(Thư gửi chị Bùi Trân Phượng)
Cao Huy Thuần
(Nhà sử học Bùi Trân Phượng – nguyên hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen – được bà Anne Cheng, giáo sư Collège de France, mời sang giảng về đề tài “Việt Nam: une société et des identités plurielles en quête d’elles-mêmes (Việt Nam: một xã hội và những bản sắc đa nguyên trên đường đi tìm chính mình) vào mùa xuân 2022. Collège de France là một định chế đặc biệt của nền học thuật Pháp, nằm ngoài và cao hơn các cơ sở đại học truyền thống, kết hợp nghiên cứu cao cấp và giảng dạy về mọi lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật. Collège de France mở cửa cho mọi người, ai vào dự cũng được, miễn phí. GS Ngô Bảo Châu đã được mời thỉnh giảng năm nay, 2021. Bà Bùi Trân Phượng là người Việt Nam thứ hai nhận được vinh dự này, vinh dự chung cho bạn bè trí thức trong và ngoài nước. Đề tài bà diễn giảng là đề tài bà đang nghiên cứu, mới mẻ và độc đáo. Trong thời gian nghiên cứu, bà có trao đổi ý kiến với bạn bè và thực hiện nhiều phỏng vấn. Dưới đây là một trao đổi qua thư từ).
Chị Phượng thân,
Tôi biết thư này sẽ làm chị thất vọng. Tôi cũng thất vọng. Tôi tưởng tôi có thể trả lời bảng câu hỏi của chị nhiều hơn. Nhưng càng nghĩ càng bí. Càng thấy vô duyên vì sẽ phải trả lời một cách chung chung, nói những chuyện mà ai cũng biết. Đâu phải chỉ tại vốn liếng tri thức của mình cạn quá: tại vì cái đề tài mà chị nhận lời trình bày sang năm ở Collège de France là một trong những vấn đề phức tạp nhất mà khoa học xã hội từ lâu khó làm sáng tỏ. Có ai đồng ý với ai về cái gì là bản sắc? Cái gì là bản sắc của một dân tộc? Cái gì là bản sắc của Việt Nam? Mỗi người mỗi định nghĩa, giới văn hóa định nghĩa, rồi giới chính trị cũng xen vào phá đám, hoặc để kiếm phiếu hoặc để gạt ra một số thành phần của dân tộc, rốt cục bản sắc cứ còn là miếng đất nhiều nghĩa địa nhưng lại thiếu một tấm bia. Tranh cãi về người chết, về quá khứ, về gia tài để lại đã quá mệt, tranh cãi về hiện tại, về cách sống, cách nhìn mình, nhìn người, lại càng vụn vặt, mông lung, biết tìm đâu cốt lõi? Nhưng rồi cũng phải viết thư cho chị dù vô duyên, dù chẳng dám nhân danh khoa học xã hội, cũng chẳng dám nhân danh là người Việt Nam, chỉ nhân danh mình, và nhiều lắm là nhân danh cái cảm tưởng mình giống… chị Phượng, nghĩa là không khác mấy bao nhiêu người Việt Nam khác.
Identité? Lạ thiệt, ai cũng quả quyết có bản sắc. Việt Nam có bản sắc của Việt Nam. Thậm chí mỗi vùng cũng có bản sắc riêng: Huế của tôi có bản sắc của Huế. Hồi mới vào Sài Gòn, câu hỏi đầu tiên mà bà hàng quán hỏi tôi là: “Cậu là thứ mấy?”. Không hiểu. “Cậu sinh ra là con đầu, con thứ hai hay thứ ba?” À ra thế. Và cái tên khai sinh đầu tiên của tôi ở Sài Gòn là “Cậu Hai”. Sao mà miền Nam dễ thương vậy? Ngọt lịm giọng nói. Tự nhiên tình cảm. Bản sắc của người Nam Bộ là tự nhiên cởi mở? Bản sắc của Huế tôi là e dè, khép kín? Nếu tôi miên man như thế thì ngay cả cách kho con cá bống thệ cũng là bản sắc của người Huế, “dừa đủ xài” là bản sắc của người Nam. Nghĩa là mênh mông đại hải, nói mấy cũng không cùng. Nhưng ai dám bảo những chi tiết vụn vặt ấy không phải đích thị là bản sắc? Vậy mà đến khi phải trả lời câu hỏi đâu là những yếu tố cấu tạo thành bản sắc Việt Nam thì đâm ra lúng túng. Chị gợi ý cả trăm chi tiết trong bảng câu hỏi của chị: lịch sử, văn hóa, y phục, ẩm thực, tương quan giữa nam với nữ, giữa con cháu với cha mẹ ông bà, giữa ta với người khác, người khác như là cá nhân, người khác như là xã hội nói chung, người khác như là ngoại kiều, kể cả giữa ta với ta, vì có cái ta sinh lý và cái ta tôn giáo, cái ta luân lý, cái ta đạo đức, ôi chao, mênh mông chi xứ, chưa kể cái ta hiện tại, cái ta tương lai, cái ta quá khứ, mà quá khứ thì xa tít đến tận bà Âu Cơ với ông Lạc Long Quân, tận Tiên với Rồng, tận Trăm trứng, tận truyền thuyết với huyền thoại. Mà phải thế thôi, không có huyền thoại thì lấy đâu làm bản sắc? Làm gì có bản sắc nếu không có ý thức về nguồn cội? Khổ thay, nguồn cội thì thăm thẳm mịt mùng, biết bắt đầu ở đâu ngoài truyền thuyết?
Là người được hân hạnh nhận bảng câu hỏi của chị, tôi bối rối. Bối rối như đã bao lần bối rối trước cái mớ bòng bong của vấn đề định nghĩa. Cho nên tôi chỉ có thể trả lời một cách chủ quan, không dám có tham vọng phân tích. Với tôi, moi móc mình ra để nói về mình hay để phân tích khoa học về bản sắc, đều là trò chơi của trí thức, trò chơi với chính mình mà người ngoài trí thức không dây dưa vào: họ chỉ sống, họ thế nào thì sống thế ây, tự nhiên ứng xử thế ấy trong môi trường quen, thích nghi thế ấy trong môi trường lạ, suy nghĩ làm gì cho lắm chuyện, sống là tranh đấu mà sống, dù phải quên mình đi để sống cho giống người.
Là bởi vì, chị quá biết, ý thức về bản sắc chẳng bao giờ rõ ràng cả để có thể mô tả, phát biểu ra thành lời lẽ phân minh. Ngay cả người Do Thái mà ai cũng tưởng là bất cứ ở đâu họ cũng là Do Thái chính hiệu, hỏi một người Do Thái sống ở Pháp chẳng hạn, thế nào là Do Thái, câu trả lời mà tôi đọc được từ một tác giả uy tín (1) chẳng làm tôi hiểu gì thêm, chỉ thấy vòng vo tam quốc. Định nghĩa theo tiêu chuẩn tôn giáo chăng? Đâu phải người Do Thái nào cũng theo đạo Do Thái, hiếm gì người vô tôn giáo? Một chủng tộc chăng? Liệu hồn, đứng về mặt nhân chủng học, nói như vậy đã sai, đứng về mặt thực tế, nói như vậy là phơi thây cho bọn hậu Hitler nó bắn. Một “cộng đồng riêng biệt” có cùng một quê tổ ở xa? Hình như dân Tàu cũng có cái đặc tính na ná như thế. Rốt cục, tôi được mời quay trở lại với khái niệm “judéité” mà “judéité” được định nghĩa là một tổng hợp những tiêu chuẩn để định nghĩa Do Thái. Nghĩa là lịch sử, tôn giáo, văn hóa, vân vân. Vòng vo như thế nhưng những kẻ ác khẩu, những người bài Do Thái, cứ nói đùa: chỉ ngửi là biết ngay Do Thái. Nếu thế thì tôi cũng có thể vỗ ngực tuyên bố: chỉ cần ngửi tôi thì biết tôi là Việt Nam. Tôi nói câu đó vừa chủ quan, vừa khách quan. Bởi vì, lạ thiệt, vẫn có một cái gì đó ở trong tôi khiến tôi biết về tôi, về thế giới bên ngoài, về thực tế xã hội quanh tôi; vẫn có một cái gì đó khiến tôi không nghi ngờ gì về một sự thật là đâu đó trong tôi đã trót thả neo vào một bến bờ quyến luyến, cột con người của tôi vào cái gia tài văn hóa riêng biệt, rèn luyện cách sống, cách đối đãi với bản thân, với cộng đồng, sống chung, sống với, cay đắng ngọt bùi cùng chia. “Cái gì đó”, trường phái nhân chủng học “culture et personnalité” ở Mỹ – tôi đọc theo tiếng Pháp trong sách Pháp (2) – gọi là “personnalité modale”, tôi hiểu là “nhân cách gốc”, khái niệm mà tôi nghĩ có thể khai thác. “Cái gì đó” khiến tôi thấy tôi không khác chị, mùi Việt Nam nơi tôi thế nào thì nơi chị thế ấy. Bao nhiêu lần, đi giữa đường lạ, nước lạ, tôi chợt thấy có người lân la đến buông thõng một câu lửng lơ, không có chủ từ: “Người Việt Nam hả?”. Ấy là cái mùi đó bốc ra từ cả hai. Dù ở Mỹ, dù ở Âu, dù ở Úc, dù qua trước khi “mất nước”, dù qua sau, dù vượt biên, dù thân Cộng, dù chống Cộng, dù gì gì đi nữa, “cái gì đó” vẫn cứ là “cái gì đó” khi chúng ta đã được nhồi nắn (“xã hội hóa”) trong cùng một cấu trúc xã hội, cùng một môi trường văn hóa.
Tôi vừa động đến vấn đề đa bản sắc của chị trên một sân khấu trong đó có tôi: sân khấu của những người Việt Nam sống xa nước. Hòa nhập vào dòng chảy mới, cái “ta” có thay đổi chăng? Tất nhiên. Cái nhìn về mình, về xã hội xung quanh, về gia đình, về vợ con, về quan niệm đạo đức… có cái gì mà không lung lay? Vậy cái gì là “cái đó” mà tôi còn giữ? Một đôi lần tôi đã thử mò mẫm vào vấn đề, rồi bỏ lửng. Bởi vì tôi không biết tìm cái gì có cùng chung giữa người trong nước và người ngoài nước mà không ai có quyền nói là hai dân tộc khác nhau. Nay chị hỏi nên tôi phải tìm cách trả lời tàm tạm. Tôi thử gỡ cái mớ bòng bong bằng một khái niệm đơn giản, cốt là có cái mốc để tập trung vào vài câu hỏi căn bản mà chị đặt ra. Khái niệm ấy là “kẻ thù”. Không phải tôi muốn giết ai, chỉ là muốn chống lại những gì đe dọa. Tôi nghĩ đến khái niệm này khi nhớ lại bối cảnh ở Mỹ và ở Pháp hồi những năm 1960 và 1980, khi vấn đề bản sắc bỗng được dấy động lên trong xã hội, trong chính trị.
Tại Mỹ, chị còn nhớ, hồi 1960, các nhà xã hội học, như Erving Goffman, bắt đầu áp dụng khái niệm bản sắc vào phụ nữ, vào người da đen, nghĩa là những nhóm nạn nhân của kỳ thị. Xác quyết mình có bản sắc là cách hay nhất để lật ngược lại cái tự tôn của đối thủ, đàn ông hoặc da trắng, phô bày cho họ biết cái hãnh diện là đàn bà, là da đen của mình. Bao giờ cũng vậy, chính lúc cảm nhận bị đe dọa mà một nhóm, một đoàn thể, thấy cần thiết phải củng cố, lắm khi phải cực đoan hóa cái khác biệt của mình đối với các nhóm khác. Thì cũng vậy, hồi những năm 1980, khi nước Pháp cảm thấy bị mất địa vị lãnh đạo, bị suy thoái, mà đảng cực hữu phất lên với chiêu bài chống dân nhập cư, chống dân Hồi giáo.
Vậy thì đâu là “kẻ thù” của bản sắc VN? Đâu là đe dọa? Trăm người như một, ai cũng cảm thấy từ trong máu cái hiểm họa xuyên suốt lịch sử đến từ phương Bắc. Gần đây nhất, tôi nghe dân nói: không chích vắc xin của Tàu, chích vào liệu hồn nó biến mình thành Tàu hết. Chuyện tiếu lâm chỉ kể một nửa, nhưng cứ tìm trong tiếu lâm thì thấy bao nhiêu bản sắc Việt Nam cười tràn trong đó.
Đã nhắc đến lịch sử với ông Tàu, còn ông Tây thì sao? Miễn nói đến xâm lăng, đô hộ, thực dân, vân vân, chỉ nói đến một điểm thôi: chính sách đồng hóa của ông đích thị là “kẻ thù”. Ông nói tổ tiên của chúng ta không phải là Âu Cơ Hồng Bàng vớ vẩn, “nos ancêtres sont les Gaulois”, sông cạn núi mòn, chân lý ấy bất biến. Bản sắc của Việt Nam là hòa mà không đồng, ngàn năm lệ thuộc Tàu mà không thành Tàu, chuyện hy hữu trong lịch sử, có lẽ cái hãnh diện này là phương thuốc giữ nước trường tồn mà tổ tiên để lại cho con cháu. Bởi vậy có lúc tôi lấy làm lo, sợ ông Tây làm giỏi hơn ông Tàu, biến “Cochinchine française” thành Tây thiệt. Năm đầu tôi vô Sài Gòn học, ghi danh ở Đại học Văn khoa, chương trình Pháp, bắt đầu là năm dự bị gọi là Propédeutique, mình thì tiếng Tây lắp bắp, thấy các cô Marie Curie líu lo chuyện trò với nhau như đầm, phong thái như đầm, ăn mặc như đầm, mình hoảng quá, chạy luôn. May quá, ông Tây chỉ ở trăm năm thôi nên Nam Kỳ quốc vẫn là Việt Nam, vọng cổ có Âu hóa với cây ghi ta, sáu câu vẫn ngọt lịm đồng bằng Nam Bộ. Ông Tây tưởng có thể đồng hóa ta với mẫu tự la tinh; ta chuyển cái khí cụ ngoại thuộc ấy thành chữ quốc ngữ chống ngoại thuộc mà giới sĩ phu tân tiến hưởng ứng nhiệt tình.
Từ khái niệm “kẻ thù” ấy, ta tự vấn lương tâm: ta có raciste không, có kỳ thị chủng tộc chăng, có phân biệt màu da? Hồi chiến tranh, có ai chống chiến tranh mà không hát “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn? Ai mà chẳng đau lòng, nhỏ lệ với “Người con gái Việt Nam da vàng”? Màu da bị đe dọa? Phải xem da trắng là đối thủ, là kẻ thù? Tôi nghĩ chàng nhạc sĩ của chúng ta không hề có ý ấy. Bài hát chỉ chống chiến tranh. Chỉ chống ngoại thuộc. Chỉ tiếp nối cái uất ức nô lệ Tây của các sĩ phu ngày trước kêu gọi Á châu vùng lên như Nhật thắng Nga. “Cùng một giống da vàng máu đỏ”, các cụ kêu lên như thế, mà sao ta cam chịu làm kiếp tôi đòi? Từ trong thâm tâm, ta không có cái thù da trắng. Tây thực dân đi rồi, Tây ba lô đến viếng, ta mở rộng cả hai cánh tay. Mỹ đi rồi, Mỹ trở lại thăm vết tích bom đạn, ta “hello! hello! welcome!” Thực tình như vậy. Thêm một điều nữa, nói nhỏ với nhau thôi: mẫu mực thẩm mỹ lý tưởng của phái đẹp chúng ta, chẳng phải cô nàng nào cũng sợ mặt trời làm da mình bớt trắng đó sao?
Thế nhưng, cũng tự hỏi trong thâm tâm, nói vậy mà không phải vậy, e rằng ta cũng raciste đấy. Nơi những người có học, ta yêu văn hóa Tây phương hơn là văn hóa Ả Rập tuy chẳng hề tiếp xúc với văn hóa Ả Rập. Đồng bào định cư của ta ở Mỹ không mấy mặn mà với phong trào chống kỳ thị của người da đen. Thậm chí kỳ thị với cả ông tổng thống vì cái tội không phải da trắng. Ta là con Rồng cháu Tiên, đâu có gần gũi được với “bọn Mễ”, bọn la-ti-nô. Mà cũng lạ, cũng không gần được các ông Tàu, du khách hay đặc khu, dù các ông là da vàng chính hiệu. Thế thì không phải chỉ vì cái màu da, vì nhiều yếu tố khác. Cái cảm tưởng nó khác ta, cái khác ấy đủ để làm ta đặt nó vào vị thế “kẻ thù”, hạ nó xuống.
Còn “kẻ thù” nào nữa chăng? Toàn cầu hóa? Chứ gì nữa! Ngay cả nước Pháp, văn hóa mạnh thế mà vẫn lo bị Mỹ hóa. Sách báo, phim ảnh, truyền thông, nhạc, fast food, ngôn ngữ, franglais, francophonie… những sức mạnh mềm ấy đe dọa làm mất bản sắc ở bất cứ nước nào. Bây giờ, ngay cả Mỹ cũng sợ Tàu, hùng hổ như ông Trump cũng khiếp cái đe dọa của con chuột nhắt Tik Tok. Ấy thế mà Việt Nam ta hình như vẫn nhởn nhơ với phim Tàu, phim Hàn, mọi ảnh hưởng văn hóa, xã hội mà dư luận chung chung cảm thấy ngoại lai. Đe dọa ấy, những người trách nhiệm coi như không, bởi vì không phải chính nó đe dọa mà tại vì cái đe dọa thực sự đến từ chỗ văn hóa, đạo đức của ta suy đồi đến mức mà ai cũng kêu cứu. Khi văn hóa của ta bây giờ không còn cái hồn nữa, thì nói chuyện bản sắc làm gì? Cả thế giới bây giờ đều bị đe doạ bởi cái giả, tin giả, truyền thông giả, trí thức giả, tiến sĩ giả, cả con người cũng giả, không chừng con người sẽ làm nô lệ cho rôbốt, vậy thì có gì lạ khi cái giả mai phục khắp nơi trong cái đầu vô tư của ta? Ta chưa định nghĩa được bản sắc của ta là gì, mà cái giả tràn lan, tín ngưỡng giả, lễ hội giả, thầy bà giả, không chừng “kẻ thù” nó gán toàn cái giả vào bản lai diện mục của ta, khiến ta giả cả với ta, với cả ông Lạc Long Quân.
Từ đó, chị Phượng, tôi buộc lòng phải động đến “kẻ thù” – không phải của Việt Nam đâu nhé, của cả thế giới, nghĩa là thế giới khoa học xã hội, thế giới ấy đặt ra câu hỏi này: “Có phải chính trị định nghĩa bản sắc? Chính trị có quyền định nghĩa bản sắc?”
Chị và tôi, chúng ta đều thuộc nhẵn hai quan niệm khác nhau trong định nghĩa về dân tộc: quan niệm của Pháp đặt trên sự đồng tình tích cực chấp nhận, và quan niệm của Đức đặt trên sự tán dương nguồn gốc. Một bên là hợp đồng thỏa thuận giữa mọi người dân; một bên là linh hồn trừu tượng mà thơ văn hồi thế kỷ 18, 19 ca tụng mê say. Nói theo ngôn ngữ khoa học xã hội ngày nay, một bên là dân tộc mở, một bên là dân tộc khép. Vì lịch sử của ta là trường thiên chống xâm lược, trong thâm tâm của ai dường như cũng có thật một “hồn thiêng đất nước”, một “anh linh dân tộc” luôn luôn chứng giám cho tinh thần bất khuất. Ta đánh giặc thì giỏi nhất thế giới, nhưng ta vãn hồi lòng người, lòng dân để cùng nhau dựng xây thì… hơi bị có vấn đề. Nói trắng ra là cái hợp đồng kia thiếu chữ ký. Thay vì ký, giới trẻ tinh ba ở Việt Nam chỉ lăm le tuôn ra đại học ngoại quốc.
Thay vì ký, chất xám tài năng ở ngoại quốc, nếu quay về thì cũng chỉ bước một chân. Tại sao?
Câu hỏi “tại sao?” ấy khá đau lòng cho người ở xa. Tại sao đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài sợ phải mang thêm quốc tịch Việt Nam dù được mời gọi? Song tịch, đa tịch là chuyện bình thường trên thế giới ngày nay, tại sao không nhận? Tại sao từ chối? Tôi nghĩ không ai từ chối cái bản sắc Việt Nam mà họ nghĩ là mang theo trong người đến khi chết, không ai từ chối quê hương mà họ gắn bó trong lòng. Vậy thì từ chối cái gì? Cái mà họ không muốn ký. Tôi nghĩ: bản sắc là cái mà họ cảm nhận, không phải cái mà họ được cho. Chính trị có quyền cho cái bên ngoài – cái hộ chiếu – ; chính trị không định nghĩa được cái bên trong – cái hồn, cái bản sắc. Huống hồ… huống hồ cái bên ngoài đã là không thật, không thật lòng với nhau, không thật lòng với cái hợp đồng để biến nó thành bản sắc.
Tôi về nước, mang theo cái hộ chiếu Việt Nam mà tôi hãnh diện, bởi vì tôi xem nó như có chứa đựng bản sắc của tôi, tôi trình hải quan, hải quan đóng dấu cho phép tôi ở lại trên quê hương thật của tôi ba tháng, sáu tháng gì đó, ô hay, nghĩ mà xem, hoặc là quê hương kia không thật đối với cái hộ chiếu của tôi, hoặc là cái hộ chiếu kia là không thật đối với quê hương của tôi, tôi lấy cái gì, tôi lấy đâu để phân biệt thật giả? Chỉ lấy chính tôi mà thôi: cái khả năng biết phân biệt thật giả là bản sắc, chỉ tôi biết bản sắc của tôi mà thôi, chính trị biết gì mà cho! Chính trị chỉ cho được một cái mà ngôn ngữ quái thai gọi là… Việt Kiều. Đố chị tìm ra được một giống dân riêng biệt có linh hồn, có “hồn thiêng”, có “anh linh” để gọi là dân tộc Việt Kiều. Chẳng biết cái dân tộc ấy có ký một hợp đồng gì với ai. Hay là… hay là tôi phải là Việt Nam giả để có thể trở về với tổ tiên?
Chị Phượng, chẳng lẽ tôi phải lau nước mắt để viết tiếp thư này? Mà chắc cũng chẳng còn gì để nói thêm ngoài câu định nghĩa bất hủ của Renan: “Dân tộc là một cuộc trưng cầu dân ý mỗi ngày”. Câu định nghĩa duy ý chí ấy nhấn mạnh trên cái yếu tố nòng cốt của một dân tộc: cái ý muốn cùng nhau sống trên cùng một gắn bó với những giá trị căn bản cùng chấp nhận để xây dựng hiện tại và nhắm đến tương lai. Những giá trị căn bản – mà ta gọi là bản sắc – ấy là gì, hãy cùng nhau định nghĩa. Nhưng xin đừng tự mình định nghĩa rồi bắt mọi người cùng theo những chân lý mù mịt, chẳng ai hiểu là cái gì, nhắm đến lợi ích chung hay riêng. Cụ thể, đừng lắp trái tim giả Việt Kiều vào trái tim thật Việt Nam, tim giả thì đập theo giá trị giả, đồng tiền chẳng hạn, biết gì bản sắc mà đập? Bởi vậy, tôi chỉ có một chữ thôi để định nghĩa bản sắc trong tôi: tôi là Việt Nam bởi vì tôi muốn là Việt Nam. Bản sắc là gì? Là gì bản sắc? Là ý muốn. Đành đơn giản như vậy.
Hẹn chị thư sau.
(1) Léon Poliakov, Histoire de l’antisémitisme, Tome III, trích bởi Nelly Gutman, “Être Juif en France en 1982”, trong La France au pluriel? L’Harmattan, 1984, trang 90. (2) Theo Pierre-Jean Simon, La France, diversité culturelle, Présentation, cùng trong sách trên, trang 15. (*) Tôi gởi thêm theo đây hai bài viết của tôi, “Les réfugiés du Sud-Est asiatique en France et aux Etats-Unis, cùng trong sách trên. Và “Une autre idée du loyalisme”, trong Les minorités et leurs droits depuis 1789, L’Harmattan, 1989. Vui vui thì chị đọc chơi bài “Áo dài, nước mắm, hoa sen” của tôi trên mạng. © Thời Đại Mới