Hồi còn học ở trung học ở Việt Nam, việc xếp hạng học trò trong lớp là chuyện thường tình. Học trò nào mà đứng từ thử 5 đến thứ nhất, được xem như là ‘hoàng tử/công chúa’ của trường, còn ai đừng chót hay gần chót thì bị bạn bè nhìn với cặp mắt … ‘khỏi nói’.
Khi qua dạy ở Tasmania, tôi rất ngạc nhiên là trong lớp không có xếp thứ hạng, em nào cũng như nhau. Tôi hỏi ông hiệu trưởng thì ông mỉm cười: mỗi em có cái hay và dở riêng, về nhiều lãnh vực: khoa học, văn, toán, âm nhạc, hội họa, thủ công, thể thao, nói trước công chúng, hùng biện, cách cư xử với người khác v.v..
Ngoài ra các em cũng khác nhau về ‘cách học’ learning style: em thì thích tự học, em thì giỏi khi học nhóm, em thì thích thực hành v.v. Do đó việc xếp hạng trong lớp cũng có vấn đề. Có lẽ vì vậy mà Giáo Sư Gardner đưa ra lý thuyết ‘Multiple Intelligences’ (thông minh đa diện).
Một sinh viên người Nhật của tôi, sinh ra và học ở Tokyo. Sau khi tốt nghiệp sư phạm ở Tas, Hiroshi được cái job dạy học ở một vùng hẻo lánh trên Northern Territory. Học trò của anh ta thích học ngoài trời, ngồi dưới gốc cây, chạy lui chạy lại, tận hưởng không khí học hành với thiên nhiên, khác hẳn với không khí trang nghiêm của lớp học ở Tokyo
Hiroshi bảo: “lúc đầu tôi cũng ‘khó chịu’ vì không quen, nhưng dần dần tôi cũng thấy thoải mái vì cũng có cái hay của thể cánh dạy học này”. Hiroshi nói: “student ranking does not work there’. Xếp hạng trong lớp không thực hiện được trong hoàn cảnh này.
Trong chương trình cử nhân tôi dạy ở Tasmania, sinh viên thường được chấm từ ‘rớt’ lên đến ‘ưu’ cho mỗi môn học. Một điều mà tôi hơi ngạc nhiên là có những sinh viên học rất thường trong lớp, nhưng khi ra ‘trường đời’ thì rất thành công, tạo vinh danh cho trường.
Tại sao vậy?
Tom Bodett giải thích: “The difference between school and life? In school, you’re taught a lesson and then given a test. In life, you’re given a test that teaches you a lesson.”
(Tạm dịch: Sự khác biệt giữa trường học và đời là trong trường học, học trò sau khi học một bài thì làm khảo sát (test, exam); nhưng trong trường đời thi mình phải đương đầu với thử thách trước, rôì học bài học từ đó”)