Du Uyên
Có một bạn trẻ lên mạng hỏi: “Quán đông, nhân viên lỡ đổ nước mắm lên… đầu khách quý, thì phải làm như thế nào?” Người thì khuyên: “Nhanh trí nói với khách là chén nước mắm này quán không tính tiền!” Kẻ lại nói: “Nên thay đầu mới cho khách!”…
Những “lời khuyên” ở trên khá hay và đáng yêu đó chứ, nhưng tiếc là không dùng được với người đang gặp chuyện không may ở trên và các lời khuyên kia cũng sẽ không thể thành hiện thực được, điều này ai cũng biết. Ðó là vì trong nhận thức chung của xã hội, những việc trên là sai trái.
Cuộc sống mà, đâu phải lúc nào cũng rõ ràng như cái chén đựng nước mắm đang nằm trên đầu vị khách quý (nước mắm còn có nước mắm thật, nước mắm giả mà). Trong khi nhân loài luôn mâu thuẫn – sự thật, đúng và sai chỉ có một mà nhận thức về nó thì lại có muôn hình vạn trạng, liên tục thay đổi, không phải thay đổi theo tiến hóa của xã hội mà nó thay đổi theo nhan sắc, trình độ, địa vị, học thức lẫn xã hội nơi người định nghĩa sự thật đang sống. Bởi vậy, nếu sự thật là một con người, mùa dịch này ra đường chắc chắn phải mang hai/ba cái khẩu trang khi ra đường, vì nó có rất nhiều bộ mặt…
Ví dụ, Sài Gòn giờ đang vào mùa nóng, nhiều người nói rằng họ phơi quần áo đúng 5 phút khô, nhưng lại phải đợi hơn 20 phút cho quần áo nguội. Thật ra chuyện này cũng bình thường, vì Sài Gòn có bao giờ mát mẻ đâu. Tuy nhiên, có một cách để nhận biết đâu là mùa nóng hơn thì bạn cứ coi giá điện: Tháng nào mà tiền điện bị lên gấp rưỡi không rõ nguyên do thì đó là do thời tiết đang nóng lên – nhà điện Việt Nam năm nào cũng nói như vậy. Từ tháng ba, trời vừa ngấp nghé nhóm lửa thì các báo trong nước đã đồng loạt đưa tin dạng như “Cảnh báo: hóa đơn tiền điện sẽ tăng đột biến vì nắng nóng” (Nguyên văn “tít” báo từ tuoitre.vn). Ðó là một trong muôn vàn “sự thật” không mấy ai tin nhưng ai vẫn phải nghe và không dám cãi, vì cãi không có kết quả, chỉ có “hậu quả”.
Hay, tuần qua có người vợ ở miền Bắc – Việt Nam bỗng dưng tìm được chồng sau 11 năm thất lạc nhờ mạng xã hội. Người chồng trong câu chuyện này có lẽ có chút bệnh về thần kinh và mưu sinh bằng nghề ăn xin. Vì vậy, rất nhiều người đã tung hô tấm chân tình của người vợ. Họ tin người vợ không màng danh lợi mới đón người chồng bệnh tật về nhà, đó mới là tình cảm thật sự, hiếm gặp trong cuộc đời đầy những điều xấu… gần này. Nhưng một số cư dân mạng khác lại khẳng định, câu chuyện trên là một trong những minh chứng chính xác nhất cho thấy tác hại của mạng xã hội. Người chồng kia chính là một nạn nhân điển hình, vì thói quen tung hình ảnh người khác lên mạng vô tội vạ mà anh ta bị vợ cũ nhận ra, đem về nhà. Nhiều người còn nghi ngờ, anh này tâm lý hoàn toàn bình thường, nhưng vì gặp vợ cũ nên phải giả điên. Có lẽ anh đang đau buồn vì đời đang vui thì bị buộc phải trở về “vá lại câu tình”. Chẳng phải người xưa hay nói “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề…”?Xem thêm: Ai cứu Miến Điện
Người ta nói “trong chăn mới biết chăn có rận”, nên tôi không dám tin bên nào, vì tôi không biết sự thật đằng sau câu chuyện trên. Nhưng cũng trong tuần qua, có một vụ ly hôn khiến tôi nghiêng về phe “nước mắt” hơn. Cặp vợ chồng này không nhiều tiền như cặp “đại gia” Việt – Ðặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo (vừa chia tài sản sau ly hôn xong), cũng không nổi tiếng toàn cầu bằng cặp tỷ phú Mỹ Bill Gates và bà Melinda Gates (đang phân xử ly hôn), nhưng họ nhiều tuổi hơn hai cặp trên, chịu đựng nhau lâu hơn, những tưởng rằng chỉ còn cái chết mới chia tách họ được. Ðó là cuộc ly hôn của ông Phùng Văn Pha với bà Nguyễn Thị Liên, họ đã sống với nhau được 48 năm, tuổi đều đã trên 70, đầu chỉ còn một màu tóc trắng. Tại phiên tòa xử ly hôn ở Hà Nội, bà Liên chỉ tay vào chủ tọa và luật sư, hét lên: “Các người phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi”. Nhưng ngay lập tức, ông Phan phản bác: “Có hạnh phúc đâu mà phá”. Lý do cho cuộc chia ly này cũng vô cùng bất ngờ.
Trích báo trong nước: “Ðứng trước tòa, người đàn ông với mái đầu đã bạc trắng, run run lau nước mắt, kể, cuộc hôn nhân dài gần nửa thế kỷ của ông là chuỗi ngày bị vợ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Không những thế, bà còn không cho ông dùng xe máy, điện thoại, không cho dùng điện trong nhà. Nhăm nhe lấy hết tài sản của ông khi ông không còn minh mẫn…
Từ câu chuyện về người chồng bỗng bị vợ tìm được sau 11 năm bỏ trốn và câu chuyện người đàn ông tuổi “thất thập cổ lai hy” rưng rưng nước mắt kể về cuộc hôn nhân bạo lực, người ta bắt đầu bàn về “nam quyền” giữa cái thời mà nơi nơi đang nói về “nữ quyền” này. Có rất nhiều chàng trai nhân đó mà kêu gọi bình quyền cho nam…
Cùng lúc đó, hai chữ “nữ quyền” cũng được người người, nhà nhà nhắc nhở trong những tranh cãi đúng sai đằng sau câu chuyện một nhóm phú hào trong chương trình “Shark Tank Việt Nam” (mua bản quyền từ Shark Tank Mỹ) chọc ghẹo các CEO nữ xinh đẹp (đang kêu gọi vốn) bằng lời lẽ khiếm nhã trên sóng truyền hình quốc gia – nơi luôn được coi là “nghiêm trang” nhất Việt Nam.
Chuyện là, sau một hồi nghe một CEO nữ phân tích về dự án kinh doanh của mình, một vị “shark” (nhà đầu tư) nam đã “tạt gáo nước lạnh” vô mặt nàng: “Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1.5 tỷ cho 10% cổ phần”. Sau đó, một vị “shark” (cũng là nam) khác bồi vào: “Ðã nói ngay từ đầu, thật ra deal cứ sạch, xanh, xinh là xong.” (Những từ ngữ “sạch-xanh-xinh” ở Việt Nam thường dùng trong việc “nuôi gái bao”, “rau sạch” – “rau” này chỉ phụ nữ). Và đây không phải lần đầu những vị phú hào nam này dùng những câu bình phẩm về ngoại hình của phụ nữ tương tự như những cha bợm nhậu ở các quán bia, chan chứa men nồng ngay trên chương trình thiên về kiến thức, kinh tế, được chiếu trên đài truyền hình quốc gia, một chương trình đã qua rất nhiều ‘khâu’ “kiểm duyệt” gắt gao mới tới được mắt khán giả. Ðó như là một giọt nước tràn ly, khiến dư luận tức giận. Bởi câu nói “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” ở năm 2021 không còn giá trị nữa. Giờ mà bẻ hoa bậy bạ là bị cư dân mạng rình chụp ảnh đăng lên mạng cho hàng ngàn người “xỉ vả” rồi. Huống chi là trêu đùa phụ nữ.
Nhưng, cái gì cũng có chữ nhưng, khi cả xã hội lên án sự việc trên thì phía “bị hại” lại đưa ra một câu trả lời khác. Người phụ nữ trong câu chuyện trên đã chấp nhận mức gợi ý đầu tư của vị “shark” không quan tâm tới dự án kinh doanh của mình. Mà bạn biết đó, “ăn cơm chúa, múa tối ngày», khi được báo chí hỏi suy nghĩ về sự việc trên, cô gái đã nói: “chuyện đó bình thường”. Có lẽ cô đã tin vào một “sự thật” khác, hoặc có lẽ vì lợi ích riêng, cô chọn nói dối lòng mình. Vì vậy, dư luận cảm thấy bị phản bội, họ bắt đầu nghi ngờ “nhân phẩm” của cô nàng CEO “tuổi trẻ tài cao”. Cũng có nhiều người bênh vực cô gái: “Cổ cũng vì cuộc sống!”
Việc này khiến tôi nhớ đến mấy vụ lùm sùm về việc các cô giáo bị buộc đi tiếp rượu cho các vị khách quan chức trước đây. Khi đó, những người có trách nhiệm trong Bộ Giáo Dục lại bình phẩm rằng đó “chỉ là vui vẻ thôi”. Nhiều người khác đã bênh vực các cô giáo “làm nhiệm vụ chính trị” trên bằng lý lẽ: “Các cô phải chiều lòng cấp trên để giữ việc làm.
Có người nói, khi bạn phải cân nhắc giữa lợi ích và nhân phẩm, thì bạn cứ chọn lợi ích đi, bởi lúc cân nhắc thì nhân phẩm của bạn đã “vơi đi ít nhiều” rồi. Có lẽ cô CEO và các cô giáo trên cũng nghĩ như vậy khi đưa ra quyết định, câu trả lời cho mình. Nhưng việc các cô đồng thuận với sai trái, với một mặt khác của sự thật không đồng nghĩa với việc dư luận phải chiều theo các cô. Người ta đang lên án một hành vi thiếu văn hóa chứ không phải ngồi xem xét xem hai bên có đồng thuận hay không. Vì dẫu hai bên có đồng thuận với hành vi sai trái đó cũng không thể giúp nó trở nên đúng đắn.
Ðúng là đôi khi, ở một nơi nào đó, “sự thật” là một chuyện viển vông. Giống như cái chuyện về mối liên quan giữa thời tiết Sài Gòn và giá điện ở trên kia, hay chuyện cô CEO thấy bình thường khi được bình phẩm “sạch, xanh, xinh” – và rất, rất nhiều chuyện khác xảy ra ở đất nước này. Nhiều người tin rằng, sự sai trái cứ xảy ra rồi người ta cũng ngầm phải chấp nhận trong sự phản kháng yếu ớt (thậm chí là thầm kín, không ai hay biết gì về sự phản kháng đó) thôi! Và lòng tin của họ đã trở thành hiện thực.
Không biết từ bao giờ, sự thật ở đất nước này mong manh như lời trần tình của người phụ nữ làm nghề tẩy trắng mực thối bằng oxy già công nghiệp (H2O2) – một chất cấm, không được dùng với thực phẩm – giao cho các nhà hàng ở Hà Nội khi nói về công việc của mình: “Chẳng qua thị trường thích đẹp thì phải làm theo thôi chứ ai không biết đó là chất cấm”.