phú, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Từ ngày 1/4, anh đến Bệnh viện K để chăm bố ốm. Ngày 5/5 và 8/5, anh được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính nCoV. Ngày 11/5, CDC Hà Nội chuyển anh sang cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Nam Từ Liêm. Sau đó, anh nhận kết quả xét nghiệm âm tính vào 16/5; 21/5. Ngày 25/5, anh xét nghiệm lần thứ 5, kết quả dương tính.
Theo CDC Hà Nội, thành phố đã ghi nhận 149 ca nhiễm cộng đồng ở 20 quận, huyện.
Bắt giữ cô gái F1, 18 tuổi 2 lần trốn khỏi khu cách ly tập trung
Ngày 26/5, Công an TP. Phủ Lý (Hà Nam) đã bắt giữ Trang Thị D. (18 tuổi, ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là người thuộc trường hợp F1 nhưng bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung.
Sau khi điều tra yếu tố dịch tễ, cơ quan chức năng đã đưa D. đi cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tỉnh Hà Nam).
Theo công an, D. sống tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Đây là địa phương đang thực hiện việc phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 20/5, D. bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bắt xe khách đi Hà Nội. Khi đến chốt kiểm soát dịch tại đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tổ công tác tại chốt phát hiện D. đến từ nơi có dịch nên đưa cô này đi cách ly tập trung tại xã Mường Trung.
Đến chiều 24/5, D. tiếp tục bỏ trốn khỏi khu cách ly khiến Công an tỉnh Điện Biên phải ra thông báo, đề nghị các tỉnh phối hợp truy tìm.
Sau đó, qua rà soát, Công an phường Châu Sơn (TP. Phủ Lý, Hà Nam) đã phát hiện D. tại một phòng trọ thuộc tổ dân phố Hưng Đạo. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ vụ việc để xử lý cô gái này theo quy định.
Bắc Giang hoàn thành 12 khu cách ly với 3.000 giường điều trị bệnh nhân nặng
VnExpress – Sở Y tế sáng 26/5 cho biết khu ICU đã hoàn tất bên trong Bệnh viện Phổi. Trong khu điều trị bệnh nhân nặng này có 16 máy theo dõi chức năng sống, 6 máy thở tần suất cao; hệ thống oxy trung tâm, hệ thống camera.
Tỉnh cũng sẽ khẩn trương lập thêm một khu ICU tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế về quy trình chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn…
12 khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, công suất hơn 3.000 giường đã được thiết lập. Tỉnh cũng lắp đặt hệ thống đường truyền kết nối để phục vụ giao ban trực tuyến giữa các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh với Sở và Bộ Y tế, kịp thời trao đổi chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Từ ngày 26/5, Bắc Giang bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao là Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng, huyện Việt Yên, trên tổng số dân cư là 18.723 người. Trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính sẽ thực hiện cách ly, truy vết, đồng thời lấy mẫu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh để xét nghiệm theo phương pháp PCR tiếp tục.
Hiện, ngành y tế đã xét nghiệm diện rộng xong tại huyện Việt Yên và Yên Dũng. Các khu vực trọng điểm đang tập trung xét nghiệm đến lần thứ 3.
Toàn tỉnh đã lấy 636.764 mẫu; xét nghiệm được 591.604 mẫu, hiện nay còn 9.032 mẫu gộp (45.160 mẫu đơn) chưa có kết quả. Hàng nghìn mẫu đã được chuyển tới Bệnh viện Quân y 103, Viện Pasteur Nha Trang và CDC tỉnh đề nghị hỗ trợ xét nghiệm.
Đến nay, Bắc Giang ghi nhận 1.454 ca nhiễm, chủ yếu liên quan đến 3 ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam; tại khu công nghiệp Vân Trung, khu công nghiệp Quang Châu. Trong đó, ổ dịch xã Phương Sơn ghi nhận 7 F0 đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng. Nguy hiểm nhất là ổ dịch tại khu công nghiệp Quang Châu, ghi nhận 995 F0, đang tiếp tục tăng.
Dự kiến trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tăng. Tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà. Nghiêm cấm người dân tụ tập nơi công cộng kể cả tập thể dục, thể thao.
‘Nổ’ là Việt kiều kẹt lại Việt Nam do Covid-19, lừa lấy gần nửa tỷ đồng của nữ nạn nhân
Thanhnien – Ngày 26/5, Công an Q.1 (TP.HCM) đang tạm giữ Trần Hỷ Tâm (40 tuổi, ngụ Q.11), kẻ đội “mác” Việt kiều để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra ban đầu, Tâm không có công việc ổn định và thường xuyên lên mạng xã hội kết bạn làm quen với các cô gái với ý định lừa đảo.
Vào cuối tháng 3/2021, Tâm làm quen với chị B.V (34 tuổi, quê Long An). Lúc này, Tâm lấy tên giả là Tuấn và nói là Việt kiều Mỹ đang mắc kẹt tại Việt Nam do Covid-19.
Sáng 5/4, Tâm đón chị V. đi chơi. Nhân tiện, chị V. nhờ Tâm chở đến ngân hàng để gửi 490 triệu đồng. Lợi dụng lúc nạn nhân sơ hở, Tâm đã chiếm đoạt số tiền nói trên. Đến ngày 21/5 thì Tâm bị bắt.
Tiệm vàng bị trộm bẻ khóa đột nhập, “cuỗm” nhiều cây vàng
Nld – Ngày 26/5, Công an huyện Bố Trạch – cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành làm rõ trình báo của chủ tiệm vàng Kim Bình về việc bị mất trộm vàng, trị giá hơn 100 triệu đồng.
Theo trình báo của anh Đoàn Thanh Thủy – chủ tiệm vàng Kim Bình có địa chỉ ở cổng chính chợ Hoàn Lão (thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch), sáng cùng ngày lúc anh đến cửa tiệm thì tá hỏa khi phát hiện kẻ gian cạy cửa đột nhập lấy trộm hơn 3 cây vàng. Tổng giá trị trên 100 triệu đồng.
Theo anh Thủy, số vàng bị mất chủ yếu là bông tai phụ nữ, loại vàng Tây 10K, 14K và 18K. Tại hiện trường, cửa cuốn của tiệm vàng bị cạy, tủ kính bị đối tượng dùng đá đập vỡ. Một số bông tai vàng còn rơi vãi, nằm rải rác trong tủ kính và dưới nền nhà.
Hiện Công an thị trấn Hoàn Lão đang với hợp với Công an huyện Bố Trạch khám nghiệm hiện trường và trích xuất camera để điều tra làm rõ.
Bỗng dưng được ‘ngân hàng’ chuyển tiền, cẩn thận mất luôn tài khoản
Vietnamnet – Gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo mới bằng tin nhắn, nhiều ngân hàng đã lên tiếng, cảnh báo khách hàng.
Chị Trinh (quận Tân Phú, Sài Gòn) cho biết: Chiều 21/5, chị bất ngờ nhận được tin nhắn từ hệ thống của ngân hàng với nội dung “Vietcombank trân trọng thông báo tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa” kèm theo một đường link để đăng nhập, xác thực. Sau khi nhấp vào đường link và điền các thông tin cá nhân, chị Trinh đã bị trừ hơn 3,2 triệu đồng trong tài khoản. Số tiền trong tài khoản của chị còn lại là 130.000 đồng.
Theo chị Trinh, nếu là tin nhắn rác thì chị có thể phát hiện được đó là đường link giả, đằng này tin nhắn nằm chung trong hộp thư của ngân hàng nên đã khiến chị mất cảnh giác.
Chị Trinh chia sẻ: “Tin nhắn giả mạo nằm chung với những tin nhắn báo biến động số dư, thì làm sao chúng tôi có thể lường trước được. Ngân hàng cần xem lại cách quản lý hệ thống của mình để tránh rủi ro cho khách hàng”.
Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng đang phối hợp với các cơ quan liên ngành, để giải quyết việc tin nhắn mạo danh nằm trong phần tin nhắn tự động của ngân hàng.
Theo Vietcombank, thời gian qua đã xuất hiện hình thức lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank thông báo “tài khoản khách hàng đã bị khóa” và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của người dân nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Các đường link giả mạo được Vietcombank ghi nhận đến thời điểm hiện tại bao gồm: vnvietcombank.cc; vavietcombank.cc; /newvietcombank.cc; vanvietcombank.cc…
Ngân hàng này khuyến cáo, ngân hàng chỉ có duy nhất một địa chỉ website tại đường dẫn: https://vietcombank.com.vn/. Người dân chỉ truy cập website chính thức để đăng nhập sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Theo ngân hàng, các đối tượng lừa đảo thường giả mạo bằng cách đưa đường link chỉ sai khác một vài ký tự, nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người dân.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email hay các phần mềm chat như Zalo, Viber, Facebook Messenger…. Chính vì vậy, ngân hàng khuyến cáo người dân tuyệt đối không bấm vào các đường link khi nhận được tin nhắn.
Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, người dân nên chủ động: Khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; Đổi mật khẩu; Gọi điện ngay cho ngân hàng và trình báo vụ việc tới cơ quan công an, trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Nếu nhận được các tin nhắn giả mạo hay nghi ngờ giả mạo, người dân nên liên hệ ngay với tổng đài của ngân hàng, hoặc đến điểm giao dịch để được hỗ trợ.
Gần đây, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng phát đi cảnh báo đến tất cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ của mình, cảnh giác trước hình thức lừa đảo mới tương tự.
‘Cơn sốt’ ôxy có thể khiến hệ thống y tế ở hàng chục quốc gia sụp đổ hoàn toàn
Baotintuc – Hàng chục quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ôxy trầm trọng do các ca mắc virus viêm phổi tăng cao, đe dọa sự “sụp đổ hoàn toàn” của các hệ thống y tế.
Theo trang Guardian (Anh), Tổ chức Báo chí Điều tra, cơ quan phi chính phủ có trụ sở tại London (Anh), đã phân tích các dữ liệu để tìm ra các quốc gia có nguy cơ cạn kiệt ôxy cao nhất. Tổ chức này cũng nghiên cứu dữ liệu tỉ lệ tiêm vaccine virus viêm phổi trên tổng dân số của các quốc gia trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu, 19 quốc gia trên thế giới – bao gồm Ấn Độ, Argentina, Iran, Nepal, Philippines, Malaysia, Pakistan, Costa Rica, Ecuador và Nam Phi – được coi là có nguy cơ cạn kiệt ôxy cao nhất sau khi ghi nhận mức tăng lớn về nhu cầu kể từ tháng 3, ít nhất 20%. Trong khi đó, những quốc gia này mới chỉ tiêm chủng cho chưa đến 20% dân số của họ.
Các chuyên gia lo ngại một số quốc gia châu Á khác, như Lào, cũng sẽ gặp rủi ro trước nguy cơ thiếu ôxy y tế cho bệnh nhân viêm phổi có triệu chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi – bao gồm Nigeria, Ethiopia, Malawi và Zimbabwe -những quốc gia có hệ thống cung cấp ôxy kém hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc nhu cầu tăng cao, có thể đối mặt với nguy cơ lớn hơn.
Các bệnh viện ở Ấn Độ đã thông báo tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng khi đất nước phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2. Vào giữa tháng 5, Ấn Độ cần thêm 15,5 triệu m3 ôxy mỗi ngày để dành riêng cho bệnh nhân viêm phổi, nhiều hơn 14 lần so với nhu cầu hồi tháng 3.
Để đối phó với tình trạng này, Ấn Độ cấm tất cả hoạt động xuất khẩu ôxy dạng lỏng. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia lo lắng hơn là ảnh hưởng của làn sóng này đến các nước láng giềng của Ấn Độ, bao gồm Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Một số nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thiết bị y tế và nguồn cung ôxy y tế do Ấn Độ sản xuất.
Ông Zachary Katz, Phó Giám đốc Phụ trách dược phẩm thiết yếu của Sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton (CHAI), cho biết: “Hãy tưởng tượng nếu các quốc gia này đạt đỉnh dịch cùng lúc, tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều, bởi Ấn Độ cần tất cả nguồn cung oxy”.
Dữ liệu cho thấy Nepal hiện cần lượng ôxy gấp 100 lần so với hồi tháng 3. Nhu cầu về ôxy ở Sri Lanka cũng đã tăng gấp 7 lần kể từ giữa tháng 3. Ở Pakistan, quốc gia đang hứng chịu làn sóng ca thứ 3, gần 60% bệnh nhân phải thở ôxy trong bệnh viện so với thời kỳ cao điểm trước đó vào mùa hè năm ngoái. Giới chức nước này đã cảnh báo vào cuối tháng 4 rằng áp lực nguồn cung ôxy đã đạt đến mức độ nguy hiểm.
Bác sĩ Fyezah Jehan tại thành phố Karachi (Pakistan) cho biết: “Tâm trạng của mọi người ở đây rất tồi tệ. Chúng tôi rất sợ tình trạng như ở Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra và lệnh phong tỏa hiện nay có thể ngăn chặn một làn sóng mới”.
Trong khi đó, bà Greenslade nhận định nhu cầu ôxy tăng nhanh chóng đang gây áp lực lên nhiều hệ thống y tế.
Một số quốc gia đã phải yêu cầu các công ty sản xuất ôxy lỏng chuyển hướng đối tượng khách hàng, từ cung cấp ôxy công nghiệp sang cung cấp cho bệnh viện. Ôxy y tế hiện chỉ chiếm 1% sản lượng ôxy lỏng toàn cầu.
Ở Iraq, các công ty khí đốt có thể sản xuất khoảng 64.000 m3 oxy lỏng mỗi ngày, tương đương 1/3 nhu cầu của bệnh nhân virus viêm phổi tại nước này.
Ở Colombia, ngành công nghiệp này chỉ có thể cung cấp 450.000 m3 mỗi ngày, ít hơn 2/3 so với nhu cầu.
Ở Peru, nếu các công ty khí đốt chuyển sang cung cấp ôxy y tế, sản lượng cũng chỉ có thể đáp ứng 80% lượng ôxy cần thiết.
Ông Jesús Valverde Huamán, bác sĩ tại khoa chăm sóc đặc biệt ở Lima (Peru), cho biết họ đã phải đấu tranh liên tục để có đủ ôxy cho bệnh nhân, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn vào tháng 11 và tháng 12/2020, khi số ca bệnh giảm dần.
“Chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao một nguồn tài nguyên thiết yếu như ôxy lại bị dành phần lớn cho công nghiệp khai thác mỏ, thép, dầu và khí đốt. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện công yếu kém không có đủ ôxy để cứu sống trẻ sơ sinh, người trưởng thành và người cao tuổi”, bà Greenslade nhấn mạnh.
Ngoài ôxy lỏng là nguồn cung chính cho các bác sĩ ở nhiều quốc gia, các bệnh viện cũng có thể lấy oxy từ các nhà máy lọc ôxy tại chỗ và từ các máy cô đặc di động.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Unicef, Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ khác đã vận chuyển hàng trăm nghìn thiết bị cô đặc ôxy đến các quốc gia giúp họ giải quyết nhu cầu tăng cao..
Nhưng WB cảnh báo rằng nhiều quốc gia đã không đăng ký các khoản vay khẩn cấp để giúp họ nâng cấp hệ thống ôxy. Năm ngoái, WB đã cung cấp 160 tỉ USD cho các quốc gia đối phó với dịch viem phoi và bổ sung thêm 12 tỉ USD trong tháng này. Các khoản này có thể được sử dụng để nhập khẩu hoặc tăng cường sản xuất ôxy.
Mickey Chopra, một quan chức cấp cao của WB cũng cho biết các quốc gia chỉ xin hỗ trợ máy thở và PPE mà không xin cung cấp ôxy.
“Các biến chủng mới đang khiến mọi người bất ngờ và điểm yếu nhất trong hệ thống y tế hóa ra là hệ thống cung cấp ôxy”, bà Chopra nói.
Sắp tới, bà Greenslade mong muốn các chính phủ đề ra chiến lược toàn diện để đảm bảo nguồn cung ôxy y tế. Theo đó, các nhân viên y tế cần được đào tạo bài bản để có thể cung cấp dưỡng khí cho bệnh nhân một cách an toàn, cũng như có thể bảo trì, sửa chữa thiết bị.
“Vào lúc này, các chính phủ cần đoàn kết với nhau để tìm giải pháp xử lý khủng hoảng. Nhưng vấn đề là họ cần phải đi trước đón đầu nó”, bà Greenslade nhận định.