Hồi mới qua Úc làm nghiên cứu viên về English linguistics, tôi có đọc một bài với tựa đề “Ai là quan toà trong ngôn ngữ?” Dù bây giờ cũng đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng vấn đề nêu ra trong bài này vẫn còn tiếp diễn.
Hồi xưa khi học văn phạm Anh, ‘It’s me’ được phán là sai, và ‘It’s I’ mới đúng. Tương tự như vậy, ‘Who did you see yesterday?’ là sai, và ‘Whom did you see yesterday?’ là đúng (dựa theo traditional grammar).
Trong một lớp cao học với toàn sinh viên người Úc với tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, tôi có đưa ra hỏi ý kiến họ ‘phán’ xem câu nào ‘đúng sai’, thì tôi rất ngạc nhiên phần lớn, khoảng 80% phán rằng ‘It’s me’ và ‘Who did you see yesterday?’ là chấp nhận được (acceptable) và phổ thông trong quần chúng.
Lúc đầu tôi rất ‘bực mình’ với quyết đoán này, nhưng sau đó tôi mới hiểu được tại sao khi tôi đọc nhiều bài nghiên cứu về sự biến hóa phát triển trong ngôn ngữ loài người. Xã hội và ngôn ngữ rất gắn bó, nếu có sự thay đổi trong xã hội, thì ngôn ngữ cũng vậy thôi, cũng như dòng sông trên cuộc đời, nếu không tin, cứ thử đọc các bài tiếng Anh mấy thế kỷ trước.
Văn phạm từ đâu đến vậy? Lẽ tất nhiên là không phải trên trời rớt xuống, mà do các nhà ngữ học đưa ra sau khi phân tích một cách khoa học dữ liệu ngôn ngữ từ quần chúng. Đây là ‘ngữ pháp mô tả’ (descriptive grammar), khác với ‘ngữ pháp quy định’ (prescriptive grammar, hay traditional grammar) thường phản ánh truyền thống ‘giáo dục cổ truyền’ từ ‘xưa’ để lại. Điều này cũng giống như trong nhân chủng học, hay xã hội học, các nhà xã hội học phân tích và mô tả cơ cấu và hiện tượng xã hội, họ tránh phán đoán ‘xã hội nên thế này này hay nên thế kia’, trừ khi họ theo chủ trương ‘political correctness’ (chuẩn mực chính trị).
Khi dạy học ở đại học Anh, và dự hội nghị ở Nhật, tôi thấy giáo sư Anh và Nhật ăn mặc rất ‘trịnh trọng’ (formal), nhưng ở Úc mình thì có vẻ ‘thoải mái’ (relaxed/casual) hơn nhiều, nhưng không thể nói, người Úc ‘thua’ người Anh và người Nhật trong cách ăn mặc, họ chỉ ‘khác nhau’ thôi. Ở Việt Nam cũng vậy, cách nói chuyện, cách dùng ngôn từ và sáo ngữ (verbosity), cũng như cách ăn mặc của người Bắc, người Trung và người Nam khác biệt, phản ánh xã hội của từng miền.
Tuy vậy, khi thấy mấy bà ăn mặc thanh lịch, nhẹ nhàng kín đáo, như trong chiếc áo dài thướt tha chẳng hạn, thì tâm hồn tôi như “chìm đáy nước cá lừ đừ lặn, lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa.”
GHI CHÚ: Sau đây là nhận xét của anh bạn Viễn Trình
Con gái mình năm nay đang học lớp 12 còn vài tháng nữa là thi tú tài. Trong các môn English học sinh lớp 12 có ba lựa chọn là Mainstream English (viết, phân tích, so sánh các thể loại essays…), English Literature (thích hợp cho hs là mọt sách, thích văn chương sáng tạo, khả năng phân tích hệ xã hội lịch sử của tác phẩm…), English Language (cấu trúc ngôn ngữ tiếng Anh, văn phạm…).
Con gái mình hồi nó học tiểu học rất mê đọc sách và rất có khiếu viết văn những bài văn ngắn cháu viết cô giáo cho là lớn trước tuổi… mình khuyến khích và hy vọng cháu lên trung học sẽ theo học English Literature… thế mà cháu lại chọn English Language! Cũng hay, thỉnh thoảng cha mẹ tranh luận/tranh cãi về khía cạnh văn phạm trong Anh Văn thì lại nhờ cháu làm “trọng tài”! Nhiều lần cháu chỉ phán “ba mẹ ai cũng sai hết!” 🙂
Lắm thứ trên đời này chẳng đúng mà cũng chẳng sai, kiểu như người Bắc gọi là thịt lợn, người Nam gọi là thịt heo vậy, không ai đúng/hay hơn ai, chỉ khác nhau thôi! 🙂
Cuối cùng, cũng xin bắt chước anh Thảo “bẻ lái” bằng một bài thơ nhé!
Em mặc làm chi áo dính da
Dấu chi kỹ quá giữa hai tà
Bướm đời hai cánh son khép kín
Cái của mình mà cũng của người ta!
VT